Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2014

Chúa Nhật 20 Thường Niên Năm A_ 2014

Ông bà anh chị em thân mến.  Tôi biết một câu chuyện như sau.  Sau buổi cơm chiều, vị linh mục đang đi bộ chung quanh khu vực nhà thờ với tràng hạt trên tay.  Thình lình một chiếc xe chạy vù tới và dừng lại bên cạnh.  Cánh cửa xe mở ra và một người phụ nữ xuất hiện với một khuôn mặt thật thiểu não, tiều tụy và mở lời kêu cứu, “Thưa linh mục!
Xin cứu gia đình con với.” Với giọng ôn tồn ngài nói: “Xin mời chị vào phòng khách, có điều chi, xin chị hãy từ từ giải bày.”  Đón lấy chai nước lạnh từ tay vị linh mục, người phụ nữ chỉ nhấp đôi chút rồi vội vàng cất tiếng với giọng nói thật tha thiết, “Thưa linh mục, xin ngài cứu gia đình con với, xin cứu người chồng đáng thương của con. Anh ấy ngã bệnh đã hai năm nay, con đã cố gắng hết sức chữa trị. Nhưng cho đến nay, bệnh tình chẳng đỡ chút nào, còn gia đình con thì lại rơi vào cảnh thật khó khăn. Con không thể đi làm được vì phải săn sóc chồng và bận rộn với 2 đứa con nhỏ.”  “Vậy giờ đây chị muốn tôi giúp gì cho chị?  Chị cứ nói, trong khả năng của tôi, tôi xin sẵn sàng giúp chị” vị linh mục nói với chị. Xúc động bởi sự chân tình của vị linh mục, trong tiếng nghẹn ngào chị thưa lại, “Thưa linh mục, gia đình con không có đạo, tuy chúng con không biết về Chúa, cũng chẳng quen biết linh mục, nhưng nhờ những người bạn bè Công giáo cùng sở giới thiệu, cho nên con mạnh dạn đến đây để nhờ linh mục cầu nguyện cho chồng con qua khỏi cơn nguy biến này.”  Vẫn với giọng nói thật chân tình, vị linh mục hỏi, “Chị tin vào lời cầu nguyện của tôi ư?”  Chị đáp lời, “Thưa linh mục, giờ con biết làm gì hơn ngoài điều này, vả lại có tin con mới đến đây để cậy nhờ linh mục.”   “Thế thì chị hãy an tâm, tôi hứa ngay từ chiều hôm nay, tôi sẽ cầu nguyện cho chồng và gia đình của chị.”  Cảm động bởi tấm lòng tốt lành của vị linh mục, chị cám ơn, cáo biệt và lên xe về.  Khoảng mấy tháng sau, người phụ nữ ấy trở lại với người chồng và con của mình để tạ ơn vị linh mục. Và cũng từ đó bắt đầu cho hành trình niềm tin của hai vợ chồng.
Ông bà anh chị em thân mến.  Câu chuyện trên đây cũng diễn tả phần nào ý nghĩa của lời Chúa trong bài Tin mừng hôm nay: niềm tin của người phụ nữ xứ Ca-na-an, ngoại đạo. Người phụ nữ ấy đã tin vào Chúa Giêsu qua câu nói, “Lạy Ngài là Con Vua Đa-vít.  Xin thương xót tôi!”  Dẫu chỉ nghe nói về Chúa qua những người chung quanh, nhưng niềm tin của chị được diễn tả một cách mạnh mẽ, nhất là khi Chúa nói với chị, “Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó.”  Đáp lời Ngài, chị nói, “Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống.”  Chúng ta tự hỏi, “Phải chăng đây là lời vặn vẹo hay tranh luận với Chúa Giêsu?” Thưa không!  Lời nói của chị đượm nét cầu khẩn của một kẻ đầy lòng khiêm nhường, cúi mình trước Đấng Tối Cao.  Chính câu trả lời của chị như thêm một lần nữa xác tín niềm tin của mình vào Con Vua Đavít, vì chị tin rằng Ngài luôn thương đến những kẻ mọn hèn, dẫu cho là những “chó con.”  Chúng ta biết “chó con” là ngôn từ mà người Do Thái thời xưa dùng để ám chỉ dân ngoại.  Theo những nhà nghiên cứu Kinh thánh, danh từ “chó con” ở đây, có nghĩa là một con chó, thú vật nuôi trong nhà hay một con chó được nâng niu như chúng ta thấy ở nước Mỹ này, không có nghĩa là một con chó hoang.  Đọc được những tâm tình sâu thẳm, nhận ra niềm tin mạnh mẽ, tấm lòng tha thiết và chân thành của chị, Chúa Giêsu đã chạnh lòng xót thương và chữa lành cho con gái chị.

Ông bà anh chị em thân mến.  Tôi nghĩ rằng lời Chúa hôm nay muốn diễn tả và dạy chúng ta những bài học quan trọng cho cuộc đời Ki-tô hữu.  Bài học thứ nhất cho chúng ta thấy sứ vụ của Chúa Giê-su Kitô là được sai đến với những chiên lạc nhà Ít-ra-en. Thực vậy, có những con chiên mà đôi lúc do những hiểu lầm, hoặc chưa được nghe lời Chúa đã không ở trong một đàn. Qua tình yêu và lòng nhân từ, xót thương, Chúa Giê-su muốn quy tụ tất cả về trong một đàn chiên duy nhất, sống trong sự hiệp thông, tình yêu và bình an, và qua hy lễ thập tự giá, Ngài muốn cứu chuộc và dẫn đưa mọi người vào Nước Trời hưởng hạnh phúc, bình an vĩnh cửu.  Sứ vụ ấy được ủy thác lại cho các Tông Đồ sau khi Chúa về trời, và cho chính mỗi người chúng ta, những chi thể trong Thân Thể Chúa Ki-tô và là những thành phần trong Hội Thánh Chúa, để đem Tin mừng, tình yêu Chúa đến với mọi người.
Ông bà anh chị em thân mến. Đứng trước sứ vụ cao cả ấy, đôi lúc chúng ta cũng tự đặt câu hỏi cho mình, “Làm thế nào để loan báo Tin mừng cho thế giới, cho xã hội và cho chính người trong cộng đoàn, gia đình ngày nay?”  “Đâu là phương cách để loan báo Tin Mừng cho thế giới ngày nay?”   
Thứ nhất, tôi xin được trích lời của ĐGH Gioan Phaolô VI cho vấn nạn này, ngài nói,  “Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là những thầy dạy.”  Và muốn có kết quả tốt đẹp, ĐGH Phan-xi-cô đương nhiệm cũng đã kêu gọi mọi người nhất là mọi gia đình trong năm nay phải “Tân Phúc Âm hóa”, ngài nói, “Việc rao giảng Phúc Âm sẽ có đầy đủ ý nghĩa nếu chư huynh, là giám mục, cùng với hàng linh mục và giáo dân, dấn thân trong cuộc tân Phúc Âm hóa: mới (tân) về lòng nhiệt thành, mới về phương pháp và mới về cách diễn tả.  Thế nên, muốn chu toàn sứ vụ này, chúng ta phải có lòng nhiệt thành và phải được công bố bằng cách làm chứng, một đời sống làm chứng bao hàm sự hiện diện, chia sẻ và liên đới trong tình yêu của Chúa.
Bài Tin mừng hôm nay cũng dạy chúng ta 1 bài học quan trọng qua hình ảnh người phụ nữ xứ Ca-na-an, ngoại đạo, đó là sống niềm tin. Chính niềm tin vào lời Chúa đã giúp cho Đức Maria sống “Xin vâng”, sống phó thác và phục vụ hy sinh.  Niềm tin này đã giúp cho các thánh tử đạo Việt Nam, cha ông chúng ta, sẵn sàng chịu những cực hình, chịu đổ máu và chịu chết, để làm chứng cho Chúa.  Và chính niềm tin này cũng sẽ giúp chúng ta bước đi một cách vững chắc trong hành trình đức tin hướng về quê trời. 
Chúng ta nhận biết hành trình đức tin sẽ có những khó khăn, thử thách, còn có nhiều sỏi đá, đồi núi và cản trở, nhưng chính lối sống tín thác vào lời của Chúa Giê-su Kitô, và qua những lời cầu xin khẩn thiết và mạnh mẽ như người phụ nữ Ca-na-a trong bài Tin mừng, sẽ giúp chúng ta can đảm trở thành những chứng nhân sống động của Tin Mừng, của tình yêu của Chúa, cũng như  rao giảng không những bằng lời nói, nhưng còn bằng chính đời sống tốt lành, thánh thiện, bằng sự phục vụ, lòng nhiệt thành, lòng hy sinh và  lòng bác ái, quảng đại.  Nếu chúng ta cố gằng thực thi điều đó, chúng ta biết chúng ta đã chu toàn phần nào sứ mạng mà Chúa uỷ thác cho mỗi người chúng ta. Xin Chúa ban nhiều ơn lành cho chúng ta.
Lm. Chánh xứ
 

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....