Thứ Tư, 6 tháng 7, 2016

Bí tích Hòa giải – cuộc gặp gỡ tín cẩn với lòng trung tín và thương xót của Thiên Chúa

Con người mang nơi mình hình ảnh và vẻ đẹp của Ba Ngôi và vì thế nơi sâu thẳm của tâm hồn luôn khao khát sự thiện: họ hạnh phúc khi chiêm ngắm nụ cười trẻ thơ; họ lắng dịu trước ánh mắt hồn nhiên, trong sáng của trẻ thơ; tâm hồn an bình và lặng yên khi trẻ thơ cất tiếng gọi thân thương; họ kinh ngạc và dịu dàng khi chiêm ngắm, tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên mà tạo hóa trao tặng. Con người cũng phấn khởi và trào tràn niềm vui vào mỗi sớm mai khi thức dậy được hít thật sâu những làn không khí trong lành, ngọt ngào của buổi ban mai và khi chiều về được lắng dịu, an bình khi chiêm ngắm cảnh hoàng hôn.

Tuy nhiên, cuộc sống với những lo toan, vất vả và cả những ham muốn mà người ta khó kiềm chế … đã dần dần làm lu mờ đi món quà cao quý mà Đấng Tạo Tác đã trao ban. Con người dần chiều theo những dục vọng tội lỗi và ngày một xa lìa Thiên Chúa. Họ sống trong dằn vặt của lương tâm, những lỗi lầm cắn rứt khiến con người không còn hưởng được trọn vẹn niềm vui và hạnh phúc thủa ban đầu. Mối tương quan giữa họ và Thiên Chúa dần xa cách. Tội lỗi chia cách và cắt đứt sợi dây liên kết giữa con người và Thiên Chúa “Tội lỗi chống lại tình thương của Thiên Chúa dành cho ta và khiến trái tim ta xa lìa tình yêu đó. Cũng như tội nguyên thủy, tội lỗi của ta là một sự bất phục tùng, một sự phản loạn chống lại Thiên Chúa…” (x. SGLGHCG số 1850).
Nhưng Thiên Chúa nhân hậu và giàu lòng xót thương thì không muốn điều đó như người cha nhân hậu trong Tin Mừng mỗi ngày chờ đợi, trông ngóng đứa con lầm lạc trở về, thì Thiên Chúa tình yêu đã sẵn sàng trao ban Tình yêu của Ngài qua Đức Giêsu. Nơi người Con yêu dấu, Thiên Chúa thứ tha và rửa sạch muôn vàn lầm lỗi. Chính Chúa Giê-su đã nói: “ta đến để tìm và cứu những gì đã mất”; hay “ tội các người dù có đỏ như son cũng nên trắng như tuyết, có thẫm tự vải điều cũng hóa trắng như bông” (Is 1, 18).
Và hiện tại giữa lòng Hội Thánh, cùng với Đức Giêsu Thiên Chúa tiếp tục mong chờ những người con lầm lạc trở về với Ngài qua Bí tích Hòa Giải. Nơi đó Thiên Chúa trực tiếp nói với con người, còn con người thì được đón nhận và thứ tha. Nơi mà tương quan giữa Thiên Chúa và con người được nối kết; nơi mà con người được gặp gỡ, một cuộc gặp gỡ tín cẩn với sự trung thành và thương xót của Thiên Chúa.
Cuộc gặp gỡ cá vị với Thiên Chúa
Nhiều người ngại ngùng đến với bí tích Hòa Giải, vì khi phạm tội họ sợ điều này sợ điều kia… đó cũng là tâm lý bình thường của con người. Nhưng chúng ta an tâm và tin rằng lúc đó chỉ một mình Thiên Chúa lắng nghe, đón nhận những thiếu xót của ta, vị linh mục chỉ là trung gian lắng nghe. Thiên Chúa mượn đôi tai của linh mục để lắng nghe. Và bí mật nơi bí tích hòa giải không cho phép các Ngài nói bất cứ tội nào của ta cho dù các Ngài có bị bất kỳ một hình thức đe dọa nào đi nữa, thì cũng không bao giờ tiết lộ điều gì mà vị Linh mục đã được nghe nơi tòa cáo giải.
Cho nên ta yên tâm rằng: lúc đó chỉ có ta và Thiên Chúa, chúng ta có cuộc gặp gỡ của riêng ta với Thiên Chúa. Nơi mà ta có thể nói với Thiên Chúa những lầm lỗi, những cắn rứt nơi lương tâm vì những điều khiến ta xa cách Thiên Chúa với một quyết tâm “trỗi dậy” trở về với Ngài. Nơi đây chúng ta gặp gỡ “Chúa Giêsu Kitô, vị thầy thuốc chữa lành linh hồn và thân xác chúng ta, Đấng đã tha tội cho người bại liệt và ban ơn cứu độ cho cả thân xác của người ấy” (sách GLHTCG số 1421).
Và chúng ta cũng xác tín rằng: “ Những ai tiến đến Bích tích Sám hối thì nhận được sự tha thứ mọi xúc phạm đến Thiên Chúa nhờ lòng thương xót của Ngài, và đồng thời họ được hòa giải với Hội Thánh mà họ làm tổn thương khi phạm tội” (Tông huấn sám hối và hòa giải).
Vì thế, nếu đã lâu ta chưa đến gặp gỡ với Thiên Chúa nơi Bí tích này vì bất cứ lý do gì thì với niềm tin tưởng ta hãy tìm thời gian sớm nhất để đến với Ngài. Thiên Chúa đang chờ đợi ta. Ngài nhìn ta mỗi ngày, Ngài chờ đợi và hy vọng được gặp gỡ, lắng nghe và đặc biệt mong thanh tẩy những ghánh nặng cắn rứt lương tâm, những khổ đau do tội lỗi gây nên để cứu ta khỏi sự trầm luân đời đời.
Chúng ta nhớ lại bài giáo lý về Bí tích hòa giải mà Đức Thánh Cha Phanxicô nói với chúng ta: “Tôi muốn hỏi anh chị em – nhưng đừng trả lời lớn tiếng, tất cả mọi người trả lời trong lòng mình – lần cuối cùng anh chị em xưng tội là khi nào? … tất cả mọi người hãy suy xét … hãy trả lời với chính mình, lần cuối cùng tôi đã đi xưng tội là khi nào? Và nếu đã lâu rồi, thì đừng chần chờ thêm một ngày nào nữa, hãy đi xưng tội, vị linh mục sẽ tốt. Và chính Chúa Giê-su ở đó, và Chúa Giêsu là vị linh mục tốt hơn, Chúa Giêsu đón nhận anh chị em, đón nhận anh chị em với rất nhiều tình yêu. Hãy can đảm lên và đi xưng tội”.
Còn Thánh Gioan-Maria Vianney, đã từng nói về bí tích này như sau:
“Lòng nhân từ của Thiên Chúa như một dòng suối tràn bờ. Nó kéo theo những tâm hồn trên dòng nó đi qua”
“Không phải các tội nhân đến cùng Thiên Chúa để xin Ngài tha tội, nhưng chính Thiên Chúa chạy đến với tội nhân và làm cho họ đến với Ngài”.
“Thiên Chúa tốt lành luôn sẵn sàng đón nhận chúng ta. Ngài kiên nhẫn đợi chờ chúng ta!”
“Có những người nói: “Tôi đã làm quá nhiều điều xấu, Thiên Chúa tốt lành không thể tha thứ cho tôi”. Nói như thế là phạm thượng lắm. Nói thế là giới hạn lòng nhân từ của Thiên Chúa. Lòng nhân từ nầy không có điểm chấm hết, mà vô tận”.
“Lỗi lầm của chúng ta như hạt cát bên cạnh ngọn núi lớn lao của lòng nhân từ của Thiên Chúa”.
“Khi linh mục ban ơn giải tội, chỉ phải nghĩ đến một điều: đó là máu của Thiên Chúa tốt lành chảy xuống trên tâm hồn chúng ta để rửa sạch tâm hồn, thanh tẩy tâm hồn và làm cho tâm hồn nên xinh đẹp như sau khi rửa tội.”
“Lúc ban ơn xá tội Thiên Chúa tốt lành ném tội lỗi chúng ta đằng sau lưng Ngài, nghĩa là Ngài quên chúng, Ngài làm chúng ta ra hư không: chúng sẽ không xuất hiện lại bao giờ”.
“Ngài sẽ không bao giờ nói đến các tội lỗi đã được tha. Chúng bị xoá sạch rồi, chúng không còn hiện hữu nữa”.
Thiên Chúa giàu lòng xót thương
Nơi Bí tích hòa giải con người được chìm ngập trong đại dương thương xót của Thiên Chúa. Nhớ lại trình thuật Tin Mừng kể lại dụ ngôn “ người con hoang đàng” mà trọng tâm của nó là “ Người Cha nhân hậu”, chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa trong dung mạo hiền hậu và nhân từ của người Cha, và Tin Mừng cũng không kể cho ta biết tâm trạng của người Cha ra sao từ ngày người con ra đi nhưng chúng ta có thể biết chắc rằng “ người con còn đang ờđàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương…”(xLc 15, 20).
Chỉ khi hình ảnh của người mà ta yêu thương, trông ngóng và đợi chờ mỗi ngày bằng con tim tràn đầy lòng mến mới cho con người ta khả năng cảm nhận sự hiện diện của một người dù ta chưa nhìn thấy rõ, trực diện trước mắt ta sự hiện hữu của chính họ.
Trình thuật Tin Mừng còn kể tiếp: ông đã không chờ đợi cho con nói hết câu nhưng ngay lập tức ôm con vào lòng, tha thứ và mở tiệc ăn mừng. Thiên Chúa còn hơn thế nữa Ngài tìm mọi cách để ta quay trở về với Ngài. Một người Cha với cõi lòng người mẹ hết lòng yêu thương và kiên nhẫn đợi chờ.
Tình yêu ấy được diễn tả cụ thể nơi Bí tích Hòa Giải. Qua Bí tích này Thiên Chúa đổ tràn tình yêu và cõi lòng xót thương của Ngài xoa dịu những thương tích nơi tâm khảm của ta, mặc vào tâm hồn ta tấm áo tinh tuyền của tình yêu. “Cử hành Bí tích Hòa giải có nghĩa là được ôm ấp trong một vòng tay ấm áp: là vòng tay của lòng xót thương vô cùng của Chúa Cha… mỗi khi chúng ta xưng tội, Thiên Chúa cũng ôm chúng ta, và Thiên Chúa ăn mừng ….”( Đức Thánh Cha Phanxicô).
Thánh Phanxicô Salesiô nói:“ Thiên Chúa đánh giá rất cao lòng sám hối. Chỉ cần có lòng sám hối một chút ở trần gian, miễn là thành thật, cũng làm Chúa quên hết mọi tội lỗi, đến nỗi dù là quỷ dữ Chúa cũng tha hết tội cho chúng nếu chúng có thể sám hối”.
Giây phút linh thiêng mà vị linh mục đại diện Chúa đọc lời tha tội cũng chính là giây phút hòa giải ta với Thiên Chúa. Cũng lúc này đây, con người tìm lại sự bình an, vẻ đẹp của sự thiện ban đầu với tình yêu và niềm tin; niềm hạnh phúc của ơn gọi làm con cái Thiên Chúa.
Câu chuyện được trích trong sách Lời Chúa và cuộc sống, còn cho chúng ta thấy niềm hạnh phúc của chính Thiên Chúa khi ta đến gặp Ngài nơi Bí tích giải tội:
Ngày kia Thánh Phanxicô Salesiô cho một người xưng tội. Người này xưng rất thành thật, khiêm nhượng và hết lòng ăn năn. Thánh Nhân cảm động lắm. Sau khi xưng tội xong, người ấy hỏi:
- Bây giờ Cha biết tất cả những sự xấu xa của con rồi. Cha nghĩ thế nào về con?
- Bây giờ Cha nhìn con như một đấng thánh.
- Chắc Cha phải nói ngược lại, mới được.
- Không. Cha nói theo lương tâm của Cha. Con bây giờ hoàn toàn khác trước rồi.
- Nhưng tội lỗi con đã phạm thì luôn luôn ở với con mà.
- Không phải thế đâu con à. Khi bà Madalena đã năn trở lại, Chúa xem bà như một đấng thánh. Chỉ có những người Pharisêu giả hình cứ coi bà là kẻ tội lỗi.
- Nhưng đối với Cha, con muốn biết Cha nghĩ thế nào về quá khứ của con?
- Cha không nghĩ thế nào cả. Điều gì không có trước mặt Chúa thì Cha không nghĩ đến. Cha chỉ biết ngợi khen Chúa và vui mừng vì con đã trở lại với Chúa. Cha muốn cùng các thánh trên trời vui mừng với con.
- Cha khóc à? Chắc Cha khóc vì thấy con phạm nhiều tội quá?
- Cha khóc vì thấy con đã sống lại với Chúa.
Quả vậy, chúng ta biết được rằng: tội lỗi thì xấu xa và đáng kinh tởm nhưng người có tội thì đáng thương và cần được an ủi, thứ tha. Mà Thiên Chúa thì luôn luôn thương xót và tha thứ. Thiên Chúa cũng đau lòng khi nhìn thấy con người phải khổ đau trong tội lỗi. Ngài sẽ không trách phạt ta nhưng giang rộng đôi tay chờ đón ta đến với Ngài qua Bí tích Hòa Giải, bởi Ngài thấu hiểu rằng những khổ đau nơi nội tâm, những dằn vặt, cắn rứt và những day dứt nơi tâm hồn khi phạm tội đã là một hình phạt mà ta đã phải trả giá rồi.
Vì vậy “đừng sợ” khi đến gặp Thiên Chúa nơi Bí Tích Hòa Giải, bởi nơi đó tâm hồn cằn cỗi và khô héo của ta sẽ đón nhận được suối nguồn thương xót của Thiên Chúa, nơi con tim yếu nhược của ta đón nhận được sức sống của tình yêu. Đến với Bí tích Hòa Giải ta được gặp gỡ tín cẩn với lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa. Ngài lắng nghe những lỗi lầm ta phạm và mở rộng lòng đón nhận ta dẫu biết ta còn nhiều giới hạn và yếu đuối, “Người vẫn tiếp tục tha và cố tình quên cả trong tương lai (ta sẽ phạm tội) để vẫn cứ tha thứ” (Thánh Gioan Vianey)
Bạn thân mến!
Đừng sợ đến với Bí tích Hòa Giải. Cuộc sống của chúng ta quả là quá ngắn ngủi. Chúng ta cũng không biết khi nào mình sẽ ra đi, có thể là ngay sau đây, hay đêm nay, hay một năm, hai năm sau, hay nhiều hơn… không ai có thể biết,và cũng sẽ chẳng thể biết được? Vì vậy, đừng cố mang trên lưng mình những gánh nặng nề của tội lỗi: hận thù, ghen ghét, tham lam, bất chính …nhưng hãy đến gặp gỡ Thiên Chúa của bạn qua Bí Tích Hòa Giải, nói với Ngài những điều bạn đã xúc phạm tới Ngài và tha nhân, nơi mà bạn tìm lại được niềm vui của cuộc sống, để sự bình an và hạnh phúc luôn ngự trị nơi cuộc sống của bạn.
Bạn có biết tại sao vua Đavít được gọi là Thánh vương Đavít không? Là do sự tài giỏi? Bởi sự thánh thiện? Hay bởi những công trạng của ông? Những điều đó chẳng liên quan gì, chỉ duy nhất một điều: bởi vì ông đã biết ăn năn hối cải khi nhận ra lỗi lầm của mình.
Vậy, bạn hãy làm kinh nghiệm này bạn nhé! Hãy van xin ơn phù trợ và liên lỉ khao khát được tái tạo:
“Lạy Thiên Chúa,
xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,
mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm.
Xin rửa con sạch hết lỗi lầm,
tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.
Vâng, con biết tội mình đã phạm,
lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.
Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa,
dám làm điều dữ trái mắt Ngài.
Xin dùng cành hương thảo rảy nước thanh tẩy con,
con sẽ trắng hơn tuyết,
Lạy Chúa Trời,
xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng,
đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy.
Xin đừng nỡ đuổi con
không cho gần Nhan Thánh,
đừng cất khỏi lòng con Thần Khí thánh của Ngài.
Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ,
Và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con”
(Tv 51, 3- 6; 9;12-14).
Lâm Tuyền, FMA

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....