Có một câu chuyện về một thanh niên sinh tại thành phố
Assisi, nước Ý. Người thanh niên này lớn
lên trong sự giàu sang của gia đình và tận hưởng những thú vui vật chất. Năm 21
tuổi, anh gia nhập quân đội và trong một cuộc giao tranh bị bắt làm tù binh. Sau khi được thả về, anh trở lại con đường
sống trong trụy lạc, tội lỗi. Lúc 25
tuổi, anh tham dự một cuộc hành hương Rôma, và khi trở về anh đã dâng hiến cuộc
sống cho Chúa, sống cảnh khó nghèo để săn sóc những người đau yếu, bệnh
hoạn.
Cuộc sống mới này đã làm cho người cha giận dữ và từ bỏ anh, cho anh là người con cuồng điên. Một hôm, để bày tỏ lòng cương quyết từ bỏ cuộc sống giàu sang và gia tài mà anh sẽ được thừa hưởng để theo Chúa, trước đám đông dân chúng trong thành anh đã lột bỏ quần áo trả lại cho cha và dõng dạc tuyên bố: “Của cha, con xin trả lại cho cha, từ nay, con chỉ có một cha, là Cha trên trời.”
Người thanh niên đó chính là thánh Phanxicô khó nghèo thành
Assisi, và câu chuyện thánh Phan-xi-cô giúp chúng ta hiểu ý nghĩa câu nói
của Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay: “Thầy bảo các con, Thầy đến để đem
sự chia rẽ” hơn. Mới thoáng nghe, chúng ta cảm thấy câu nói này xem
ra nghịch lý, khó chấp nhận. Nhưng nếu phân tích sâu xa thì lại là một chân lý
tuyệt vời cho những người tin theo Chúa. Vì sao? Vì khi thành tâm
sống đời sống ngay thẳng và thành thật hay thực hành lời Chúa, hay khi can đảm
làm chứng cho Chúa, thì cũng bị những sự ghen ghét, cười chê, chống đối và thù
hằn, thậm chí bị bách hại như những Ki-tô hữu ở I-rắc hiện nay. Họ đang bị đàn áp và tiêu diệt
vì đức tin và vì Chúa.
Đó cũng là số phận của ngôn sứ Giê-rê-mi-a trong bài
đọc một hôm nay. Dân chúng phẫn nộ, tức giận khi nghe những lời tiên
đoán của ngôn sứ về thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị tàn phá nếu họ không
ăn năn sám hối cải thiện đời sống. Họ tính toán những kế hoạch để
tiêu diệt ông. Họ trói ông lại và
quăng xuống giếng cho chết đói. Nhưng Chúa đã cứu giúp và thêm sức
cho ông chu toàn sứ vụ rao giảng lời Chúa. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã chịu nhiều sự đau
khổ như Chúa Giê-su vì loan báo sứ điệp của Chúa.
Như chúng ta biết, chính vì những sự giáo huấn, những lời
dạy dỗ thẳng thẳn và cương quyết, nên Chúa đã bị người ta thù oán và đóng đinh
trên thập giá. NHưng Chúa đã sống
lại vinh quang, và bây giờ đang ngự bên hữu Chúa Cha trên trời vinh
hiển. Nếu Chúa nói những lời nịnh
hót hay chỉ nói những điều “dễ nghe, xuôi tai” thì có lẽ Chúa đã được quần
chúng ưa thích. Nhưng Người đã chọn con đường nói lên sự thật, kêu gọi mọi
người cải thiện đời sống để được hưởng ơn cứu độ, và cũng đượng vinh quang
hạnh phúc Nước trời ngày sau. Vì
thế Chúa đã bị dân chúng thù ghét và chịu nhiều đau khổ.
Bài Tin mừng thánh Lu-ca cho chúng ta biết trên con đường
tiến về Giê-ru-sa-lem, Chúa tuyên bố ba sứ vụ của Người. Thứ nhất là đem lửa xuống thế gian và Người
mong muốn cho lửa cháy lên. Lửa mà
Chúa đem đến thế gian là gì? Lửa biểu
tượng trưng cho sự thanh luyện, thiêu huỷ và phán xét, như ngọn lửa từ trời xuống
thiêu huỷ thành Sôđôma và Gômôra, như mưa lửa từ trời xuống trở thành một phần
của sự phán xét trong ngày tận cùng của thế giới, hay như lửa soi sáng mọi sự
trong Ngày của Thiên Chúa. Lửa còn là biểu tượng của thần khí đã ngự trên Chúa Giêsu
khi Người chịu phép rửa tại song Gio-đan. Lửa
là hình ảnh của Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần,
đã biến đổi các Tông đồ trở nên con người hoàn toàn mới, can đảm chấp nhận những
sự đau khổ vì Tin mừng và vì làm chứng cho Chúa. Sau đó
Chúa tuyên bố về phép rửa mà Người phải chịu. Chúng ta biết Chúa đã chịu phép rửa
của Gioan Tẩy giả ở sông Gio-đan. Ở
đây Chúa muốn để cập đến sự đau khổ mà Người sắp phải chịu tại
Giê-ru-sa-lem. Sau đó, Chúa tuyên
bố: “Các con tưởng Thầy
đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng
Thầy đến để đem sự chia rẽ.” Trong Tin
mừng Chúa Giêsu minh chứng sứ mạng của Người là sứ mạng hòa bình. Nhưng hòa
bình có nhiều nghĩa: hoà bình kiểu thế gian và hoà bình của Thiên Chúa. Chúa
Giêsu nói rằng Người đến thế gian không phải để đem hòa bình kiểu thế gian, mà
là thứ hòa bình của Thiên Chúa. Người ta chỉ nhận được Thứ hoà bình của
Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mang đến, sau khi đã cố gắng chiến đấu và chiến
thắng sự dữ và những sự chống đối của người đời để sống theo Tin mừng
của Người. Là những Ki-tô hữu, chúng ta sẽ
phải đối diện với sự xấu, tội lỗi và những người chống đối Tin mừng bên
ngoài xã hội làm cho chúng ta phải đau khổ, bị ghen ghét và thù oán. Ngoài ra, chúng ta cũng phải chiến thắng
một cuộc chiến đấu diễn ra ngay trong con người chúng ta giữa cái tốt và
xấu, giữa sự thánh thiện và sự xấu, giữa ngay thẳng và gian dối, giữa
hy sinh và ích kỷ, giữa bác ái, quảng đại và hẹp hòi.
Chúa Giêsu muốn lửa chân lý của Người thanh tẩy và biến
đổi chúng ta nên tinh sạch và tốt đẹp.
Chúa cũng muốn ngọn lửa tình yêu của Người luôn ngự trị và cháy sáng
trong tâm hồn mọi người Kitô hữu chúng ta. Và Chúa mời gọi chúng ta can đảm
đem lửa của Chúa thắp sáng tâm hồn những người sống chung quanh bằng đời
sống thánh thiện, tốt lành, ngay thẳng, bằng những việc bác ái và quảng đại để
làm chứng và làm sáng danh Chúa, dù chúng ta phải hy sinh, chịu thiệt thòi, khinh
chê hay đau khổ.
Lm. Chánh xứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét