Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Năm C_2013.

Ông bà anh chị em thân mến.  Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là 1 trong 4 lễ quan trọng nhất trong Giáo hội Công giáo. Chúng ta biết Giáng sinh là một trong 4 lễ quan trọng. Ngôi Hai Thiên Chúa sinh xuống thế làm người trong lòng mẹ Maria làm cho chúng ta vui mừng hân hoan.  Lễ Chúa Giê-su Ki-tô Phục sinh cũng là một trong những lễ quan trọng, vì không có phục sinh thì chúng ta không có đức tin hay hy vọng.
Tuần tới chúng ta mừng lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, Ngôi Cha, Ngôi Con và Thánh Thần, là một trong 4 lễ quan trọng.  Vì yêu thương nhân loại, nên Thiên Chúa tỏ mình ra bằng 3 vị thể khác biệt, để cứu chuộc, hiện diện, và đồng hành với chúng ta trong cuộc sống.  Hôm nay, cùng với giáo hội trên thế giới, chúng ta hân hoan mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống như lời Chúa Giê-su Ki-tô đã hứa với các tông đồ trước khi về trời.  

Các bài Tin mừng sau Chúa nhật phục sinh tường thuật cho chúng ta biết Chúa Giêsu đã hiện ra với các Tông Đồ nhiều lần để minh chứng cho các tông đồ, Người đã sống lại thật.  Người còn giải nghĩa một cách tường tận hơn cho các ông về Nước Trời, củng cố niềm tin cho các ông một cách vững chắc hơn, để các ông can đảm trong sứ vụ rao giảng Tin mừng, và chuẩn bị tâm hồn các ông đón nhận Chúa Thánh Thần.  Sau đó Chúa về trời. Nhưng trước khi trở về với Thiên Chúa Cha, Người hứa sẽ ở lại với các ông cho đến ngày tận thế. Như vậy, Chúa Giêsu lên trời, chỉ có nghĩa là Người không còn hiện diện giữa các tông đồ trong thân xác con người, nhưng vẫn hiện diện bằng một cách đặc biệt hơn qua Chúa Thánh Thần.  Đúng như lời Chúa đã hứa, trong ngày lễ Ngũ tuần, 50 ngày sau khi phục sinh, Chúa Thánh Thần đã hiện xuống trên từng tông đồ và các ông được tràn ngập ơn sủng Chúa Thánh Thần.
Thật vậy, ông bà anh chị em thân mến, Chúa Thánh Thần đã biến đổi các tông đồ từ những người yếu hèn, trở nên những người can đảm, can trường.  Ơn Chúa Thánh Thần đã giúp mở trí hiểu biết của các ông, để các ông thông hiểu tất cả sự thật về mầu nhiệm Chúa Giê-su Kitô, về những lời Chúa đã giảng dạy và nhất là bản thể của Chúa. Chúa Thánh Thần còn tạo nên trong tâm hồn các ông một sự xác tín  Sự xác tín này đã trở thành động lực sinh ra sức mạnh và tạo nên sự can đảm, để các ông ra đi chu toàn sứ mệnh rao giảng Tin mừng của Chúa, đồng thời thuyết phục và cảm hóa nhiều người tin vào Chúa Ki-tô.
Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là ngày kỷ niệm Sinh nhật của Giáo Hội, và cũng là ngày khởi đầu sứ mệnh lên đường rao truyền Tin mừng, và nhắc nhở chúng ta về sự liên kết, hợp nhất của các phần tử trong Giáo hội để xây dựng Nước Chúa.  Như chúng ta biết sách Tông đồ công vụ, ghi lại các hoạt động rao giảng của các tông đồ vào thuở ban đầu lúc Giáo hội còn trong tình trạng sơ khai.  Bài đọc 1 hôm nay diễn tả sự việc Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ như thế nào.  Các ông đã được biến đổi, trở nên can trường và tràn đầy ơn sủng hiểu biết.  Các ông nói được những thứ tiếng, ngôn ngữ lời nói lạ lùng chứng tỏ đức tin vững mạnh vào Chúa Ki-tô phục sinh, mà những người Do thái hành hương từ nhiều nơi và nói nhiều thứ tiếng, chưa bao giờ được nghe.  Họ đều nhận biết một cách rõ ràng lòng tin và hiểu được những lời giảng dạy của các tông đồ về Chúa Ki-tô.  Điều này đã làm cho họ kinh ngạc và ca tụng Thiên Chúa.   
Trong bài đọc 2, Thánh Phaolô nhắc tín hữu Côrintô và chúng ta một số điều quan trọng về đức tin. Thứ nhất, nguồn gốc của mọi ân sủng là từ Chúa Thánh Thần.  Ngài ban các ân sủng khác nhau cho từng người, tin và theo Chúa Ki-tô, tùy nhu cầu và không ai giống ai.  Tuy nhiên các ân sủng ấy không phải để làm lợi hay vinh danh cá nhân, nhưng nhằm mục đích phục vụ lợi ích chung của cộng đoàn.  Điều thứ hai, Thánh Phao lô nhắc nhở chúng ta: Giáo Hội được so sánh như một thân thể, cần phải có sự liên kết, hợp nhất và cộng tác của các chi thể.  Thánh Phao-lô còn dạy chúng ta biết: tất cả chúng ta hợp lại trở thành một thân thể mà Chúa Ki-tô là đầu, vì thế, mọi thành phần, mọi chi thể phải cố gắng tránh những sự đưa đến chia rẽ, bè phái, chống đối, thù hằn lẫn nhau, cố gắng hợp nhất và chung sức xây dựng Giáo Hội, là Thân Thể Chúa Ki-Tô.
Hơn lúc nào hết, ngày hôm nay và trong xã hội này, chúng ta cần Chúa Thánh Thần và những ơn sủng của Ngài.  Chúng ta tin Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa, tiếp tục đổi mới và canh tân con người.  Khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, các tông đồ đã biến đổi trở thành những con người có tâm hồn và cuộc sống hoàn toàn mới. Trước đây, các ông chỉ là một nhóm nhỏ sợ hãi, lúc nào cũng cửa đóng then cài. Thế mà giờ đây sau khi được tràn đầy ơn sủng của Chúa Thánh Thần họ đã kết hợp với nhau, trở nên mạnh mẽ, hiên ngang và can trường mở cửa ra đi làm chứng và loan báo Tin mừng Phục sinh của Chúa Ki-tô.  
Trong Kinh Tin kính mà chúng ta thường đọc trong Thánh lễ Chúa nhật, chúng ta xác tín rằng Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống.  Chúng ta là những chi thể cần sự sống này để chúng ta được kết hợp, nối kết mật thiết với Thân Thể Chúa Kitô là Giáo hội.  Chúa Thánh Thần còn là Đấng ban phát những ơn sủng với mục đích soi sáng, hướng dẫn và giúp chúng ta trở thành những yếu tố nuôi sống Thân Thể, mà còn là những chi thể hữu ích, có hoa trái tốt trở thành chứng nhân cho Chúa Kitô. 
Kinh thánh cho chúng ta biết có 7 ơn sủng đặc biệt của Chúa Thánh Thần.  Thứ nhất là Ơn Khôn Ngoan, giúp chúng ta phân biệt điều gì tốt, điều gì xấu, việc lành và việc dữ, và giúp chúng ta nâng cao tâm hồn lên trên mọi vật chất mau qua và thấp hèn trên mặt đất, hướng cuộc sống về những sự trên trời, những sự vĩnh cửu. Thứ nhì là Ơn Hiểu Biết giúp chúng hiểu được thánh ý Chúa cho chúng ta, giúp chúng ta hiểu ý nghĩa, giá trị chân lý và giáo huấn của Chúa, cũng như của Giáo hội.  Thứ ba là Ơn Lo Liệu giúp chúng ta biết phải làm gì để cảm tạ vinh danh Chúa, để linh hồn của chúng ta và của anh chị em được cứu rỗi, và giúp chúng ta biết giải quyết những khó khăn trong đời sống. Thứ tư là Ơn Sức Mạnh giúp chúng ta can đảm làm việc lành, tốt, và tránh điều xấu, dữ, biết can đảm hy sinh sống phục vụ, yêu thương và quảng đại, tránh cuộc sống ích kỷ, kiêu căng và tự mãn, và giúp chúng ta tuân giữ luật Chúa và luật của Giáo hội, nhất là trở thành những Ki-tô hữu chính đáng, và chứng nhân đính thực cho Chúa, cho dù phải chịu những sự chỉ trích, vu oan hay thiệt thòi.  Thứ năm là Ơn Thông Minh giúp chúng ta phán đoán một cách ngay thẳng, thành thật và biết sử dụng kiến thức tài năng đúng đắn để làm sáng danh Chúa.  Thứ sáu là Ơn Đạo Đức giúp chúng ta biết khiêm nhường, có lòng nhiệt thành và sốt sắng tin yêu Chúa, khao khát tìm kiếm, vâng theo, sống thánh ý Chúa, và giúp đỡ anh chị em. Thứ bảy là Ơn Kính Sợ Chúa giúp chúng ta biết đặt Chúa trước và trên hết mọi sự, và sợ làm những điều mất lòng Chúa. Không phải sợ hãi như công nhân sợ chủ, nhưng cố gắng lánh xa tội lỗi, sợ làm mất lòng Đấng yêu thương chúng ta, và cũng là Đấng chúng ta yêu mến.
Ông bà anh chị em thân mến.  Chúa Thánh Thần luôn tuôn đổ những ơn sủng này xuống cho mỗi người chúng ta, để chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa và yêu mến Người. Thiên Chúa, Đấng tạo thành chúng ta, muốn chúng ta nhận biết và yêu mến Người, và Chúa Thánh Thần giúp chúng ta thực hiện những điều đó.  Nếu chúng ta có lòng yêu mến Chúa chân thật, thì sự yêu mến Chúa này sẽ tràn đến tư tưởng, lời nói và các việc làm của chúng ta trong đời sống.  Xin Chúa Thánh Thần tiếp tục canh tân và biến đổi, giúp chúng ta nhận ra và can đảm xử dụng những ân sủng của Chúa Thánh Thần để trở thành những Ki-tô chân chính, để chúng ta phục vụ, hy sinh và quảng đại xây dựng giáo xứ, Giáo hội là thân thể Chúa Kitô.  Chúng ta ý thức rằng ngày nay Giáo hội, giáo xứ và mỗi người chúng ta còn phải đương đầu với những khó khăn thử thách, những cám dỗ và cạm bẫy, cho nên chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần gìn giữ che chở Giáo hội vượt qua khỏi những sóng gió, và tiếp tục biến đổi và thánh hóa chúng ta để cùng nhau xây dựng cộng đoàn giáo xứ, giúp nhau sống đức tin và làm sáng danh Chúa.  
Lm. Chánh x
 

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....