Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2016

Chúa Nhật 3 Phục Sinh. Năm C_2016.

Ông bà anh chị em thân mến.  Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã hiện ra nhiều lần với các tông đồ và với một số người khác, để minh chứng Người là Con Thiên Chúa, Đấng cứu độ trần gian, đã sống lại thật như lời Người đã tiên báo.  Sự hiện ra của Chúa đem vui mừng và bình an đến trong tâm hồn các ông, và củng cố đức tin làm cho các tông đồ trở nên vững mạnh, can đảm thi hành sứ mệnh làm chứng và rao giảng Tin mừng cho Chúa.  Đây là một sứ mệnh, như chúng ta biết, có tầm rất quan trọng, và Chúa biết trước rằng các ông sẽ phải đối diện với những khó khăn, thử thách, gian lao và đau khổ. 

Bài tin mừng hôm nay, một lần nữa, Chúa Giêsu hiện ra với 7 tông đồ là Phêrô, Tôma, Natanaen, Giacôbê, Gioan và 2 người khác không rõ tên, ở bờ biển Ti-bê-ri-a, nơi mà các ông đã từng sống trước khi theo Chúa.  Đêm hôm đầu tiên, các ông rủ nhau đi đánh cá, nhưng hoàn toàn thất bại, không bắt được gì.  Khi thuyền về gần đến bờ, thì Chúa Giêsu hiện ra, nhưng các ông không nhận ra Chúa, có lẽ vì mệt mỏi, chán chường và thất vọng.  Sau vài câu chào hỏi, Chúa bảo các ông trở ra biển thả lưới.  Chúng ta thấy, các ông đã thả lưới suốt cả đêm mà không bắt được gì, bây giờ đang mệt mỏi, buồn ngủ và chán nản lại bảo thả lưới ở gần bờ, chỗ mà theo kinh nghiệm lão luyện của các ông, chẳng bao giờ có cá thì hy vọng gì!  Nhưng không biết tại sao các ông đã vâng lời làm theo lời chỉ bảo đó và đã được một mẻ cá lớn. 

Tôi xin chia sẻ với ông bà anh chị em 3 ý nghĩa chứa đựng trong bài Tin mừng hôm nay.  Ý nghĩ thứ nhất chú trọng trong câu Chúa Giê-su hỏi Phê-rô được lập lại 3 lần: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?”  3 câu hỏi của Chúa Giê-su với Phê-rô liên quan đến 3 câu chối Chúa của Phê-rô trong ngày Chúa bị bắt.  Ba câu trả lời của Phê-rô với Chúa là ba câu xác quyết lòng yêu mến để xóa bỏ và đền bù lại ba câu chối Chúa.   Hay nói một cách khác, ba câu hỏi và trả lời này đã cho Phê-rô một cơ hội chuộc lỗi và tái xác định lòng trung thành của mình với Chúa.

Ý nghĩa thứ hai là chủ đích của bài Tin mừng.  Chúng ta tự hỏi: tại sao thánh Gioan ghi chép lại câu chuyện này?  Thánh Gioan muốn nói gì với chúng ta qua câu chuyện trong bài Tin mừng?  Công Đồng Va-ti-can II đã trích dẫn ba câu nhắn nhủ của Chúa với Phê-rô “Hãy chăn dắt chiên Ta” là một bằng chứng hiển nhiên về việc Chúa trao ban sứ vụ, quyền năng và trách nhiệm cho tông đồ Phê-rô, trở thành chủ chăn và chăn dắt đoàn chiên của Người. Hay nói một cách khác, Chúa tái xác quyết ý định mà Chúa đã nói trước đây “Phê-rô, con là Đá, và trên đá này Ta sẽ xây giáo hội... Ta sẽ trao ban cho con chìa khóa Nước Trời.”

Chúng ta thấy trong dịp này vì sự yếu đuối và lỗi lầm của Phê-rô, Chúa có thể đổi ý định và rút lại quyết định chọn Phê-rô và nói với ông rằng “Vì con đã chối Ta ba lần, nên Ta quyết định rút lại ý định, và trao ban cho người khác.”   Nhưng Chúa Giê-su Ki-tô đã không làm như vậy, Người còn tái xác nhận ý định của chính mình chọn Phê-rô làm chủ chiên.

Ý nghĩa quan trọng thứ ba là Chúa muốn dạy, Chúa muốn nói, Chúa muốn nhắn nhủ mỗi người chúng ta, những người lắng nghe lời Chúa hôm nay điều gì? Trước khi chúng ta vào điểm chính này, chúng ta trở về bài Tin mừng. Khi Chúa Giê-su bảo Phê-rô, một người lão luyện, đầy kinh nghiệm và đã thả lưới bắt cá cả đêm nhưng không được con cá nào, hãy trở ra biển và thả lưới.  Chúng ta thấy Phê-rô đã bỏ sự tự cao và kiêu căng, để khiêm nhường nghe và thực hành lời Chúa phán bảo, kết quả thật lạ lùng, bắt được một mẻ cá ngoài sức tưởng tượng.  Vậy Chúa muốn nói với mỗi người chúng ta điều gì?  Chúng ta thấy trước đó, Phê-rô và các tông đồ tự ý đi đánh cá và thất bại, nhưng sau đó vì có sự hiện diện của Chúa Phục sinh, và biết khiêm nhường lắng nghe lời Chúa thì thành công một cách lạ lùng.  Như Phê-rô và các tông đồ xưa, có lẽ chúng ta hằng cầu nguyện, nhiệt tình hy sinh phục vụ, làm việc tốt lành hay bác ái và quảng đại theo ý chúng ta, nhưng vì không có sự hiện diện của Chúa, cho nên việc làm của chúng ta không đem lại kết quả hay kết quả ít, không như lòng chúng ta mong ước, hay không có kết quả gì, làm cho chúng ta chán nản, thất bại hay cảm thấy vô vọng. Hay chúng ta vẫn cảm thấy sầu khổ và âu lo, vì Chúa vẫn còn chết tang trong mồ chưa sống lại.  Có lẽ chúng ta đã quên lời Chúa nói với các môn đệ “Thầy là cây nho, chúng con là ngành.  Ngành nào lìa cây sẽ khô héo. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì.”  (John 15:5)  

Ông bà anh chị em thân mến. Chúng ta thấy sau khi đã xác quyết lòng yêu mến của mình với Chúa Giê-su ba lần “Thưa Thầy, Thầy biềt rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”, tông đồ Phê-rô và các tông đồ khác, qua sự hiện diện và lòng yêu mến Chúa chân thành, đã không quản ngại khó khăn và đau khổ, quyết tâm hy sinh và trung thành với Chúa để trở thành chứng nhân và rao giảng lời Chúa cho mọi người, Phê-rô đã trở thành chủ chăn của một giáo hội rộng lớn và tồn tại đến ngày nay.  Đối với chúng ta, những Ki-tô hữu, hôm nay cũng thế, nếu chúng ta không có Chúa Phục sinh trong đời sống, không có lòng yêu mến Chúa chân thành, thì cầu nguyện là việc chán ngán, đến nhà thờ là một gánh nặng, phục vụ và hy sinh thì khó khăn, vác thập giá là một cực hình, bác ái và quảng đại là thiệt thòi. Vì sao? Vì chúng ta làm theo ý chúng ta, chúng ta hành động theo ý chúng ta, hay không có sự hiện diện của Chúa trong đời sống, không có lòng yêu mến Chúa chân thành.  Còn nếu chúng ta có Chúa, có lòng yêu Chúa chân thành thì cầu nguyện là một việc thích thú và sốt sắng, chúng ta cảm thấy hạnh phúc khi đến nhà thờ, vui mừng khi hy sinh phục vụ, bác ái và quảng đại vì tha nhân và vì Chúa.

Cho nên, ông bà anh chị em thân mến, ý nghĩa chính và bài học quan trọng Chúa muốn dạy chúng ta qua bài Tin mừng hôm nay là: điều cần thiết trong đời sống Ki-tô hữu là phải bỏ sự tự cao, tự kiêu lắng nghe lời Chúa nói, phải có sự hiện diện của Chúa Ki-tô Phục sinh, và phải có lòng yêu mến Chúa chân thành, thì chúng ta mới có sự bình an và vui mừng, và đời sống Ki-tô hữu mới sinh kết quả tốt lành.  

Chúa Giê-su Ki-tô Phục sinh đã hỏi Phêrô: “Con có yêu mến Thầy không?”  Đó cũng là câu hỏi Chúa hỏi chúng ta hôm nay.  Nếu thành thật nhìn vào đời sống, chúng ta trả lời Chúa như thế nào?  Chúng ta thật sự có Chúa trong đời sống hay không?  Có Chúa hiện diện và vâng lời Chúa, Phê-rô đã bắt được một mẻ cá lạ lùng. Chúng ta cầu xin, đời sống Ki-tô hữu của chúng ta cũng sinh nhiều hoa trái tốt lành đời này và đời sau, luôn luôn sống trong an bình, vui mừng và hạnh phúc vì có Chúa Guê-su Ki-tô Phục sinh hiện diện.
 Lm. Chánh xứ



Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....