Huấn giáo về Năm Đức Tin của ĐGH Benedict XVI, bài 2
“Đức tin đức tin nảy sinh từ cuộc gặp gỡ đích thực với Thiên Chúa nơi Đức Kitô Giêsu, từ tình yêu Chúa, từ niềm tín thác vào Chúa, do vậy mà đức tin có liên hệ đến tất cả cuộc sống.”
Tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 24-10-2012, có khoảng 40.000 tín hữu và du khách hành hương tại quảng trường thánh Phêrô. Trong diễn từ của mình, ĐTC Benedict VI đã tiếp tục loạt bài giáo huấn về Năm Đức Tin của mình với chủ đề ý nghĩa đức tin Ki-tô giáo trong thời đại ngày này. Một vài câu hỏi căn bản đã được nêu lên để giúp đào sâu chủ đề đức tin: (1) Đức Tin là gì? (2) Liệu Đức Tin còn có ý nghĩa gì nữa không giữa một thế giới mà trong một thời gian ngắn khoa học kỹ thuật đã mở rộng các chân trời đến mức không thể tưởng tượng nổi? Ngày nay “Tin” có ý muốn nói đến điều gì?
Phần diễn từ
Anh chị em thân mến!
Hôm nay tôi muốn xoáy sâu vào ý nghĩa của đức tin Ki-tô giáo trong thời đại chúng ta hôm nay, khởi đi từ một vài câu hỏi: (1) Đức Tin là gì? (2) Liệu Đức Tin còn có ý nghĩa gì nữa không giữa một thế giới mà trong một thời gian ngắn khoa học kỹ thuật đã nới rộng các chân trời đến mức không thể tưởng tượng nổi? Ngày nay “Tin” có ý muốn nói đến điều gì? Trên thực tế, trong thời đại chúng ta rất cần đến một cuộc canh tân giáo dục đức tin. Đức tin bao hàm một cái biết chắc chắn về các chân lý và về các biến cố của ơn cứu độ. Trên hết, đức tin nảy sinh từ cuộc gặp gỡ đích thực với Thiên Chúa nơi Đức Kitô Giêsu, từ tình yêu Chúa, từ niềm tín thác vào Chúa, do vậy mà đức tin có liên hệ đến tất cả cuộc sống.
Ngày nay, cùng với nhiều tín hiệu của sự thiện, còn có một sa mạc thiêng liêng nào đó đang lớn dần quanh chúng ta. Từ những biến cố mà chúng ta biết được qua tin tức hàng ngày, chúng ta có cảm giác rằng dường như thế giới chẳng tiến tới việc kiến thiết một cộng đồng huynh đệ hơn và an bình hơn; cũng như các tư tưởng về sự tiến bộ và phúc lợi cho thấy những bóng đen của nó. Dường như ngày nay con người không thực trở nên tự do hơn, và nhân bản hơn, cho dầu không thể phủ nhận sự cao cả của những khám phá khoa học và của những thành tựu khoa học kỹ thuật. Vẫn còn đó biết bao hình thức khai thác bóc lột, bạo hành, lạm dụng, bất công… Sau nữa là sự lưu hành của một thứ văn hóa nào đó dạy người ta chỉ biết tự vận hành trong chân trời của sự vật, của tính khả thi, và chỉ tin vào những gì mà mắt có thể thấy và đôi tay có thể sờ chạm được. Tuy nhiên, mặt trái của nền văn hóa ấy là làm cho xã hội ngày càng có nhiều người cảm thấy mất phương hướng, và trong cuộc tìm kiếm vượt qua viễn tượng chỉ biết nhìn về chiều ngang của thực tại, họ lại sẵn lòng tin vào tất cả, kể cả mặt đối kháng của sự vât. Trong tình cảnh ấy, những câu hỏi cơ bản lại tái-trồi hiện lên một lần nữa, mà lần này thì chúng trồi lên rõ hơn nhiều so với lần đầu: đâu là ý nghĩa của cuộc sống? Có hay không định mệnh tương lai cho con người, cho tất cả chúng ta, và cho những thế hệ mai sau? Phải định hướng những chọn lựa của tự do chúng ta tới thành công và hành phúc theo hướng nào? Cái gì đang đợi chúng ta bên kia ngưỡng cửa của cái chết?
Từ những câu hỏi không nguôi đang lộ ra giống như một thế giới của kế hoạch hóa, của cân đo chính xác, của thực nghiệm, tắt một lời, thế giới cái biết của khoa học, tuy quan trọng đối với đời sống con người, nhưng chỉ mình nó thì không bao giờ đủ. Con người không chỉ cần thứ bánh vật chất, nhưng còn cần đến tình yêu, ý nghĩa, hy vọng, nền tảng chắc chắn, vùng đất vững chắc là những thứ giúp chúng ta sống với một ý nghĩa đích thực cả trong những cuộc khủng hoảng, những cảnh huống tối tăm, những lúc khốn khó và trong những vấn nạn hằng ngày. Đức Tin trao cho chúng ta điều đặc biệt này là, lòng tín thác nơi “Ngài” là Thiên Chúa, sẽ mang lại cho tôi sự chắc chắn hơn, đến cả sự chắc chắn mà việc cân đo đong đếm chính xác của khoa học mang lại cũng không sao bì được. Đức Tin không chỉ là sự chấp nhận đơn sơ trí năng con người đối với các chân lý cụ thể nào đó về Thiên Chúa, đúng hơn Đức Tin phải là hành động mà qua đó tôi tín thác cách tự do vào một Thiên Chúa, Đấng là Cha, và là Đấng yêu thương tôi; Đức Tin phải là hành động ghì chặt vào “Chúa”, Đấng mang lại cho tôi niềm hy-vọng và sự vững tin. Dĩ nhiên, sự bám dính này không phải là không có nội dung, nghĩa là, với sự bám dính ấy chúng ta được sẽ một cái biết, là cùng một Thiên Chúa ấy đã tự tỏ mình ra cho chúng ta nơi Đức Ki-tô, Đấng làm cho chúng ta thấy được thánh Ý của Thiên Chúa, và thực sự được trở nên gần gũi với từng người trong chúng ta. Hơn thế nữa, Thiên Chúa đã mặc khải rằng cái tình yêu mà Ngài dành cho con người, cho từng người chúng ta làm sao có đong đếm được: trên Thập Giá, Đức Giê-su Nadarét, Con Một Thiên Chúa làm người, trưng ra cho chúng ta thấy trong một cách thức sáng ngời rằng điểm đến của tình yêu này, điểm cùng tận của ơn ban, chính là tận hiến hoàn toàn. Cùng với mầu nhiệm Sự Chết và Phục Sinh của Chúa Ki-tô, Thiên Chúa đã hạ mình đến tột cùng nhân tính của chúng ta để mang nhân tính ấy về với Ngài, và để nhấc cao nó lên với Ngài. Đức Tin là tin vào tình yêu ấy của Thiên Chúa, mạnh thế hơn cả sự dữ nơi con người, hơn cả bệnh tật và cả sự chết, mà trên cả là Tình Yêu Thiên Chúa có khả năng biến đổi mọi hình thức nô lệ, tù ngục nơi con người và ban tặng khả thể cứu độ.
Như thế, Tin là gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng nâng đỡ tôi và ban cho tôi lời hứa của một tình yêu không thể phá hủy, tình yêu không chỉ có khát khao, mà còn trao ban sự vĩnh cửu. Tin là tín thác nơi Thiên Chúa với thái độ của một trẻ thơ, biết rõ rằng tất cả khó khăn và các vấn đề sẽ trở nên yên hàn trong bài tay của mẹ. Khả thế cứu độ có được nhờ tin là một quà tặng mà Thiên Chúa trao ban cho hết thảy mọi người. Cuộc sống thường ngày của chúng ta đầy các vấn đề và tình trạng bi thảm, chúng ta cần phải suy niệm nhiềm hơn về niềm tin theo tinh thần Ki-tô giáo, ý muốn nói đến sự rời bỏ cùng với niềm tín thác vào một ý nghĩa sâu xa sẽ nâng đỡ tôi và thế giới; Cái ý nghĩa mà tôi nghĩ chúng ta không thể tự ban cho mình, nhưng chỉ có thể lãnh nhận như một quà tặng, và nó là nền tảng giúp sống mà không còn sợ hãi. Và sự chắc chắn giải thoát và trấn an đó của đức tin chúng ta phải có khả năng loan báo bằng lời nói và diễn tả nó trong đời sống Ki-tô hữu của chúng ta.
