Giáo Huấn về Năm Đức Tin của ĐTC Benedict XVI, bài 8
“…Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Ðức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu…”
PHẦN 1:
PHẦN 2:
Trong buổi Tiếp Kiến Chung sáng thứ Tư 5-12-2012, Tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư vừa qua, có khoảng 7.000 tín hữu và du khách hành hương tại Rô-ma. Trong diễn từ của mình, ĐTC Benedict XVI đã tiếp tục loạt bài giáo huấn về Năm Đức Tin kỳ thứ 8 với chủ đề: “kế hoạch yêu thương” của Thiên Chúa. Cũng theo cung cách của những bài giáo huấn trước đây, ĐTC bắt đầu triển khai đề tài này bằng cách đào sâu trả lời những câu hỏi xoay bài tụng ca đặt ở đầu thư của thánh Phao-lô gởi tín hữu Ê-phê-xô từ câu 3 đến câu 10. Để giúp đào sâu bài tụng ca này, ĐTC đã nêu lên một vài câu hỏi định hướng: bởi đâu mà Vị Tông Đồ này lại dâng lời tán dương Thiên Chúa tự tận đáy lòng mình như thế? Đâu là mục đích tối hậu của kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa? Đâu là điểm trọng tâm của thánh ý Thiên Chúa? Dưới đây là toàn bộ phần diễn từ của DdwTC Benedict XVI trong buổi Tiếp Kiến Chung vừa qua.
Anh chị em thân mến!
Khởi đầu Thánh Thư gởi tín hữu Ê-phê-xô (x. Ep 1 (3-4), tông đồ Phao-lô đã dâng lên lời nguyện tán dương Thiên Chúa, là Cha của Đức Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Lời tán dương mà chúng ta vừa nghe dẫn chúng ta vào sức sống của Mùa Vọng này, trong bối cảnh Năm Đức Tin. Chủ đề của bài thánh ca chúng tụng này chính là kế hoạch của Thiên Chúa dành cho con người, giống như một “kế hoạch từ ái” (c. 9), nhiệm ý xót thương, và yêu mến, nó được kết tạo bằng những từ ngữ đầy vui sướng, đầy ngỡ ngàng và đầy tâm tình cảm tạ.
Bởi đâu mà Vị Tông Đồ này lại dâng lời tán dương Thiên Chúa tự tận đáy lòng mình như thế? Thưa bởi vì thánh nhân đã nhìn vào hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ. Hoạt động ấy đạt đỉnh điểm nơi cuộc nhập thể, tử nạn và phục sinh của Chúa Giê-su, và bởi vì thánh nhân chiêm ngắm việc Cha trên trời đã chọn chúng ta làm dưỡng tử của Ngài trong Thánh Tử yêu dấu là Đức Giê-su Ki-tô cả trước khi vũ trụ được tạo thành (x. Rm 8,4tt.; Gl 4,4tt). Con người do vậy đã hiện hữu đời đời trong nhiệm ý của Thiên Chúa, một công trình lớn lao mà Chúa Cha đã ấp ủ trong chính Ngài, và quyết thực hiện và mặc khải “khi thời gian đến hồi viên mãn” (x. Ep 1,10). Vì thế mà thánh Phao-lô muốn cho chúng ta hiểu rằng, tất cả mọi thụ tạo, cách riêng là con người, nam cũng như nữ, không phải là hoa trái của chuỗi ngẫu nhiên nào đó, mà chính là hiện thân của một kế hoạch yêu thương trong nhiệm ý đời đời của Thiên Chúa, Đấng mà bằng quyền năng sáng tạo và cứu chuộc của Lời đã ban nguồn cội cho vũ trụ này.
Lời xác quyết đầu tiên này gợi nhắc chúng ta rằng ơn gọi của chúng ta không đơn thuần chỉ tồn tại trong thế giới, là những vật được chèn đặt vào trong lịch sử, và thậm chí cũng chẳng đơn thuần là tạo vật của Thiên Chúa, mà đúng hơn chúng ta là một tạo vật cao cả nhất. Con người là tạo vật mà cả trước khi tạo dựng vũ trụ, đã được Chúa tiền định chọn làm dưỡng tử trong Thánh Tử là Đức Giê-su Ki-tô. Thế nên, nơi Thiên Chúa chúng ta hiện hữu, có thể nói được rằng, Thiên Chúa đã luôn ban tặng cho ta.
Thiên Chúa chiêm ngắm chúng ta nơi Đức Giê-si Ki-tô, chúng ta như những dưỡng tử của Thiên Chúa. “Kế hoạch từ ái” của Thiên Chúa đã được thánh Phao-lô định rõ là “kế hoạch yêu thương”, một “mầu nhiệm” Thánh Ý Thiên Chúa (c. 9). Kế hoạch yêu thương ấy được ẩn giấu, và được tỏ ra nơi Con Người của Đức Ki-tô và hành động của Ngài. Thế nên có thể thấy sáng kiến của Thiên Chúa luôn luôn đi bước trước đối với việc ứng đáp của con người. Sáng kiến ấy là một là quà tặng nhưng không từ tình yêu của Thiên Chúa. Tình Yêu ấp ủ và biến đổi chúng ta.
Thế thì đâu là mục đích tối hậu của kế hoạch nhiệm mầu này? Đâu là điểm trọng tâm của Thánh Ý Thiên Chúa? Thưa, thánh Phao-lô xác định, đó là “…quy tụ muôn loài trong trời đất, dưới quyền một thủ lãnh là Ðức Ki-tô” (c. 10). Trong lối diễn tả này chúng ta tìm thấy một trong những công thức chính yếu của Tân Ước, làm cho chúng ta hiểu được kế hoạch của Thiên Chúa, lĩnh hội được công trình yêu thương của Người dành cho toàn thể nhân loại. Đây cũng là công thức mà thánh I-rê-nê thành Lion (sống vào thế kỷ thứ 2) lấy làm nòng cốt cho nền Ki-tô học của mình, đó là công thức “quy/quần tụ” mọi thực tại vào Đức Ki-tô trung tâm. Vài người trong chúng ta sẽ nhớ lại công thức mà thánh Giáo Hoàng Pi-ô X đã dùng trong Ngày dâng hiến thế giới cho Thánh Tâm Chúa Giê-su, đó là “Instaurare omnia in Christo”, có nghĩa là “tái lập mọi sự trong Chúa Ki-tô”, một công thức được chọn làm khẩu hiệu hiệu triều giáo hoàng của ĐGH Pi-ô X, gợi nhớ đến công thức mà Phao-lô đã dùng trước kia. Về phần mình, thánh Phao-lô đã nói rõ hơn về công thức “quy tụ” vũ trụ vào Đức Ki-tô trung tâm, và điều ấy có nghĩa là: nơi công trình lớn lao của tạo vật và của lịch sử, Đức Ki-tô nhấc mọi vật lên như điểm trọng tâm của toàn bộ hành trình của vũ trụ. Ngài chính là trục chịu lực nâng đỡ tất cả mọi sự, Ngài hút dẫn mọi thực tại về Chính-Mình, thắng vượt mọi sự phân tán, vượt qua mọi giới hạn và dẫn đưa mọi thực tại đến chỗ viên mãn theo thánh ý của Thiên Chúa (x. Ep 1, 23).
Cái “kế hoạch từ ái” này không phải là điều còn nằm trong sự thinh lặng của Thiên Chúa, trong sự vời vợi của trời cao, mà chính Ngài đang thực hiện nó và làm cho nó được biết đến khi bước vào tương quan với con người. Không phải Thiên Chúa đã mặc khải một điều gì khác, mà chính là tự tỏ lộ chính mình. Ngài không thông truyền cho chúng ta một mớ các chân lý, nhưng là tự thông truyền chính mình, đến nỗi tự nhập thể, trở nên một con người ở giữa chúng ta.
Công Đồng Chung Va-ti-ca-nô II, trong Hiến chế Tín lý Dei Verbum (Mặc Khải về Thiên Chúa) đã phát biểu như sau: “Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mặc khải chính mình và tỏ cho con người biết mầu nhiệm thánh ý Ngài (x. Ep 1,9). Nhờ đó loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Ki-tô, Ngôi Lời Nhập Thể trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần bản tính Thiên Chúa” (số 2). Thiên Chúa không chỉ nói điều ấy, mà còn tự truyền đạt, tự kéo chúng ta vào trong thần tính của Ngài. Thiên Chúa mạc khải vĩ nghiệp yêu thương của Ngài, bước vào tương quan với con người, áp sát chúng ta lại với Ngài, sát đến điểm tận là Ngài làm người giữa chúng ta. Công Đồng phát biểu tiếp như sau “trong việc mạc khải này, với tình thương chan chứa của Ngài, Thiên Chúa vô hình (Cl 1,15; 1Tm 1,7) ngỏ lời với con người như với bạn hữu (x. Xac 33,11, Ga 15,14-15). Ngài đối thoại với họ (x. Bar 3,38) để mời gọi và đón nhận họ hiệp nhất với với Ngài” (số 2). Chỉ với trí thông tuệ và khả năng riêng của mình, con người không thể vươn đến mặc khải tình yêu Thiên Chúa quá ư chói sáng đến thế. Chính Thiên Chúa đã mở cửa trời và đã hạ mình thấp xuốn để dẫn dắt con người đến với khung trời tình yêu của Ngài.
Một lần nữa thánh Phao-lô viết cho các tín hữu Cô-rin-tô: “Ðiều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người. Còn chúng ta, chúng ta được Thiên Chúa mặc khải cho, nhờ Thần Khí. Thật vậy, Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa” (1Cr 2,9-10). Thánh Gioan Kim-khẩu, trong một bài chú giải nổi tiếng về đoạn đầu của thư Ê-phê-sô, mời gọi chúng ta chiêm ngắm vẻ đẹp của “kế hoạch từ ái” của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô. Ngài nói: “Anh em còn thiếu điều gì? Anh đã trở nên bất tử, tự do, trở thành con cái và người công chính, trở nên anh chị em, trở nên người đồng thừa tự với vương quyền của Đức Ki-tô, với Đức Ki-tô được vinh quang. Như được viết rằng: Tất cả được trao cho anh em như một món quà, “lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?” (Rm 8,32). Hoa quả đầu mùa của anh em (x. 1 Cr 15,20.23) được các Thiên Thần ca ngợi […]: vậy anh em còn thiếu điều gì nữa?” (PG 62,11).
Sự thông hiệp với Đức Ki-tô ngang qua hoạt động của Chúa Thánh Thần, được Thiên Chúa trao ban cho con người ngang qua ánh sáng của Mạc Khải, không phải là một điều chồng chéo với bản tính nhân loại nơi chúng ta nhưng là một sự viên mãn của nỗi khao khát sâu thẳm nhất nơi con người, đó là nỗi khao khát về cái vô hạn và về sự viên mãn hằng cư ngụ trong sâu thẳm con người, và mở ra cho con người một niềm hạnh phúc không chỉ trong chốc lát và hữu hạn nhưng là một niềm hạnh phúc vĩnh cửu.
Thánh Bonaventura, khi đề cập đến Thiên Chúa là Đấng tự mạc khải và nói với chúng ta ngang qua Kinh Thánh để dẫn chúng ta đến với Ngài, đã khẳng định: “Kinh Thánh là một cuốn sách nơi đó những lời được viết là lời vĩnh cửu bởi lẽ chúng ta không chỉ tin, mà còn sở hữu sự sống vĩnh cửu, một đời sống mà nơi đó chúng ta nhận ra, yêu mến và hiện thực hoá những khao khát của chính mình” (Breviloquium, Prol.; Opera Omnia V, 201s.). Chân Phước Gioan Phaolo II nhắc lại rằng: “Mặc Khải đưa vào lịch sử một điểm qui chiếu mà nơi đó con nguời không thể không biết, nếu muốn thấu hiểu mầu nhiệm cuộc đời của mình; mặt khác, nhận thức ấy cũng luôn luôn qui hướng tới mầu nhiệm Thiên Chúa, mà trí khôn không thể khám phá triệt để và chỉ có thể đón nhận trong đức tin” (Thông điệp Đức Tin Và Lý Trí, số 14).
Trong viễn tượng này thì hoạt động của đức tin là gì? Đó chính là một sự đáp trả của con người trước Mạc Khải của Thiên Chúa, Đấng đã biểu lộ kế hoạch yêu thương của Ngài dành cho con người. Sử dụng ngôn ngữ của thánh Âu-tinh, chúng ta có thể nói đức tin là hành động để cho chính mình bị bắt chộp bởi Chân Lý chính là Thiên Chúa, Đấng là Chân Lý và cũng là Tình Yêu. Vì vậy, thánh Phao-lô nhấn mạnh rằng vì Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta biết mầu nhiệm của ngài, do đó, mạc khải phải được đón nhận bằng đức tin. Phải bày tỏ “sự vâng phục của đức tin” (x. Rm 16,26; Rm 1,5; 2Cor 10,5-6) đối với Thiên Chúa, Đấng mạc khải. Nhờ sự vâng phục đó, “con người phó thác toàn thân cho Thiên Chúa một cách tự do ‘dâng lên Thiên Chúa mạc khải sự quy phục hoàn toàn của lý trí và ý chí’, đồng thời sẵn lòng chấp nhận Mạc Khải Ngài ban cho” (Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải của Thiên Chúa – Dei Verbum, số 5). Vâng phục không phải là một hành động ép buộc, nhưng là một sự ra khỏi chính mình, một sự từ bỏ cái-tôi và đặt nó vào đại dương bao la lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Tất cả điều này dẫn đến một cuộc biến đổi sâu sắc và tận căn trong mối tương quan với toàn thể thực tại. Đó cũng là một cuộc hoán cải đích thực, một sự thay đổi não trạng về Thiên Chúa, Đấng biểu lộ chính mình nơi Đức Ki-tô và chính Ngài làm cho chúng ta biết kế hoạch yêu thương của Ngài. Chính Vị Thiên Chúa này là Đấng đã bắt chộp chúng ta, lôi kéo chúng ta đến với Ngài và giúp cho chúng ta ý thức về sự tồn tại của một sự sống, một nền tảng mà nơi đó chúng ta có thể tìm thấy sự bền vững.
Trong Cựu Ước, chúng ta thấy một diễn tả sâu sắc về đức tin khi Thiên Chúa giao nhiệm vụ cho ngôn sứ I-sai-a, là truyền đạt lời Ngai cho Vua Ahaz. Thiên Chúa nói: “Nếu các ngươi không vững tin, thì các ngươi sẽ không đứng vững” (Is 7,9b). Thế nên, hiện hữu là mối liên hệ chặt chẽ giữa việc “ở lại/trong” (stare) và “hiểu”. Nó là một liên kết diễn tả tốt về đức tin: Đức tin là một sự đón nhận sự sống dưới cái nhìn của Thiên Chúa về thực tại, và đức tin cũng là một sự rời bỏ mình để Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta với Lời của Ngài và các Bí Tích để biết điều gì chúng ta phải làm, con đường nào chúng ta phải theo và phải sống. Đồng thời chúng ta cũng phải hiểu những gì thuộc về Thiên Chúa, nhìn với đôi mắt của Ngài để chúng ta có thể sống một cuộc sống kiên vững, một đời sống cho phép chúng ta “đứng vững” mà không bị quỵ ngã.
Các bạn thân mến, chúng ta đã bắt đầu phụng vụ Mùa Vọng, là thời gian chuẩn bị Mừng Lễ Chúa Giáng Sinh. Mùa vọng đặt trước chúng ta một ánh sáng nhiệm mầu về việc con Thiên Chúa đến. Đây quả là một “kế hoạch từ ái”, vì qua đó, chính Thiên Chúa mong muốn lôi kéo chúng ta đến với Ngài và làm cho chúng ta sống trong sự thông hiệp trọn vẹn, trong niềm vui và bình an với Ngài. Một lần nữa, Mùa Vọng mời gọi chúng ta, giữa muôn vàn khó khăn, hãy làm mới lại niềm xác tín vào sự hiện diện của Thiên Chúa: Ngài đã đi vào thế giới, làm người ở giữa chúng ta để mang đến cho chúng ta sự sung mãn bằng độ yêu của Ngài. Và Thiên Chúa cũng mời gọi ta trở nên dấu chỉ hoạt động của Ngài giữa lòng thế giới. Nhờ đức tin, đức ái và niềm hy vọng của chúng ta, Ngài muốn đi vào thế giới trong một cách thức luôn mới mẻ để chiếu tỏa ánh sáng của Ngài vào đêm tối của ta.
Từ RadioVaticana, 5-12-2012
Thái-Hiệp và Minh-Triệu chuyển ngữ và giới thiệu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét