“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi…” (Cát Bụi – Trịnh Công Sơn).
Mùa
Chay bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro bằng nghi thức xức tro, nhắc nhở thân xác
phàm nhân chỉ là cát bụi. Tuy không bắt buộc theo truyền thống, nhưng
đó là ngày thánh, không tới nhà thờ để được xức tro thì những người có
tâm hồn đạo đức sẽ cảm thấy áy náy, cảm thấy có lỗi với Chúa. Ngay cả
những người không thường xuyên tới nhà thờ cũng cố gắng bắt đầu thể hiện
mùa Chay bằng việc chịu tro. Tây phương xức tro bằng cách vẽ hình Thánh
giá trên trán, còn Việt Nam thường bỏ một ít tro trên đầu.
Xức tro
để nhớ lại thân phận mình chỉ là bụi cát: Được hóa thân từ bụi cát rồi
sẽ trở về bụi tro. Nói thẳng ra là CHẾT. Điều đó nhắc nhở người ta phải
không ngừng canh tân cách sống sao cho càng ngày càng tốt hơn. Thiết
tưởng cũng nên nhắc lại là Thứ Ba trước Lễ Tro thường được gọi là Thứ Ba
Béo (Fat Tuesday, Mardi Gras).
Tro trong Kinh thánh
Thói quen
dùng tro trong nghi lễ tôn giáo bị mai một từ giữa thời tiền sử, nhưng
chúng ta vẫn thấy trong truyền thống tôn giáo thời Cựu ước. Chẳng hạn,
tiên tri Giêrêmia kêu gọi sám hối thế này: “Thiếu nữ dân tôi ơi, hãy quấn vải thô vào mình và lăn trên tro bụi” (Gr 6:26).
Mặt khác,
tiên tri Isaia lại phê bình cách dùng vải thô và tro để cầu xin Thiên
Chúa, ông chỉ ra rằng việc này phổ biến trong dân Ítraen: “Phải
chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng trong ngày con người phải thực
hành khổ chế? Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro
bụi, phải chăng như thế mà gọi là ăn chay trong ngày các ngươi muốn đẹp
lòng Đức Chúa?” (Is 58:5).
Tiên tri Đanien xin Chúa cứu dân Ítraen, và nêu gương cho họ thế này: “Tôi ăn chay, mặc áo vải thô và rắc tro lên đầu rồi ngẩng mặt lên Chúa Thượng là Thiên Chúa, để dâng lời khẩn nguyện nài van” (Đn 9:3).
Có thể
các ví dụ điển hình về ăn chay trong Cựu ước liên quan vải thô và tro.
Khi tiên tri Giôna vâng lệnh Chúa đến rao giảng trong thành phố lớn
Ninivê, cách giảng của ông đã hiệu quả, lời kêu gọi ăn chay và sám hối
tới tận tai nhà vua: “Tin báo đến cho vua Ninivê; vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro” (Gn 3:6).
Trong sách Giuđitha, chúng ta thấy việc ăn chay xác định rằng tro được xức trên đầu: “Hết
mọi người nam trong dân Ítraen cùng với vợ con cư ngụ ở Giêrusalem đều
phủ phục trước Đền Thờ, rắc tro lên đầu, mặc áo vải thô ra trước nhan
Đức Chúa” (Gđt 4:11; x. Gđt 4:15 và 9:1).
Thời Tân ước, nhóm người đấu tranh giành độc lập cho Do Thái cũng đã chuẩn bị cuộc chiến bằng cách dùng tro: “Ngày hôm ấy, họ ăn chay, mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu và xé áo mình ra” (1 Mcb 3:47; x. Mcb 4:39).
Trong Tân ước, Chúa Giêsu nhắc đến việc dùng vải thô và tro là dấu hiệu của sự sám hối: “Khốn
cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các
phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, họ đã mặc áo
vải thô và rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối” (Mt 11:21; Lc 10:13).
Tro trong lịch sử Giáo hội
Dù các ám
chỉ này có trong Kinh thánh, việc dùng tro trong Giáo hội chỉ còn lại
ít tài liệu hồi thế kỷ I trong lịch lịch sử Giáo hội. Thomas Talley,
chuyên gia về lịch sử phụng vụ, nói rằng phụng vụ ban đầu có thể xác
định niên đại về Thứ Tư Lễ Tro cho thấy việc rắc tro có từ năm 960.
Trước đó, tro được dùng làm dấu hiệu của sự chấp nhận đối với nghi thức
sám hối. Từ đầu thế kỷ XVI, nghi lễ dùng cách vẽ hình Thánh giá bằng tro
trên trán khi chấp nhận một người bệnh nặng đối với nghi thức sám hối.
Từ đầu thế kỷ XI, Viện phụ Aelfric ghi chú rằng đó là thói quen đối với
các tín hữu tham dự nghi lễ ngày Thứ Tư khởi đầu mùa Chay, bao gồm việc
xức tro. Gần cuối thế kỷ XI, ĐGH Urbanô II kêu gọi dùng tro trong ngày
này. Sau đó, ngày này mới được gọi là Thứ Tư Lễ Tro.
Đầu tiên,
giáo sĩ và đàn ông được xức tro trên đầu, còn phụ nữ được vẽ dấu Thánh
Giá bằng tro trên trán. Nhưng rồi cách vẽ Thánh giá bằng tro trên trán
được áp dụng cho cả nam và nữ.
Thế kỷ
XII, luật nói rằng tro được tạo ra bằng cách đốt những cành lá đã làm
phép từ Lễ Lá năm trước. Ngày nay, nhiều giáo xứ kêu gọi giáo dân đưa lá
được làm phép năm trước đến nhà thờ để làm nghi lễ đốt lá sau thánh lễ.
Nghi thức Sám hối
Có vẻ như
việc dùng trong đầu mùa Chay là cách mở rộng việc dùng tro khi bước vào
nghi thức sám hối. Quy luật này là cách mà Bí tích Hòa giải được cử
hành qua hầu hết thế kỷ I của Giáo hội. Những người phạm tội trọng xưng
tội với giám mục hoặc vị đại diện giám mục và được giao việc đền tội sẽ
thực hành qua một thời gian. Sau khi đền tội xong, họ được giám mục giao
hòa bằng lời tha tội trước cộng đoàn.
Khi làm
việc đền tội, hối nhân thường có một chỗ riêng trong nhà thờ và mặc
trang phục đặc biệt để cho biết tình trạng của mình. Như các tân tòng
chuẩn bị lãnh Bí tích Thánh tẩy, họ thường ra khỏi cộng đoàn sau phần
phụng vụ Lời Chúa.
Đây là
toàn bộ quá trình được làm mẫu trên hành trình trở lại của tân tòng, vì
Giáo hội thấy việc phạm tội trọng sau khi lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy là
chưa thực sự trở lại. Đền tội là cố gắng thứ nhì để nuôi dưỡng sự trở
lại. Các giáo phụ thời kỳ đầu của Giáo hội còn gọi việc đền tội là “Bí
tích Thánh tẩy đệ nhị”.
Mùa Chay
được phát triển trong Giáo hội là toàn thể cộng đoàn cầu nguyện và ăn
chay cho các tân tòng chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy. Lúc đó, cả
cộng đoàn đã lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy cùng chuẩn bị tái tuyên hứa lời
hứa rửa tội trong đại lễ Phục sinh. Như vậy, mọi người cùng các tân
tòng đào sâu sự trở lại của mình. Đó là điều tự nhiên mà nghi thức sám
hối tập trung vào mùa Chay, với sự hòa giải thường được cử hành vào Thứ
Năm Tuần Thánh để việc tái hòa giải có thể chia sẻ trong các phụng vụ
của Tam Nhật Thánh (Triduum). Mùa Chay là mùa tập trung vào Bí tích
Thánh tẩy và Bí tích Hòa giải.
Thay đổi cách hiểu mùa Chay
Viếc tiếp
nhận tân tòng dần dần biến mất khiến cách hiểu của người ta về mùa Chay
cũng thay đổi. Thời Trung cổ, việc nhấn mạnh không còn rõ ràng về Bí
tích Thánh tẩy. Thay vì thế, việc nhấn mạnh chính chú trọng vào cuộc Khổ
nạn và Sự chết của Đức Kitô. Nghệ thuật Trung cổ phản ánh sự tập trung
gia tăng này vào Đấng Cứu Thế Đau Khổ, cho nên lòng sùng kính phổ biến
cũng vậy. Mùa Chay được coi là thời gian nhận biết tội lỗi mình đã khiến
Đức Kitô phải đau khổ và chết thê thảm. Đền tội được coi là cách tránh
hình phạt vì tội hơn là cách tái thề hứa lời hứa rửa tội.
Việc biến
mất nghi thức sám hối dần dần, việc dùng tro trở thành phần thêm vào
văn bản gốc. Sự tập trung vào việc đền tội riêng và Bí tích Hòa giải vẫn
tiếp tục trong Mùa Chay, nhưng sự liên kết với Bí tích Thánh tẩy không
còn rõ ràng với đa số chúng ta nữa. Điều này phản ánh trong công thức
kết hợp với việc xức tro: “Hãy nhớ mình chỉ là cát bụi và sẽ trở về bụi tro”.
Câu này tập trung vào sự chết của chúng ta, là cách nghiêm túc khích lệ
đền tội, nhưng có chút gợi ý ở đây về ý nghĩa rửa tội nào đó. Cách nhấn
mạnh vào sự chết hợp với kinh nghiệm sống thời Trung cổ, khi sự đe dọa
của cái chết luôn chực chờ. Nhiều người chết còn rất trẻ, và sự tàn phá
xã hội của bệnh dịch đã khiến tử vong rất dễ.
Thứ Tư lễ Tro sau Công đồng Vatican II
Công đồng
Vatican II (1962-1965) đã kêu gọi đổi mới Mùa Chay, phục hồi đặc tính
cũ liên quan Bí tích Thánh tẩy. Sự phục hồi này rất tiến bộ nhờ giữ lại
cách tiếp nhận tân tòng được ủy thác của Nghi lễ Khai tâm Kitô giáo cho
Người lớn (Rite of Christian Initiation of Adults) năm 1972. Khi người
Công giáo gia tăng tương tác với các tân tòng trong giai đoạn cuối của
việc họ chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy, họ bắt đầu hiểu Mùa Chay
là mùa chuẩn bị rửa tội và tái thề hứa lời hứa rửa tội.
Vì Thứ Tư
Lễ Tro đánh dấu khởi đầu Mùa Chay, tự nhiên cũng là khởi đầu khôi phục
sự tập trung vào Bí tích Thánh tẩy. Một gợi ý là công thức thứ nhì được
đưa ra cho việc xức tro: “Hãy sám hối và tin vào Phúc âm”. Dù điều này
không minh nhiên nói tới Bí tích Thánh tẩy, nhưng vẫn nhắc nhớ chúng ta
về lời hứa rửa tội là xa tránh tội lỗi và tuyên xưng đức tin. Rõ ràng
kêu gọi chúng ta xa tránh tội lỗi, trở về với Chúa, người mà chúng ta
phải ấp ủ cả đời mình.
Khởi đầu
Mùa Chay, Thứ Tư Lễ Tro mời gọi chúng ta bắt đầu hành trình trở về, đánh
dấu Mùa Sám Hối. Khi các tân tòng bước vào giai đoạn cuối của việc
chuẩn bị cho các Bí tích mùa Phục sinh, tất cả chúng ta cũng được mời
gọi đồng hành với họ để chúng ta cũng chuẩn bị tái thề hứa lời hứa rửa
tội trong đêm vọng phục sinh.
Các bài đọc trong lễ Tro
Các bài
đọc trong Thứ Tư Lễ Tro làm nổi bật lời mời gọi trở về. Bài đọc I trích
từ sách Giôen, kêu gọi chúng ta trở về với Chúa “bằng việc ăn chay, than
khóc và thống thiết than van”. Tiên tri Giôen nhắc nhớ chúng ta rằng
“Thiên Chúa từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương”, đó là mời
gọi chúng ta tín thác vào Tình Yêu của Thiên Chúa khi chúng ta cố gắng
canh tân đời sống. Cần lưu ý rằng tiên tri Giôen không chỉ kêu gọi trở
về cá nhân. Ông kêu gọi toàn thể mọi người, nên ông nói: “Hãy thổi kèn ở
Sion, công bố ăn chay, kêu gọi nhóm họp; quy tụ mọi người, chú ý giáo
đoàn; nhóm họp người lớn, con cái và trẻ em còn bú”. Khi chúng ta bước
vào mùa canh tân, chúng ta kết hiệp với cả dân Chúa, vì tất cả chúng ta đều chia sẻ nhu cầu trở về liên tục và chúng ta được kêu gọi nâng đỡ nhau trong suốt hành trình này.
Bắt chước những người tham dự Nghi thức Sám hối trong quá khứ, chúng ta
cùng trở thành cộng đoàn sám hối khi tìm cách tiếp cận Thiên Chúa qua
việc đền tội và canh tân đời sống.
Với cách
nói khác nhưng không kém phần cấp bách, thánh Phaolô xin chúng ta “giao
hòa với Thiên Chúa, vì đây là thời thuận tiện và là ngày cứu độ”. Thời
điểm trở về với Chúa là lúc này, Mùa Chay Thánh này, chính ngày này.
Phúc âm
Lễ Tro cho chúng ta lời khuyên tốt về cách chúng ta hành động trong Mùa
Chay. Chúa Giêsu nói về 3 quy tắc chính của Mùa Chay: Bác ái, cầu nguyện và trai tịnh.
Các hoạt động tâm linh này, như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta, được làm dù
không ai biết, và cũng đừng cho ai biết, chỉ có Chúa biết, kẻo vô ích
(x. Mt 6:1-17). Điều quan trọng không phải là chúng ta chỉ nên cầu
nguyện một mình mà không cầu nguyện chung với cộng đoàn, mà là chúng ta chỉ nên cầu nguyện không phải để người ta thấy mình đạo đức hoặc thánh thiện. Việc ăn chay và bác ái cũng vậy, không cần phải giấu giếm mà nên làm vì kính mến Chúa và yêu thương tha nhân, chứ không để người ta biết mà khen mình.
Có điều
mỉa mai là chúng ta sử dụng đoạn Phúc âm này, khuyên chúng ta rửa mặt và
không làm ra vẻ ăn chay, với vẻ chỉ loanh quanh với việc xức tro là
xong. Đây chỉ là cách Chúa Giêsu bảo chúng ta đừng làm những hành động mang tính tôn giáo chỉ muốn khoe khoang cho người khác biết. Chúng ta đừng xức tro để tỏ ra mình thánh thiện, mà phải biết rằng chúng ta đều là những tội nhân khốn nạn cần phải sám hối, đền tội và canh tân.
Từ tro tới giếng rửa tội
Lời mời
gọi liên tục sám hối phản ánh trong các bài đọc cũng là sứ điệp của TRO.
Chúng ta sống Mùa Chay từ tro tới giếng rửa tội. Chúng ta xức tro vào
Thứ Tư Lễ Tro và rửa sạch bằng nước của giếng rửa tội. Sâu xa hơn, chúng
ta phải chết cho tội và xác thịt từ đầu Mùa Chay để có thể sống trọn
vẹn hơn trong Đấng Phục Sinh trong ngày đại lễ Phục sinh.
Khi xức tro, chúng ta nhớ mình là gì. Chúng ta nhớ rằng chúng ta là thụ tạo bởi bụi đất: “Hãy nhớ mình là bụi đất”.
Chúng ta nhớ rằng chúng ta là những thụ tạo sẽ chết và “sẽ trở về bụi
đất”. Chúng ta nhớ rằng chúng ta đã lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy. Chúng
ta nhớ rằng chúng ta là những lữ khách trên hành trình trở về: “Hãy sám hối và tin vào Phúc âm”. Chúng ta nhớ rằng chúng ta là chi thể của Nhiệm thể Đức Kitô: Xức tro để công bố mình đồng nhất với người khác.
Canh tân
mình trước mặt Chúa là điểm cốt lõi của việc thực hành Mùa Chay. Rất dễ
quên, vì thế chúng ta thường “lăn vào vết xe cũ” của thói quen phạm tội,
cách nghĩ và cách sống trái ngược với Ý Chúa. Chúng ta cũng như dân
thành Ninivê trong chuyện kể của tiên tri Giôna. Chính sự “đồi bại” của
họ khiến Chúa phải sai Giôna tới rao giảng cho họ. Tiên tri Giôna muốn
tránh né sứ vụ đó và bị chìm sâu trong nước. Được cá cứu, cuối cùng tiên
tri Giôna mới làm theo Ý Chúa và bắt đầu rao giảng trong khắp thành
Ninivê. Lời giảng của ông lọt vào tai và lòng của dân thành, họ làm theo
và đã được cứu.
Từ đầu
Mùa Chay, Lời Chúa kêu gọi chúng ta trở về. Nếu chúng ta biết mở tai và
mở lòng đón nhận Lời Chúa, chúng ta cũng sẽ như dân thành Ninivê cố gắng
từ bỏ tội lỗi và thành tâm trở về với Chúa. Chắc chắn chúng ta sẽ được
tha thứ và được cứu độ. Rất đơn giản, thời điểm đó bắt đầu từ Thứ Tư Lễ
Tro!
Nghi thức
xức tro là nghi thức long trọng, là dấu hiệu khởi đầu Mùa Chay Thánh.
Nghi thức rất đặc biệt, không có động thái phụng vụ như những ngày khác
trong suốt năm phụng vụ.
Tro được
tạo ra từ việc đố các lá đã làm phép của Chúa Nhật Lễ Lá năm trước. Tro
được làm phép trong Thánh Lễ Thứ Tư Lễ Tro, sau bài giảng. Mọi người lần
lượt lên chịu tro, thừa tác viên vừa xức tro vừa đọc: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần, hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15), hoặc: “Hãy nhớ mình là bụi đất và sẽ trở về bụi đất” (St 3:19). Tro là biểu tượng của 2 thứ chính trong Cựu ước.
Sự chết và sám hối
Tro tương đương với cát bụi, thân xác con người được tạo thành từ đất: “Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2:7), và khi thân xác hư nát, nó sẽ trở về đất cát hoặc bụi tro.
Tổ phụ Abraham đã thưa với Chúa: “Con chỉ là thân tro bụi” (St 18:27), ám chỉ cái chết của nhân loại. Còn tiên tri Giêrêmia mô tả cái chết là “thung lũng tử thi và tro thiêu xác” (Gr 31:40).
Tro là
điềm gở, và chúng ta dùng tro vào ngày Thứ Tư Lễ Tro để nhắc nhớ về cái
chết chắc chắn sẽ đến với chúng ta. Cái chết có thể đến sớm, cũng có thể
đến chậm, nhưng chắc chắn nó sẽ đến. Nếu cái chết đến, chúng ta cần
chuẩn bị, và thời gian chuẩn bị là ngay từ bây giờ, còn cách chuẩn bị là
sống theo phương cách của Chúa.
Tiên tri Đanien đã khúm núm lúc mặc áo vải thô và xức tro, đó là dấu hiệu ăn năn vì đã phản nghịch, bội bạc và trụy lạc: “Tôi ăn chay, mặc áo vải thô và rắc tro lên đầu rồi ngẩng mặt lên Chúa Thượng là Thiên Chúa, để dâng lời khẩn nguyện nài van” (Đn 9:3).
Khi Giôna
cảnh báo dân thành Ninivê rằng Thiên Chúa sắp hủy diệt thành phố vì sự
suy đồi và sự trụy lạc của họ, dân thành đã vội mặc áo vải thô và xức
tro để tỏ ra xa tránh lối sống sa đọa: “Tin báo đến cho vua Ninivê;
vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro.
Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Người
hối tiếc về tai hoạ Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không
giáng xuống nữa” (Gn 3:6 và 10). Tro là lời khẩn thiết cầu xin Chúa ân ban lòng thương xót, lòng trắc ẩn, và ơn tha thứ.
Hơn nữa,
đó còn là cách công nhận tội lỗi mình, lá cách bày tỏ sự buồn rầu vì tội
lỗi đã trót phạm, là lời hứa canh tân và quyết tâm chống lại chước cám
dỗ trong tương lai.
Chúng ta
đều là những tội nhân. Khi chúng ta chịu tro trong ngày Thứ Tư Lễ Tro,
chúng ta xin lỗi Chúa về tội lỗi mình, và chúng ta muốn dùng Mùa Chay để
sửa sai, để thanh tẩy tâm hồn, để kiểm soát ước muốn và tiến bộ trong
sự thánh thiện, nhờ đó chúng ta sẽ chuẩn bị mừng lễ Phục sinh.
Sống tinh thần Lễ Tro
Thiên
Chúa là Đấng chí thánh, Thiên Chúa của chúng ta, Đấng đã ban sự sống và
mọi thứ cho chúng ta. Trong đời sống, áp lực của công việc và trách
nhiệm thường khiến chúng ta quên sám hối, đền tội và yêu thương. Chúng
ta sa ngã và không sống đúng bổn phận của mình, không thể hiện niềm tín
thác vào Con Thiên Chúa.
Mùa Chay
Thánh giúp chúng ta chấn chỉnh những gì sai sót, giúp chúng ta đền tội
và canh tân đời sống bằng ân sủng của Chúa, giúp chúng ta nhớ mình chỉ
là tội nhân, đặc biệt là giúp chúng ta nhớ đến Lòng Chúa Thương Xót vô
biên.
Khởi hành
từ Thứ Tư Lễ Tro, mong sao tro có thể nhắc nhớ chúng ta rằng chúng ta
thuộc về Con Thiên Chúa. Ước mong sự thờ phượng, lời cầu nguyện và việc
đền tội của chúng ta có thể kiên trì bền vững trong suốt 40 ngày Mùa
Chay.
Nguyện
xin Chúa giúp chúng ta thực sự canh tân để có thể hân hoan mừng với sự
phục sinh của Chúa Giêsu Kitô trong đại lễ Phục sinh. Chúng ta hãy đồng
hành cùng Chúa để có thể thanh thản bước vào Mùa Chay Thánh…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét