Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

Thắng vượt tính đua đòi

Nếu các bạn có dịp bắt được một con ếch và rồi thả nó vào trong thùng nước mát, bạn sẽ thấy gì? Bạn sẽ thấy ếch bơi lội một cách thoải mái. Điều đó không lạ gì, bởi vì ếch thích sống trong nước mát. Nếu bạn bỏ ếch vào trong một nồi nước nóng, dĩ nhiên là nó sẽ tìm cách phóng ra khỏi nồi nước. Điều đó cũng không lạ gì, bởi vì ếch không ưa nước nóng.
Thế nhưng nếu bạn thả ếch vào một nồi nước lạnh rồi đặt nồi nước lên bếp và từ từ đun nóng lên cho tới khi nước sôi, bạn sẽ nhận thấy gì ? Ếch sẽ không nhảy ra khỏi nồi nữa. Ban đầu nó bơi lội trong nước lạnh rồi dần dần làm quen với nước ấm, cứ như thế nó cứ rán làm quen và chịu đựng cho tới khi bị chết bỏng luôn trong nồi.
Các bạn thân mến, chắc các bạn đã hiểu ý nghĩa thí nghiệm trên đây. Nó nói lên cái tai hại của ảnh hưởng sức ép bên ngoài, từ môi trường xã hội và từ các bạn bè xấu, nhất là trong đời sống các bạn trẻ. Cũng vì sức ép đó mà các bạn trẻ muốn trở nên giống như các bạn, trong cách ăn mặc, cách cư xử, trong lời nói và trong cách hành động, đến nỗi không còn biết nhận ra đâu là điều phải, đâu là điều trái nữa. Tiêu chuẩn phải trái là những gì được chúng bạn chấp nhận hay không chấp nhận.
Một trong những câu nói trở nên như điệp khúc trên môi miệng các bạn trẻ là:
Các bạn con đều làm như thế, tại sao con lại không?
Trong gia đình, câu nói đó nhiều khi trở thành một thách đố cho các phụ huynh. Họ cảm thấy như bị đe dọa, bất an trước thái độ so sánh của con cái, lo sợ trước sự cạnh tranh của các phụ huynh khác.
Dĩ nhiên, càng lớn lên, mối tương quan của con cái với thế giới bên ngoài càng rộng mở. Nó vượt hẳn ra ngoài phạm vi gia đình để đến với các bạn bè đồng lứa tuổi. Trong mọi lứa tuổi, các đồng bạn trở nên như tấm gương soi lẫn cho nhau. Quả là điều khó cho các phụ huynh muốn khuyên bảo con cái làm điều gì nếu chúng cảm thấy là điều đó không được chúng bạn chấp nhận. Đây là giai đoạn rất quan trọng trong tiến trình phát triển của con cái. Các bạn trẻ cần cảm thấy mình được đồng bạn chấp nhận, được là phần tử hữu hiệu trong nhóm để nhờ đó có thể phát triển lòng tự tin và tìm được căn cước tính của bản thân mình. Một đứa trẻ chỉ dám làm điều khác lạ với chúng bạn, nếu biết mình được chúng bạn chấp nhận và không thua kém gì những người khác.
Tuy nhiên, bản chất tích cực của lòng ước muốn trở nên như chúng bạn có thể trở thành một nhược điểm khi các em cảm thấy phải nên giống như người khác vì sợ hãi, bắt chước với bất cứ giá nào, để khỏi bị cho ra rìa! Cũng vì lý do đó mà Don Bosco luôn cảnh thức và khuyên bảo các học sinh của Ngài tránh xa các bạn xấu, và phải cẩn thận đề phòng tính vị nể.
Tính đua đòi, muốn trở nên như chúng bạn quả là một đe dọa lớn cho việc phát triển nhân bản của con cái. Quá đua đòi, các bạn trẻ sẽ dễ bị đồng hóa với chúng bạn, không còn biết giữ vững lập trường, cũng không dám có tư tưởng và cách suy nghĩ riêng của mình nữa. Vậy cần phải làm gì?
1. Đừng quên rằng “vào đời” là một bước quan trọng trong đời sống của người trẻ. Thành công hay thất bại trong bước đường quyết liệt này phần lớn tùy thuộc vào cách giáo dục ngay từ trong gia đình.
Huấn luyện nhân bản, trở nên người có bản lãnh quả là một chiến đấu cam go đối với các bạn trẻ, nhất là đối với những bạn trẻ sinh trưởng trong gia đình có cha mẹ quá độc đoán, quá bảo vệ con cái, hoặc trong gia đình bị sứt mẻ.
Đứa trẻ lớn lên trong gia đình với đường lối giáo dục quá độc đoán và quá được che chở, kiểm soát, đến khi vì nhu cầu phải bắt đầu tự lực tự cường, phải tự lo lấy cho mình, việc làm trước tiên là đi tìm người có thể thay thế chỗ cha mẹ và nó sẽ lệ thuộc một cách mù quáng vào người ấy, có thể là một người đồng bạn, hoặc một người lớn tuổi nào đó mà nó đặt tin tưởng. Người bạn trẻ thiếu tự tin ấy sẽ bước vào đời như người không có hành trang đã được chuẩn bị sẵn trên vai, không biết tự chủ, không có tự tin, cũng khong có sáng kiến, chỉ biết sẵn sàng vâng phục người có thể bảo đảm cho nó sự che chở và chút an bình.
Vấn đề lại càng khó khăn hơn nữa đối với những bạn trẻ lớn lên trong gia đình bị sứt mẻ, hoặc vì thiếu tình thương, hoặc vì những bất hòa, vì thảm cảnh ly dị, ly thân giữa cha mẹ. Bước vào tuổi dậy thì, người trẻ cảm thấy sau lưng mình một hố sâu trống rỗng, vì không có mẫu gương của người cha hoặc người mẹ để nhìn lên, để noi theo và để đối chiếu. Cũng không có ai nương tựa và có thể trao đổi, thử sức trong bầu khí tin tưởng và với tình thương chân thành. Thiếu vắng điểm tựa vững chắc ở lứa tuổi quyết liệt này, người trẻ sẽ lớn lên trong sự chán nản, sẽ dễ nhìn đời với con mắt dửng dưng và không thiếu chi những sự cay đắng ê chề.
2. Nếu cha mẹ là người có bản lãnh, con cái sẽ tìm được nơi nương tựa và sẽ có mô phạm để noi theo. Nhà tâm lý học David Elkind khẳng định rằng:
Người có bản lãnh vững vàng và căn tính rõ ràng sẽ không dễ gì đánh mất, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Nói cách khác đi, họ sẽ không dễ gì chịu nhượng bộ trước người khác, vì biết mình có những giá trị cần được người khác tôn trọng. Trong mối liên hệ giữa người với người, điều quan trọng là biết cho đi và biết nhận lãnh, biết cởi mở đón nhận những cái hay nơi người khác và đồng thời cũng biết đánh giá và bảo vệ điều tốt của bản thân mình.
Vai trò của cha mẹ là biết hiện diện và biết xa cách, biết bảo vệ che chở và biết buông thả, biết dung hòa sự cứng rắn với lòng nhân từ bao dung và cảm thông, biết giữ thế của mình và đồng thời cũng biết sẵn sàng từ bỏ chính mình!
Đó quả là một sứ mệnh cao cả và là một trách nhiệm nặng nề làm cho nhiều người phải run lên. Thế nhưng, đã có rất nhiều phụ huynh thành công tốt đẹp trong sứ mệnh trọng đại ấy. Như con chim non đến ngày tập vỗ cánh và bay đi, cha mẹ cũng cần phải giúp con cái mình vỗ cánh, bắt đầu tự quyết định trong những điều nhỏ mọn thích hợp với khả năng của chúng, để rồi dần dà sẽ bước vào đường tự lập, bước đi vững chãi. Đừng quá lo sợ trước những sai lầm nho nhỏ, những lần vấp ngã của con cái, hãy để chúng được dịp học khôn và rút kinh nghiệm qua những lầm lỗi của mình.
3. Giúp con cái nhận biết 2 lập trường căn bản của cha mẹ cách rõ ràng. Một mặt, cha mẹ chấp nhận nhu cầu của con cái được bạn bè chấp nhận, kính phục và quý mến; mặt khác, là cha mẹ cũng có bổn phận chỉ dẫn cho con cái đâu là điều phải, đâu là điều trái. Là con cái, chúng cũng phải hiểu rằng tuy cha mẹ nâng đỡ những nỗ lực tự lập tự cường của con, nhưng đồng thời còn có bổn phận phải đề phòng và che chở con cái khỏi những hiểm nguy có thể nhìn thấy trước được.
4. Một luật vàng trong việc giáo dục con cái mà cha mẹ không thể bỏ qua được là tình yêu thương và sự hòa thuận giữa cha mẹ. Tình thương giữa cha mẹ chính là thuẫn mộc, là chiến bào che chở con cái trước những thúc đẩy bên trong và sức ép từ bên ngoài được trở nên như mọi người và để khỏi đánh mất căn cước tính độc đáo của mỗi người.
Đừng sợ nói thật, hãy nói rõ ràng với con cái để giúp chúng nhận ra đâu là những thúc đẩy tích cực và đâu là những sức ép có thể làm chúng bị ngạt thở và dần dần sẽ bị chết bỏng như con ếch trong nồi nước đun sôi.
Giá trị đời sống mỗi người không phải là trở nên như người khác, nhưng là trở nên chính mình với tất cả sự độc đáo có một không hai mà Thiên Chúa đã muốn khi tạo dựng nên mỗi người.
Ferrero Bruno

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....