Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

Lao Động Khiến Chúng Ta Nên Giống Thiên Chúa

Giáo Huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô
Sáng nay, thứ Tư, ngày 1-5, Ngày Quốc Tế Lao Động, ngày Giáo Hội Mừng Kính Lễ Thánh Giu-se Thợ và khai mạc tháng Mân Côi dâng kính Đức Mẹ Ma-ri-a, ĐTC Phan-xi-cô đã có buổi Yết Kiến Chung trước khoảng 70 ngàn tín hữu và du khách hành hương tại Quảng trường thánh Phê-rô. Như thường khi, ĐTC tiếp tục loạt bài Giáo lý về Năm Đức Tin, kỳ thứ 23, với chủ đề “Lao Động Khiến Chúng Ta Nên Giống Thiên Chúa”. Hai hình ảnh được ĐTC nhấn mạnh là thánh Cả Giu-se và Đức Ma-ri-a, ngang qua hai suy tư vắn gọn: lao động và chiêm niệm Đức Giê-su.
Trong bài huấn từ của mình, ĐTC Phan-xi-cô đã nhiều lần nhắn gởi thông điệp của mình đến các bạn trẻ, ngang qua những câu hỏi mang tính phản tỉnh như: với Chúa, tôi có dành không gian cho Ngài không? Tôi có dừng lại để chuyện trò với Ngài không? Và ĐTC cũng không quên những lời khích lệ họ: Các con đừng sợ phải dấn thân, đừng ngại phải hy-sinh, và các con đừng nhìn vào tương lai bằng nỗi sợ. Các con hãy giữ sống động niềm hy-vọng của mình: hễ luôn có ánh sáng ở đường chân trời! Dưới đây là phiên bản Việt-ngữ toàn bộ bài Huấn Giáo của ĐTC trong buổi Yết Kiến Chung sáng thứ Tư, ngày 1-5-2013.
PHẦN A: 
PHẦN B: 
Anh chị em thân mến! Chào buổi sáng!
Hôm nay, ngày đầu tiên của tháng Năm, chúng ta cử hành Lễ Kính Thánh Giu-se Thợ, và theo truyền thống chúng ta khai mạc tháng kính Đức Mẹ Ma-ri-a. Thế nên, trong cuộc gặp này, tôi muốn nhấn mạnh đến hai hình ảnh quan trọng trong đời Đức Giê-su, quan trọng đối với Giáo Hội, quan trọng trong đời sống chúng ta, qua hai suy tư vắn tắt: thứ nhất về lao động, thứ hai về việc chiêm niệm Đức Giê-su.
Trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, tại một trong những thời điểm mà Đức Giê-su trở về thăm quê nhà của mình, ở Na-da-rét, và Ngài giảng dạy trong hội đường, đoạn này nhấn mạnh đến sự sửng sốt của những người đồng hương của Đức Giê-su về sự khôn ngoan của Ngài, và câu hỏi mà họ phát lên: “Ông không phải là con bác thợ mộc sao?” (Mt 13,55). Đức Giê-su bước vào lịch sử của chúng ta, Ngài đến giữa chúng ta, sinh bởi Đức Ma-ri-a nhờ hoạt động của Thiên Chúa, mà lại có sự hiện diện của thánh Giu-se, một người cha hợp pháp, đấng chở che cho Giê-su, và cũng dạy cho Giê-su cái nghề mộc của mình. Đức Giê-su được sinh ra và sống trong một gia đình, nơi Thánh Gia, Ngài đã học nghề mộc thủ công từ thánh Giu-se, tại xưởng mộc Na-da-rét, Đức Giê-su cùng chia sẻ với thánh Giu-se sự dấn thân, sớt chia những khi vui buồn, mệt nhọc và cả những lúc khốn khó hằng ngày nữa.   
Điều này nhắc nhở chúng ta về phẩm giá và tầm quan trọng của lao động. Sách Sáng Thế Ký thuật rằng Thiên Chúa đã dựng nên người nam và người nữ, phó cho họ thực hiện việc “sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất và làm chủ mặt đất, nghĩa là không được lợi dụng nó, nhưng là vun trồng và che chở nó, hãy chăm nom nó bằng việc làm đúng đắn (x. St 1,28; 2,15). Lao động làm nên một phần trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa. Chúng ta được mời gọi để vun trồng và chở che tất cả những điều thiện hảo của sáng tạo và theo cách đó chúng ta được thông dự vào hoạt động sáng tạo! Làm việc là một yếu tố nền tảng đối với phẩm giá một người. Làm việc, để dùng một hình ảnh, “xức dầu” phẩm giá chúng ta, làm đầy phẩm giá chúng ta, làm chúng ta được giống với Thiên Chúa, Đấng đã làm việc và đang làm việc và vẫn luôn hoạt động (x. Ga 5,17). Làm việc cho chúng ta khả năng duy trì chính mình, duy trì gia đình riêng, và cho chúng ta khả năng góp phần vào sự tăng trưởng của nước nhà.
Tới đây, tôi lại nghĩ về những khó khăn mà tại nhiều nước ngày nay đang đáp ứng thế giới việc làm và doanh nghiệp. Tôi lại nghĩ về, không chỉ giới trẻ, mà là biết bao người đang bị thất nghiệp, lắm khi vì một quan niệm kinh tế của xã hội, lại tìm kiếm tư lợi cho riêng mình, (đặt/sống) bên ngoài vòng công bình xã hội.
Tôi muốn gởi đến hết thảy mọi người lời mời gọi về tình liên đới, và tôi cũng xin gởi đến những người có Trách Nhiệm về việc công lời khích lệ là hãy làm hết mọi nỗ lực để tạo ra động lực mới cho việc làm. Làm điều ấy có nghĩa là chăm sóc cho phẩm giá con người. Nhưng trên hết tôi muốn nói là không được đánh mất niềm hy-vọng. Cũng như thánh Giu-se đã có những lúc khốn khó, nhưng ngài không bao giờ đánh mất lòng tin tưởng, và biết vượt qua chúng, trong niềm tin chắc rằng Thiên Chúa chẳng hề bỏ rơi chúng ta.
Sau đây Cha muốn nhắn gởi cách đặc biệt đến các cô cậu thanh niên, và gởi đến các bạn trẻ: các con hãy dấn thân trong công việc hằng ngày của các con, trong học tập, trong việc làm, trong tương quan bè bạn, trong việc giúp đỡ những người khác. Tương lai của các con tùy thuộc vào cách các con biết sống những năm quý báu này của cuộc đời. Các con đừng sợ phải dấn thân, đừng ngại phải hy-sinh, và các con đừng nhìn vào tương lai bằng nỗi sợ. Các con hãy giữ sống động niềm hy-vọng: hãy luôn có ánh sáng ở đường chân trời!
Tôi cũng muốn thêm một lời về một tình hình đặc biệt khác liên quan đến công việc lao động, mà công việc làm này nó khiến tôi bận tâm: ý tôi muốn nói đến công việc mà chúng ta có thể định nghĩa là “lao động nô lệ”, nghĩa là người nô lệ phục dịch cho công việc. Trên toàn thế giới, còn biết bao người là nạn nhân của kiểu công việc này của ách nô lệ, nơi đó con người phục dịch cho công việc, trong khi đáng ra công việc phải trao tặng dịch vụ của nó cho con người bởi vì họ có phẩm giá. Tôi đề nghị các anh chị em trong đức tin, đề nghị những người thiện chí nam cũng như nữ, hãy có một chọn lựa có tính quyết định chống lại nạn buôn người, chống lại toàn bộ hình thức “lao động nô lệ”.
Tôi xin đề cập đến ý tưởng thứ hai: Trong sự thinh lặng của hoạt động thường ngày, thánh Giu-se cùng với Mẹ Ma-ri-a có một mối lưu tâm chung đó là Đức Giê-su. Với lòng nhiệt tâm và sự thắm thiết dịu dàng, các Ngài đã chở che và đồng hành sự lớn lên của Con Thiên Chúa, Đấng đã làm người vì chúng ta, bằng cách phản tỉnh về tất cả những gì đã xảy ra. Trong Tin Mừng, Thánh Luca đã hai lần nhấn mạnh thái độ này của Đức Ma-ri-a, và cũng là thái độ của Thánh Giu-se: “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19.51). Để lắng nghe Thiên Chúa, cần học biết để chiêm ngắm Ngài, cảm nhận sự hiện diện liên lỉ của Ngài trong đời sống của chúng ta; cần dừng lại để đối thoại với Ngài, trao cho Ngài không gian trong đời sống cầu nguyện. Mỗi người chúng ta, kể cả các con, các bạn trẻ nam và nữ, hiện diện rất đông trong buổi sáng hôm nay, các con hãy tự hỏi mình xem: tôi có dành không gian cho Chúa không? Tôi có dừng lại để đối thoại với Ngài chưa? Từ thời ấu thơ, cha mẹ của chúng ta đã tập cho chúng ta thói quen khởi đầu và kết thúc một ngày bằng việc cầu nguyện, để dạy cho chúng ta biết cảm nhận được tình bạn và tình yêu của Thiên Chúa luôn đồng hành với chúng ta. Chúng ta hãy nhớ đến Thiên Chúa nhiều hơn trong ngày sống của mình!
Và trong tháng 5 này, tôi muốn nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng và vẻ đẹp của việc cầu nguyện với Kinh Mân Côi. Qua việc đọc Kinh Kính Mừng, chúng ta được dẫn đến chiêm ngắm các mầu nhiệm về Đức Giêsu, phản tỉnh về những khoảnh khắc chính yếu trong đời sống của Ngài, để như Đức Maria và thánh Giuse, Ngài sẽ trở thành trung tâm nơi những suy nghĩ, sự chú ý và hành động của chúng ta. Thật đẹp nếu, đặc biệt trong tháng 5 này, chúng ta cùng nhau đọc trong gia đình, đọc với những người bạn, trong các Giáo Xứ, lời Kinh Mân Côi hay lời nguyện nào đó với Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a. Lời nguyện được thực hiện cùng nhau sẽ là một khoảnh khắc quý giá để xây dựng đời sống gia đình và xây dựng tình bạn mạnh mẽ hơn. Chúng ta hãy học để cầu nguyện nhiều hơn trong gia đình và cầu nguyện như một gia đình!
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cầu xin Thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a dạy cho chúng ta biết trung tín trong những bổn phận hàng ngày, dạy cho chúng ta biết sống đức tin của chúng ta trong những hoạt động của đời sống thường nhật, và biết trao cho Chúa nhiều không gian hơn trong đời sống của chúng ta, đồng thời biết dừng lại để chiêm ngắm khuôn mặt của Ngài.
Cảm ơn anh chị em.
Từ RadioVaticana, ngày 1-5-2013
Thái Hiệp và Minh Triệu chuyển ngữ và giới thiệu.

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....