Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2020

Chúa Nhật Thứ 5 Mùa Chay. Năm A_2020.

Chúng ta đang đối diện với đại dịch viêm phổi Corona, đã làn tràn đến nhiều quốc gia trên thế giới.  Bệnh dịch này đang gây nhiều đau khổ cho mọi người mọi nơi.  Bệnh viện hầu như không còn chỗ trống, nhất là còn thiếu những dụng cụ cần thiết để chữa trị. Theo lời của một bác sĩ cho biết, những người cấp cứu phải xếp hàng chờ đợi để được chữa trị.
Bệnh dịch này còn đang đe dọa nền kinh tế toàn cầu, gây nhiều đau khổ và xáo trộn đời sống người dân. Dịch viêm phổi này không những đã gây bệnh cho hơn 6 trăm ngàn người trên thế giới, mà còn giết hại hơn 28 ngàn người.  Tại Hoa kỳ tính đến nay có hơn 1 trăm 5 ngàn người mắc bệnh, và hơn 1 ngàn 7 trăm người tử vong. Tại tiểu bang Oklahoma có 377 người mắc bệnh và 15 người chết. Bệnh viêm phổi Cô-rô-na là một dấu chỉ của đau khổ và tang tóc trong thời đại này, vì thế chúng ta cùng cầu khẩn quyền năng và sự cứu chữa của Chúa.

Bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết Chúa Giê-su đã làm phép lạ phục hồi sự sống cho một người bạn thân là Lazarô, người em trong gia đình của Matta và Maria, đã qua đời. Theo Tin mừng Thánh Gioan, đây là phép lạ sau cùng và trọng đại nhất mà Chúa Giê-su đã thực hiện. Chúng ta phải hiểu trong Tin mừng của Thánh Gioan những phép lạ mà Chúa Giê-su làm được gọi là dấu chỉ. Phần đầu sách Tin mừng cho chúng ta biết nhiều phép lạ Chúa đã thực hiện, những phép lạ, dấu chỉ về tình yêu và quyền năng của Chúa, như biến nước thành rượu; chữa lành bệnh người con của viên sĩ quan; người liệt bên giếng Bét-sai-đa; hóa bánh và cá ra nhiều; đi trên nước và chữa lành người mù bẩm sinh trong bài Tin mừng tuần vừa qua.  Tất cả những dấu chỉ phép lạ trên được Thánh Gioan, tác giả sách Tin mừng, sắp đặt trước để dẫn chúng ta đến phép lạ sau cùng to lớn và trọng đại là phục hồi sự sống cho Lazarô, và với mục đích cho chúng ta biết Chúa là ai và lý do tại sao Người đến. Như lời Chúa nói: “Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào.” (Ga. 10, 10)  Như một dấu chỉ, phép lạ hôm nay không những cho chúng ta biết Chúa là ai và lý do tại sao Người đến, mà còn báo cho chúng ta biết trước về sự phục sinh của Người.  Nhưng chúng ta phải chú ý đến những sự khác biệt giữa sự phục hồi sự sống của Lazarô là trở về cuộc sống hiện tại, còn sự phục sinh của Chúa là đưa đến sự vinh quang.  Lazarô, sau khi được phục hồi, sẽ chết, còn Chúa Giê-su, sau khi phục sinh, sẽ không chết nữa.  Lazarô sau khi được phục hồi vẫn còn quấn khăn vì ông còn cần đến, khi Chúa sống lại, khăn liệm để lại mồ vì Người không cần đến nữa.

Trong dịp hành hương Đất thánh năm trước, tôi có dịp đến thăm mồ Lazarô, và khi đứng trong ngôi mồ nhỏ được khoét vào động đá, có một bóng đèn nhỏ bên trên, tôi cảm thấy có một cảm giác thật lạ lùng, khi nghĩ đến câu Chúa nói với bà Mát-ta lúc đó đang khóc thương người em mới qua đời: “Ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ.” Sau đó một ý tưởng, câu hỏi hiện lên trong tâm trí: “Trên thế giới này, ai có thể tuyên bố một câu như thế, và làm cho ngôi mộ trống được!  Và giờ này, tôi đang đứng ngay tại nơi này!” 

Đứng trước cái chết của người em, và trong sự đau buồn, bà Mát-ta chỉ còn cậy trông nơi quyền năng Chúa, Tin mừng cho chúng ta biết, sau khi mặc khải Người là ai, “Ta là sự sống lại và là sự sống”, Chúa Giê-su đã hỏi Mát-ta:  “Con có tin điều đó không?” Hôm nay, Người cũng hỏi mỗi người chúng ta: “Con có tin điều đó không?” Tôi biết chắc rằng tất cả ông bà anh chị em đều tin và thưa: “Thưa Thầy, vâng, con đã tin Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian.”  Cũng như bà Mát-ta, đứng trước sự đe dọa và nguy hiểm của bệnh viêm phổi, chúng ta cảm thấy cuộc sống mong manh, không biết tương lai sẽ ra sao, vì thế chúng ta chạy đến với Chúa, cậy trông vào lòng thương xót và cứu chữa của Chúa.

Lazarô được Chúa phục hồi sự sống, nhưng với quy luật của thời gian và tạo vật, ông cũng đã chết như bao người khác. Chúng ta biết con vi khuẩn Côrôna hôm nay không chừa một ai, danh vọng, tiền bạc, giàu có. Và chúng ta biết điều quan trọng hôm nay là chúng ta phải sống và phải mang theo những gì để được phục sinh vinh quang như Chúa Ki-tô đời sau. Chắc chắn không phải là tiền bạc, danh vọng, mà là những điều thiện, việc phúc đức, những việc hy sinh, bác ái và quảng đại, và đó cũng là những dấu chỉ hướng chúng ta về sự phục sinh vinh hiển của Chúa Ki-tô.  Chính Chúa Giê-su đã nêu gương cho chúng ta khi Người luôn sống đẹp lòng Chúa Cha, và là dấu chỉ tình yêu, hy sinh phục vụ, bác ái, quảng đại và lòng thương xót cho mọi người.

Xin cho mọi người chúng ta trong mọi hoàn cảnh cuộc sống luôn xác tín vào Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, nhất là trong tình cảnh này, đang phải đối diện với những nỗi lo sợ bệnh tật và chết chóc do bệnh viêm phổi Cô-rô-na gây ra, để được sống trong bình an và sự che chở của Chúa, để rồi trở nên dấu chỉ sự hiện diện của Chúa nơi trần gian, và để được phục sinh vinh quang với Chúa.  Xin Chúa thương cứu chữa nhân loại trong lúc nguy khốn này.  
Lm. Chánh xứ


Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....