Internet có thể tạo ra sức ảnh hưởng rất lớn cho một con người “ảo”, cho dù ngoài đời, con người thực không có sức ảnh hưởng cỡ như vậy.
William Shakespeare từng nói: “Chúa đã cho ta một khuôn mặt, ta hãy tạo nên một khuôn mặt cho chính mình.”
Ngày nay, có thể nói mạng Internet đã tạo cơ hội để con người có nhiều hơn một khuôn mặt.
Chưa có thời kỳ nào khuôn mặt con người lại đa dạng đến thế. Còn hơn cả một khuôn mặt, thế giới ảo giúp con người có một cuộc sống khác, như thể một sinh mạng thứ hai. Ở đó, họ dễ dàng hành xử như một người vô danh, hoặc bỗng nhiên nhờ vào thế giới ảo mà trở thành nổi tiếng. Internet có thể tạo ra sức ảnh hưởng rất lớn cho một con người “ảo”, cho dù ngoài đời, con người thực không có sức ảnh hưởng cỡ như vậy, nếu chỉ căn cứ vào nhận thức, học vấn, địa vị xã hội, thậm chí là đức độ của bản thân.
Khuôn mặt ảo, được tạo ra đa phần là khá nhanh chóng và dễ dàng, thông thường là với “chi phí” rẻ hơn phẫu thuật thẩm mỹ, cách cải thiện ngoại hình đang rất thịnh hành ở Hàn Quốc. Cũng vì chi phí rẻ và khả năng tạo ra quyền lực ảo lớn lao bằng những cách khác nhau, người ta dần dần đến với những khuôn mặt ảo với một nhu cầu thực – trở thành một con người khác trên mạng, một sinh mạng thứ hai. Điều đáng lưu ý là sinh mạng ấy nhiều khi được nuôi dưỡng với những tính cách có phần khác biệt với sinh mạng gốc, ít nhất là ở vẻ bề ngoài.
Game và nhân vật ảo
Game (trò chơi điện tử) ngày nay đã trở thành một thành phần không thể thiếu của thế giới giải trí ở Việt Nam. Không ngạc nhiên, khi người Việt ngày càng ít vận động trong sự bùng nổ của phương tiện giao thông cự ly ngắn tiêu biểu là xe máy, cùng quá trình đô thị hoá vũ bão làm tác nhân cho sự thu hẹp không gian công cộng.
Ít trò chơi và không gian thể dục thể thao, người ta tìm đến Game để thoả mãn nhu cầu vận động cả thể chất lẫn tư duy. Từ những trò chơi “đồ cổ” như Mario cứu công chúa, game bày trận kiểu “đế chế”, tới đỉnh cao thể loại nhập vai như Võ Lâm Truyền Kỳ, game cung cấp một ảo giác cho bất kỳ ai muốn trở thành “người hùng” trong chốt lát, hoặc thậm chí ngày qua ngày.
Trong game, vị nguyên soái chỉ huy cả đạo quân vây hãm thành Rome có khi ngoài đời chỉ là một cậu bé gày gò, cận thị nặng, mặt xanh vì thiếu ăn thiếu ngủ. Một anh chàng thô kệch nào đó có thể “nhập vai” một đội tuyển toàn nghệ sĩ sân cỏ như Brazil.
Với sự cực thịnh của game online, các game thủ quyết chiến với nhau qua mạng Internet, nuôi quân, luyện công, mua bán vũ khí, bảo bối, giúp cho nhân vật mình thủ vai có những quyền năng mà chính chủ nhân trong cuộc sống thực không thể chiếm hữu.
Khi những trận chiến này diễn ra, có thể quan sát một hiện tượng phổ biến, đó là ngôn ngữ đường phố, “nặng đô” hơn, là ngôn ngữ thô tục được phát ra tràn lan cả trong và ngoài màn hình.
Blog và Vlog
Quan sát thêm, ta cũng thấy ngôn ngữ thô tục, một hình thức thể hiện bản năng, còn phổ biến cả trong Blog và dạng nhật ký cá nhân đời mới là Vlog (dạng blog bằng video).
Gần đây, có chuyện một vị giáo sư nêu lên một khuyến nghị về việc thay đổi lịch ăn Tết khoa học hơn, sao cho hài hoà tập tục cổ truyền với nhịp sống và làm việc của thế giới, ngõ hầu cải thiện năng suất lao động của đất nước. Hay dở ra sao chưa rõ, nhưng thế giới ảo đã nóng bỏng câu chuyện này từ những phản biện trên blog cá nhân cho tới các diễn đàn và mạng xã hội. Thậm chí có du học sinh nọ còn dấy lên làn sóng nhạo báng nhắm vào đề xuất và người đề xuất đó với clip vlog riêng của mình, với một phong cách được những người đua nhau còm-men ủng hộ coi là tự nhiên, tinh nghịch và cách đối thoại ngang vai bốp chát với một nhà giáo dục trọng tuổi có nhiều cống hiến.
Cứ như thể, ý kiến một blogger, hoặc vlogger có ít nhiều ảnh hưởng về một sự việc nào đó, tạo ra cơ hội nửa hư nửa thực biến một người không có thành tựu hay công trình trở nên có “vai vế”, dù rằng mới chỉ ở trên thế giới ảo.
“Phây” (facebook) và mạng xã hội
“Phây” đã trở thành mạng xã hội tiêu biểu ở Việt Nam, tới mức việc không có Phây đối với nhiều người đã được xem như một điều bất thường.
Trên một trang nửa nhật ký nửa kết nối xã hội như “Phây”, không thiếu các thuật ngữ mạng như f**k, vkl, cmn… Những từ ngữ với nội hàm dù nhằm vào ai, cũng khó thấy thanh tâm, trừ phi phải là người trơ lì, thích nghe, thích nhìn thấy những lời lẽ thô tục.
Không phải tự nhiên mà Nhà giáo Văn Như Cương cách tân câu nói nổi tiếng của Thi hào Goethe đi một chút: “Nhìn vào Facebook của bạn, tôi có thể biết bạn là người như thế nào.” Cũng không phải tự nhiên mà theo nhiều hãng chuyên săn đầu người, “Phây” là một trong những nguồn thông tin tham khảo quý báu để họ tìm hiểu khi tuyển dụng nhân sự.
Hai sinh mạng, một con người
Trong “Câu chuyện kỳ lạ về Bác sĩ Jekyll và ông Hyde”, độc giả có thể thấy chính mình trong nhân vật của câu chuyện, tuy một mà hai. Ban ngày, nhân vật đó có thể là người được trọng vọng như Bác sĩ Jekyll. Ban đêm, đại diện cho sự xấu xa trong bản tính của con người, trong hình hài ông Hyde, được dịp trỗi dậy tung hoành.
Những thể nghiệm bản ngã khác nhau trong thời đại Internet, dường như phản ánh câu chuyện đã trở nên cổ điển về Jekyll và Hyde. Chỉ khác rằng, nếu ngày xưa gã Hyde kia chỉ dám len lén ra ngoài vào ban đêm, thì ngày nay, gã đã có thể xuất hiện ở bất kỳ nơi đâu, bất kể thời gian, với thân phận được giấu kín trên các trang mạng. Ở đó, một người đàn ông đạo mạo có thể là một gã “chăn rau sạch”. Một hot girl xinh xẻo mặt búng ra sữa rất có thể đang thản nhiên “phây” chuyện mình chửi bới người thân hay thầy cô giáo.
Xét cho cùng, con người vẫn là chính họ, dù những khuôn mặt ảo được dựng lên có biểu hiện khác nhau trên thế giới mạng. Có điều, thế giới ấy mở ra khả năng kích thích những bản ngã đối lập tiến tới những đỉnh cực đoan mà không phải ai cũng có khả năng chế ngự chúng. Khi sống lâu trong một môi trường đầy nhu cầu và bản năng, cho phép mình làm những điều mình không dám nói và làm ngoài đời thực, ai biết được một ngày kia “sinh mạng thứ hai” sẽ nổi lên chiếm phần lớn nhất trong con người của sinh mạng thứ nhất.
Nguyên Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét