Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2017

Chúa Nhật Lễ Hiển Linh. Năm A_2017

 

Ông bà anh chị em thân mến. Hôm nay cùng với Giáo hội chúng ta mừng lễ Chúa Hiển Linh.  Hiển linh có nghĩa là tỏ ra cho biết ý nghĩa về một mầu nhiệm hay bí mật gì.  Như vậy, Chúa Hiển Linh có nghĩa là Thiên Chúa tỏ mình ra, qua sự nhập thể của Ngôi Hai Thiên Chúa, cho loài người trần thế biết tình yêu và ơn cứu độ của Ngài.
Bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết ba nhà đạo sĩ Phương đông đã vượt qua một hành trình dài và nguy hiểm tìm đến Be-lem để gặp Chúa Giê-su Hài nhi đang nằm trong máng cỏ nghèo hèn với Đức Maria và thánh Giuse. Các ông đã được ngôi sao chỉ lối dẫn đường, và đã nhận ra Hài nhi trong máng cỏ chính là Đấng Cứu Thế, vì thế các ông đã quì thờ lạy và dâng những của lễ quí lên cho Chúa.

Cuộc hành trình đi tìm gặp Chúa của các đạo sĩ đã để lại cho chúng ta một bài học rất quí giá.  Chúng ta có thể so sánh cuộc hành trình này của các đạo sĩ với sự kiện chúng ta đi tham dự Thánh lễ, hay cuộc hành trình đức tin của chúng ta nơi dương thế về Quê Trời.   Bài học quí giá mà các đạo sĩ để lại cho chúng ta là bài học về đức tin.  Nếu chúng ta đặt câu hỏi “Thế nào là đức tin? Đức tin là gì?” thì có lẽ một số người chúng ta không biết câu trả lời, hay chỉ có thể đưa ra những tư tưởng  hay định nghĩa trừu tượng.  Nhưng nếu đặt câu hỏi cách khác “Người có đức tin thường có thái độ nào?” hay “Hành trình Đức tin đích thực là gì?” thì chúng ta có thể trả lời khá dễ dàng, rõ ràng và cụ thể hơn.  Cuộc hành trình của các đạo sĩ tới Be-lem tìm gặp Chúa Cứu Thế giúp chúng ta nhận rõ ra thái độ đức tin đó, hiểu rõ hơn cuộc hành trình đức tin của chúng ta nơi dương thế, đồng thời cũng giúp chúng ta hiểu biết ý nghĩa sâu sa hơn về sự kiện chúng ta đi tham dự Thánh lễ, để nhận được nhiều ơn ích và mật thiết với Chúa hơn.

Thái độ thứ nhất trong cuộc hành trình của những người có đức tin là lòng khao khát và tìm kiếm.  Thời Chúa Giê-su, trong khi mọi người đều thờ ơ, lãnh đạm với Lời Chúa và mải miết với công việc làm ăn của mình, thì chỉ có các nhà đạo sĩ có lòng khao khát và chờ đợi Đấng Cứu Thế.  Chúng ta thấy thái độ của các đạo sĩ khác với thái độ của mọi người trong thành Be-lem, bận rộn với vật chất, của cải, tiền bạc, và nhất là khác với Hê-rô-đê mải mê theo đuổi danh vọng, giàu sang và quyền lực.  Đấng Cứu Thế sinh ra cách Giê-re-sa-lem không xa, nhưng mọi người không hay biết, ngủ mê trong bóng tối.  Kinh thánh đã tiên báo về Đấng Cứu Thế mà họ không đọc hay thờ ơ, lãnh đạm. Sự việc xảy ra, thì Hê-rô-đê mới vội triệu tập các giáo trưởng và luật sĩ để dò hỏi.  Bài học đầu tiên có thể rút ra là: không khao khát thì không bao giờ thấy.

Giai đoạn hay thái độ thứ hai là phải lên đường thực hiện cuộc tìm kiếm, hay phải lái xe đi đến nhà thờ để tham dự Thánh lễ, và để thực hiện cuộc tìm kiếm Chúa.  Khao khát không thì chưa đủ, vì ngồi yên để chờ mà không đứng lên chuẩn bị để hành động thì không phải là khao khát thật.  Chúng ta thấy các đạo sĩ không ngồi chờ thụ động.  Thấy ánh sao lạ, họ quyết tâm lên đường ngay để thực hiện cuộc tìm kiếm. Trái lại, các giáo trưởng và luật sĩ biết rất rõ lời tiên báo trong Kinh thánh, và cả địa điểm Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra, và địa điểm đó lại gần và có phương tiện đi đến, nhưng họ đâu có nhúc nhích, lên đường.

Chúng ta thấy sự tương phản, trái ngược giữa hai thái độ trên cho thấy đức tin không phải là một ước mơ vẩn vơ hay một tư tưởng suông, thụ động.  Trái lại, tin là hành động, là thực hiện, là lên đường.

Thái độ thứ ba là không bỏ cuộc khi gặp gian nan, thử thách hay khó khăn.  Chúng ta thấy trong suốt hành trình, các đạo sĩ đã gặp không biết bao nhiêu khó khăn.  Nhưng thử thách lớn nhất đối với họ xảy ra khi ngôi sao dẫn đường biến mất.  Dầu vậy, họ đã không nản lòng cứ tiếp tục lên đường, và lòng kiên trì của họ đã đưa họ tới cùng đích.  Khi đối diện với tình cảnh khó khăn trong cuộc sống, chúng ta có thái độ như thế nào với Chúa, và đã hành động ra sao?  Hành trình đức tin đòi hỏi sự trung kiên, trung thành và kiên trì.

Thái độ thứ ba là nhận ra Thiên Chúa qua những tấm màn che lấp, hay qua những sự kiện khác với dự đoán của chúng ta.  Chúng ta thấy khi tới bên máng cỏ, các đạo sĩ chỉ thấy một hài nhi, một trẻ sơ sinh yếu hèn.  Họ tưởng gặp một Ấu nhi nằm trên giường vàng nệm bạc, hay nệm êm, chăn ấm như chúng ta, nhưng chỉ thấy hài nhi quấn khăn nằm trong máng cỏ, trong hang bò lừa, cô tịch giữa mùa đông giá lạnh.  Họ tìm một Thiên Chúa vinh quang nhưng chỉ gặp một hài nhi nghèo khó.  Họ tưởng gặp một công chúa và hoàng tử đứng bên cạnh, nhưng chỉ thấy hai ông bà nhà quê nghèo khó, đơn sơ.  Nhưng họ đã được Thánh Thần soi sáng, nên đã nhận ra đó chính là Con Thiên Chúa, và họ quì xuống thờ lạy, rồi mở “kho tàng” dâng cho Ngài những lễ vật quí giá, chỉ để dành dâng tiến cho các bậc quyền quí.  Khi chúng ta gặp Chúa, được Chúa ban ơn hay ngự trong tâm hồn chúng ta, chúng ta có dâng lên cho Chúa sự gì không? Có quí giá không? Hay của dự thừa? Và đây là thực chất của đức tin.  Tin không phải chỉ là nhìn thấy bằng con mắt thể xác, nhưng bằng đôi mắt tâm hồn.  Nếu chúng ta nhìn tấm bánh trắng trong Thánh lễ sau khi truyền phép bằng con mắt thể xác thì cũng chỉ là tấm bánh trắng mà thôi, nhưng nếu chúng ta nhìn bằng con mắt tâm hồn, đức tin, thì chúng ta mới thấy sự hiện diện của Chúa trong Tấm Bánh này.

Thái độ thứ tư cuối cùng là để cho cuộc đời biến đổi.  Chúng ta thấy, sau khi từ Be-lem ra về, các đạo sĩ đã không trở lại với Hê-rô-đê mà về bằng con đường khác.  Đời họ đã chuyển sang một hướng khác, một con đường khác.  Cuộc gặp gỡ với Hài nhi Giê-su đã đánh dấu một khúc quanh quan trọng vừa bất ngờ vừa quyết chí.  Nếu không có cuộc biến đổi hay đổi đời kèm theo cuộc gặp gỡ Thiên Chúa hay đã được Chúa ngự trong tâm hồn trong Thánh lễ, thì tin chỉ là một thái độ hời hợt bên ngoài, chứ không phải là một đức tin đích thực, hay không phải là một niềm xác tín đưa tới phó thác và dấn thân, đưa tới hy sinh và phục vụ, đưa tới bác ái và quảng đại, đưa tới khiêm nhường và trung kiên, đưa tới tốt lành thánh thiện hơn.

Ông bà anh chị em thân mến.  Những giai đoạn và thái độ nói trên không thể thiếu nơi người có và sống đức tin chân chính, và trong cuộc hành trình đức tin của chúng ta nơi dương thế về Quê Trời. Xin Chúa Giê-su Thánh Thể mà chúng ta sẽ lãnh nhận vào tâm hồn, biến đổi cuộc đời, và giúp chúng ta biết noi gương các đạo sĩ trong cuộc hành trình tìm kiếm Chúa nơi trần gian, để chúng ta sống trong an bình và ân sủng của Chúa, và đến được đích điểm là quê thật  Nước Trời.

Lm. Chánh xứ



Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....