Tuy nhiên, ngày nay chúng ta vẫn thấy xung quanh mình có biết bao nhiêu người vẫn còn lãnh đạm và khước từ việc đón nhận sự công bố này. Ở cuối Tin Mừng Mác-cô, Đức Giê-su đã khẳng định: “Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ. Còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” (Mc 16,16). Tôi muốn mời anh chị em phản tỉnh về điều này. Tin tưởng vào hoạt động của Thánh Linh, chúng ta luôn được thúc đẩy để lên đường và công bố Tin Mừng, để quảng đại làm chứng cho đức tin. Tuy nhiên, bên cạnh khả thể đáp trả tích cực quà tặng của đức tin thì vẫn còn đó những nguy cơ khước từ Tin Mừng, không đón nhận một cuộc gặp gỡ sống động với Đức Ki-tô. Thánh Âu-tinh đã nêu lên vấn nạn này trong khi ngài chú giải về dụ ngôn người đi gieo giống. “Chúng ta phải nói, phải gieo vãi và trao ban hạt giống. Dẫu biết rằng có những người khinh khi, những người trách mắng và những kẻ nhạo báng, nhưng nếu chúng ta sợ luống công, thì chúng ta sẽ không có thể giao vãi nữa, và khi mùa gặt đến, chúng ta sẽ chẳng có gì để thu vào kho lẫm. Vì thế, hãy gieo vãi những hạt giống tốt trên mảnh đất phì nhiêu.”
Điều ấy cho chúng ta thấy, sự khước từ sẽ không làm chúng ta nản lòng. Được coi là những người Ki-tô hữu, chúng ta hãy làm về những vùng đất phì nhiêu này: đức tin của chúng ta, bất chấp những giới hạn, sẽ biểu lộ cho mọi người thấy rằng vùng đất tốt ấy hiện hữu và có thật, nơi mà hạt giống Lời của Thiên Chúa trổ sinh dồi dào hoa trái công chính, yêu thương, bình an, một nhân loại mới và cả hoa trái ơn cứu độ.
Nhưng chúng ta có thể tự hỏi mình rằng, đâu là nguồn mạch mà con người có thể kín múc để có thể mở lòng và tâm trí của mình để tin vào Thiên Chúa, một Thiên Chúa được diễn tả hữu hình nơi Đức Ki-tô chết và phục sinh, để đón nhận ơn cứu rỗi, và chính Ngài và Tin mừng của Ngài là đường và là ánh sáng cho sự hiện hữu của ta? Thưa, chúng ta có thể tin vào Chúa bởi vì Ngài đã đến gần và đụng chạm đến chúng ta, bởi vì Chúa Thánh Thần là món quà của Chúa Phục Sinh đã ban cho chúng ta khả năng để đón nhận Thiên Chúa hằng sống. Như vậy, trên hết đức tin là một món quà siêu nhiên, một ân huệ từ Thiên Chúa. Công Đồng Vaticano II đã xác nhận: “Ðể được niềm tin này, cần có ân sủng Thiên Chúa đi trước giúp đỡ và sự trợ giúp bên trong của Chúa Thánh Thần: Ngài thúc đẩy và quy hướng con tim về cùng Thiên Chúa, mở mắt lý trí và làm cho “mọi người cảm thấy dịu ngọt khi đón nhận và tin theo chân lý”. Nền tảng của hành trình đức tin của chúng ta chính là Bí Tích Rửa Tội, một bí tích ghi dấu biến cố gia nhập cộng đoàn đức tin, thuộc về Giáo Hội. Chúng ta không thể tin nếu không có ân sủng của Chúa Thánh Thần, chúng ta không thể tin một mình, nhưng cùng với anh chị em chúng ta tin. Ngay từ lúc được Rửa Tội, mỗi người tín hữu được mời gọi làm sống lại và thực hiện tuyên xưng này cùng với anh chị em của mình, cùng với cộng đồng Giáo Hội.
Đức tin là một món quà của Chúa, nhưng nó cũng là một hành động tự do của con người đích thực. Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo nói rõ điều này: “Chỉ có thể tin nhờ ân sủng và những trợ lực bên trong của Thánh Thần. Tuy vậy, tin vẫn là một hành vi đích thực của con người. Tin tưởng Thiên Chúa và gắn bó với những chân lý mặc khải không đi ngược với tự do và trí khôn con người.” (số 154). Trái lại, đức tin bao hàm và cổ võ tự do và lý trí của con người, trong một cuộc đánh cược cuộc sống giống như cuộc xuất hành của chính sự tự do nơi chúng ta. Nó đòi hỏi ta phải rời bỏ chính mình, rời bỏ sự an toàn của mình, rời bỏ những não trạng được khuôn đúc để chỉ biết cậy dựa vào chính hoạt động của Thiên Chúa, Đấng đã chỉ cho chúng ta con đường để đạt đến sự tự do đích thực, căn tính con người đích thực, một niềm vui đích thực trong con tim và một sự bình an cho hết thảy mọi người. Tin là phó thác tất cả, với tự do và niềm vui, nơi kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa trong lịch sử, như chính Abraham và Đức Maria thành Nadarét đã tin. Đức tin là một sự chấp thuận, nơi đó con tim và tâm trí chúng ta nói tiếng xin vâng với Thiên Chúa, bằng cách tuyên xưng rằng Đức Giê-su Ki-tô là Chúa. Tiếng xin vâng này sẽ biến đổi đời sống chúng ta, mở ra con đường để nó hướng đến sự sung mãn ý nghĩa, do dó tiếng xin vâng sẽ làm cho cuộc đời chúng ta trờ nên mới mẻ, tràn đầy niềm vui và hy vọng chắc chắn.
Anh chị em thân mến, thời đại của chúng ta đòi hỏi các Ki-tô hữu phải là những con người được Đức Ki-tô chiếm trọn. Những con người lớn lên trong ân sủng đức tin nhờ việc trở nên thân quen với Kinh Thánh và các Bí Tích. Những con người này sẽ là những cuốn sách sống động, những cuốn sách luôn mở ra để thuật lại những kinh nghiệm về một cuộc sống mới trong Thánh Thần, kinh nghiệm về sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng luôn khích lệ chúng ta trên hành trình của mình, và cũng là Đấng mở ra cho chúng ta sự sống không bao giờ vơi cạn.
Chào thăm!
Sau bài huấn giáo dài bằng tiếng Ý, như thường lệ ĐTC đã tóm tắt bằng các sinh ngữ chính và chào thăm phái đoàn các tín hữu được giới thiệu lên ngài. Trong lời chào thăm bằng tiếng Anh, ĐTC nói:
Anh chị em thân mến!
Trong loạt bài giảng về đức tin, giờ đây chúng ta xem xét về bản chất của Đức tin. Đức tin không chỉ đơn thuần là một tri thức về Thiên Chúa, nhưng là một cuộc gặp gỡ sống động với Ngài. Ngang qua đức tin, chúng ta nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, Đấng đã mạc khải chính mình Ngài nơi cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Đức Ki-tô, và ngang qua điều đó, Thiên Chúa cũng tỏ cho ta thấy ý nghĩa và chân lý đích thực của hiện hữu con người. Niềm tin cho chúng ta một hy vọng và một hướng đi chắc chắn giữa một thời đại mập mờ về linh đạo. Trên hết, đức tin là một quà tặng của Thiên Chúa, mà giúp ta có khả năng để mở ra với đời sống thần linh trong cộng đoàn Giáo hội. Nhưng đức tin vẫn luôn là một hành vi của con người, bao hàm lý trí và tự do của chúng ta. Khi chúng ta đón nhận lời mời và quà tặng của Thiên Chúa, đời sống chúng ta cũng như thế giới xung quanh ta sẽ được biến đổi. Ước mong Năm Đức Tin này sẽ giúp chúng ta sống đức tin của chúng ta một cách trọn vẹn để chúng ta có thể mời gọi người khác lắng nghe và đón nhận Lời Chúa, mở lòng họ để đón nhận đời sống vĩnh cửu, món quà mà Đức tin hứa ban cho họ.
Cuối cùng ĐTC đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
Câu hỏi phản tỉnh:
Bạn có nghĩ rằng những thành tựu của khoa học kỹ thuật và những khám phá của con người hiện nay trả lời cho mọi vấn nạn của bạn. Nếu không, đâu là điều mà bạn thấy cảm thấy thiếu?
Là một Ki-tô hữu, có bao giờ bạn tạ ơn Chúa vì món quà đức tin mà bạn nhận được khi lãnh bí tích Rửa Tội không? Bạn đã và đang làm gì để cho đức tin đó được lớn lên?
Bạn có ước ao để loan báo Tin Mừng của Đức Ki-tô cho những người xung quanh không? Nếu chưa thì bạn nghĩ đâu là nguyên nhân khiến bạn chưa khao khát đem Chúa đến cho tha nhân?
Thái Hiệp,sj., chuyển ngữ và giới thiệu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét