Nhìn
vào sự hỗn độn cuộc sống hôm nay, nhìn vào những hoàn cảnh, những số
phận và nhìn vào cả những bất công, chúng ta hay nảy ra những câu hỏi
đại loại như: “Thiên Chúa, Ngài ở đâu?”, “Sao Ngài im lặng?”. Thậm chí
đã có cả cuốn sách lấy tựa đề như vậy. Nhưng chúng ta yên tâm rằng Thiên
Chúa của chúng ta là một “Thiên Chúa chậm bất bình nhưng giàu yêu
thương và thành tín”. Ngài luôn biết cách làm những gì tốt nhất cho con
người. Thế nên chỉ ít ngày nữa, diện mạo của Thiên Chúa tín nghĩa sẽ
được khai mở rõ nét trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Nhưng trong vài
dòng ngắn ngủi dưới đây, tôi muốn kể về cái gọi là công lí, công bằng
của Thiên Chúa và con người khác xa nhau như thế nào?
Con người thực thi công lí
Tuần trước tôi được một anh bạn học luật rủ qua xem một sự kiện (mà đúng hơn là một cuộc thi) có cái tên nghe rất hấp dẫn: “Phiên tòa giả định”
(IC Trial). Cái đặc biệt của “phiên tòa giả định” là những người tham
gia sẽ “diễn lại” một vụ xử án đã xảy ra dưới mô hình tòa án của Hợp
Chủng Quốc Hoa Kì (được coi là mô hình ưu tuyển về Luật pháp). Mục đích
của cuộc thi này là nhằm phát triển tư duy phản biện cho giới trẻ và
đàng khác cũng để phổ biến về luật và tinh thần luật sâu rộng. Dưới góc
độ của một khán giả cũng như không có nhiều hiểu biết về luật nhưng
dường như tôi có chung một cảm xúc với tất cả những người tham gia hôm
đó. Khi phiên tòa kết thúc, tôi nhìn thấy ở họ – cả hai bên thắng kiện
và thua kiện; phía luật sự cũng như công tố viên một sự “thỏa mãn và hả
hê”. Cả hai cùng hả hê vì đã xử đúng người đúng tội, cả hai cũng thỏa
mãn vì ở đó công lí được lên ngôi. Và có lẽ ở phiên tòa ấy không còn
ranh giới giữa kẻ thắng, người thua nhưng tất cả đều ê hề, mãn nguyện.
Chính trong cái giây phút ấy, tôi bất thần nhận ra họ tiệm cận đến hạnh
phúc và tiệm cận đến thiên đàng: Không thắng, không thua và chỉ có niềm
vui, sự công bằng cho hai phía. Và tôi tin rằng phiên tòa thật sự đã xảy
ra trước đó cũng mang cái kết có hậu như thế.
Thế nhưng
trong phiên tòa ấy, có một câu nói làm tôi gường gượng, vương vấn mãi.
Bên phía công tố viên có viện dẫn một trong những câu nói nổi tiếng của
giới luật học như để biểu dương cho vai trò và tinh thần của họ trước
tòa và trực tiếp đối đầu với các luật sư: “Công lí của Tình yêu là sự đầu hàng nhưng công lí của luật pháp là sự trừng phạt”. Đó, chính đó là công lí mà con người đang thực thi.
Công lí của Lòng Thương Xót
Ngược trở
lại những ngày cuối của năm phụng vụ khi mà hiện tại chúng ta vừa mới
bắt đầu vòng xoay niên lịch phụng vụ mới với Mùa Vọng. Chúng ta cũng bắt
gặp đâu đó viễn ảnh về một phiên tòa trong ngày quang lâm của Đức
Giê-su. Và ở phiên tòa ấy, chiên một bên – dê một bên; ở phiên tòa ấy
không luật sư bào chữa, không có công tố viên vạch tội…Nhưng mọi thứ đã
sẵn sàng rồi, điều duy nhất mà Ngài Thẩm Phán hỏi chúng ta là: Các con
đã thực thi đức Bác ái ra sao? Với anh em thân cận của con: Kẻ khát, kẻ
đói, kẻ tù rạc, kẻ đau ốm…vì khi các con làm những điều nhỏ mọn ấy cho
những kẻ mọn hèn nhất là các con cũng đang làm cho chính Ta. Các con có
tha nợ, thứ lỗi rộng lượng đến 70 lần 7 như cái cách Ta đã dạy các con
không? Các con có biết hi sinh theo đúng bổn phận như cái cách Ta hiến
thân mình làm giá chuộc các con chưa?…Mọi chất vấn chỉ xoay quanh Tình
yêu và lòng xót thương mà thôi. Bởi Thiên Chúa đã lộ diện Lòng Thương
Xót của Ngài cho tất cả chúng ta thấy. Lòng Thương Xót ấy trải dài ra
sao trong suốt lịch sử cứu độ và cho đến mãi muôn đời: Ngài vẫn là một
Thiên Chúa của Yêu thương và Thành tín.
Lòng
Thương Xót của Thiên Chúa vừa là một Mầu Nhiệm nhưng cũng vừa là một
Thực tại. Mầu nhiệm bởi nó quá lớn lao, diệu kì mà con người với tất cả
sự hữu hạn, mỏng dòn không thể nắm bắt được; Lòng Thương Xót của Thiên
Chúa Mầu Nhiệm như chính Ngài vẫn là một Mầu Nhiệm. Nhưng Lòng Xót
Thương ấy lại rất cụ thể, cụ thể đến nỗi sờ nắn, đụng chạm được, cụ thể
đến nỗi thành hình thành nét, thành nước mắt, thành nụ cười. Và thực tại
của Lòng Thương Xót ấy chỉ có thể là “Chúa Giê-su Kitô chính là khuôn mặt của Lòng Thương Xót Chúa Cha”
(trích Tông chiếu Khuôn mặt xót thương – MisericordiaeVultus của Đức
Thánh Cha Phanxico). Nơi Đức Giê-su, Ngài là “Emmanuel – Thiên Chúa ở
cũng chúng ta” và Ngài vẫn hằng ở đây, luôn mãi với chúng ta trong Thần
Khí của Ngài.
Năm Thánh
Lòng Thương Xót được khai mở, không phải là chúng ta đang vin đến một
công lí, công bằng, một sự tự hào để loại trừ kẻ thù nhưng là để mở rộng
hơn nữa, tái khám phá vào chiều sâu, chiều cao hùng vĩ của gia tài lòng
Chúa xót thương cho tất cả mọi người. Như ánh sáng của mặt trời vẫn
chiếu trên người công chính lẫn kẻ bất chính; như mưa vẫn đổ trên người
ngay lành lẫn kẻ bất lương và theo tiêu chí của Thánh Phaolô thì: Nơi
nào càng tội lỗi thì nơi đó ân sủng càng chứa chan.
Lời kết
Thước đo
của Thiên Chúa luôn luôn đi ngược lại với thước đo mà con người tự tạo
cho mình. Bởi vậy, sống theo Thánh Ý Thiên Chúa trong xã hội hôm nay
được ví như một cuộc bơi ngược dòng thế gian. Và nếu được chỉnh sửa ý
tưởng ở trên, tôi sẽ sửa câu nói kia thành: “Công lí của Tình Yêu là sự Cứu rỗi”
giống như điều mà Thánh chiêm niệm Gioan Thánh Giá đã nghiệm thấy: “Khi
chúng ta lìa đời, chúng ta sẽ được phán xét trên cơ sở của Tình yêu”.
Joseph Thanh Tùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét