hoacucTìm về cõi nhân sinh
Tháng 11 là tháng cầu cho các linh hồn. Tháng báo hiếu, là cơ hội để nhớ đến ông bà tổ tiên và những người thân. Tháng 11 cũng là tháng chúng ta nhớ đến những tấm thân cát bụi, phận người.
Ca khúc “Cát bụi” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã làm bao con tim rung động thổn thức:
“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi”

Người nghệ sĩ thiên tài về tình yêu và thân phận con người ấy, đã trở về cõi thiên thu. “Thân cát bụi” lại trở về làm “cát bụi”. Người nghệ sĩ tài ba ấy đã mãi mãi ra đi, nhưng đã để lại cho đời một bài ca bất hủ về “cát bụi phận người”. Đó cũng là điều để cho ta đối mặt với thực tế cuộc đời: sinh-ký-tử-quy.
Con người được dựng nên từ tro bụi. Thế nhưng qua bàn tay Thiên Chúa, tro bụi ấy trở thành một tuyệt tác! Tro bụi ấy đã hoá thành kiếp con người, để bước vào đời, bước vào cõi linh thiêng! Chính nhờ tình yêu mà Chúa đã cho chúng ta hồng phúc làm con Chúa.
Do vậy, đối với Thiên Chúa, con người chẳng là gì, chỉ là hạt cát bụi giữa biển trời mênh mông. Con người mang thân phận mỏng dòn, một thụ tạo yếu đuối trước mặt Thiên Chúa. Nhưng nhờ lượng hải hà của Thiên Chúa, từ bụi đất Chúa tạo dựng con người gồm hồn và xác. Chúa đã phú ban cho họ một tâm hồn và một trái tim biết yêu thương. Vì vậy, con người luôn luôn phải ý thức rằng mình là thọ tạo, là hư vô, để luôn luôn khiêm tốn trước Thiên Chúa toàn năng cao cả.
I. CẦN NHỚ ĐẾN CÁI HỮU HẠN CỦA MÌNH
1. Dù con chẳng là chi mà Chúa vẫn yêu thương.
Con người được Thiên Chúa dựng nên từ bụi đất, từ hư không và bụi đất ấy đã trở thành một tuyệt tác của Ngài. Ngài đặt vào đó tình yêu và sự sống, để rồi từ “bụi đất” hoá thành con người có hơi thở, có sự sống, có linh hồn bất tử.
Con người đã trở nên tác phẩm tình yêu duy nhất của Thiên Chúa ở thế trần này. Chính nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa mà con người đã được dựng nên không chỉ theo dáng vẻ bề ngoài, nhưng còn được mang hình ảnh của Thiên Chúa.
Một “cát bụi phận người” được chia sẻ sự sống của Thiên Chúa và được trao quyền cai quản vũ trụ muôn loài, nên “cát bụi” có thể ngỏ lời, mặc cả, phân bua với Thiên Chúa, Đấng dựng nên mình. Bởi vì, Thiên Chúa tạo dựng con người không phải để huỷ diệt, nhưng để sống bất diệt.
Đứng trước tình yêu vô biên ấy, con người cảm thấy ngỡ ngàng, băn khoăn, thắc mắc:
Lạy Chúa con người có là chi mà Chúa cần nhớ đến?
Phàm nhân đáng là gì mà Chúa phải lưu tâm?
Ấy con người khác chi hơi thở,
Vùn vụt tuổi đời tựa bóng câu” (Tv 144,3-4).
Và Thiên Chúa trả lời,Ta đã đem lòng sùng ái con người vì nó được dựng nên giống hình ảnh của Ta.
2. Noi gương Mẹ Maria hoàn toàn tín thác vào Chúa.
Mẹ luôn luôn ý thức được thân phận thấp hèn của mình. Mẹ luôn “biết mình là ai và biết mình được Thiên Chúa yêu thương” là cái biết quan trọng để an tâm bước đi trong hành trình cuộc đời. Đức Maria đã đi đúng con đường biết bằng lý trí và biết bằng con tim. Do đó, “cuộc đời của Mẹ luôn luôn quý hướng về Đức Giêsu”. Chính vì thế, Mẹ luôn luôn vâng theo thánh ý Chúa: “Vâng tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như sứ thần nói” (Lc 1,38).
Còn Đức Maria với sự khiêm tốn, tin tưởng, phó thác vào Thiên Chúa, Mẹ đã hoàn toàn để Chúa điều khiển cuộc đời mình. Khác với hai nguyên tổ đã nghe theo lời con rắn dụ dỗ và đã ăn trái cấm để mong được bằng và hơn Thiên Chúa. Mẹ đã nhận ra thân phận yếu đuối, giới hạn của mình, để cho Thiên Chúa thực hiện kế hoạch của Ngài.
Đứng trước hình ảnh của Đức Maria, chúng ta càng thấy được tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Ngài đã xót thương và khấng ban lời hứa cứu độ cho nhân loại ngay khi con người đã xúc phạm đến Chúa, để cho thân phận con người được chìm đắm trong tình yêu của Ngài.
II. TINH THẦN HĂNG HÁI, THÂN XÁC YẾU ĐUỐI
1. Con người thân phận mỏng dòn
Con người được Thiên Chúa mời gọi để bước vào cõi sống này. Đó là hồng ân Thiên Chúa trao tặng cho con người. Nhưng không mấy ai trong chúng ta cảm nhận được hồng ân sự sống ấy. Vì vậy, R.D Wahnheit mới nói: “chỉ những ai đang hấp hối trên giường bệnh, mới hiểu được thế nào là giá trị của sự sống”. Do vậy, con người cần phải tôn trọng sự sống của mình. Bởi vì, không ai trong chúng ta có thể làm chủ sự sống của mình được.
Hơn bao giờ hết, thân phận con người thật mỏng dòn, yếu đuối và mong manh như cánh hoa sớm nở chiều tàn, chỉ một cơn gió thoảng qua, cũng làm nó biến mất. Điều đó cho thấy, thân phận của chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương con người, bao bọc chở che như cục đất sét trong tay ngừơi thợ gốm, được nhào nặn, được giữ gìn, được nâng niu.
Từ thân phận cát bụi, Thiên Chúa cũng đã trao ban cho thân phận ấy đủ các vai diễn của mình trên sân khấu cuộc đời. Thế nhưng, sau những vai diễn ấy, con người cũng chỉ cảm thấy trống vắng, mệt nhoài, bấp bênh của kiếp con người. Trăm năm nào có gì đâu, chẳng qua cũng chỉ là nắm cỏ khâu xanh rì.
Rốt cuộc, cuộc đời này cũng chỉ là một sự tạm bợ chóng qua, ở đợ một quán trọ đơn nghèo: “trăm năm về chốn xa xăm suốt đời” (Ở trọ_ Trịnh Công Sơn). Thân phận mỏng dòn là thế! Không biết vận mạng của mình như thế nào, để rồi chạy đến cùng Thiên Chúa mà kêu lên:
Lạy Chúa, xin dạy con biết:
Đời sống con chung cuộc thế nào
Ngày tháng con đếm được mấy mươi
Để hiểu rằng, kiếp phù du là thế” (Tv 39,5).
2. Điều tôi muốn tôi lại không làm (Rm 7,15)
Con người muốn tự khẳng định mình, muốn mình được biết tất cả, trở nên khôn ngoan, nên đã rơi vào cạm bẫy của ma quỷ. Bằng chứng là con người đã nghe theo lời dụ dỗ của con rắn (x.St 3,1-7). Chính vì tính yếu đuối, con người đã làm cho tội lỗi lan tràn khắp thế gian này.
Con người càng ngày càng ôm nhiều tham vọng, ham hố, đam mê những thú vui trần tục. Một thân phận mỏng dòn,yếu đuối, giới hạn nhưng lại ước vọng không cùng. Chính vì vậy, con người trở nên kiêu căng, tự đại mà không còn nhớ tới ân nghĩa của Chúa.
Chính vì điều này, thánh Phaolô đã thú nhận với cộng đoàn Rôma: “Điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm…Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, sự ác tôi không muốn thì tôi lại cứ làm. Nếu cứ làm điều tôi không muốn thì không phải chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi” (Rm 7, 15.19-20).
Hơn ai hết, thánh Phaolô đã cho thấy rõ những bất toàn của bản thân mình để rồi thánh nhân không bao giờ dám tự cao tự đại trước nhan Thiên Chúa: “Và để tôi khỏi tự cao, tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đón nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Satan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại” (2Cr,12,7). Một khi ý thức những yếu đuối và hạn chế của bản thân, con người được mời gọi tín thác vào Chúa.
III. LẠY CHÚA, CON TRÔNG CẬY CHÚA
1. Nhận ra mình bất toàn
Sau những chặng đường dài của cuộc đời, con người cũng chẳng kiếm tìm được gì, chỉ là một sự tuyệt vọng nối tiếp tuyệt vọng. Một sự chán chường của kiếp người với những mệt nhoài, đau thương, khắc khoải. Một đời sống chạy theo vật chất chóng qua, nên con người cũng cảm thấy trống vắng trong tâm hồn. Rốt cuộc cũng phải kêu lên:
Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,
Hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 62,2).
Kinh nghiệm của thánh Augustinô sau những năm tháng đi hoang, chạy theo danh vọng, chạy theo đam mê xác thịt, cuối cùng ngài cũng nhận ra một thực tế đời người: “tâm hồn con cứ khắc khoải ưu tư cho đến khi được nghỉ an trong Chúa”.
Càng trong lúc tuyệt vọng không còn gì để hy vọng thì chúng ta lại càng phải trông cậy vào Chúa, để Ngài chiếm lấy chúng ta. Bởi vì, bí nhiệm hy vọng không phải là bí nhiệm của sức mạnh nhưng chỉ là bí nhiệm của bất lực. Do vậy, càng trong những lúc bất lực chúng ta phải để cho Chúa chiếm hữu.
Chỉ khi nào con người nhận ra được giới hạn của mình thì mới thấy được một Thiên Chúa toàn năng. Con người nhận ra được yếu đuối của mình thì mới thấy được sức mạnh của  Thiên Chúa. Con người nhận ra được bất lực của mình, thì mới thấy được sự khôn ngoan của Thiên Chúa, bởi vì con người được Thiên Chúa tạo dựng nên, cho nên Người thông suốt tất cả:
“Lòng mỗi người chính Chúa dựng nên
Việc họ làm Chúa thông suốt cả” (Tv 32,15).
2. Tôi tự hào về những yếu đuối của tôi (2Cr 10,30)
Điều quan trọng, ý thức được sự yếu đuối của mình, để biết cậy trông vào Chúa. Nhất là càng không nên mặc cảm với những yếu đuối của mình, mà phải chân nhận nó như là một thực tại hiển nhiên. Chính điều đó, thánh Phaolô đã phải thú nhận rằng: Nếu có đáng khoe khoang, tôi phải khoe khoang con người tầm thường, dòn mỏng, dễ mang thương tích. (x. 2Cr 12,5-6). Do vậy, khi con người càng thấy mình giới hạn bao nhiêu, thì càng phải tin tưởng và phó thác vào Chúa bằng sự khiêm nhường thật sự. Con người cần phải dám sẵn sàng để cho Thiên Chúa chiếm hữu trong sự yếu đuối của mình.
Có thể nói, thánh Phaolô dám can đảm khoe khoang về sự yếu đuối của mình chính là nhờ vào ơn Chúa: “Ơn Thầy đủ cho anh” (2 Cr 12,9). Và đó cũng là chỗ dựa vững chắc cho vị tông đồ dân ngoại: “vì vậy, tôi cảm thấy vui mừng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, khốn quẫn, bắt bớ ngặt nghèo vì Đức Kitô. Quả thực, khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,10).
Thay lời kết: Ôi cát bụi phận người!
Một buổi sáng ngày mùng 2 tháng 11, tôi đi dâng lễ cộng đoàn qua hai nghĩa trang Gx Thanh Hoá và Thái Hoà, toạ lạc bên vệ đường. Nhìn vào, tôi ngạc nhiên khi giữa đêm đen xuất hiện một khung cảnh thật linh thánh. Một ngọn nến, hai ngọn nến, và rất nhiều ngọn nến lung linh. Những lẵng hoa tươi đặt trên mộ phần của người thân. Người sống bên cạnh người chết trong làn khói mờ mờ ảo ảo từ những nén hương nghi ngút bay lên. Trong khung cảnh linh thánh này làm cho tôi tưởng nhớ phụ mẫu của tôi cũng như phụ mẫu của những người thân của tôi đã nằm xuống. Tôi chợt nghĩ tháng các linh hồn có thể gọi là “tháng báo ân”.
Nghĩa trang ngày hôm đó không chỉ là những mộ phần lạnh lẽo mà có cả người thân yêu bên cạnh. Từ khung cảnh đó gieo vào lòng người niềm hy vọng. Chết không phải là hết nhưng là cánh cửa mở vào một cuộc sống mới. Điều đó khiến chúng ta phải reo lên: “Ôi cát bụi phận người!”.
Chỉ khi nào con người biết nhận ra được giới hạn của mình để biết cậy trông vào Chúa. Chỉ khi nào trở về bên Chúa, thì chúng ta mới hiểu được tình Chúa như thế nào. Ước chi, trong những giây phút yếu đuối, tuyệt vọng… chúng ta biết chạy đến cùng Thiên Chúa, phó thác, trông cậy, tín thác vào tình yêu của Thiên Chúa. Ước chi mỗi khi đứng thinh lặng trước mộ phần của người thân cũng giúp chúng ta khám phá ra tình yêu Chúa trước những mong manh của phận người.
Không nên bi quan, mặc cảm về những yếu đuối của mình mà trở nên buồn sầu ủ rũ, nhưng phải hi vọng vào Chúa, để nhận ra sự quan phòng của Chúa. Trong niềm vui trở về nhà Cha:
“Khi Chúa thương gọi tôi về. Hồn tôi hân hoan như trong một giấc mơ, miệng tôi nức vui tiếng cười. Lưởi tôi vang lời ca hát. Ngàn dân tung hô. Tôi thật hạnh phúc.”[1]
…………………………………………………
[1] Lm. Ns Kim Long lúc còn là chủng sinh đã nhập ngũ. Ngày giãi ngũ, cha đã trở về Đại chủng viện Sài Gòn và đã sáng tác bài này. Tội nghiệp cho ngài, bài nhạc này diễn đạt niềm vui trở về chủng viện thì nay lại được sử dụng trong các lễ an táng như là niềm vui trở về nhà Cha.
Linh mục Đaminh Đinh Viết Tiên