Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

Giáo dục con cái thật khó biết bao!

Giáo dục con cái thật khó biết bao! Đó là lời than phiền của 81% các bậc cha mẹ ở nước Mỹ (Reader Digest, June,1998); và tại thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày một nhiều hơn những ca tư vấn về giáo dục con cái.
Tôi rất cảm phục những bậc cha mẹ đã biết quan tâm đến con cái ngay từ khi con mới là bào thai trong dạ mẹ: “Chúng tôi mới cưới nhau, và được tin đã có thai, chúng tôi cần những điều kiện gì để có đứa con đầu lòng khoẻ đẹp thông minh và ngoan ngoãn?” Bên cạnh đó, tôi cũng đã đồng hành với nỗi lo âu, khổ tâm của một số cha mẹ đang phải đối diện với những người con gây vấn đề trong gia đình và ngoài xã hội:
-  Cháu mới có 2 năm rưỡi nhưng rất khó bảo, cháu thích làm theo ý mình và tỏ ra không cần tới ba mẹ.
-  Cháu 8 tuổi, học lớp 3, ở trong lớp thì nói chuyện quậy phá chúng bạn, về nhà không chịu học bài cứ gây rối cho mọi người.
- Cháu 14 tuổi học lớp 8 coi trọng bạn bè hơn ba mẹ. Gần đây, cháu hay trốn học và có những lời nói vô lễ.
- Cháu 17 tuổi học lớp 11, là đứa con được cưng chiều nhiều nhất trong gia đình. Nhưng sau khi gia đình mất đồ nhiều lần, tôi mới phát hiện ra cháu đã ăn cắp để hút hêrôin. Hiện nay cháu đã bán cả chiếc xe Honda tôi mới mua cho cháu đi học nữa.
Sau những lời than phiền, câu hỏi cuối cùng của những ca tư vấn luôn là: “Tôi phải dùng biện pháp mạnh hay phải dỗ dành cháu thế nào? Xin cho tôi một lời hướng dẫn cụ thể?” Tuy nhiên, theo các nhà tâm lý giáo dục thì việc giáo dục con cái không phải “một sớm một chày” mà là một công việc phải đầu tư suốt cả cuộc đời. Một nhà giáo dục đã nói: cần giáo dục 20 năm trước khi đứa con chào đời và việc giáo dục càng sớm càng tốt. Nhưng việc giáo dục cũng không bao giờ trễ; trong tình thương và thiện chí cha mẹ luôn mở ra được những cơ hội để cảm hóa con cái và giúp chúng phục thiện.
Đối với tôi trong mỗi ca tư vấn, trước khi đề nghị giải pháp tôi thường hỏi và lắng nghe về quá trình sống của cháu trong gia đình; sau đó cùng với các bậc cha mẹ đi tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
I. NGUYÊN NHÂN
Trong kinh nghiệm tư vấn, lắng nghe và tiếp cận, tôi nhận thấy những nguyên nhân chính yếu trong việc giáo dục con cái của các gia đình thường xoay quanh những bế tắc sau đây:
1. Cha mẹ thiếu hiểu biết về tâm sinh lý của con
Cha mẹ thiếu hiểu biết về sự thay đổi tâm sinh lý của con trong mỗi lứa tuổi nên đã quá hoảng sợ. Đặc biệt trẻ em ngày nay, nền văn hóa nhân bản hiện đại luôn khuyến khích nhu cầu tự khẳng định, nên ngay từ 3 tuổi đứa bé đã biểu hiện khuynh hướng muốn được làm theo ý mình. Lúc này ba mẹ cần dành thời gian gần gũi hướng dẫn con qua những lời khuyến khích, giải thích với thái độ quí yêu hơn là la mắng, sửa phạt nặng lời.
 2. Trẻ em bị sống cô lập sớm quá
Khi cả 2 cha mẹ cùng đi làm, sau giờ làm việc tại công sở, người cha thường có thú tiêu khiển riêng, người mẹ lo làm công việc nhà; có người còn phải đi học thêm để đáp ứng nghiệp vụ nên họ còn rất ít thời gian dành cho con, có khi về tới nhà thì con đã đi ngủ rồi. Để đấu tranh cho quyền lợi được yêu thương của mình, lúc đầu cháu dùng tiếng khóc để phản ứng như lời van xin được ba mẹ hiện diện bên mình. Khi nhu cầu tình cảm không được đáp ứng, cháu cũng quen dần nhưng thể hiện sự phản đối ngược lại là tự tách ra sống cô lập bằng  thái độ hờn dỗi đau đớn. Nếu gia đình không phát hiện ra sớm, cháu sẽ cảm thấy không cần tới ba mẹ và không thích nghe lời ba mẹ nữa. Có nhiều cha mẹ tự nhận ra sự thiếu sót của mình nên đã bù đắp cho con nhiều đồ chơi hay quà bánh, nhưng cháu vẫn phản ứng để được chính ba mẹ quan tâm. Lúc này chỉ có tình yêu thương mới chữa lành được mặc cảm của cháu.
3. Trẻ em thiếu tình thương và sự huấn luyện
Theo phân tích trên, trẻ sống cô lập vì  ít được gần gũi ba mẹ, rồi thái độ tự  khẳng định được nuông chiều hay thiếu hướng dẫn cũng sẽ đưa trẻ từ ngộ nhận đến sai lầm. Khi đó vì thiếu thời gian nên ba mẹ thường dùng biện pháp mạnh để đối phó hơn là nhìn lại sinh hoạt của gia đình và thái độ của mình để khắc phục. Trường hợp này trẻ chuyển sang mặc cảm là bị ghét, chúng tìm cách tránh né và không muốn nghe những lời khuyên dậy, không muốn ở trong gia đình nữa.
4. Môi trường xã hội nhiều thách đố
Tình cảm của trẻ em phát triển theo lứa tuổi. Trẻ em từ cấp I trở lên đều có nhu cầu gần gũi bạn bè. Nếu trẻ không cảm nhận được tình thương nơi gia đình, chúng sẽ tin tưởng vào bạn bè hơn ba mẹ. Một số không nhỏ trẻ em cùng số phận gặp nhau kết thành nhóm bạn bao bọc lấy nhau rất thân thiết. Nếu chúng gặp phải một bạn hướng dẫn đã rơi vào tệ nạn xã hội thì chúng khó lòng thoát khỏi lối bước của đàn anh.
II. GIẢI PHÁP
Sau khi tìm hiểu nguyên nhân, các bậc cha mẹ đã cùng tôi chọn lựa những giải pháp khắc phục như:
1. Cần dành thời gian cho con
Cha mẹ nên sắp xếp để có được những bữa cơm tối thân mật vì đó là thời gian thuận lợi nhất trong ngày cho cả gia đình ở bên nhau. Cha mẹ nên đọc sách cho con nghe hay cùng đọc sách với con. Có thể thảo luận với cháu về một cuốn sách nào đó. Cha mẹ nên chọn những chương trình TV thích hợp để có thể cùng xem và trao đổi với con: Con nghĩ  gì về điều con vừa thấy trong màn chiếu? Thời gian ở bên con sẽ giúp cha mẹ có thể lắng nghe được ý kiến của con của mình. Thực ra, nếu cha mẹ dùng thời gian buổi tối ngồi bên con cái khi chúng đọc sách hay chơi vi tính thì tốt hơn là mất 1 – 2 giờ dẫn con đi mua đồ chơi hoặc đi xem phim vào ngày thứ Bảy hay Chủ nhật.
2.  Thể hiện tình yêu thương cụ thể
Trẻ em nhận ra chúng được yêu thương khi được gần gũi trao đổi và được lắng nghe. Cha mẹ có thể đánh thức con dậy bằng nụ hôn và thường xuyên ôm và hôn con cả khi chúng đã lớn. Cha mẹ có thể chia sẻ về những ưu điểm và cả những nỗi sợ hãi của mình để chúng nhận ra rằng những khiếm khuyết của chúng hiện nay là của chung mọi người. Cha mẹ cần chú ý: thái độ mệt mỏi, khó chịu và buồn rầu của chúng là cách chúng nói với cha mẹ. Hãy nhìn và lắng nghe.
3. Huấn luyện hằng ngày với tình yêu thương
Cho dù trẻ em có hằng trăm sự giận dữ, ngang ngược từ khi còn chập chững cho đến tuổi thiếu niên, nhưng ngay lúc đó cha mẹ vẫn thi hành trách nhiệm kiên quyết, với tình yêu thích hợp thì vấn đề vẫn trở nên tốt hơn. Nhiều cha mẹ cho phép con dễ dãi quá vô tình lại trở thành nhu nhược. Điều cần thiết cho sự phát triển lành mạnh của con không phải chỉ là nói “được”, nhưng đôi khi phải biết nói “không” với chúng. Khi cha mẹ nhượng bộ sự nhõng nhẽo làm reo của chúng, chúng sẽ tự hiểu thông điệp: “Cứ làm rùm beng đi con sẽ đạt được điều con muốn.” Trái lại nếu cha mẹ dùng phương pháp đánh đòn, chúng sẽ nghĩ: “Bạo lực là cách để giải quyết vấn đề”. Whitham nói: những trẻ em ở gia đình bị đánh đòn, chúng thường hay đánh những trẻ khác ở trường; và rồi nó sẽ đánh vợ, đánh chồng nó sau này.
4. Con cái phải là ưu tiên số một
Khi trẻ biết nó được yêu chỉ vì nó là con chứ không phải vì nó làm được gì tốt, nó sẽ luôn được bình an, thông minh học giỏi và trở nên hữu ích hơn. Nếu những quyết định của cha mẹ luôn nghiêng về con cái trước những chỉ tiêu buôn bán hay giải trí thì mọi cái khác cũng sẽ ổn định.
THAY LỜI KẾT
Giáo dục con cái thật khó biết bao! Nơi gia đình – mái trường thân yêu, cha mẹ chính là những thày cô giáo đầu tiên hình thành nhân cách và định hướng tương lai cho mỗi người con của mình. Trách nhiệm của cha mẹ thật sự quan trọng và không ai có thể thay thế được. Điều này cần có một chương trình chuẩn bị cho các bạn trẻ sắp bước vào đời sống gia đình biết được thế nào là trách nhiệm làm cha mẹ. Trong xã hội cũng như  Giáo Hội, các bậc làm cha mẹ cần được học hiểu những điểm cốt yếu về tâm lý lứa tuổi, nghệ thuật nuôi dưỡng tình yêu; trong đó cần dành thời gian thể hiện tình yêu với con cái một cách cụ thể. Đồng thời, cha mẹ luôn cần có sự khôn ngoan để ưu tiên chọn lựa bầu khí bình an và vui tươi trong gia đình hơn mọi kế hoạch và dự phóng khác về kinh tế và quyền lực. Đó chính là điểm tựa tình yêu và phẩm cách cao đẹp để tạo nên uy tín của cha mẹ trong việc huấn luyện con cái biết định hướng giá trị trong thế giới toàn cầu hóa, đan xen giữa tiến bộ và tha hóa, giữa ánh sáng và bóng tối hiện nay.
Sr. Têrêsa Phạm Thị Oanh

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....