“Vườn Rôsa bao quanh lái (trái) đất,
Cảnh thiên nhiên thật rất diệu huyền” (Ngắm Rôsa)
Vườn
Rôsa trong câu thơ trên chính là Giáo Hội. Giáo Hội của Chúa được sánh
ví như một vườn hoa rộng lớn mênh mông, mà ở đó được trồng những cây
hồng với muôn sắc hoa rực rỡ. Giáo Hội của Chúa thật đẹp biết bao. Vẻ
đẹp ấy không thể hiện nơi những tòa nhà cổ kính khang trang kiến trúc
cầu kỳ, mà là nơi những cộng đoàn tín hữu, nhất là khi họ hội họp nhau
để cử hành phụng vụ: tất cả cùng một đức tin, một tình mến, một tâm hồn
để tôn vinh và ca tụng Chúa. Vẻ đẹp của Giáo Hội được tỏa rạng từ nụ
cười móm mém của các lão ông lão bà, đến những gương mặt rất thơ ngây
của các em nhỏ trong những cuộc rước tôn vinh Chúa, Đức Mẹ hay các
thánh. Vẻ đẹp của Giáo Hội còn được thể hiện nơi những người cha người
mẹ, nơi các bạn trẻ công giáo, được thấm nhuần tinh thần Phúc âm, đang
hăng hái nhiệt tình góp phần làm cho quê hương đất nước thêm tươi đẹp.
Những nụ cười, những tâm hồn hy sinh ấy chính là những đóa hồng trong
vườn Giáo Hội, làm cho Danh Chúa được rạng rỡ vinh quang.
Lời
“Vãn Mân Côi” cũng đưa chúng ta về một thời của lịch sử Giáo Hội: vào
thế kỷ 13, Giáo Hội gặp nhiều khủng hoảng, nhất là từ những nguy cơ đến
từ một bè lạc giáo có tên là Albigeois ở miền nam nước Pháp. Năm 1213,
Đức Mẹ đã hiện đến với Thánh Đaminh và trao cho ngài một cỗ tràng hạt.
Mẹ hứa, nếu các tín hữu siêng năng lần hạt thì Giáo Hội sẽ được an bình
trở lại. Thánh Đaminh vâng lời Đức Mẹ, nhiệt thành kêu gọi mọi người đọc
kinh Mân Côi và đúng như lời Đức Mẹ hứa, bè lạc giáo đã tan rã và Giáo
Hội được hưng thịnh. Chính từ biến cố lịch sử này mà Giáo Hội được gọi
là “vườn Rôsa” – vườn của những đóa hoa hồng, vì nhờ kinh Mân Côi, Giáo
Hội đã tìm lại được vẻ đẹp huy hoàng của mình. Ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi
vào ngày 7-10 hằng năm cũng được Đức Piô V thiết lập để ghi nhớ chiến
thắng của Hải quân Kitô giáo với quân Thổ Nhĩ Kỳ tại trận Lepanto ngày
7-10-1571. Chiến thắng này có được là nhờ các tín hữu lần hạt Mân Côi
trong ngày giao chiến.
Một câu
chuyện kể rằng Thánh Đaminh đã có sáng kiến kết 150 bông hoa hồng thành
một chuỗi dài, tượng trưng cho 150 thánh vịnh. Ngài đã dùng những cánh
hồng thơm ngát, nén chặt như ép khuôn và làm thành từng hạt hình tròn,
nối liền với nhau thành một tràng hạt. Từ đó, tràng hạt được gọi là
chuỗi Mân Côi, tức chuỗi hoa hồng.
“Đức Bà như Hoa Hường (hồng) màu nhiệm vậy” (Kinh cầu Đức Bà)
Trong
vườn Rôsa, tức vườn Giáo Hội, có một đóa hoa vượt trổi về màu sắc và
hương thơm. Đóa hoa ấy mang tên là Maria. Đức Maria vừa là Mẹ của Giáo
Hội, đồng thời cũng là chi thể của Giáo Hội. Mẹ là mẫu mực cho đời sống
đức tin của các tín hữu. Nơi Mẹ, Giáo Hội chiêm ngưỡng hình ảnh của mình
trong tương lai. Mẹ diễn tả một hình ảnh không tỳ ố, không vết nhơ của
Giáo Hội. Mẹ là hy vọng của Giáo Hội đang vươn tới vinh quang rạng rỡ
như Mẹ.
Là Mẹ
của Đức Giêsu, Mẹ cũng là Mẹ của Giáo Hội. Bằng sự quan tâm hiền mẫu
của mình,
Mẹ luôn đỡ nâng chúng ta là môn đệ của Đức Giêsu. Cũng như tại
Cana ngày nao, Mẹ đang dặn dò chúng ta: “Người bảo sao, các con hãy cứ
làm như vậy” (Ga 2,5). Mẹ dạy chúng ta phó thác nơi Chúa, như Mẹ đã kiên
trung tín thác suốt đời, để Thánh ý của Chúa được thực hiện, vì ơn cứu
độ của toàn thể nhân loại.
Khi
tôn vinh Đức Mẹ là Hoa Hồng, chúng ta ca tụng quyền năng của Chúa đã tác
tạo nên Mẹ, như một tạo vật hoàn hảo, xứng đáng là ngai tòa cho Ngôi
Lời nhập thể. Khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp cao siêu của Mẹ, chúng ta nguyện
ước noi gương Mẹ, trau dồi các nhân đức, mến Chúa yêu người, luôn lắng
nghe và thực thi Lời Chúa.
“Mỗi người là một cành hoa, cùng đem về đây góp gió,
Làm thành vườn hoa, muôn màu muôn sắc tươi xinh”
(Lời một bài hát)
Mỗi
chúng ta, khi sinh vào cuộc đời, cũng giống như một loài hoa để tô điểm
cho thế giới này tươi đẹp. Sự khác biệt về tuổi tác, giới tính, trình độ
văn hóa hay điều kiện kinh tế không phải là những lý do gây mâu thuẫn,
nhưng làm cho cuộc sống thêm phong phú. Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu đã
nhận mình là một loài hoa được Thiên Chúa chăm sóc yêu thương một cách
đặc biệt. Đã là hoa trong vườn, dù thuộc chủng loại nào, những bông hoa
đều cống hiến hương sắc cho đời. Con người cũng thế, dù trong bất cứ
hoàn cảnh nào, cũng có trách nhiệm góp phần làm cho cuộc sống thêm nhân
ái hơn.
Kinh
Mân Côi giúp ta gắn bó với Chúa. Hai mươi mầu nhiệm diễn tả cuộc đời của
Chúa Cứu thế, đồng thời cũng phác họa đời sống chúng ta. Cuộc đời được
dệt nên bằng một chuỗi những vui buồn. Những ai kiên trung cậy trông vào
Chúa trong mọi biến có vui buồn ấy, sẽ trở thành môn đệ chân chính của
Đức Giêsu. Đức Mẹ đã thực hiện điều ấy và Mẹ đang mời gọi chúng ta tiến
bước theo Chúa Giêsu, Con của Mẹ.
Tràng
hạt Mân Côi cũng tượng trưng cho tình liên đới giữa con người với nhau.
Là những đóa hoa trong vườn hoa cuộc đời, chúng ta liên kết với nhau
làm thành một chuỗi hoa hồng. Những đóa-hoa-cuộc-đời được gắn liền với
nhau bằng tình mến Chúa yêu người, làm cho cuộc sống này thêm tươi đẹp
và thi vị hơn.
Khi
ước mong trở thành những đóa hồng dâng kính Đức Mẹ, mỗi người chúng ta
cũng cần phải là một đóa hoa để trao tặng cho nhau. Những nghĩa cử thân
thiện, những lời động viên khích lệ hoặc sự chia sẻ tinh thần vật chất
mà chúng ta thực hiện xuất phát từ tình mến, đó chính là những đóa hoa
lòng mà chúng ta trao tặng cho nhau. Những đóa hoa ấy không tàn phai
theo thời gian, nhưng mãi mãi thắm sắc ngát hương, làm nên một cuộc sống
an bình. Đó là ý nghĩa của Kinh Mân Côi mà chúng ta đọc hằng ngày.
Đức
Chân phước Gioan Phaolô II đã nói: “Chuỗi Mân côi là lời cầu nguyện mà
tôi yêu thích nhất. Đó là lời kinh tuyệt vời. Tuyệt vời trong sự đơn
giản và sâu sắc. Với lời kinh này chúng ta lặp lại nhiều lần những lời
mà Đức Trinh Nữ đã nghe sứ thần Gabriel và người chị họ Êlisabeth nói
với Mẹ. Toàn thể Giáo Hội cùng liên kết với những lời kinh ấy” (Tông thư
Kinh Mân Côi).
Lạy Mẹ Mân Côi, xin chúc lành và hướng dẫn chúng con trên mọi nẻo đường trần gian. Amen.
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét