Một số đông các học sinh trong trường học là nạn nhân của bạo lực do đồng bạn gây nên và thường xuyên xảy ra. Có những em gây gỗ, dùng bạo lực, cú đấm, cú đá, để tấn công và những em khác yếu hơn, đành phải cắn răng gánh chịu. Sự kiện xảy ra giữa các em nam cũng như nữ, và cũng không có giới hạn lứa tuổi.
Hơn nữa, càng thêm tuổi, những hình thức xung khắc, đụng độ càng thêm tinh xảo. Từ những cú đấm, cú đá trực tiếp sự xung khắc trở thành lời nói phê bình, chỉ trích và chế nhạo. Nạn nhân của bạo lực học đường thường là những em có thân hình gầy yếu, bị tật nguyền, hoặc có cái gì đó khác với chúng bạn.
Nhiều khi các em còn trở thành độc ác một cách rất tinh xảo, và hợp thành bè đảng để chống đối, kình địch nhau.
Phân tích kỹ hơn hiện tượng trên đây, người ta còn nhận thấy rằng, những trẻ em có khuynh hướng hung dữ như thế thường là những em sinh trưởng trong các gia đình có vấn đề, thiếu hòa thuận, thiếu tình thương, hoặc cha mẹ ly dị nhau. Các em thường cảm thấy bất an tinh thần, dễ lo âu xao xuyến, cũng không biết căn cước tính của mình là ai.
Cho dù nguyên do là gì đi nữa, các em thường thấy mình bị mắc kẹt trong cái vòng luẩn quẩn. Những em nhút nhát, e sợ lại càng thêm sợ sệt, dễ bị thương tổn. Nhưng em hung dữ thích gây sự lại càng tỏ ra ta đây, không sợ ai hết.
Những triệu chứng bệnh tâm thần nói trên lại càng tỏ lộ hơn khi bước vào tuổi dậy thì. Vì thế lắm khi chỉ một chuyện không đâu cũng có thể xảy ra những bùng nổ quá đáng và gây nên những vết thương ăn sâu trong tâm hồn khó mà chữa lành suốt đời.
Vậy các phụ huynh và các nhà giáo dục phải làm gì để giúp các em đề phòng và chữa lành những vết thương ấy?
1. Trước hết, cần phải hết sức tỉnh táo nhận ra những triệu chứng bất thường của con em và can thiệp cách khôn ngoan, dứt khoát, đừng coi thường cũng đừng bỏ qua cách quá dễ dàng. Thường thì các em là nạn nhân của những cuộc hành hung của chúng bạn ở học đường, khi về nhà cũng không dám nói ra những vấn đề của mình, vì sợ mất tình thương của cha mẹ. Vì thế cha mẹ phải biết đề phòng trước bằng cách gợi chuyện cho các em nói, về nhà trường, về lớp học, về chúng bạn, về các môn học, cũng như về những sinh hoạt ngoài học đường.
2. Các phụ huynh cũng cần nên lưu ý tới môi trường ngoài gia đình, như nhà trường, đường phố và thôn xóm, nơi con em thường lui tới. Don Bosco rất quan tâm đến môi trường sống của giới trẻ. Ngài luôn tìm mọi cách để tạo bầu khí vui tươi và tình đoàn kết liên đới giữa các bạn trẻ, trong đó những người lớn tuổi hơn có trách nhiệm giúp đỡ chỉ dạy cho các em. Cũng vì mục đích tích cực xây dựng đó mà Don Bosco đã thành lập các hội đoàn, như hội “Thiếu niên vui” để khích lệ các em dấn thân vào các công tác tông đồ nhỏ bé giữa chúng bạn.
3. Cần có những mẫu gương. Bản tính của tuổi trẻ là thích bắt chước, nhất là những gì các em ưa thích và mến chuộng. Nếu trước mắt các em cha mẹ, thầy giáo, cô giáo là những người lịch sự, cởi mở, hòa nhã, biết lắng nghe, biết đối thoại, tự nhiên các em cũng dễ noi theo và ước ao được trở nên như họ vậy. Thật vậy, môi trường học đường là phản ánh bầu khí gia đình và môi trường xã hội nơi các em sinh trưởng.
4. Nên đi sâu vào nguyên do cách cư xử bất thường và thái độ hung dữ cũng như e thẹn, sợ sệt của con em. Không đủ nói với con em rằng, phải biết tự vệ, đừng để cho chúng bạn ăn hiếp, bắt nạt. Những em vốn nhút nhát sẽ không bao giờ dám lên tiếng, sợ bị đánh đập, và rồi lại càng thêm xấu hổ vì bị thua thiệt.
Cách tích cực hơn giúp các em thắng vượt tính nhút nhát là làm phát triển một tài năng nào đó để chiếm được sự mến phục của đồng bạn và khỏi bị khinh dể.
Các phụ huynh nên cổ võ tình bạn tốt cho con cái, nhất là những đứa con một trong gia đình.
5. Đừng trả đũa với những đứa trẻ hung bạo. Thái độ hung bạo của đứa trẻ thường chỉ là lá bài che dấu sự bất an tinh thần, thiếu tự tin và thiếu tình thương, khao khát được sự lưu tâm chú ý của người khác. Nó có thể là một hình thức trả thù vì chính em cũng là nạn nhân của những bất công và hung bạo trong gia đình em. Sự hung bạo còn có thể là một phương cách để giải tỏa tính nhút nhát và e sợ bị chôn sâu trong tâm trí của đứa trẻ nữa. Nó muốn tỏ ra mình là anh hùng bằng cách bắt nạt người khác.
6. Vai trò quan trọng của thầy giáo, cô giáo trong lớp học. Với sự kính trọng và lòng quý mến của học sinh, thầy giáo cô giáo có ảnh hưởng rất lớn trên sự đào luyện chí khí của trẻ em, nhất là qua những sinh hoạt nhóm, những buổi học bài, làm bài chung với nhau, trong lớp học cũng như khi về nhà.
Là những người có trách nhiệm giáo dục, thầy giáo cô giáo cần phải can thiệp ngay khi nhận thấy có những học sinh trở thành “con chiên chạy tội” của chúng bạn. Cách can thiệp tích cực hơn cả là giao phó cho các em những trách nhiệm thích hợp với khả năng của các em. Như thế vừa tạo thêm lòng tự tin, vừa chinh phục được sự mến phục của chúng bạn.
Ngoài ra, cũng cần biết tạo ra những cơ hội thuận tiện để giúp các em phát triển tính hoạt bát, lanh lợi, biết diễn tả cảm nghĩ, ưu tư, biết chia sẻ, đối thoại với người khác và biết lướt thắng những mặc cảm để mở rộng nhóm và đón nhận thêm những đồng bạn mới.
Nói tóm lại, tính hung bạo cũng như sự nhút nhát của tuổi học trò không phải là một chứng bệnh tâm thần, nhưng là một vấn đề có thể giải quyết cách ổn thỏa, nếu có tinh thần cộng tác thực sự giữa cha mẹ và thầy giáo, cô giáo, giữa môi trường gia đình và môi trường học đường. Giáo dục không phải chỉ là việc của thầy cô mà thôi, nhưng là trách nhiệm của cả cộng đoàn giáo dục, gồm có các phụ huynh, những người có trách nhiệm giáo dục và chính các em nữa. Cộng đoàn giáo dục là nơi sản xuất những kháng chất tốt để bài trừ những chất độc tinh thần của môi trưoờg bên ngoài vừa đầu độc tinh thần, vừa gây nên những đau khổ vô ích và vô duyên cớ.
Ferrero Bruno
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét