Cách đây
mấy năm, tiến sĩ Laurence Peter có viết một cuốn sách nổi tiếng có tựa đề là: “The
Peter’s Principle: Why things always go wrong?” Tôi xin được tạm dịch là
“Nguyên lý Peter: Tại sao có những điều luôn đưa đến thất bại?” Cuốn sách này đề cập đến việc tiến chức trong
các tổ chức, công sở. Tiến sĩ Peter đã diễn tả lại diễn biến trong
tiến trình xuất bản cuốn sách này.
Đầu
tiên, ông gởi bản thảo cuốn sách này cho nhà một xuất bản nổi tiếng. Nhưng
người chủ bút của nhà xuất bản từ chối, với lý do là cuốn sách sẽ không bán được
nhiều. Sau đó, tác giả đã liên lạc với
29 nhà xuất bản khác, nhưng tất cả đều từ chối in và phát hành cuốn sách của
ông. Chúng ta nghĩ là sau 30 lần như vậy thì có lẽ ông Peter nản chí bỏ cuộc,
nhưng không. Cuối cùng ông gởi bản thảo
cho một nhà xuất bản khác. Lần này nhà
xuất bản đồng ý. Sau đó, cuốn sách đã được
in ra và bán được hơn 10 triệu cuốn và còn đang tiếp tục. Thật là một sự tốt đẹp và thành công vượt bực cho
một cuốn sách đã bị 30 nhà xuất bản khác từ chối.
Kinh
nghiệm bị từ chối của ông tiến sĩ Peter đã xảy ra một lần trong lịch sử Hoa kỳ,
trong trường hợp của tổng thống Abraham Lincoln, được coi là tài ba và vĩ đại
nhất trong lịch sử Hoa kỳ. Trước khi trở thành tổng thống, ông đã bị dân chúng
bỏ phiếu từ chối, bị đánh bại trong 7 lần ứng cử vào các chức vụ lãnh đạo chính
quyền.
Ngôn sứ
Giê-rê-mi-a trong bài đọc 1 hôm nay cũng phải đối diện với sự từ chối và thù
nghịch. Chúng ta biết Giêrêmia
được Thiên Chúa trao sứ mệnh ngôn sứ giữa buổi giao thời của đất nước Do thái. Từ ách nô lệ Assyria chuyển sang ách nô lệ
Babylon. Có thể nói đây là một thời đầy
thống khổ, nhục nhã và cay đắng. Sự ngay
thẳng, công chính và đức tin đã trở thành lừa dối, tham lam và trần tục. Con
người bán lương tâm chạy theo tiếng gọi của của cải vật chất và lừa dối. Hoang tàn này thay thế bằng tàn phá
khác. Đất nước trở nên miếng mồi cắn xé
giữa hai đế quốc hùng mạnh Assyria và Babylon. Trong hoàn cảnh như vậy, Giê-rê-mi-a
được Thiên Chúa kêu gọi làm ngôn sứ, và ông đã can đảm đáp lại, rao giảng Lời Chúa
cho mọi người. Ông sẽ là ngôn sứ không
chỉ cho dân của ông mà còn cho cả dân Babylon nữa. Ông sẽ phải nói cho họ về
Thiên Chúa công bằng, nhân từ, chậm giận dữ và giàu tình thương. Nhưng ai sẽ
lắng nghe ông? Thật tội nghiệp và đáng
thương cho Giêrêmia khi đứng trước một sứ vụ to lớn và quan trọng như vậy. Thật vậy, sứ vụ này sẽ đem đến cho ông sự thù
oán, chống đối, bị thanh toán và lãnh nhận một số phận ghê sợ như lời Thiên
Chúa báo trước cho ông biết: “Chúng sẽ giao chiến với ngươi, nhưng sẽ không làm
gì được.” Giêrêmia biết rõ làm ngôn sứ
không phải là chuyện dễ. Ngài cũng biết khả năng và sự yếu đuối của mình. Nhưng Giê-rê-mi-a tin một cách mạnh mẽ Thiên
Chúa sẽ ban cho ông điều kiện và phương tiện cần thiết để thi hành sứ mệnh. Khi
chọn ông, Thiên Chúa đã biết rõ như lời Ngài phán: “Trước khi tạo thành ngươi
trong dạ mẹ, ta đã biết ngươi. Ta đã thánh hiến ngươi cho sứ mệnh của ta!”
Ông bà anh chị em thân mến. Nhưng giống
như ngôn sứ Giêrêmia, Chúa Giêsu biết mình sẽ bị loại trừ, tẩy chay và thù oán khi
rao giảng Lời Chúa, kêu gọi mọi người ăn năn sám hối, cải thiện đời sống, và
nói lên sự thật. Chúa Giêsu được mọi người có đức tin hay không, kính trọng và là một
người vĩ đại nhất trong lịch sử loài người, cũng đã bị từ chối, tẩy chay bởi
những người đồng hương, cùng hàng xóm, cùng cộng đồng, và những người lãnh đạo
tinh thần lúc đó. Một điểm thực tế mà chúng ta nhận thấy rõ ràng là: nếu ông
tiến sĩ, tổng thống Lincoln và Chúa Giêsu để cho sự từ chối, tẩy chay khống chế
và chi phối cuộc đời, và làm những điều mà họ tin là ngay thẳng, công chính, và
sự thật, thì cuộc đời của tất cả chúng ta hôm nay thật nghèo nàn và vô vọng.
Ba Tin mừng thánh Mátthêu, Lu-ca và
Mác-cô cho chúng ta biết, Chúa Giê-su khởi đầu sứ mệnh rao giảng Lời Chúa bằng
phép rửa của Gioan Tiền hô, và không nói gì về 30 năm trước đó từ lúc sinh ra,
ngoại trừ khi Ngài được 12 tuổi theo cha mẹ lên đền thờ, và bị lạc. Cha mẹ của Chúa Giê-su là những người rất sốt
sắng và nhiệt tình tham gia những buổi cầu nguyện tại hội đường trong những
ngày Sa-bát. Theo truyền thống đạo Do
thái, Chúa Giê-su cũng đến đền thờ và cầu nguyện. Người được mời đọc sách Thánh và đọc đoạn
trích trong sách tiên tri I-sa-i-a như chúng ta đã nghe trong bài Tin mừng tuần
trước. Sau đó Chúa đã cắt nghĩa và giảng
dạy họ. Họ ngợi khen và kinh ngạc trước những sự giảng dạy của Người. Bài Tin mừng hôm nay tiếp theo tuần
trước. Chúng ta không biết sự kiện gì
xảy ra, chỉ biết rằng những lời khen ngợi kinh ngạc lúc đầu của dân chúng,
trong một thời gian ngắn ngủi, đã trở thành sự căm phẫn, thù nghịch và chống
đối. Họ trục xuất và muốn xô Người xuống
vực thẳm. Chúng ta không biết Người làm
gì nhưng biết rằng Người rẽ qua giữa họ mà đi.
Nhưng vì yêu thương và với lòng nhân từ,
sự ghen ghét, từ chối, tẩy chay và thù hằn không làm cho Chúa nản chí hay từ bỏ
ý định rao giảng, mang tình yêu ân sủng cứu độ của Thiên Chúa đến cho mọi
người. Sau cùng, Chúa đã thể hiện tình yêu cao vời của Thiên Chúa bằng cái chết
trên thập giá để cứu độ nhân loại.
Thánh Phao-lô trong bài đọc 2 hôm nay đã
cho chúng ta biết ý nghĩa tình yêu hay là lòng bác ái của người Ki-tô hữu là: “Bác
ái thì kiên tâm, nhân hậu. Bác ái không
đố kỵ, không hoênh hoang, không kiêu hãnh, không ích kỷ, không nói xấu, không
giận dữ, không vui mừng trước bất công, nhưng vui trong chân lý, là tha thứ tất
cả, tin tưởng tất cả, trông cậy tất cả, chịu đựng tất cả.” Đây có thể nói là một bản văn đẹp nhất diễn
tả về tình yêu, về đức bác ái, mà chúng ta thường nghe đọc trong Thánh lễ Hôn
phối. Thật vậy tình yêu giúp chúng ta
thắng và vượt qua được những sự tẩy chay, ghen ghét, thù oán và chống đối,
trong sứ mệnh chu toàn bổn phận rao giảng Tin mừng và làm sáng danh Chúa.
Ông bà anh chị em thân mến. Tất cả chúng ta
là ngôn sứ và là con cái của Thiên Chúa. Qua Bí tích Thánh tẩy, mỗi người chúng
ta đều lãnh nhận sứ mệnh của Chúa Ki-tô là loan truyền Lời Chúa cho người khác,
bằng lời nói, việc làm và đời sống Ki-tô hữu của mình. Qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho
chúng ta biết là đừng để sự tẩy chay, từ chối hay thù ghét ngăn ngừa chúng ta
làm những điều phải, ngay thẳng, tốt lành hay những việc làm sáng danh Chúa. Như chúng ta nhận thấy rất rõ trong lịch sử,
bất cứ ai muốn xây dựng công lý và hòa bình, hay xây dựng một xã hội, một thế
giới tốt đẹp, công bằng, phải chấp nhận hay đối diện với những sự thù
nghịch. Điều này cũng sẽ xảy ra cho những
người bênh vực cho những giá trị tinh thần của gia đình, hôn nhân, tôn giáo hay
nhân phẩm và sự sống của con người.
Qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa cũng
muốn nói với chúng ta, một cách riêng, là những phần tử trong thân thể Chúa
Ki-tô, hay một giáo dân trong cộng đồng giáo xứ, chúng ta hãy can đảm, không để
cho những sự khó khăn, hay tranh chấp, chia rẽ, thù oán hay chê bai, hay tẩy
chay, làm cho chúng ta nản trí trong công việc rao giảng Tin mừng cho Chúa bằng
lời nói, việc làm, bằng những sự hy sinh về công sức hay đóng góp tài chánh,
trong công cuộc xây dựng, mở mang Nước Chúa hay làm sáng danh Chúa.
Thiên Chúa đã hứa và đã trợ giúp ngôn sứ
Giê-rê-mi-a chu toàn sứ vụ của mình, và Chúa Thánh Thần đã luôn ở với Chúa
Giê-su trong suốt hành trình rao giảng Tin mừng, cũng như trong khi chịu những
đau khổ, chịu đóng đinh và chết trên thập giá, nhưng Ngài đã sống lại mang sự
chiến thắng và vinh quang cho Thiên Chúa.
Chúng ta tin tưởng một cách chắc chắn, Chúa cũng sẽ luôn trợ giúp và ban
ơn cho chúng ta để chúng ta xử dụng những ơn lành và cuộc sống, chu toàn sứ
mệnh rao giảng Tin mừng, can đảm bảo vệ giá trị tinh thần con người, sự thật, cố
gằng sống đức tin, hy sinh phục vụ Chúa, cho dù phải hy sinh, cho dù phải đối
diện với những khó khăn, thử thách.
Chúng ta tin tưởng sẽ không nản chí hay thất bại vì chúng ta có sức mạnh
của Chúa bảo vệ, dẫn đường và trợ giúp, để chúng ta làm sáng danh Chúa.
Lm. Quản Nhiệm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét