Thứ Tư, 22 tháng 6, 2016

Tuổi thơ, quá khứ và lòng thương xót

Chúng ta đều được sinh ra từ những người cha, người mẹ bất toàn. Thế nên, tuổi thơ của chúng ta gắn liền với những nỗi “bất hạnh” cách nào đó. Đồng thời, với những hiểu biết và ý thức hết sức giới hạn về thế giới xung quanh, tuổi thơ rất cần sự bao bọc và chở che, nhưng chỉ nhận lại những vết mực trên mảnh giấy trắng tinh, là những lời đe dọa hay những lời xót xa, những lời tháo mạ cả những lời buồn bã …đã làm tổn thương trong ký ức của chúng ta.
Điều này đã được khẳng định trong một câu nói mang tính cách mạng trong ngành tâm lý của tác giả John Bradshaw: Mỗi người chúng ta mang trong mình một đứa trẻ bị tổn thương.[i] “Đứa trẻ” ở đây, được hiểu là tuổi thơ và quá khứ của mỗi người. Mà những tổn thương này chỉ được xóa đi phần nào nhờ bút tẩy của lòng thương xót tùy mức độ cộng tác của mỗi người.
Có những người tìm mọi cách để quên đi tuổi thơ bất hạnh, nhưng đó là một ảo tưởng vì nó đã là một phần trong tiến trình thành nhân của mỗi người. Có những người tìm mọi cách để phủ nhận quá khứ đau thương, nhưng nó vẫn còn đó, đến nỗi, gieo nơi chúng ta những hình thức tiêu cực để rồi, gặm nhấm bản thân, hao mòn tương quan nhân loại và hơn nữa khước từ với một Thiên Chúa giàu lòng thương xót.
Thật vậy, những gì bạn đang sống với những suy nghĩ, thái độ, hành vi…trong lúc này đều mang màu sắc của tuổi thơ và quá khứ của mình. Có bao giờ các bạn đặt câu hỏi tại sao các nhà độc tài lại có những hành động mang tính hủy hoại khiến để lại nỗi đau trong lịch sử nhân loại ? Các nhà nghiên cứu trả lời rằng Hitler, Mussolini và Mao Trạch Đông đều là con trai của các bà mẹ thích bảo bọc và những ông bố rất hung dữ.[ii] Qua đó, chúng ta thấy vai trò giáo dục của bậc cha mẹ trong những năm đầu đời rất quan trong, nếu không muốn nói là mang tính “quyết định” cho tương lai mỗi người. 
Thêm nữa, môi trường cũng tác động khá mạnh mẽ đến tuổi thơ. Chẳng hạn, môi trường văn hóa chúng ta đang sống được gọi là “văn hóa làm láo báo cáo hay”. Với chủ trương quá chú trọng hình thức, tìm mọi cách để lấy điểm, lập công trong khi thực lực thì không có hay không xứng đáng, điều này đã là vết thương chung về lòng tự trọng cho một xã hội mất dần vẻ đẹp nhân văn. Những hậu quả để lại đã làm tiêm nhiễm những đứa trẻ vốn đơn sơ và trong trắng. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã trải qua một thời đen tối như thế; những di chứng để lại mà chúng ta có thể thấy được nơi bản năng gây hấn, hành vi bạo lực, bạo hành lời nói… của con người thời đại.   
Ngoài ra, những tương giao thầy cô, bạn bè… cũng ảnh hưởng cách nào đó đến tính cách của mỗi người.  Chính những tương giao không lành mạnh và mang tính áp chế sẽ để lại trong ký ức của tuổi thơ những vết thương khó lành. Những dồn nén này lâu ngày lại không được chúng ta kiểm soát, sẽ nổ tung như cái phao bị bơm hơi quá cỡ; điều này hủy hoại đến mọi tương giao nhân loại, với Chúa và chính bản thân mình.
Tưởng cũng cần nhắc đến khí chất, tính cách của từng cá nhân mà yếu tố di truyền từ bố mẹ, ảnh hưởng của môi trường sống, các tương giao sẽ tác động cách nào đó trên chủ thể. Với mẫu người khí chất điềm đạm và sống nội tâm, những yếu tố bên ngoài đó có thể làm họ rút vào vỏ bọc bên trong và dần trở nên sống khép kín hơn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến họ qua những tương giao nhân loại; họ mất dần sự tin tưởng với người khác vì nghĩ rằng ai cũng giả dối và lợi dụng lòng tốt của họ…Còn với mẫu người năng động hướng ngoại, họ dễ dàng hòa nhập với những xu hướng mới của thời đại đến nỗi hòa tan đến mức không kiểm soát được. Như thế, họ thực sự là nạn nhân của một xã hội tiến bộ không có định hướng cho tương lai.
Đó là lý do: tuổi thơ và quá khứ cần được chữa lành nhờ lòng thương xót. Chỉ có tình yêu mới mang lại những tương giao đích thực và chỉ lòng thương xót mới giúp tuổi thơ và quá khứ của mỗi người được chữa lành.
Chính hạnh tích của các thánh sẽ là bằng chứng xác thực nhất về kinh nghiệm được chữa lành. Để tránh những đáng tiếc có thể xảy ra trong việc đánh giá những tác giả viết truyện hạnh tích, chúng ta sẽ tiếp xúc chính tác phẩm của các ngài mà trong giới hạn bài viết xin phân tích hai tác phẩm nổi tiếng của hai thánh: Tự thú của thánh Augustinô và Truyện một tâm hồn của thánh nữ Têrêsa HĐGS. Qua đó, nó sẽ gợi cho chúng ta những cách thức cần thực hiện để chữa lành.
Hành trình đi đến đức tin của thánh Augustinô đã từng nếm trải một nỗi đam mê chết người là đam mê sắc dục. Có thể nói, nó chi phối toàn bộ cuộc sống của ngài. Augustino đã tự thú: “Con không biết phân biệt sự sáng sủa của tình yêu và sự tối tăm của nhục dục. Cả hai tình yêu đều bốc cháy lẫn lộn trong con, lôi kéo tuổi xuân khờ dại của con qua những ghềnh dốc đam mê và dìm con xuống vực thẳm các nết xấu… Sự dâm đãng đã làm con dao động và xiêu té, phung phí và tiêu tan sức lực”.[iii] Ngài và các bạn của ngài ganh đua nhau không phải tập tành nhân đức hay nghiên cứu tri thức mà lại so kè xem ai làm chuyện xấu xa đồi bại hơn. Có lúc, vì muốn hơn chúng bạn, ngài phải nói dối, ngài tâm sự: “Con sợ bị khinh thị vì vô tội, bị coi hèn hạ hơn vì trong sạch”.[iv]
Với những nguy hiểm rình chờ, ngài chỉ còn cách kêu cầu Chúa: “Con đã nói cho Chúa nhân lành biết hiện trạng yếu đuối của con: con vui mừng mà run sợ về những ơn Chúa đã ban, con khóc lóc về những  thiếu xót trong con, con hy vọng Chúa sẽ hoàn tất nơi con lòng thương xót của Chúa, cho tới sự bình an trọn vẹn, mà mọi quan năng bề trong bề ngoài của con được hưởng nơi Chúa”.[v]
Đó là bước biến đổi ngoạn mục của thánh Augustinô nhờ lòng thương xót Chúa. Còn việc thánh nữ Têrêsa được chữa lành thì êm đềm hơn nhưng là giai đoạn quan trọng để Chúa mặc khải cho ngài về linh đạo Thơ ấu thiêng liêng.
 Vừa được 4 tuổi, thánh nữ phải chịu cảnh mồ côi mẹ. Đây là một trong những vết thương đáng kể trong thời ấu thơ của mình mà Têrêsa gọi là mùa đông của tâm hồn. Chúng ta nghe chính chị tâm sự: “…kể từ khi mẹ chúng ta mất, tính tình vui vẻ của con đã thay đổi hoàn toàn, trước kia con năng động đến thế, nay trở nên nhút nhát và hiền lành, nhạy cảm quá mức. Chỉ một cái nhìn cũng đủ làm con khóc, chỉ mong không ai để ý đến con là con hài lòng, con không thể chịu đựng nổi sự có mặt của những người lạ và chỉ tìm lại được tính vui vẻ của mình trong vòng thân mật của gia đình”.[vi] Nỗi đau này sẽ được khỏa lấp phần nào khi chị nhận chị gái “làm mẹ”, và dồn hết tình cảm vào người cha của mình. Mãi đến khi vào dòng, chị đã đọc lại biến cố này dưới ánh sáng của lòng thương xót. Thật vậy, nhờ những tình cảm mà mọi người trong gia đình đã dành cho chị, chị quyết tâm sống chan hòa và yêu thương mọi người. Bằng chứng là chị đã thực thi lòng thương xót đối với kẻ tử tội là Pranzini, đứa con thiêng liêng của chị khi cầu nguyện cho y được ơn thống hối thực sự trước khi chết. Quá trình được chữa lành và sống lòng thương xót với người khác là cả con đường nên thánh của chị.
Có thể nói, việc viết nhật ký là một trong những phương pháp mà khoa tâm lý học đề nghị với các thân chủ của mình (những người đến tham vấn). Tất cả các phương pháp do các chuyên gia đề nghị đều qui về điểm này: đưa những gì là vô thức lên bề mặt ý thức. Vì theo Freud, đó là cách chữa lành thiết thực nhất. Thật vậy, khi ý thức đứa trẻ bất hạnh và ký ức bị tổn thương trong mình, chúng ta sẽ dễ dàng hòa giải và ôm trọn nó, đồng thời, chấp nhận nó như thành phần của đời sống mình. Nhưng dù sao, những gì tâm lý học hướng dẫn cũng chỉ là tạo điều kiện thuận lợi cho lòng thương xót của Chúa chạm vào. Chỉ có Chúa mới là vị lương y Thần Linh khả dĩ chữa lành mọi vết thương trong con người.
Tuổi thơ con bất hạnh nhiều
Xin tình yêu Chúa sớm chiều đỡ nâng.
Quá khứ con tổn thương dần
Lòng thương xót Chúa chữa lành ấp iu. 

EYMARD An Mai Đỗ, O.Cist.

[i] John Bradshaw, Tìm lại đứa trẻ nơi chính mình – Hãy ra đi khám phá đứa trẻ nội tâm của bạn, tr.376. Trích lại Anselm Grun, Cái gì làm cho loài người bệnh hoạn và điều gì chữa lành họ, tr.87.
[ii] Philomena Agudo, Ta đã chọn con, chuyển ngữ: Nguyễn Ngọc Kính, tr.117.
[iii] Thánh Augustinô, Tự thú, Q II,II.
[iv] Sđd, Q II, III,7.
[v] Sđd, Q X, XXX, 42.
[vi] Thánh nữ Têrêsa HĐGS, Truyện một tâm hồn, Hương Việt, Tôn Giáo Hà Nội 2008, tr.85-86.

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....