Ông bà anh chị em thân mến. Những môn đệ đầu tiên của Chúa Giê-su là những
người Do thái và họ tiếp tục sống theo những tập tục truyền thống Do thái giáo.
Khi những người ngoại đạo bắt đầu tin vào Chúa Giê-su thì có những sự xung khắc
xảy ra. Một số những người Do thái đòi hỏi
những dân ngoại phải theo tục lệ của Do thái giáo nếu muốn trở thành môn đệ của
Chúa Giê-su.
Do đó có những vấn đề xảy
ra tại An-ti-óc, một trong những thành phố lớn lúc đó. Đây cũng là sự kiện mà chúng ta nghe trong
bài đọc 1 hôm nay. Nếu chúng ta nghĩ đây là vấn đề không thích đáng, hay nhỏ
không cần phải giải quyết, thì chúng ta hãy tưởng tượng Giáo hội ngày nay sẽ ra
sao, nếu các tông đồ lúc đó quyết định những dân ngoại muốn tin theo Chúa
Giê-su phải theo những tập tục của Do thái giáo về những ngày lễ, những nghi thức
hay ăn uống.
Chúng ta chú ý tới lời minh chứng cho
quyết định của các tông đồ lúc đó: “Thánh Thần và chúng tôi xét rằng.” Đây luôn luôn vẫn là niềm tin của giáo hội mỗi
khi các Giám mục tập họp lại trong một công nghị, hay công đồng với Đức thánh
cha. Đây cũng là một quan niệm rất quan
trọng ngày nay, khi những người nghĩ họ không cần thẩm quyền của giáo hội dạy họ
biết điều gì đúng điều gì sai. Chúa
Giê-su đã ban cho giáo hội Thánh Thần của Người để dẫn dắt chúng ta đến sự
thánh thiện và tốt lành.
Ông bà anh chị em thân mến. Hôm nay tôi
muốn chia sẻ về Thiên đàng và cũng là sự kiện bài đọc 2 hôm nay trích sách Khải
huyền đề cập đến và diễn tả như là thành thánh Giê-ru-sa-lem mới. Vào thời điểm
sách này được viết, những Ki-tô hữu sơ khai đang bị một cuộc bách hại dữ dội,
và sách này đã giúp họ củng cố niềm tin và hy vọng vào thành thánh
Giê-ru-sa-lem mới, hay Thiên đàng. Bức
hình của thành thánh Giê-ru-sa-lem mới được tác giả vẽ ra thật tuyệt vời. Nếu ông bà anh chị em đọc Kinh thánh thì biết
Thiên đàng được diễn tả một cách tuyệt vời hơn mấy dòng diễn tả thành thánh
Giê-ru-sa-lem mới trong bài đọc 2 hôm nay.
Vào thời xa xưa một thành phố thì thường được bao bọc bởi bức tường vây
chung quanh để ngăn ngừa thú rừng và quân thù. Như chúng ta vừa nghe, tường thành
Giê-su-sa-lem mới được diễn tả làm bằng chất pha-lê rất cao, dày và kiên cố. Thành Giê-ru-sa-lem mới rộng lớn bao la và có
cổng mở ra 4 phía chân trời. Những số đo vĩ đại này tượng trưng cho số lượng to
lớn, hay vô số người trú ngụ. Thật là một
sự vững chắc an toàn. Nền móng là những
đá quí được trạm hình 12 tông đồ, tương trưng cho 12 bộ lạc thời Cựu ước. Đường
và nhà làm bằng vàng pha lê long lánh.
Thật là một thành phố quá lạ lùng và tuyệt vời.
Tôi được nghe một câu chuyện vui kể lại
rằng: có một người đàn ông giàu có đã điều đình với Chúa, khi chết ông được
phép mang một vật lên Thiên đàng. Chúa đồng
ý, cho nên, ông này đã chọn mang hết tất cả số vàng của ông theo ông. Khi ông chết và lên tới cửa Thiên đàng vai
vác một bao lớn toàn vàng. Thánh Phê-rô
hỏi, “ông sẽ làm gì với các vật dụng rẻ tiền lót đường đi đó và trên đây không
xài vật dụng đó.
Dĩ nhiên tất cả sự kiện diễn tả trên đây
về thành thánh Giê-ru-sa-lem mới là giả tưởng.
Kinh thánh đã cố gắng dùng hết những hình ảnh và sự kiện tốt đẹp nhất để
diễn tả sự huy hoàng của Thành thánh. Bài đọc 2 còn cho chúng ta biết Thành thánh
này được phát xuất từ Thiên Chúa và đang ngự xuống. Hay nói một cách khác, Thiên Chúa là nguồn gốc
và Thành thánh chưa hiện diện thật sự nơi đây, nhưng đang đến và sẽ đến với những
người trung thành. Thành thánh sẽ không
có đền thờ vì sẽ có sự hiện diện trực tiếp của Thiên Chúa. Không cần ánh sáng vì Thiên Chúa là ánh sáng
và là ánh sáng chân thật và đầy đủ. Cửa
Thành thánh sẽ không bào giờ đóng vì ngày luôn hiện diện. Như thế có nghĩa là
Thiên Chúa sẽ là Người gởi giấy mời mọi người nếu họ đáp trả. Nhưng cũng cho chúng ta biết không phải tất cả
mọi người sẽ đáp trả. Không một người tội
lỗi và làm những sự dữ sẽ được vào.
Ông bà anh chị em thân mến. Thông thường chúng ta nghĩ Thiên Chúa sẽ là
Người định đoạt ai được vào Thiên đàng, ai sẽ không. Đây là một cách đơn giản để diễn tả một sự thật
trừu tượng. Một đời sống thánh thiện sẽ
dẫn đến hạnh phúc và một đời sống tội lỗi sẽ đưa đến một hậu quả dữ. Nhưng trong thực tế, không phải Thiên Chúa là
người quyết định ai được vào, ai không, vì quyết định đó là do chúng ta. Chúng
ta được vào Thiên đành hay không là do chúng ta sống ở cuộc đời này như thế
nào. Cuộc sống của chúng ta bây giờ sẽ định đoạn cho việc chúng ta vào Thiên
đàng hay không. Và đó cũng là điều mà bài Tin mừng hôm nay dạy chúng ta, đó là,
một điều gì đó phải xảy ra trong đời sống hiện tại thì người đó mới được
vào. Chúa Giê-su quả quyết rằng “Ai yêu
mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến
và ở trong người ấy.”
Ông bà anh chị em thân mến. “Chúng ta sẽ đến” còn bao hàm ý nghĩa là Chúa
Giê-su và Chúa Cha sẽ đem Thiên đàng đến với chúng ta. Như vậy, có Chúa ở với chúng ta, sống với
chúng ta, sinh hoạt với chúng ta trong ân sủng của Chúa, yêu thương chúng ta
trong tình yêu của Chúa, hiệp nhất chúng ta qua Thánh thần của Người, là những điều
kiện tạo nên sự huy hoàng của Thiên đàng. Và Thiên đàng sẽ đến và ở trong chúng ta. Cho nên chúng ta đừng lo lắng ai sẽ vào và ai
sẽ không, chúng ta nên chú trọng đến vấn đề chúng ta có Chúa ở, sống và hoạt động
trong chúng ta hay không? Hay nói một
cách khác, chúng ta có giữ và sống lời Chúa, để tình yêu của Chúa luôn hiện diện
trong cuộc sống của chúng ta hay không? Chúng ta không cần phải chú ý đến việc Chúa có
cho chúng ta vào Thiên đàng hay không, mà chú ý vào việc chúng ta làm sao, bằng
cách gì để Chúa đi vào và sống với chúng ta, và chúng ta có thời giờ với Chúa,
tiếp đãi Chúa, hay chúng ta không muốn mời Chúa vào, không có thời giờ với Chúa
và không tiếp đãi Người. Nếu chúng ta
không, thì chúng ta chỉ nghe và hình dung sự huy hoàng của thành thánh
Giê-ru-sa-lem mới hay Thiên đàng bây giờ, nhưng sẽ không hưởng phúc Thiên đàng
khi Chúa ngự đến.
Bài
Tin mừng hôm nay còn cho chúng ta biết, Chúa Giêsu còn ban cho các môn đệ sự
bình an chân thật, “Thầy để lại bình an cho các con. Thầy ban cho anh em bình
an của Thầy.” Do đó bình an chân thật mà
chúng ta khao khát và tìm kiếm phải bắt nguồn từ Chúa Giê-su, qua cách sống lời
Chúa và yêu mến Chúa. Chúa Giêsu nhận biết rõ, thế gian có khả năng ban cho
chúng ta thiên đàng và bình an vật chất như tiền bạc, vàng bạc và của cải. Nhưng Chúa muốn chúng ta biết phân biệt một
cách thật rõ ràng thiên đàng và thứ bình an ấy với thứ bình an chân thật và
Thiên đàng của Ngài. Do đó, chúng ta hãy
tự hỏi mình, chúng ta muốn, khao khát và đi tìm bình an nào? Bình an thế gian hay bình an của Chúa? Và
chúng ta sẽ làm cách nào để có sự bình an chân thật đó?
Chúng
ta nhận thấy rõ rằng con người thời nay, nhất là những người đang sống trong xã
hội và quốc gia giàu có và tân tiến Hoa kỳ này, gần như có mọi sự. Nhưng tiếc thay nhiều người lại không có một
điều rất quan trọng, rất cần thiết cho cuộc sống, đó là bình an ở nơi tâm hồn. Có đầy đủ dư thừa mọi mặt về vật chất như tiền
bạc, nhà cửa và gia đình, nhưng lại rất
lo lắng, sợ hãi và bất bình trong đời sống tinh thần.
Thật
sự, trong thâm tâm con người chúng ta luôn khao khát và nôn nóng đi tìm bình
an. Nhưng chúng ta hãy suy nghĩ, bình an chân thật có phải chỉ là kết quả của
sự cố gắng tạo ra từ phía con người chúng ta cho mình và cho gia đình không? Thật vậy, ông bà anh chị em thân mến, bình an
chân thật chỉ tìm thấy nơi và từ Chúa Giê-su, trong sự thực hành lời Chúa và trong sự yêu mến Chúa. Vì chính qua Chúa Giê-su mà Chúa Cha đến và ngự
trong cuộc sống của chúng ta, để chúng ta hưởng sự huy hoàng của Thiên
đàng. Thật vậy, cửa Thiên đang luôn mở rộng
để đón chờ chúng ta, và chúng ta là người sẽ định đoạt vào hay không, bằng cuộc
sống lời Chúa và yêu mến Chúa ngày hôm nay của chúng ta.
Lm. Chánh xứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét