Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

Trăn Trối

Nghĩa tử là nghĩa tận. Dù người ta có ghét nhau đến mức “như đào đất đổ đi” thì cũng chẳng ai đành lòng làm ngơ với người sắp chết. Thế nhưng với Chúa Giêsu, người ta lại không đối xử như vậy mà vẫn xử tệ đến cùng: Cho nếm giấm chua rồi lấy giáo đâm vào trái tim cho cạn kiệt cả Máu và Nước!

Thiên Chúa là Chúa tể càn khôn, loài người cũng chỉ là thọ tạo như các loài khác, như một tác phẩm được Thiên Chúa dựng nên, nhưng được “ưu tiên” là có linh hồn, nghĩa là biết phải – trái, ấy thế mà dám kiêu ngạo, dám nổi loạn, dám nhẫn tâm xử tệ với Chủ Nhân, coi Ngài không bằng tướng cướp khét tiếng Baraba. Làm người mà độc ác hơn thú dữ!
Nói đến lời “trăn trối” là có liên quan sự chết. Đó là những điều cần thiết mà người ta muốn “nhắn nhủ” hoặc “nhắc nhở” thân nhân trước khi từ giã cõi đời, kết thúc chuyến lữ hành trần gian.

Nói đến động từ trăng trối là nói đến người sắp chết. Nỗi buồn lan tỏa. Màu tím đượm sầu. Im lặng trĩu nặng. Sâu lắng. Xúc động. Khi chứng kiến một người hấp hối, người ta không khỏi ngậm ngùi, mức độ ngậm ngùi tăng theo tỷ lệ thuận với mức độ thân thích. Có những giọt nước mắt không thể kiềm chế nên chúng tự do trào ra và lăn dài, cõi lòng đau nhói.

Chết là nỗi đau khổ nhất, là thất bại lớn nhất của nhân loại, cả nghĩa đen và nghĩa bóng, và“dầu là Con Thiên Chúa, Đức Kitô đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5:8). Chúa Giêsu bị treo trên Thập giá cũng bị coi là thất bại ê chề! Chết là thất bại lớn nhất của nhân loại. Hầu hết con người đều sợ chết, nhưng vẫn có những con người không tham sống, không sợ chết, dám liều thân vì chính nghĩa. Và người sắp chết luôn luôn nói sự thật.

Trước khi chết, nếu còn gì cần nhắn nhủ, người ta sẽ trăng trối bằng cả tấm lòng. Người nghèo thì chỉ có di ngôn, người giàu thì làm di chúc (chia của cải, đất đai cho con cháu). Đức Kitô quá nghèo, nghèo rớt mồng tơi, nghèo đúng nghĩa: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8:20; Lc 9:58), đến chết cũng bị lột trần. Không chỉ nghèo về vật chất mà Ngài còn “trắng tay” cả về tình cảm: 11 người trong 12 người thân tín nhất của Ngài cũng đang tâm bỏ rơi Ngài. Ngài “trở nên trò cười cho thù địch và cho cả hàng xóm láng giềng. Bạn bè thân thích đều kinh hãi, thấy ngoài đường thì ai cũng tránh xa” (Tv 31:12). Nghèo tột cùng trong nỗi cô đơn cùng cực. Ngài nghèo tới mức không còn thể nghèo hơn. Còn ai nghèo hơn Ngài không?

Vì quá nghèo như thế nên Ngài không có của cải để di chúc, mà chỉ có di ngôn: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15:12), là “luật sống” mà Ngài gọi là “điều răn mới” (Ga 13:24) và là dấu chỉ để thiên hạ nhận biết ai là môn đệ của Ngài (Ga 13:35). Ngài không bông đùa, không nói suông, không bóng gió. Phúc âm theo thánh sử Gioan đã nhắc đến động từ “yêu thương” 14 lần, điều đó càng chứng tỏ yêu thương là điều rất cần thiết, như điều kiện ắt có và đủ. “Luật yêu thương nhau” chính là di ngôn trăng trối của Chúa Giêsu cho mỗi chúng ta trước khi Ngài bị giết chết.

Hans Nouwens nói: “Trong tình yêu chân thật, khoảng cách nhỏ nhất cũng là quá xa, và khoảng cách xa nhất cũng có thể bắc cầu”. Tình yêu thương không có biên giới. Cụ thi hào Nguyễn Du đã cảm nhận: “Bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Biết cách chấp nhận thì lòng thanh thản. Còn nhạc sĩ Vũ Thành An, khi chưa làm phó tế vĩnh viễn, đã viết trong một Bài Không Tên: “Triệu người quen có mấy người thân, khi lìa trần có mấy người đưa”. Cuộc đời là thế, và Chúa Giêsu đã chịu tình cảnh thế thái nhân tình như vậy. Tuy nhiên, Ngài không cần chúng ta khóc thương Ngài, như Ngài nói với các phụ nữ Giêrusalem: “Đừng khóc thương Tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu” (Lc 23:28). Chúa chỉ muốn chúng ta noi gương Ngài màyêu thương nhau thật lòng. Đó chính là điều Chúa Giêsu mong muốn!

Lạy Chúa Giêsu, chúng con chỉ là hạt bụi li ti mà làm bận mắt Ngài. Xin giúp chúng con biết thực hiện đúng di ngôn của Ngài để ích lợi cho chính chúng con, chứ chẳng ích lợi gì cho Ngài. Xin cho chúng con biết can đảm chấp nhận thực tế – dù phũ phàng, biết đón nhận đau khổ là niềm hãnh diện về Thập giá (Gl 6:14). Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....