Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2013

Chúa Nhật 4 Mùa Chay Năm C_2013

Ông bà anh chị em thân mến.  Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su kể dụ ngôn người con hoang đàng nhận biết thân phận tội lỗi, hối hận quay trở về với người cha.  Anh quay trở về như một người hoàn toàn mới. Thật hạnh phúc, anh có một người cha đầy lòng yêu thương và tha thứ đã mở vòng tay rộng đón nhận anh không điều kiện.  
Chúng ta nhận thấy sự liên hệ giữa người con thứ với người cha thật là rõ ràng, nhưng giữa người cha và người con trưởng thì Tin mừng để trống, không có đoạn kết, do đó chúng ta phải suy niệm chuyện gì có thể xảy ra: người con trưởng nghe lời cha nài nỉ, tha thứ và vào dự bữa tiệc hay không.  Chúng ta chấm dứt câu chuyện dụ ngôn thế nào, điều này sẽ diễn tả rất nhiều về chính con người chúng ta.
i xin được kể một câu chuyện về một người thanh niên có những điểm tương đối giống với người con hoang đàng.  Anh là một người Công giáo chính gốc, nhưng thường tuyên bố không phải là một người Công giáo chính đáng.  Thân phụ của anh là một nhân viên trong chính quyền, cho nên anh tận hưởng những sự thoải mái của một người con trong một gia đình giàu có và quyền thế.   Lúc 16 tuổi, anh tự xưng là một người có “bộ óc phân tán” lánh xa Thiên Chúa và không tuân giữ giới răn của Người. Sau đó, anh đã bị bắt cóc và bị bán như là một người nô lệ trong một nông trại trong vòng 6 năm. Như người con hoang đàng, anh cô đơn không bạn bè, đói khát và không nơi nương tựa.  Người thanh niên này đã nhận ra hoàn cảnh cuộc sống, và đã học được bài học vâng lời qua những sự đau khổ đã nhận chịu.  Anh đã khám phá và tôi xin được đọc lại những dòng tư tưởng của anh đã cho biết: “Thiên Chúa đã chỉ cho tôi biết cách có niềm tin vào Người một cách vĩnh viễn như một người không nghi ngờ.”  Sau 6 năm trong kiếp nô lệ, Chúa đã nói với anh như chính anh nghe tận tai, anh sẽ trốn thoát và Chúa sẽ cho anh biết khi nào và đi theo hướng nào để thành công.  Như một phép lạ, Chúa đã bảo vệ anh trong suốt cuộc hành trình trốn thoát và anh đã về tới nhà bằng an.  Như người con hoàng đàng, anh trở về như là một con người mới. Mặc dầu cha mẹ muốn giữ anh ở nhà, nhưng lòng yêu Chúa của anh đã dẫn anh đến con đường phục vụ Chúa trong cuộc sống linh mục. Hơn thế nữa, với tấm lòng khao khát muốn phục vụ tha nhân, người thanh niên giờ đây là một linh mục muốn quay trở về phục vụ những người đã bắt cóc và đày đọa anh trong cảnh nô lệ.  Và vị linh mục này đã thật sự đạt được ước muốn đó.  Sau khi đã vượt qua những chướng ngại vật, kể cả sự từ chối của bản quyền và những người thân cận, sự học hành thiếu thốn cũng như kinh nghiệm xã hội, vị linh mục này đã đến được với họ trong tư cách bây giờ là một vị giám mục.  Khi đến nơi, vị giám mục không được chào đón với những bàn tay mở rộng.  Và một lần nữa, tôi xin được chia sẻ những dòng tư tưởng của chính vị giám mục nói rằng: “Hàng ngày, tôi cảm thấy rằng sẽ bị giết, bị cướp hay bị bắt tù đày.”  Và ngài đã viết, “một ngày kia, tôi đã bị họ bao vây với những người thân cận, và trong ngày đó, hình như họ muốn giết tôi, nhưng giờ tôi chưa đến.  Họ lục soát và tịch thu tất cả hành lý, còn tôi họ đã xiềng xích.”
Nhưng thưa ông bà anh chị em, vị giám mục này không nao núng và không sợ bất cứ điều gì, kể cả việc có thể bị giết.  Và ngài cảm thấy rằng nếu việc đó xảy đến, thì đó là sự kiện tình yêu cao cả cho Thiên Chúa.  Nhưng Thiên Chúa có một ý định khác cho ngài hơn là được vì đạo.  Trong vòng 30 năm phục vụ Chúa và phục vụ những người đã một lần bắt ngài làm nô lệ, công việc của ngài đã được chúc phúc.  Nhiều người đã được Ngài phong chức giám mục và linh mục, nhiều dòng tu nam nữ đã được thiết lập, nhiều trường học Công giáo đã mở cửa, và cũng trong 30 năm này, hầu hết người Ái nhĩ lan đã được nhận biết Chúa.  Đó là cuộc đời của thánh Pa-trích, bổn mạng của quốc gia Ái nhĩ lan mà chúng ta mừng kính trong ngày 17 tháng 3 này.   Công việc của ngài thành công vượt bực đến nỗi chỉ trong vòng một thời gian ngắn, Ái nhĩ lan là nơi phát xuất những người truyền giáo quay trở về làm sống lại niềm tin cho Âu Châu đã bnhững người man rợ dày xéo.  Những di sản to lớn của nền văn hóa Tây phương, từ thời Hy Lạp và Rôma cổ điển, cho đến thời Do thái giáo và Ki-tô giáo, có thể đã bị xóa mờ, nếu không có mặt của những người nam, người nữ thánh thiện Ái nhĩ lan. Những người Ái nhĩ lan đã ghi lại trong lịch s Tây phương những thành quả to lớn.  Cho dù chúng ta không phải là người Ái nhĩ lan, nhưng dù sao đi nữa, chúng ta cũng thừa hưởng và mang nợ một chút những di sản và thành quả của thánh Pa-tríc để lại, người một lúc đã là người con hoàng đàng nhưng đã quay trở về và trở thành một con người mới.
Ông bà anh chị em thân mến. Người cha trong câu chuyện dụ ngôn người con hoang đàng chính là hình ảnh của Thiên Chúa. Nhiều người trách Thiên Chúa sao quá hiền lành không trừng phạt "nhãn tiền" những người tội lỗi. Nhưng Thiên Chúa đã yêu thương loài người nên khi dựng nên loài người thì đã ban cho họ tự do. Mà tự do nghĩa là có thể vâng lời hoặc không vâng lời Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương, nhân từ và kiên nhẫn chờ đợi sự ăn năn quay trở về của chúng ta. Người con hoang đàng biết mình xứng đáng bị trừng phạt và sẵn sàng chờ đợi bị trừng phạt. Thế nhưng người cha không trừng phạt, mà tha thứ.
Tất cả chúng ta, dù nhiều hay ít, đều là những người tội lỗi. Nhưng chính trong tội lỗi và qua tội lỗi mà chúng ta cảm nhận được lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu chúng ta tự cho mình là không bao giờ phạm tội thì chúng ta cũng không bao giờ cảm nhận được niềm vui được tha thứ. Nói thế không có nghĩa là chúng ta cứ tha hồ phạm tội, nhưng muốn nhấn mạnh đến lòng chân thành sám hối, ăn năn. Quan trọng và ý nghĩa hơn là để chúng ta càng hiểu được tấm lòng nhân từ, thương yêu và kiên nhẫn của Thiên Chúa.
Như chúng ta biết, một trong những mục đích của mùa Chay này là sự kêu gọi quay trở về với Chúa.  Chúa yêu thương và kiên nhẫn chờ đợi chúng ta trở về với Chúa để được tha thứ.  Lạy Chúa, tình yêu thương và lòng nhân từ của Chúa lớn hơn tội lỗi chúng con bội phần. Xin cho chúng con mỗi lần được Chúa thứ tha cũng biết từ bỏ những sự ghen ghét, ganh tị và tự cao, biết khiêm nhường và sống quảng đại, rộng lượng tha thứ cho nhau, để mỗi ngày chúng con càng nên xứng đáng làm con Chúa hơn.
Lm. Quản Nhiệm

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....