Thứ Bảy, 10 tháng 6, 2017

Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi. Năm A_2017


Ông bà anh chị em thân mến.  Thiên Chúa Ba Ngôi là một trong những mầu nhiệm cao trọng và là nền tảng đời sống đức tin người Công giáo chúng ta.  Như chúng ta đã biết Ba Ngôi là Ngôi Cha, Ngôi Con, Ngôi Thánh Thần.  Ngôi Cha là Thiên Chúa.  Ngôi Con là Thiên Chúa và Ngôi Thánh Thần cũng là Thiên Chúa.  Tuy ba ngôi nhưng chỉ là một Thiên Chúa duy nhất mà thôi, không phải ba Thiên Chúa.

Để có thể hiểu rõ hơn, chúng ta hình dung đến những sự kiện cụ thể như một “tông” trong âm nhạc.  Một tông nhạc là hợp âm của một số nốt nhạc có những âm thanh khác nhau.  Hay chúng ta có thể nghĩ đến nước là một thí dụ khác.  Nước tồn tại trong ba dạng khác nhau và có những công dụng khác nhau, đó là: khí để thở, đông đá để giữ tươi tốt, và nước để có sự sống. Một dạng hơi, một dạng cứng đặc, và một dạng lỏng, nhưng 3 dạng này cùng có chung một chất nước. Hay một gia đình vợ chồng con cái yêu thương, hòa thuận và hy sinh cho nhau cũng là hình ảnh Chúa Ba Ngôi. Những hình ảnh này giúp chúng ta hiểu phần nào về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, thế nhưng không có tính cách cao trọng của thiên tính.

Chúng ta nhận biết Kinh Thánh không cho chúng ta một định nghĩa rõ ràng về Chúa Ba Ngôi, nhưng ám chỉ cho chúng ta biết một phần nào về mầu nhiệm này.  Tin mừng của thánh Mát-thêu  mà chúng ta đã nghe 2 tuần vừa qua trong ngày Lễ Chúa Thăng Thiên nói rằng: “Anh em hãy đi rao giảng muôn dân, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.”  Tin mừng thánh Lu-ca cho chúng ta thấy một hình ảnh rõ ràng của Chúa Ba Ngôi trong phép rửa của Chúa Giêsu tại sông Giodan, đoạn đó diễn tả rằng: “Đang khi Chúa Giêsu cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dạng chim bồ câu.  Lại có tiếng từ trời phán rằng: ‘Con là Con của ta, ngày hôm nay Cha sinh ra Con.’” (Lc. 3, 21-22)   Tin mừng của thánh Gioan thường xuyên đề cập đến Chúa Ba Ngôi như trong đoạn Chúa Giêsu nói về Thiên Chúa Cha và Thánh Thần như sau: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi.  Đó là Thần Khí sự thật.” (Ga. 14, 16-17)  Trong Tin mừng của thánh Gioan, Chúa Giê-su thường gọi và xác nhận Thiên Chúa Cha là Cha của mình và đặt mình ngang hàng với Thiên Chúa, điều đó đã làm cho những người Do thái tức giận và họ tìm cách diệt trừ Người. Cuối cùng, chúng ta có thể tìm được một số dữ kiện ám chỉ về Chúa Ba Ngôi trong các thư của thánh Phao lô, đặc biệt là trong bài đọc 2 mà chúng ta vừa nghe.  Thánh Phao-lô nói: “Nguyện xin ân sủng Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh em.”

Tất cả các câu Kinh thánh ám chỉ về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi hướng dẫn, liên kết và hiệp nhất chúng ta với Chúa Ba Ngôi trong sự cầu nguyện, trong sự  thờ phượng và trong đời sống đức tin của người Ki-tô hữu.  Một chút nữa đây, chúng ta sẽ cùng tuyên xưng đức tin của chúng ta vào Chúa Ba Ngôi, Chúa Cha là Đấng Tạo Dựng trời đất; Chúa Con, Đấng Cứu Chuộc trần gian; và Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống.

Ông bà anh chị em thân mến.  Chúa Ba Ngôi không những là tín điều phải tin mà còn là một mầu nhiệm phải sống, để được bình an, hạnh phúc đời này và đời sau.  Thật vậy, những bài Kinh Thánh Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta có lòng xác tín, yêu mến và sống kết hợp với Chúa Ba Ngôi.  Tin mừng cho chúng ta biết chỉ vì yêu thương mà Thiên Chúa Cha đã sai Con Một Ngài xuống thế làm người để cứu chuộc chúng ta như lời Chúa Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời.” 

Chúng ta thấy lòng yêu thương của Thiên Chúa cũng là một điểm quan trọng trong Cựu ước. Vì tình yêu thương, Ngài đã dẫn đưa dân Do Thái đang bị nô lệ ra khỏi Ai Cập. Ngài đã chăm sóc họ như một người cha. Ngài bao dung tha thứ khi họ lỗi lầm. Qua trung gian ông Mô-sê, Ngài còn ban cho họ lề luật để giúp họ sống theo đường ngay nẻo chính và trong ân sủng của Ngài. Sau khi Chúa Giê-su Ki-tô lên trời, Thiên Chúa còn ban cho Giáo hội Thánh Thần của Ngài để Giáo hội được sự sống và luôn được kết hợp với Ngài, và mọi người với nhau. / Tất cả những gì Thiên Chúa đã làm trong lịch sử là bằng chứng tình yêu thương vô bờ của Ngài. Vì thế khi cử hành Lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta cử hành tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại, cho Giáo hội và cho mỗi người chúng ta.  Tình yêu Thiên Chúa cũng là đích điểm của đời sống Ki-tô hữu, và phải được thể hiện ra qua đời sống mỗi ngày, để chúng ta luôn được kết hợp mật thiết với Chúa Ba Ngôi.

Trong bài đọc 2, lời chào chúc của thánh Phao-lô: “Nguyện xin ân sủng Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh em” diễn tả mầu nhiệm và những điều kì diệu thiêng liêng của Chúa Ba Ngôi hiện diện trong Giáo hội và trong đời sống chúng ta.  Lời chào chúc này đã được Giáo hội đưa vào việc thờ phượng, trở thành công thức mở đầu Thánh lễ mà chúng ta thường nghe. Là thành viên của Giáo Hội và là chi thể trong Thân Thể Chúa Ki-tô, mỗi người chúng ta đang sống trong ân sủng của Chúa Giêsu, trong tình yêu của Chúa Cha và trong sự thông hiệp của Chúa Thánh Thần. Nói cách khác, chúng ta được bao bọc bởi tình yêu Chúa Ba Ngôi.  

Nhờ đó, cuộc sống Ki-tô hữu của chúng ta không còn buồn chán, thất vọng hay lầm lạc tội lỗi.  Chúa Ba Ngôi không chỉ là một lý thuyết xa vời, nhưng rất cụ thể, rất gần gũi với chúng ta như hơi thở, nước uống, khí trời, và những nhu cầu cần thiết khác, mà còn liên hệ mật thiết với chúng ta như liên hệ giữa vợ- chồng, cha- mẹ, con -cái.  Thánh Phaolô còn cho chúng ta biết đến những điều kiện để được Chúa Ba Ngôi che chở, đó là phải luôn sống yêu thương, đồng tâm nhất trí và hòa thuận với nhau.  Một gia đình hay một cộng đoàn giáo xứ được liên kết bằng sợi giây yêu thương hiệp nhất sẽ có Chúa Ba Ngôi hiện diện, và sẽ có vui mừng, hòa thuận và hạnh phúc.  Hơn nữa, chính Chúa Ba Ngôi là mối dây yêu thương hiệp nhất này, để chúng ta biết hy sinh phục vụ, sống bác ái và quảng đại làm sáng danh Chúa Ba Ngôi.  Xin Chúa Ba Ngôi che chở và gìn giữ chúng ta. 
Lm. Chánh xứ

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....