Thứ Bảy, 14 tháng 2, 2015

Chúa Nhật 6 Thường Niên Năm B_2015.

 
Ông bà anh chị em thân mến. Bệnh phong cùi đã xuất hiện lâu lắm rồi, không biết từ bao nhiêu ngàn năm nay. Bệnh này là chứng bệnh ghê tởm và nguy hiểm nhất trong các chứng bệnh của con người.  Không những ảnh hưởng đến hình dáng bên ngoài thân thể, mà còn làm tổn thương đến nhân phẩm con người.  Người bị bệnh phong cùi không những bị bệnh thể lý, các chi thể từ từ
bị ăn mòn dần cho đến ngày chết, mà còn phải đương đầu với các chứng bệnh tâm lý, bị tách biệt ra khỏi xã hội, sống cô đơn và cảm thấy tủi nhục vì bị khinh thường, và bị coi là nguyên nhân làm mọi người ra ô uế. Họ sống trong tuyệt vọng, vì sống như không có ngày mai.

Các bài đọc Kinh thánh hôm nay cho chúng ta thấy những đau khổ của những người mắc chứng bệnh nguy hiểm này, và lòng nhân từ, yêu thương, cũng như sự đặc biệt quan tâm của Thiên Chúa cho các bệnh nhân. Trong bài đọc I, tác-giả Sách Lê-vi liệt kê những gì người phong cùi phải chịu, và những bổn phận của bệnh nhân phong cùi phải làm. Thứ nhất, phải trình diện các tư tế.  Ngày xưa, không có bác sĩ chuyên môn như hiện nay, và bệnh phong cùi được xếp lọai những người không thanh sạch để dâng của lễ trong đền thờ cho Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao bệnh nhân phải đến với các tư tế để được khám bệnh, theo dõi, và chứng nhận nếu được sạch. Thứ hai là phải loan tin cho mọi người biết mình có bệnh, vì bệnh phong cùi là bệnh hay lây, cho nên, phải ngăn ngừa mọi tiếp xúc giữa bệnh nhân và những người lành mạnh, và đi đến đâu cũng phải kêu lên “Ô-uế! Ô-uế!” để mọi người tránh qua đường mà đi. Chúng ta có thể tưởng tượng ra nỗi đau khổ và nhục nhằn của người bị bệnh này!  Và bổn phận thứ ba là phải sống cách biệt với những người khác.  Ngày xưa, không có tổ chức y-tế như ngày nay, vì thế Luật đòi những bệnh nhân phong cùi phải sống trong những trại tập trung cách biệt với tất cả những người khác. Họ không được ra khỏi trại bao lâu còn mắc bệnh.
Trong bài Tin mừng hôm nay, một người phong cùi đến quì trước Chúa Giêsu và xin: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch.” Chúa Giêsu động lòng thương, đưa tay chạm đến anh, lập tức chứng phong cùi biến mất và anh được lành bệnh.  Đụng đến người cùi là trở thành ô uế giống như họ, vì thế Chúa Giêsu đã tự để mình trở thành ô uế giống như anh phong cùi, như Ngài đã khiêm nhường tự mặc lấy thân xác yếu hèn và trở nên một con người như  con người chúng ta, cũng như đã tự hy sinh giang cánh tay trên thập giá, gánh chịu những đau khổ, tội lỗi của chúng ta, để chúng ta được chữa lành và nhận được ơn cứu độ.
Hiện nay chúng ta không có một thống kê chính xác về số người mắc bệnh phong cùi trên thế giới.  Ngày nay, chúng ta thấy đã có nhiều sự tiến bộ về quan niệm và thái độ đối với những người bị bệnh phong cùi, và có nhiều tổ chức từ thiện, bác ái đã và đang giúp đỡ cũng như an ủi những bệnh nhân, để họ có cuộc sống bình thường và có ý nghĩa.  Trong số các thánh của Giáo hội, có một vị thánh của người cùi đó là thánh Đa Miêng, nổi tiếng có lòng nhân từ và yêu thương như Chúa Giê-su, trong việc hy sinh phục vụ những người bệnh phong cùi ở đảo Mô-lô-kai, Hawai.  Sau 16 năm phục vụ tại làng phong cùi, cuối cùng ngài cũng bị nhiễm và chết vì bệnh này.  Vì thế, ngài được coi là thánh tử đạo vì bác ái.  Khi ngài mới đến đảo, những người cùi ở đây đã không thể hiểu nổi tại sao một người xa lạ ở phương xa, không bà con thân thuộc gì với họ và còn trẻ lại có thể đến phục vụ cho họ ở nơi khốn cùng này. Nhiều người tìm cách đến gần để nhìn và sờ vào thân thể ngài, xem ngài có mắc bệnh cùi như họ không.  Dần dần họ cảm nhận được lòng yêu thương và nhân từ của Cha, và chính ngài đã hoà đồng được với họ và không còn cảm thấy ghê sợ như thời gian đầu.  Thánh Đa Miêng đã vì yêu thương bắt chước Chúa Giê-su hy sinh cuộc sống phục vụ tha nhân để tôn vinh làm sáng danh Chúa, như trong bài đọc II, thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu Corintô và chúng ta hãy bắt chước thánh nhân như ngài đã bắt chước Đức Giê-su Kitô: đó là phải cố gắng hy sinh làm mọi sự cho mọi người đạt tới ơn Cứu Độ, và để làm sáng danh Thiên Chúa.  Vinh danh Thiên Chúa là làm cho mọi người nhận ra sự tốt lành, nhân từ, yêu thương và quảng đại của Thiên Chúa trong và qua chúng ta và tin vào Ngài.
Ông bà anh chị em thân mến. Ngày nay, nhiều người được tình yêu và lòng nhân từ của Chúa thúc đẩy tiếp tục hy sinh phục vụ cho những người phong cùi trên thế giới kể cả tại Việt Nam.  Và như chính Chúa Giê-su và thánh Đa Miêng, họ phải trả một giá rất đắt cho sự hy sinh phục vụ, và cho lòng yêu thương vị tha của họ đối với tha nhân, để tôn vinh và làm sáng danh Chúa. Chúa Giêsu đã chấp nhận chịu những sự đau khổ và nhục nhằn thi hành sứ mệnh của Thiên Chúa Cha.  Người đã hy sinh quên mình để rao giảng Tin Mừng, và chứng tỏ tình yêu và long nhân từ của Thiên Chúa Cha qua việc cứu chữa những người đau khổ vì những chứng bệnh, vì đui mù hay bị quỉ ám.  Cuối cùng, Chúa đã vác thập giá, giang tay chịu đóng đinh và chết trên thập giá để trả giá cho tội lỗi nhân loại, ban chúng ta ơn cứu độ và để tôn vinh, làm sáng danh Thiên Chúa Cha.
Ông bà anh chị em thân mến. Những câu chuyện trên đây và bài Tin mừng nhắc nhở và kêu gọi chúng ta suy nghĩ, kiểm điểm lại mức độ lòng yêu thương quảng đại và hy sinh của chúng ta còn tới mức nào, còn bao nhiêu?  Hay đã cạn hết?  Lòng yêu thương và nhân từ của Chúa mời gọi chúng ta sẵn sàng hy sinh, chấp nhận những khó khăn, và vui mừng trả giá để đáp lại lòng yêu thương và nhân từ của Chúa.  Chúng ta cũng được kêu gọi bắt chước người cùi, chạy đến Chúa để xin chữa lành.  Chúng ta biết, trong con người hôm nay, còn mang rất nhiều bệnh cùi tinh thần làm cho chúng ta xa Chúa. Cho nên câu hỏi quan trọng là “Chúng ta có thành tâm muốn chạy đến với Chúa để xin chữa lành không?”
Chúng ta cầu xin Chúa ban ơn giúp sức cho chúng ta, để chúng ta can đảm chạy đến với Chúa, và ban cho mỗi một người chúng ta có lòng yêu mến Chúa thẳm sâu.  Có tấm lòng nhân từ và quảng đại, không tính toán giá cả phải trả của sự hy sinh phục vụ và bác ái quảng đại.  Không đòi hỏi trả ơn, chấp nhận và hiểu biết rằng nếu chúng ta quảng đại và hy sinh làm những điều mà Chúa Giêsu kêu gọi, chúng ta nhận biết rằng những điều này Chúa đã làm trước chúng ta, và là một tấm gương cho chúng ta noi theo.  Chúa muốn biến đổi chúng ta, là những người được Chúa yêu thương, trở thành khí cụ tình yêu, lòng nhân từ của Chúa, và là nguồn hy vọng cho những người thất vọng, đang trong cảnh đau khổ, khốn khó, và để tôn vinh và làm sáng danh Chúa.
 Lm. Chánh xứ


Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....