Thứ Ba, 15 tháng 3, 2016

Sức mạnh của Thập Giá

Tất cả chúng ta đều biết rằng những người làm chúng ta thất vọng vào một lúc nào đó. Đôi khi đó chỉ là “chuyện nhỏ”, nhưng có khi lại là “chuyện lớn”. Những năm gần đây, các phương tiện truyền thông đã nói nhiều về các giáo sĩ và tu sĩ làm chúng ta thất vọng. Tại sao họ tận hiến cho Thiên Chúa mà lại không sống những điều đã khấn hứa? Chúng ta có nên ở lại trong Giáo hội khi những người lãnh đạo sai lầm?
Khi Chúa Giêsu ở thế gian, Ngài thường phê phán người Pha-ri-sêu. Những người sùng đạo này là những người tin nghiêm túc nhưng lại gặp rắc rối với những người không giữ luật như họ. Khi người Pha-ri-sêu thấy Chúa Giêsu ăn uống với người thu thuế và người tội lỗi, họ tức giận, nhưng Ngài nhắc nhở họ: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2:17).
Thế kỷ 13 có thần học gia nổi tiếng là Thánh Thomas Aquinas, ngài đã soạn kinh nguyện chuẩn bị Thánh lễ có những lời này: “Con bệnh tật tìm đến Bác Sĩ Sự Sống, con không tinh tuyền tìm đến Giếng Nước Lòng Thương Xót, con mù lòa tìm đến Ánh Sáng chói lọi đời đời, con nghèo nàn và thiếu thốn tìm đến Chúa Trời Đất”.
Chúng ta thường xuyên quên rằng chúng ta thực sự là những người bị bệnh nặng. Chúng ta là những người cần được tẩy sạch ô uế, cần được chữa khỏi mù lòa và cần được sống phong phú. Giáo hội hiện hữu cũng như Chúa Giêsu hiện diện vì các tội nhân, nếu chúng ta ở ngoài vòng tội lỗi thì chúng ta đang ở nơi không đúng. Hơn 2000 năm qua, các Kitô hữu không sống đúng với lời mời gọi nên thánh qua Bí tích Thánh tẩy. Một số người có vẻ không hiểu thấu nên họ hoàn toàn thất bại.
Chúng ta phải phân biệt giữa tội trọng với tội nhẹ và các sai sót, Thánh Phaolô nói rõ:“Người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô. Tất cả những ai tin đều được như thế, bất luận là ai. Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa” (Rm 3:22-23). Vì chúng ta được tái sinh vào Gia đình của Đức Kitô, mỗi khi chúng ta phạm tội là chúng ta phạm tội qua việc đã làm, việc không làm, chúng ta làm hại Nhiệm Thể Đức Kitô. Nhưng may thay, mỗi cái yếu đuối của chúng ta, mỗi lời cầu nguyện và mỗi hành động với lòng tin lại làm chúng ta mạnh mẽ, chính Đức Kitô thực hiện hành vi đức tin đó.
Đó là lý do Chúa Giêsu đến ban sức mạnh và ân sủng cho chúng ta qua Thập Giá. Nếu chúng ta sống theo Thập Giá và không bao giờ rời mắt khỏi Thập Giá, chúng ta sẽ nhận được các ơn cần thiết, không thiếu ơn gì trong sự hy sinh của Chúa Giêsu tên Can-vê. Khi chúng ta phạm tội, chúng ta cần sám hối chứ không nên thất vọng. Khi chúng ta thất vọng, chúng ta không còn tin rằng Thập Giá đủ sức trợ giúp chúng ta.
Tương tự, khi người khác phạm tội theo cách nghiêm trọng, chúng ta có thể cảm thấy thất vọng nếu người phạm tội là người chúng ta tin tưởng nhiều. Chúng ta cũng có thể mau chóng nản lòng, đôi khi còn hoài nghi nữa. Chúng ta nên biết rằng sự tổn thương lớn đến qua tội lỗi của con người và hành động để đạt được công lý cho người bị tổn thương. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhớ rằng mỗi người đều là tội nhân và cần hồi phục nhờ sức mạnh của Thập Giá.
Mỗi chúng ta đều có những lúc chúng ta biết mình sai lầm, nếu bị người khác phát hiện. Có những lúc chúng ta cảm thấy thất vọng vì bản tính sa ngã của mình về tính kiêu ngạo, nhục dục, tham lam,… Nhưng chúng ta đừng dại dột mà nghĩ rằng chúng ta không thể sa ngã hoặc có thể “ngon” hơn người khác. Đó là những lúc chúng ta không nhìn lên Thập Giá, chúng ta quên rằng tình yêu của Đức Kitô luôn muốn giữ chúng ta lại.
Về tội riêng và tội công khai của người khác, chúng ta luôn có hai cách chọn lựa. Một là làm chai cứng tâm hồn và thất vọng, hoặc trở nên giống như người Pha-ri-sêu. Hai là chúng ta từ khước tội lỗi, nhưng cũng bám vào Thập Giá của Đức Kitô. Đó là lúc chúng ta hãy cầu xin Mẹ Thiên Chúa ban ơn để chúng ta đủ sức đứng vững dưới chân Thập Giá, và hiện diện khi thấy anh chị em khác sa ngã.
Đặc biệt là luôn biết cầu nguyện như các tông đồ: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17:5).
Trầm Thiên Thu chuyển ngữ từ IgnitumToday.com

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....