Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

Làm gì khi con hư?

LÀM GÌ KHI “CÁ” KHÔNG CHỊU “MUỐI” ?

Hiện tượng cha mẹ áp đặt con cái với cách nghĩ “Mình đúng bởi mình là người lớn” dẫn đến lối phản ứng và hành vi thái quá của con cái với cha mẹ. Đó là hệ quả tư tưởng áp đặt ở không ít gia đình.

“CÁ” CHÊ “MUỐI”

Nhiều người cho rằng con cái phải biết vâng lời, và “bất hạnh” thay nếu con cãi lời, chống đối cha mẹ. Cậu bé Thanh Minh (9 tuổi, nhà hàng xóm tôi) đã phản ứng khi cha mẹ ép đi học bơi trong mùa hè vừa qua. Minh cãi : “Con không học bơi đâu, con chỉ thích học võ thôi !”. Cha mẹ cậu chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm vì cho rằng con trai lì lợm, khó bảo. Những lời khuyên, dạy dỗ của vợ chồng họ dành cho cháu cứ trôi tuột. Người mẹ nói : “Đúng là đồ hư, không nghe lời cha mẹ. Để đó rồi xem. Cá không ăn muối cá ươn mà !"

Còn Thanh Mai (18 tuổi, chị của Thanh Minh) lại “sắc sảo” hơn khi lý sự với phụ huynh : “Bây giờ cá chẳng cần ướp muối mà vẫn tươi, người ta đã biết cách bảo quản bằng tủ lạnh… Vì sao con muốn thi Đại học Sư Phạm mà cha mẹ lại không đồng ý, con thích được làm giáo viên. Không hiểu sao cha mẹ lại cứ bắt con phải thi vào Đại học Kinh tế?”.

KHÔNG CÓ “MUỐI”, ĐÔI KHI “CÁ” VẪN TƯƠI

Trẻ em thường bị gò ép trong những khuôn phép giáo dục của gia đình. Đôi khi khuôn phép quá cứng ngắc, song cuối cùng người lớn vẫn là “người lớn”, họ ít khi thừa nhận những việc làm sai. Trên thực tế không phải lúc nào cha mẹ cũng đúng. Đã có không ít người cha, người mẹ luôn cho rằng con mình là “trẻ con” dù chúng đã bước vào tuổi trưởng thành. Nhiều hậu quả đáng tiếc từ sự gia trưởng và ép buộc vô lý của người lớn. Như trong việc chọn trường, chọn nghề, một số phụ huynh ép con mà không cần quan tâm đến năng khiếu, sở trường của chúng. Thậm chí khi được những người có chuyên môn góp ý, họ cũng chẳng cần quan tâm mà luôn bảo thủ trước cái sai của mình. Sau mỗi lần làm sai, họ chỉ tìm cách biện hộ để lấp chỗ trống, làm cho con cái dễ coi thường, thậm chí còn tìm cách chống đối bậc sinh thành.

CÙNG HỢP TÁC

Theo các nhà tâm lý, trẻ có biểu hiện bướng bỉnh là muốn chứng tỏ mình biết suy nghĩ, có tư duy độc lập, nhất là trẻ vị thành niên. Khi ấy, cha mẹ cần lắng nghe và thấu hiểu tâm tư, đặt mình vào vị thế của con. Trong một vài trường hợp, cha mẹ hãy mạnh dạn cho trẻ làm theo ý muốn của chúng trong sự kiểm soát của người lớn. Sau đó, hãy phân tích kết quả mà trẻ đạt được và chỉ cho trẻ thấy nếu vâng lời cha mẹ thì hành động đó sẽ có kết quả tốt hơn. Chọn thời điểm thích hợp để truyền đạt đến chúng những yêu cầu và mong muốn của mình. Ngược lại, nếu bắt  buộc thì không có tác dụng giáo dục.

Đã đến lúc cha mẹ không chỉ là người dạy dỗ con trẻ mà còn là người bạn đồng hành thân thiết của các em. Muốn vậy, cha mẹ cần “làm bạn” để dẫn dắt, định hướng con trẻ, tháo gỡ hàng rào tâm lý, tạo bầu không khí dân chủ trong gia đình.●
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn – Đồng Nai
Nguồn tin: tinvui.info

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....