Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2016

Chúa Nhật 11 Thường Niên. Năm C_2016.

 

Ông bà anh chị em thân mến.  Những bài Kinh thánh hôm nay rất phong phú, chứa đựng nhiều bài học quan trọng cho đức tin và đời sống Ki-tô hữu chúng ta. Nhưng tôi chỉ muốn chia sẻ 2 điểm mà thôi.  Điểm thứ nhất là đừng xét đoán ai. Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết một người Pha-ri-sêu có tên là Simon mời Chúa đến nhà dự buổi tiệc, nhưng không cho chúng ta biết rõ trong dịp gì.
Đang trong bữa tiệc, một người đàn bà đến khóc nức nở, nước mắt ướt đẫm chân Chúa Giê-su, bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và xức thuốc thơm. Thấy thế, người biệt phái xét đoán và kết án bà là người tội lỗi, và tỏ ra một thái độ khinh bỉ đối với bà. Tệ hơn nữa, ông cũng đã xét đoán, nghi ngờ và kết án Chúa Giê-su là người gian dối khi ông châm biếm phê bình: “Nếu ông này là tiên tri thì phải biết người đàn bà đang động đến mình là ai và thuộc hạng người nào: là một người tội lỗi.” Vì mang thành kiến xét đoán nên ông không tôn kính và nhận ra Chúa Giê-su Người ông mời dự tiệc tại nhà là ai.  Nhiều người chúng ta cũng có thái độ vội vã xét đoán và kết án người khác dựa vào hình dáng bề ngoài, rồi đưa đến những thái độ nghi ngờ, kỳ thị, chê bai và khinh thường. Chúa Giê-su trong bài giảng trên núi dạy chúng ta: “Các con đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán.  Các con xét đoán thể nào thì các con cũng bị đoán xét như vậy.” (Mt. 7, 1-2)

Điểm thứ hai mà tôi muốn chia sẻ với ông bà anh chị em là sự tha thứ.  Chúng ta biết có nhiều loại tha thứ: sự tha thứ giữa người vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em với nhau trong gia đình, sự tha thứ trong tình bạn bè, giữa những người thân thuộc, hay sự cần thiết của sự tha thứ khi chúng ta đối xử với nhau, hay sự tha thứ cho chính bản thân của chúng ta.  Tôi biết có những người vợ, người chồng không thể tha thứ cho nhau, có những anh chị em không thể tha thứ cho nhau, có những người thân thuộc không thể tha thứ cho nhau, bạn bè không thể tha thứ cho nhau, có những người không thể tha thứ cho chính Thiên Chúa, vì đã không ban ơn hay không nghe lời họ cầu xin. Thế nhưng, hôm nay, chúng ta chú ý đến sự tha thứ của Chúa cho chúng ta.     

Trở lại bài Tin mừng, chúng ta thấy người đàn bà mang tiếng tội lỗi đã phá bỏ mọi thể thức, nghi lễ thông thường của một buổi tiệc, từ sự biểu lộ tấm lòng ngưỡng mộ, biết ơn chân thành đến sự tôn kính và yêu mến Chúa Giê-su. Chúng ta thấy ông Pha-ri-sêu chủ nhà, người mời Chúa Giê-su, cùng với khách đã sửng sốt và khó chịu trước hành động của bà. Vì thế Chúa Giê-su đã kể cho họ dụ ngôn người chủ nợ và con nợ.  Dụ ngôn này cho chúng ta thấy ba điểm quan trọng.  Thứ nhất là sự can đảm, tấm lòng khao khát và chân thành đến với Chúa của bà.  Điểm quan trọng thứ hai, dụ ngôn cho chúng ta biết lý do tại sao người đàn bà nhiều tội lỗi được tha thứ. Và điểm thứ ba là lý do tại sao bà “phung phí” sự cảm tạ, tri ân và ngưỡng mộ Chúa, vì bà đã nhận được ơn tha thứ đầy tràn.

Chúng ta tự hỏi “Lý do gì và động lực nào làm cho bà có lòng khao khát và thúc đẩy bà tìm và đến với Chúa?”  Tin mừng không cho chúng ta biết rõ lý do và động lực nào, nhưng có lẽ bà đã nghe Chúa Giê-su dạy dỗ về lòng thương xót của Thiên Chúa qua những dụ ngôn Con Chiên Lạc, hay Đồng Xu Đánh Mất, hay Người Con Hoang Đàng.  Nghe được những lời giảng dạy của Chúa Giê-su về lòng thương xót của Thiên Chúa đã đánh động vào tâm hồn của bà, nảy sinh ra sự thay đổi, hoán cải chân thật, và hoàn toàn trao tấtâm hồn của bà cho Chúa. 

Tới đây, tôi muốn ông bà anh chị em chú ý đến một điểm thật quan trọng đã xảy ra, đó là vì lý do này hay khác, không biết làm sao bà tin chắc chắn rằng chính Chúa Giê-su, chính Chúa Giê-su là sứ giả lòng thương xót của Chúa Cha, cho nên bà đã can đảm và mạnh dạn vượt qua những chướng ngại vật bên trong con người mình là tội lỗi, và bên ngoài là sự khinh khi của chủ nhà và những người khách trong bàn tiệc, để tìm đến gặp và quì xuống trước mặt Chúa Giê-su tỏ tấm lòng chân thành biết ơn tràn đầy, và đã nhận được ơn tha thứ của Chúa.  Khi Chúa Giê-su nói với bà: “Tội con đã được tha rồi”, Người ban cho bà một sự bảo đảm chắc chắn bà được hoàn toàn tha thứ.

Ông bà anh chị em thân mến. Chúng ta nhận thấy trong Tin mừng, Chúa Giê-su lập đi lập lại nhiều lần và tuyên bố với dân chúng “Tội con đã được tha.”  Ngày nay, Chúa vẫn nói với chúng ta câu này trong Bí tích Hòa giải, Bí tích Xưng tội.  Khi chúng ta có lòng khao khát và thành tâm đến với Chúa trong Bí tích Hòa giải, và với tấm lòng ăn năn thống hối, chúng ta sẽ lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa. Bí tích Hòa giải giúp đời sống tinh thần của chúng ta trưởng thành và lớn mạnh hơn, cũng như có tình liên hệ mật thiết với Chúa. 

Tóm lại, lời Chúa hôm nay dạy chúng ta 2 điểm quan trọng.  Thứ nhất, là những Ki-tô hữu chúng ta phải tránh xa sự xét đoán và có lòng chân thành, thành thật với Chúa như vua Đa vít trong bài đọc 1.  Vua Đa vít đã chân thành thú nhận: “Trẫm đã phạm tội cùng Chúa.”  Vua Đa Vít đã không đổ tội cho ai hay vì ai mà ông phạm tội.  Vua tự nhận trách nhiệm và tội lỗi của mình.  Chúng ta biết bước đầu trong sự thống hối ăn năn là sự chân thành với Chúa và với chính mình.  Thánh vịnh tiếp theo bài đọc 1 là những lời tự thú chân thật của vua Đa Vít với Chúa “Tôi xưng ra cùng Chúa tội phạm của tôi, và lỗi lầm của tôi, tôi đã không che giấu. Tôi thú thực cùng Chúa điều gian ác của tôi, và Chúa đã tha thứ tội lỗi cho tôi.”  Đây là một lời biểu lộ, một lời diễn đạt chân tình của sự thống hối ăn năn.   Bài học thứ hai là chúng ta phải có cuộc sống biết ơn về lòng thương xót và tha thứ của Chúa như người đàn bà trong Tin mừng. Dù tội của chúng ta có nặng và nhiều đến đâu, Chúa vẫn làm cho trắng tinh như tuyết, để chúng ta không bao giờ phải lo sợ và thất vọng. 

Xin Chúa luôn giúp chúng ta có một niềm tin mạnh mẽ và một tình yêu mến Chúa chân thành, đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa là Ðấng nhân từ và luôn yêu thương, để trở thành sứ giả lòng thương xót và tha thứ của Chúa. 

      Lm. Quản Nhiệm



Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....