Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

Nước Mỹ dưới mắt một Tổng giám mục Công Giáo Hoa Kỳ

Đức cha Charles Joseph Chaput, O.F.M. Cap., sinh năm 1944, trong một gia đình cha là dòng dõi thánh vương Louis IX của Pháp, mẹ là thổ dân Mỹ thuộc bộ lạc Potowatomi ở Concordia, Kansas, hiện là Tổng Giám Mục Philadelphia, sau khi làm Tổng Giám Mục Denver 14 năm (1997-2011). Ngài là người thổ dân Mỹ thứ hai được phong giám mục và là người đầu tiên được phong tổng giám mục. Tên của ngài, Pietasa, trong ngôn ngữ Potawatomi, có nghĩa là ngọn gió làm xào xạc lá cây. Quả là một cái tên xứng với ngài, vì dù là một tu sĩ Capuchin, ngài nổi tiếng là người ăn nói bộc trực.
Ngài nói về nhiều vấn đề quan trọng và có tính gây tranh luận, đôi khi không cùng quan điểm với Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, như vụ ngài chỉ trích quan điểm thiện cảm của Hội Đồng này trong bài duyệt cuốn phim The Golden Compass. Vì lời chỉ trích đó, bài duyệt phim kia đã được lấy khỏi trang mạng của Hội Đồng.

Nhất là về sự sống, quan điểm của Đức Cha Chaput hết sức dứt khoát và nhất quán. Năm 2004, ngài dõng dạc tuyên bố rằng những ai bỏ phiếu cho John Kerry, một người công khai phò phá thai, đều đã “cộng tác với sự ác” và do đó, cần đi xưng tội. Với Obama, ngài cho rằng ông ta đang cố gắng che đậy thành tích phò phá thai bằng chiêu bài mầu hồng “đoàn kết, hy vọng và thay đổi”. Ông ta chỉ được bầu ra để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế, chứ không để mài tái lên khuôn nền văn hóa Hoa Kỳ trong các vấn đề như hôn nhân và gia đình, tính dục, đạo đức sinh học, tôn giáo trong đời sống công cộng và phá thai.

Dĩ nhiên, Đức Cha Chaput cực lực phản đối hôn nhân đồng tính và không ủng hộ việc các cặp đồng tính nhận con nuôi. Hôn nhân phải là tình yêu chung thủy giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Con cái phải được mục kích tình yêu ấy nơi cha mẹ chúng, một tình yêu, hai người đồng tính không thể nào có được. Chính vì thế, ngài lớn tiếng ủng hộ quyết định của Trường Công Giáo Boulder không cho “con cái” của các cặp đồng tính ghi danh, trong khi nhận cho con cái các vợ chồng không có tín ngưỡng, con cái những người độc thân hay đã ly dị được phép ghi danh.

Về chính trị, trong cuốn sách của mình tựa là Render Unto Caesar: Serving the Nation by Living Our Catholic Beliefs in Political Life, Đức Cha Chaput khuyến khích người Công Giáo đảm nhiệm “một vai trò tích cực hơn, lớn tiếng hơn và nhất quán hơn về luân lý”, cho rằng không thể phân rẽ xác tín tư khỏi hành động công mà không làm thiệt hại đến cả hai thực tại này. Thay vì yêu cầu công dân để qua một bên các niềm tin tôn giáo và luân lý của họ để phục vụ chính sách công, Đức Cha Chaput cho rằng nền dân chủ Mỹ tùy thuộc hoàn toàn vào một đoàn công dân có tinh thần dấn thân, kể cả các tín hữu tôn giáo.

Một trái tim bốc lửa

Cuối tháng Ba năm nay, Đức Cha Chaput cho công bố cuốn “A Heart on Fire: Catholic Witness and the Next America” dưới hình thức Ebook. Trong một bài phỏng vấn của Hãng Tin Catholic News Agency ngày 16 tháng Tư về cuốn sách này, ngài cho rằng Hoa Kỳ đang có khuynh hướng chống lại tự do tôn giáo. Chỉ thị ngừa thai mới đây chính là khuôn mẫu cho các cuộc tấn công vào tự do tôn giáo tại Hoa Kỳ. Các cuộc tấn công này đang biến nước Mỹ thành một nước thù nghịch đối với tôn giáo nói chung và đối với Công Giáo nói riêng. “Dễ tưởng tượng thấy ngày, tại quốc gia này, các ‘quyền’ tính dục và sinh sản sẽ vượt lên trên các quyền lương tâm và tự do tôn giáo”.

Thực ra cuốn “Một Trái Tim Bốc Lửa” đã được Đức Cha Chaput hoàn thành từ hồi tháng 11 năm ngoái, lúc cuộc tranh luận về chỉ thị của Bộ Y Tế Và Dịch Vụ Nhân Bản chưa lên tới cao độ, nhưng theo ngài, các cuộc tấn công vào tự do tôn giáo vốn đã âm ỉ từ lâu. “Tôn giáo bị áp lực tại nơi công cộng vì niềm tin tôn giáo cổ truyền, và nền luân lý từ đó phát sinh ra, bị coi là trở ngại cho mô hình sinh hoạt Mỹ rất khác và có tính thế tục hung hãn”. Bởi thế, trong cuốn sách của mình, ngài tiên đoán rằng tự do tôn giáo sẽ là “một trong các vấn đề chủ chốt thách thức các Kitô hữu trong thập niên tới”. Đối với Ngài, trải nghiệm của Mỹ về tự do tôn giáo khó có thể tồn tại ngay tại Mỹ, chứ đừng nói là dùng nó làm mô hình cho các quốc gia khác trong tương lai. Lý do là vì nhiều nhà lãnh đạo Mỹ không còn coi niềm tin tôn giáo là sức mạnh lành mạnh nữa, dù các định chế và các giá trị Mỹ đều phát sinh từ quan điểm tôn giáo. Ngài kêu gọi người Công Giáo làm chứng cho niềm tin của mình ở nơi công cộng, một điều được ngài gọi là “nghĩa vụ Tin Mừng”.
Về cuốn “Một Trái Tim Bốc Lửa”, Đức Cha Chaput cho rằng khởi đầu, ngài tính dùng nó làm lời nói đầu mới cho cuốn “Render Unto Caesar” in năm 2008 của ngài. Nhưng sau đó, ngài quyết định công bố nó dưới hình thức Ebook, để đến với độc giả nhanh chóng hơn. Tựa đề của cuốn sách là một thỏa hiệp giữa ngài và nhà xuất bản. Thoạt đầu, ngài muốn có tựa đề “Lửa Ném Vào Thế Gian” như câu Luca 12:49, nhưng nhà xuất bản Image, một phân bộ của Random House, Inc. New York, cho là quá mạnh. Tuy nhiên, tựa đề kia vẫn phản ảnh ước muốn của Chúa Giêsu được thấy các môn đệ “cháy lửa tình yêu Chúa” và “nhiệt thành chinh phục các linh hồn và làm thế gian nên thánh thiện”. Theo Đức Tổng Giám Mục, niềm tin Kitô giáo sống động không bao giờ sống yên ổn với thế gian; đức tin nguội lạnh đôi khi còn tệ hơn là không có đức tin, vì nó khiến ta lầm tưởng là mình thuận hảo với Thiên Chúa.

Tự do tôn giáo và tự do báo chí

Theo Đức TGM Chaput, tự do tôn giáo và tự do báo chí là hai cột trụ chính yếu nâng đỡ bản sắc quốc gia Hoa Kỳ. Nhưng cách nay hơn 60 năm, nhà văn George Orwell đã nhận thấy một hiện tượng lạ lẫm đang xuất hiện trong nền báo chí hiện đại: đó là việc sói mòn của chính tự do tư tưởng và tự do phát biểu, vốn là nét đặt trưng của các xã hội dân chủ (1).

Ngày nay, nhận định của Orwell càng đúng hơn nữa đối với cung cách của giới truyền thông tin tức và giải trí Hoa Kỳ. Trong thực tế, một khung bộ tư tưởng mới đang qui định ý nghĩ nào đáng chấp nhận, ý nghĩ nào không đáng chấp nhận trong sinh hoạt công cộng. Cái khung tư tưởng được coi là chính thống ấy ảnh hưởng đến cả việc lựa tin và cách trình bày chúng. Nó cho người ta hay ý kiến nào thích đáng và ý kiến nào không nên nghe. Và nó không hề khoan nhượng trong phạm vi này. Trong cốt lõi, nó bao gồm một loạt các giả định sẵn có về mục tiêu của chính phủ, ý nghĩa của hôn nhân, gia đình, và tính dục. Loạt giả định này hoàn toàn khác với các truyền thống suy nghĩ trước đây của Hoa Kỳ.

Không chỗ nào, cái khung tư tưởng ấy rõ ràng hơn là trong cung cách giới truyền thông tin tức cư xử đối với tôn giáo. Theo lịch sử, niềm tin tôn giáo vốn đóng một vai trò lớn lao và tích cực trong việc lên khuôn đời sống công của Hoa Kỳ. Nhưng ngày nay, khi đề cập tới tôn giáo, người ta thấy báo chí nghèo nàn trong cung cách tường thuật, thiếu hiểu biết đề tài trình bày, và ngầm cho thấy một niềm thù ghét các tín hữu và các xác tín của họ.

Báo chí vốn được coi là “nghề hiểu biết” và là một nghề quan trọng. Và ai cũng biết nền dân chủ Mỹ tùy thuộc các công dân có hiểu biết và thông minh. Nhưng tiếc thay, việc làm của các nhà báo hiện nay chứng tỏ họ không biết mình, không hề phê phán chính mình. Từ tờ New York Times cho tới những tờ báo nhỏ ở địa phương, tất cả đều có những khung tư tưởng định sẵn, tuy không nói ra, đều có những phù phiếm, những thiên kiến riêng và nhiều mục tiêu để khinh ghét.

Khi những đặc điểm trên không bị nhận dạng và sửa chữa, chúng sẽ phá hoại đời sống công vì chúng làm thui chột việc trình bày sự việc cách trung thực (2).

Như Thánh Kinh từng nhắc nhở, chỉ có sự thật mới giải thoát ta. Nhưng sự thật của hoàn cảnh và những gì ta thấy ngày nay trong giới truyền thông tin tức thật rất khác xa nhau. Trong tư cách công dân đi tìm sự thật, thiển nghĩ ta cần buộc giới truyền thông tin tức phải áp dụng cho chính họ cùng một tiêu chuẩn khắt khe, có tính phê phán, như họ từng đòi hỏi nơi người khác. Hiện nay, dường như ta đang quên điều đó, nhất là trong năm bầu cử này. Quả là điều nguy hiểm.

Phía chính quyền

Có người cho rằng muốn hiểu được nước Mỹ, người ta không cần phải đọc Tuyên Ngôn Độc Lập hay Hiến Pháp Hoa Kỳ, mà nên đọc The Pilgrim’s Progress của John Bunyan và The Celestial Railroad của Nathaniel Hawthorne. Sách của Bunyan nói về các loại suy tôn giáo vĩ đại của lịch sử. Theo ông, chính lòng thèm khát Thiên Chúa đã thúc đẩy những nhà khai khẩn đầu tiên của Hoa Kỳ và tạo nên gốc rễ cho xứ sở này. Sách của Hawthorne, trái lại, là một trong những tác phẩm châm biếm vào hàng đầu của nền văn chương Hoa Kỳ. Ông cũng dựa vào các loại suy của Bunyan nhưng thuật lại cuộc hành trình hướng thượng của con người dưới lăng kính giả hình Mỹ, tức các thèm khát tiện nghi, các giải đáp dễ dãi, các điều chỉnh vội vàng, thành quả vật chất, và lòng đạo giả hiệu.

Bunyan và Hawthorne sống ở hai lục địa khác nhau, lại cách nhau hơn hai trăm năm. Nhưng họ có chung một điểm: tuy một người là tín hữu một người là kẻ hoài nghi, nhưng cả hai cùng sống trong một thế giới chịu ảnh hưởng sâu đậm của tư duy, niềm tin và ngôn ngữ Kitô Giáo, một không gian tinh thần từng thai nghén ra Hiệp Chúng Quốc. Hợp lại, họ quả đã nắm bắt được sự phân lập sâu thẳm (deep split) trong nhân cách Mỹ, một dân tộc trong đó niềm tin và chủ nghĩa hoài nghi, nhiệm nhặt và buông thả cùng sống vui vẻ trong một quảng trường.

Giới lãnh đạo quốc gia trong năm 2012 tỏ ra câm điếc đối với các vấn đề tự do tôn giáo ở ngoại quốc và không chịu tiếp nhận, đúng hơn phải nói là thù nghịch, đối với sự dấn thân của các tôn giáo vào việc công tại quốc nội. Điều này đi ngược lại lịch sử Hoa Kỳ. Những năm sau này, tình thế chắc chắn cũng sẽ không có gì thay đổi. Điều oái oăm là: bất chấp các lý tưởng đã được công bố, tự do tôn giáo sẽ là một trong các vấn đề chính mà Kitô Hữu sẽ phải đương đầu trong thập niên tới, không phải trên thế giới mà là ngay tại chính quê nhà này.

Đức GH Bênêđíctô XVI từng lớn tiếng bày tỏ quan tâm đối với việc “bách hại, kỳ thị, các hành vi bạo lực khủng khiếp và bất khoan dung tôn giáo” (3) đang xẩy ra khắp nơi trên thế giới. Qủa ta đang giáp mặt với cuộc khủng hoảng hoàn cầu về tự do tôn giáo. Các nhóm thiểu số Kitô Giáo tại Phi Châu và Á Châu hiện đang phải chịu phần lớn cơn bạo lực tôn giáo. Nhưng Kitô hữu không phải là các nạn nhân duy nhất. Gần 70 phần trăm dân số thế giới đang sống trong các chế độ hà khắc đối với tôn giáo (4). Và ngay tại các nước dân chủ phát triển, tự do tôn giáo cũng đang càng ngày càng bị đe dọa hơn.

Các nguyên tắc mà người Mỹ thấy hiển nhiên, tức phẩm giá của nhân vị, sự thánh thiêng của lương tâm, sự tách biệt giữa thẩm quyền chính trị và tôn giáo, sự phân biệt giữa luật đời và luật đạo, ý niệm coi xã hội dân sự có trước và tách biệt với nhà nước, không được ai khác chia sẻ. Oái oăm thay, nước Mỹ hiện nay cũng đang xa lìa các nguyên tắc ấy. Không ai dám bảo đảm rằng chúng sẽ sống còn ở nước Mỹ, chứ đừng nói tới việc dùng nó làm mẫu mực cho các quốc gia khác trong tương lai. Hiến Pháp Hoa Kỳ là một thành quả vĩ đại đối với nền tự do có trật tự (ordered liberty). Nhưng nó cũng chỉ là một mảnh giấy kiêu sa nếu người ta không duy trì nó bằng xác tín và chứng tá sống động của chính mình.

Trong chính quyền, trong giới truyền thông, trong giới học thuật, trong giới kinh doanh và trong nền văn hóa nói chung, nhiều nhà lãnh đạo không còn coi niềm tin tôn giáo như một sức mạnh lành mạnh nữa. Người ta thấy rõ điều đó trong thái độ của chính phủ hiện nay của Mỹ qua việc họ đáp ứng một cách tẻ nhạt đối với các vi phạm tự do tôn giáo trên khắp thế giới. Người ta cũng thấy rõ điều đó trong thái độ thiếu thoả đáng và ơ hờ của truyền thông tin tức khi phúc trình các vấn đề thuộc tự do tôn giáo. Và người ta còn thấy rõ điều đó trong sự dửng dưng của quá nhiều công dân bình thường của Mỹ.

Thế giới quan tôn giáo

Nhưng ta sẽ không thể hiểu nổi khuôn khổ của các định chế Hoa Kỳ, hay các giá trị mà các định chế này muốn cổ vũ và bảo vệ, nếu ta không nhìn nhận rằng chúng phát sinh từ một thế giới quan chủ yếu có tính tôn giáo.

Jacques Maritain, nhà triết học Pháp từng giúp soạn ra bản Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc, có lần viết rằng: “Các Cha Ông Sáng Lập ra nước Mỹ không phải là các nhà siêu hình học hay thần học gia, nhưng triết lý sống của họ, và cả triết lý chính trị của họ, quan niệm về luật tự nhiên và nhân quyền của họ nữa, đều thấm nhuần các ý niệm do lý trí Kitô Giáo tạo ra và được một cảm quan tôn giáo không lay chuyển hỗ trợ” (5).

Đúng như thế, trong tầm nhìn của các vị sáng lập ra nước Mỹ, các quyền của ta phát sinh từ Thiên Chúa, chứ không phải từ nhà nước. Chính phủ chỉ được biện minh bao lâu nó chịu bảo đảm các quyền tự nhiên ấy, cổ vũ chúng và bảo vệ chúng. Gần như tất cả các vị soạn thảo ra các văn kiện lập quốc đều có chung niềm tin ấy. Trong cuốn “Memorial and Remonstrance against Religious Assessments” công bố năm 1785, James Madison lý luận rằng “[bổn phận con người phải tôn kính Thiên Chúa] đi trước cả trật tự thời gian cũng như mức độ trói buộc đối với các đòi hỏi của xã hội dân sự. Trước khi bất cứ ai có thể coi mình như thành viên của xã hội dân sự, thì họ phải coi họ là bày tôi của Đấng Cai Quản vũ trụ trước đã”.

Đó là lý do tại sao tự do tôn giáo là tự do đầu hết và quan trọng nhất của nhân loại. Đấng Cai Quản đầu hết của ta là Thiên Chúa, Đấng Hóa Công, Đấng Cai Quản vũ trụ. Ta được tạo ra vì một mục đích tôn giáo. Ta có một đích điểm tôn giáo. Quyền theo đuổi đích điểm này có trước nhà nước. Bất cứ âm mưu nào nhằm giới hạn quyền thờ phượng, quyền rao giảng, quyền dạy dỗ, quyền thực hành, quyền tổ chức và quyền tham dự vào xã hội một cách hòa bình vì niềm tin của ta vào Thiên Chúa đều tấn công không những nền tảng của nhân phẩm mà cả bản sắc của kinh nghiệm Hoa Kỳ nữa.

Mặt khác, khi nói tới tôn giáo, các vị lập quốc có ý nói tới một điều gì đó có tính đòi hỏi nghiêm ngặt hơn ý niệm “linh đạo” đầy mơ hồ hiện nay nhiều. Harold Berman cho hay: các vị lập quốc hiểu tôn giáo một cách chân thành theo nghĩa Kitô Giáo. Nghĩa ấy hiểu tôn giáo “vừa là niềm tin vào Thiên Chúa vừa là niềm tin vào một đời sau trong đó đức hạnh được tưởng thưởng, tội lỗi bị trừng phạt” (6). Nói cách khác, tôn giáo quan trọng cả cho bản thân lẫn cho xã hội. Nó không phải là ý thích tư riêng. Nó khiến người ta sống cách khác. Đức tin của họ giả thiết phải có nhiều hệ luận bao quát, trong đó có hệ luận chính trị.

Lịch sử Mỹ

Ngay từ đầu, các tín hữu, trong tư cách cá nhân hay cộng đồng, đã tạo hình cho lịch sử Mỹ một cách đơn giản bằng việc cố gắng sống niềm tin của mình giữa trần gian. Như Nathaniel Hawthorne từng miêu tả, rất nhiều người trong số họ đã sống niềm tin rất tồi, ngu dốt và giả hình. Nhưng trong mọi thế hệ, vẫn có đủ số tín hữu sống đức tin ấy cách xứng đáng, và trì chí đủ để duy trì kinh nghiệm tự do có trật tự của Mỹ sống còn.

Nói cách khác, kinh nghiệm Mỹ về tự do bản thân và hòa bình dân sự sẽ không thể có được nếu không có nền tảng tôn giáo vững chắc và sự linh hứng của Kitô Giáo.

Theo chính lời Madison, nước Mỹ được sinh ra để trở thành “nơi trú ẩn cho người bị bách hại và bị áp bức của mọi dân tộc và mọi tôn giáo” (7). Nhưng tại Mỹ hiện nay, ta không hành động như thể tôn kính hay muốn chia sẻ di sản ấy, hoặc ngay cả thực sự hiểu nó.

Bẩy mươi năm trước đây, tức năm 1940, Cha John Courtney Murray đã chọn tựa đề tài “ý niệm văn hóa Công Giáo” cho loạt bài nói truyện của ngài. Sau khi ngài qua đời, các anh em Dòng Tên đã gom góp các bài nói truyện đó thành một khảo luận duy nhất và đặt tên là “Xây dựng một Nền Văn Hóa Công Giáo” (8). Tên gọi mới này quả đáng cho ta lưu ý.

Phần lớn độc giả biết các đóng góp của Cha Murray đối với Sắc Lệnh về Tự Do Tôn Giáo của Công Đồng Vatican II. Trong cuốn “We Hold These Truths”, xuất bản năm 1960, và từ đó, liên tiếp được tái bản, cha cho rằng tính hợp pháp của nền dân chủ Mỹ là do Công Giáo mà có. Nhưng thực ra, nét thiên tài của Cha Murray đã ẩn hiện trong các tác phẩm có trước từ năm 1940, trong đó, ngài cho hay “một chân lý tôn giáo sâu sắc vốn làm nền tảng cho lý thuyết và thực hành dân chủ, đó là phẩm giá nội tại của bản nhiên con người; là sự tự do thiêng liêng của linh hồn; là sự bình đẳng trong tư cách linh hồn với người khác cùng chủng loại; và là sự trổi vượt của nó đối với những vật thể không có cùng một tính thiêng liêng”. Ngài lý luận rằng “nhiệm vụ xây dựng một nền văn hóa, trong yếu tính, vốn có tính thiêng liêng, vì cơ sở của văn hóa là ở trong linh hồn”. Thành thử, “mọi cố gắng văn hóa của con người, xét cho cùng, là một cố gắng nhằm qui phục chân, thiện, mỹ vốn nằm bên ngoài họ, hiện hữu trong một hòa điệu có trật tự, một hòa điệu mà họ phải tạo ra một mẫu mực ngay trong linh hồn mình bằng cách sống phù hợp với chúng”.

Quả là các ý tưởng đẹp đẽ và hết sức đúng. Chỉ có điều nền văn hóa hiện thực của Mỹ vào năm 2012 ít có điểm nào giống như thế. Thời Murray, hạn từ “gay” được liên kết với vui vẻ hân hoan, chứ đâu có liên hệ với bản sắc tính dục; còn hạn từ chân lý hay sự thật đâu bị sử dụng một cách mơ hồ hay châm biếm như ngày nay. Thời gian quả đã đổi thay.

Người ta sẽ mau chóng mỏi mệt khi nghe nhắc đến hàng loạt các lệch lạc hiện nay của Mỹ. Chúng thuộc đủ thứ từ chủ nghĩa tiêu thụ và nạn mù tịt luân lý tới điều được Eric Voegelin gọi là “chủ nghĩa khủng bố trí thức của các định chế [như] truyền thông đại chúng, phân khoa đại học, các quĩ và các nhà xuất bản có tính thương mãi” (9).

Xây dựng một nền văn hóa Kitô Giáo

Nhưng theo Đức Tổng Giám Mục Chaput, liệt kê các lệch lạc để rồi than thở vì chúng đâu có ích chi. Vả lại, như Murray từng nói, điều đó đâu phải là cách đáp ứng của Kitô Giáo. Nếu Chúa Giêsu bảo ta phải trở thành men cho thế gian, và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, và quả tình Người có bảo ta thế thật, thì quả ta có nhiệm vụ phải truyền giáo. Và một trong các trách vụ truyền giáo của người Mỹ là phục hưng các lý tưởng tốt đẹp nhất của đất nước họ.

Các vị lập quốc Hoa Kỳ muốn tạo ra một novus ordo saeclorum, một trật tự mới cho nhiều thế hệ. Nhưng không giống các nhà cách mạng Pháp, họ có một cảm nhận mạnh mẽ về tội nguyên tổ. Họ biết lịch sử rất quan trọng. Không thể tái tạo con người từ hư vô. Con người cũng không thể tự làm cho mình hoàn hảo. Cho nên, họ đã vay mượn từ nhiều nguồn đáng tin cậy khác: nhất là từ các hình thức cộng hoà, luật lệ, định chế, kiến trúc, và đức hạnh của Rôma. Khi bằng hữu gọi Charles Carroll, người Công Giáo duy nhất ký vào Tuyên Ngôn Độc Lập, là “Cicero Hoa Kỳ”, thì đó quả là lời tán dương cao nhất (10).

Trong Kinh Thành Thiên Chúa, Thánh Augustinô cho hay: sự thành công của Rôma không chỉ được xây dựng trên lòng tham, lòng tự hào, và bạo lực mà thôi. Nó còn phát sinh từ các đức hạnh Rôma có trước đó, như hiếu thảo, khổ hạnh, can đảm, công bình, và tự chủ nữa. Đối với Thánh Augustinô, các đức hạnh đó thẩy đều lành mạnh một cách sâu sắc bao lâu được người Rôma đem ra thực hành thực sự. Và tất cả các đức hạnh đó đều được các vị lập quốc Hoa Kỳ tôn trọng trong suy nghĩ của họ.

Ấy thế nhưng cột chặt trong đầu óc người Hoa Kỳ hiện nay còn có một đất nước khác hẳn, một đất nước được Murray mô tả như sau: “Nền văn hóa đang hiện hữu ngày nay của Mỹ thực sự là kết tinh của tất cả những gì thoái hóa trong nền văn hóa của thế giới Kitô Giáo Tây Phương. Xem ra, nó được dựng trên ba điều bác bỏ từng làm ung thối tận gốc nền văn hóa Tây Phương ấy, đó là bác bỏ thực tại siêu hình, bác bỏ tính ưu việt của linh thể đối với vật thể, và của tính xã hội đối với tính cá nhân… Đặc điểm nổi bật nhất của nó là chủ nghĩa duy vật cao độ;… Nó đem lại cho người dân mọi điều để sống vì, nhưng không có gì để chết cho. Và thành tựu của nó có thể tóm tắt như sau: nó đã chiếm được một lục địa nhưng đã đánh mất chính linh hồn mình” (11).

Trong cùng bản văn ấy, Murray còn viết: “Căn cứ vào sự kiện nền văn hóa Mỹ được xây dựng trên việc bác bỏ tất cả những gì Kitô Giáo vốn đại diện cho, xem ra bước đầu của chúng ta trong việc xây dựng một nền văn hóa Kitô Giáo phải là phá sập nền văn hóa hiện nay. Trước một Frankenstein, ta không với tay lấy nước rửa tội mà là chiếc dùi cui”.

Cha Murray viết các dòng não nề ấy 7 thập niên trước đây. Nếu còn sống đến bây giờ, ngài sẽ còn phải não nề đến đâu. Tuy nhiên, theo cha Murray, sẽ không có “chủ nghĩa nhân bản thực sự” nếu không có thập giá của Chúa Giêsu Kitô; nên muốn tháo bỏ điều bất nhân bản mà ta vốn gọi là “nền văn hóa hiện đại Hoa Kỳ”, thì không thể khởi đầu bằng bạo lực mà là bằng việc hoán cải tâm hồn.

Cha viết: “Chỉ khi nào nhà ta ở trên trời ta mới hy vọng hoàn tất được ơn gọi của ta trên mặt đất… Nếu ta không hiểu thế giới và tại sao nó đã được dựng nên, ta có quyền gì pha mình vào việc của nó? Nếu ta không biết rằng con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, thì làm sao ta dám… mưu toan lên khuôn đời sống họ?” (12).

Muốn xây dựng một nền văn hóa Kitô Giáo, phải bắt đầu bằng việc nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa, không cần kế sách hay dè dặt gì cả, và để Người khởi sự công việc. Nghe ra có vẻ dễ dàng. Mà dễ dàng thật. Nhưng như Kitô hữu từng hiểu hơn ai hết, các thế giới và các đế quốc, và ngay sự cứu rỗi của ta, cũng tùy thuộc lời xin vâng nhỏ nhoi nhất.
Vũ Văn An
VietCatholic News
Chú Thích

(1) George Orwell, “The Freedom of the Press” (Animal Farm” trong Essays, John Carey hiệu đính (New York: Alfred A. Knopf, 2002), các tr. 888-897).

(2) Vào trang mạng www.getreligion xem cách đưa tin về các tôn giáo chính dòng. Về khung tư tưởng định sẵn của báo chí, xin xem William McGowan, Coloring the News: How Political Correctness Has Corrupted American Journalism (San Francisco: Encounter Books, 2002) và Gray Lady Down: What the Decline and fall of the New York Times Means for America (New York: Encounter Books, 2010).

(3) Đức Bênêđíctô XVI, “Religious Freedom: The Path to Peace”, World Day of Peace Message, Jan. 2011.

(4) “Global Restrictions on Religion”, Pew Forum on Religion and Public Life, Tháng 12 năm 2009.

(5) Jacques Maritain, Reflections on America (New York: Charles Scribner’s Sons, 1958) các tr.182-183.

(6) Harold Berman, “Religion and Liberty under Law at the Founding of America” Regent University Law Review 20 (207): 32.

(7) James Madison, “Memorial and Remonstrance” 9.

(8) John Courtney Murray, S.J., “The Construction of a Christian Culture” 1940, Works by John Courtney Murray, Woodstock Theological Library, http://woodstock.georgetown.edu/library/Murray/1940.htm.

(9) Eric Voegelin, “Why Philosophize? To Recapture Reality!” The Collected Works of Eric Voegelin, vol. 34, Autobiographical Reflections (Columbia, MO: University of Missouri Press, 2006), tr.119.

(10)Xem Bradley J. Birzer, American Cicero: The Life of Charles Carroll (Wilmington, DE: Intercollegiate Studies Institute, 2010).

(11)Murray, “Construction”.

(12) Ibid.

(Còn một kỳ)

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....