Trong buổi đọc Kinh Truyền tin sáng chúa nhật tại quảng trường thánh Phêrô, Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi mọi người hãy tự vấn lương tâm, tôi phải làm gì đây để chuẩn bị đón Chúa đến. Ngài kêu gọi mọi người hãy biến hành động của đức tin thành những hành động cụ thể. “Chúng ta hãy đưa ra một cam kết cụ thể, dù nhỏ, nhưng thích hợp với hoàn cảnh của mình, và hãy thực hiện nó trong Mùa vọng này”, đó là cách chúng ta đón mừng Chúa Giêsu ngự đến.
Bài Tin Mừng của phụng vụ Chúa nhật thứ ba Mùa Vọng hôm nay, giới thiệu cho chúng ta các nhóm người khác nhau – đám đông, những người thu thuế và binh lính – là những người đã xúc động trước lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả và rồi họ hỏi Gioan: “Chúng tôi phải làm gì đây?” (Lc 3, 10). Chúng tôi phải làm gì đây? Đây là câu hỏi mà họ đã hỏi. Chúng ta tập trung một chút vào câu hỏi này.
Câu hỏi đó không phát xuất từ một ý thức về bổn phận. Đúng hơn, đó là tâm hồn được Thiên Chúa chạm đến, đó là lòng nhiệt thành đối với việc tái lâm của Chúa khiến họ đặt câu hỏi: chúng tôi phải làm gì đây? Gioan trả lời : “Thiên Chúa đã đến gần” – “chúng tôi nên làm gì”. Hãy đưa ra một ví dụ: Chúng ta nghĩ đến một người thân đến thăm chúng ta. Chúng ta vui mừng, nôn nao đợi chờ người ấy. Để đón tiếp người đó, chúng ta phải dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bữa trưa ngon nhất có thể, thậm chí có quà nữa... Tóm lại, chúng ta cố gắng hết sức. Với Chúa cũng vậy, niềm vui vì cuộc tái lâm của Ngài khiến chúng ta thốt lên : chúng con phải làm gì đây? Nhưng Thiên Chúa nâng câu hỏi lên tầm mức cao hơn: Tôi phải làm gì cho cuộc đời tôi? Tôi được kêu gọi cho điều gì? Tôi sẽ trở thành điều gì?
Khi gợi ra cho chúng ta câu hỏi này, Tin mừng nhắc nhở chúng ta một điều quan trọng: cuộc sống là một nhiệm vụ dành cho chúng ta. Cuộc sống không phải là vô nghĩa, càng không phải phó mặc cho may rủi. Không! Cuộc sống là ân huệ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta khi nói với chúng ta rằng: hãy khám phá xem bạn là ai, và hãy làm việc chăm chỉ để biến giấc mơ thành hiện thực! Mỗi người chúng ta đều có một sứ mệnh cần phải hoàn thành – đừng quên điều này –. Cho nên chúng ta đừng sợ khi hỏi Chúa: con phải làm gì? Chúng ta thường xuyên lặp lại câu hỏi này với Chúa. Câu hỏi này cũng được kể trong Kinh thánh: trong sách Công vụ Tông đồ, một số người khi nghe thánh Phêrô công bố về sự Phục sinh của Chúa Giêsu “họ đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phêrô cùng các Tông Đồ khác: "Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?” (Cv 2,37). Chúng ta cũng hãy tự hỏi: điều gì tốt để tôi làm cho tôi và cho anh em? Tôi có thể góp phần lợi ích cho Giáo hội, cho xã hội như thế nào? Mùa vọng là để làm điều này: hãy dừng lại và tự hỏi tôi chuẩn bị thế nào cho Lễ Giáng sinh. Chúng ta bận rộn với nhiều thứ chuẩn bị, quà cáp và những thứ sẽ chóng qua, nhưng chúng ta hãy tự hỏi xem tôi phải làm gì cho Chúa và anh em! Chúng ta phải làm gì?
Khi được hỏi “chúng tôi phải làm gì đây?”, Tin mừng liệt kê những câu trả lời của Gioan Tẩy Giả, những câu trả lời khác nhau cho từng nhóm. Thực vậy, Gioan khuyên những người có hai áo hãy chia cho người không có; với những người thu thuế ngài nói: "Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh" (Lc 3, 13); với các binh lính: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình” (c. 14). Một từ cụ thể được gửi đến từng người, nó liên quan đến hoàn cảnh thực tế của cuộc sống họ. Điều này đem lại cho chúng ta bài học quí giá: đức tin được nhập thể trong cuộc sống cụ thể. Nó không phải là mớ lý thuyết trừu tượng. Đức tin không phải là lý thuyết trừu tượng, lý thuyết tổng quát, không, đức tin chạm đến thân xác và biến đổi cuộc sống của mỗi người. Chúng ta hãy nghĩ về tính cụ thể của niềm tin chúng ta. Niềm tin của chính tôi: là thứ gì đó trừu tượng hay cụ thể? Tôi có mang đó tiến về phía trước để phục vụ và giúp đỡ tha nhân không?
Vì vậy, để kết thúc, chúng ta hãy tự hỏi: tôi có thể làm điều gì cụ thể trong những ngày này, khi Lễ Giáng sinh đang gần kề? Tôi có thể thực hiện phần việc của tôi như thế nào? Chúng ta hãy đưa ra một cam kết cụ thể, dù nhỏ, nhưng thích hợp với hoàn cảnh của mình, và hãy thực hiện nó để chuẩn bị cho Lễ Giáng sinh này. Ví dụ: tôi có thể gọi điện cho người cô thân, thăm những người già hoặc người đau yếu, làm cái gì đó để giúp người nghèo, người túng thiếu. Thêm nữa, có lẽ tôi còn có một lời cầu xin tha thứ hay ban sự tha thứ, một tình huống cần làm sáng tỏ, một món nợ cần phải trả. Có lẽ tôi đã lơ là việc cầu nguyện và sau thời gian dài thì đã đến lúc cần chạy đến với sự tha thứ của Thiên Chúa.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tìm ra một điều gì đó cụ thể và hãy thực hiện nó!
Xin Đức Mẹ giúp chúng ta, trong cung lòng Mẹ, Thiên Chúa đã nhập thể làm người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét