Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014

Tôi là ai?

Đề kiểm tra học phần Văn Học Châu Á của tôi chỉ vỏn vẹn ba từ “Bạn là ai?”. Đó là một băn khoăn và cũng là vấn đề mà giới trẻ ngày nay cần quan tâm. Khi con người trưởng thành, sẽ có rất nhiều thắc mắc được đặt ra. Trong số đó, có những câu hỏi hết sức nan giải: Bạn là ai? Trả lời câu hỏi “Tôi là ai”, một câu hỏi tưởng chừng dễ, nhưng để tìm ra một phương án trả lời đúng đắn và khôn ngoan lại là một vấn đề khác, rất khó. Và khó có thể thỏa mãn được người đã đặt ra câu hỏi đó. Để làm sáng tỏ được vấn đề này, cần phải có một sự trải nghiệm không những quá khứ, mà ngay cả hiện tại và tương lai.
“Tôi là ai” liên quan đến một phạm trù triết học nói về con người, sự thắc mắc ở đây cũng là sự tự lý giải tự nhiên và xã hội, trong đó có con người. Trả lời câu hỏi đó, chúng ta lại phải đặt ra hàng loạt câu hỏi khác bao quanh nó, và nhiệm vụ của ta là phải trả lời hết những câu hỏi đó. Hiện tại ta đang làm gì? Quan niệm sống của ta ra sao? Mục đích sống của bản thân như thế nào? Và lý tưởng của ta là gì trong cuộc sống hiện đại này?…
Tôi là một chỉnh thể vừa độc lập, vừa phụ thuộc vào thế giới bên ngoài. Bản thân không ngừng phát triển, cả về tri thức lẫn ngoại hình, tiếp tục trau dồi những cái mới, cái tiến bộ để bắt kịp thời đại. Sinh tồn trong xã hội ngày nay không phải dễ, đất chật người đông, cơ hội việc làm khó khăn, từ đó đòi hỏi có những con người thật sự tài năng. Vậy tôi nằm ở phần trăm thứ bao nhiêu trong cơ hội đó? Thật nhỏ nhoi và mong manh! Gắn liền với hiện thực đó, cần có quan niệm sống lành mạnh và phù hợp. Sống không chỉ lợi cho bản thân, mà chữ nhân phải được đặt ở vị trí cao hơn cả. Sống không lợi dụng, không sống giả dối, đặc biệt là giả dối với chính bản thân mình, điều đó thật đáng kinh tởm. Điều quan trọng là phải biết tự thân vận động, không “há miệng chờ sung”, sống là phải biết phấn đấu không ngừng. Xã hội ngày nay có rất nhiều tấm gương vươn lên hoàn cảnh để phát triển, tự hoàn thiện chính mình. Đó là những con người không lành lặn, nhưng vẫn chiếm lĩnh cả tri thức và cuộc sống.

Đặt ra những quan niệm sống như thế, thì cần có mục đích đúng đắn và phù hợp với cả quan niệm của xã hội. Người ta nên sống vì hai mục đích lớn và quan trọng,thứ nhất vì bản thân: có thể đem lại sự thành công cả về vật chất tiền của và cả tinh thần, không ai trong xã hội này sống mà không nhờ của cải vật chất, dù đó là thứ bé nhỏ như thế nào. Thứ đến vì những người xung quanh, trong đó có gia đình, bạn bè và người thân; đem lại sự hãnh diện, sự tự hào và cả niềm vui cho những người xung quanh, góp phần làm cho xã hội ngày một phát triển và tươi đẹp hơn. Muốn được như thế, đặc biệt đối với một người “quân tử”, cần có một lý tưởng cao đẹp trong thời đại mới này, không phải làm việc được người đời biết đến vì điều lạ, nhưng phải do chính năng lực, tài năng và bản lĩnh của bản thân, đó mới chính là điều làm cho con người thấy thỏa mãn.

Khi đề cập đến “Tôi là ai?” thì cái “bản ngã” xuất hiện liền kề, những vấn đề nêu trên chỉ là ý kiến một chiều trong một cái tôi, nhưng trong xã hội hiện tại, có những cái xã hội đã làm được, nhưng bên cạnh đó, cũng có những điều chưa làm tròn nhiệm vụ. Xã hội đâu đó vẫn còn những bất công; chúng ta góp phần làm cho xã hội xanh, sạch và đẹp nhưng bên cạnh đó vẫn còn tràn lan sự ô nhiễm môi trường; rồi ngay cả số vụ tai nạn giao thông không ngừng tăng, thậm chí ngay trong tháng an toàn giao thông… Đó là những cái tuy nhỏ nhưng rất cụ thể cho một xã hội chưa hoàn thiện. Chính vì thế, là những người trẻ, một bộ phận làm nên xã hội, là những hạt giống tương lai của đất nước, hãy ra sức để xây dựng một xã hội văn minh, giàu đẹp.

Tôi – liên quan đến tất cả những gì tác động đến con người, thuộc về thế giới xung quanh ta. Từ đây, cái tôi cũng không còn đơn lẻ, nó đi đến cái ta để hòa nhập. Con người với những mối tương giao rộng lớn, từ cái riêng đi đến cái chung. Theo quan niệm văn học cổ, con người là một bộ phận của vũ trụ, con người phải luôn tồn tại trong mối quan hệ tương quan mật thiết với vũ trụ, không có sự tách rời con người thành một cái tôi độc lập như văn học hiện đại. Hay chúng ta có thể bắt gặp trong văn học, phạm trù cái đẹp thuộc về cái tôi khép kín, lạc lõng như một ốc đảo, hay cái tôi cực đoan cự tuyệt giá trị cao quý mà “cái ta” thừa nhận. Phạm trù cái tôi thuyết minh cho sự tiến bộ, đồng thời xác định cá tính sáng tạo trong văn học. Từ hai ví dụ trên, chúng ta thấy được cái tôi và cái ta hòa hợp, nhưng đôi lúc cũng đấu tranh với nhau, từ đó, chúng ta thấy rõ trong bản thân một con người, đôi khi cũng có những suy nghĩ, việc làm trái ngược, đó cũng là điều thường tình, không thể từ đó mà đánh giá con người được.

Đã là một cá thể trong xã hội, cần làm cho xã hội thấy được mình đang tồn tại, không đơn thuần chỉ tồn tại bình thường, nhưng luôn lấp lánh như những vì sao, chứ không chỉ là một hạt cát bình thường như bao hạt cát khác trên sa mạc. Cần khẳng định bản thân trong xã hội, cần có chính kiến trong mối tương giao giữa các cá nhân với nhau; trong công việc cần có sự quyết đoán, cần có một định hướng đúng đắn cho tương lai. Chính vì thế, cần tạo ra những mối quan hệ tốt trong xã hội. Phải biết xác định hướng đi cho bản thân, biết nắm bắt cơ hội, có cái nhìn xa rộng, bao quát hơn để không phải thụt lùi với thời đại. Sống không phải là một cuộc du ngoạn, mà là một cuộc tìm hiểu và kiếm tìm. Chính vì thế, là một cá nhân, con người cần xác định mình trong thế giới này, trong cuộc sống này. Hãy biết định vị cái cá nhân trong cái chung rộng lớn của cả vũ trụ, từ đó khẳng định bản thân và hướng đi đúng đắn.

Hy vọng sau khi đọc xong, các bạn ít nhiều hiểu được mình là ai trong thế giới này, đặc biệt biết đưa ra quan niệm sống đúng đắn cho bản thân, nhằm trở thành người hữu ích cho xã hội, mang lại niềm vui cho mọi người xung quanh. Chúc các bạn may mắn và thành công!
                                                             Lê Vũ (Lưu Hành)

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....