Chủ Nhật, 14 tháng 1, 2018

Chúa Nhật 2 Thường niên. Năm B_2018

Có một câu truyện dụ ngôn được kể lại như sau. Trong một khu rừng có ba cây gỗ quí trẻ trung và xanh tươi mọc và sống cạnh nhau. Ba cây này thường tâm sự chia sẻ với nhau về những ước mơ và hy vọng trong cuộc sống tương lai của mình.  Một cây hy vọng
sẽ được xử dụng trong một lâu đài để vẻ đẹp, chất lượng và đường gân thân cây của mình được nhiều người sang trọng và quyền quí chiêm ngưỡng và khen ngợi. Cây thứ hai hy vọng sẽ được xử dụng để đóng một chiếc du thuyền sang trọng được mọi người chú ý khi ghé ngang những hải cảng đặc biệt. Cây thứ ba cũng hy vọng sẽ được xử dụng vào một kiến trúc cao quí nơi công cộng để mọi người chiêm ngưỡng.

Cuộc đời tương lai của 3 cây gỗ quí này đã xảy ra như sau.  Cây thứ nhất được cắt xuống và một phần được đóng thành một cái máng thức ăn cho thú vật trong một hang đá.  Cây thứ hai cũng được cắt xuống và một phần thân cây dùng để đóng một chiếc thuyền đơn sơ đậu tại bờ sông trong khu vực thành Ga-li-lê-a.  Cây thứ bà cuối cùng cũng được cắt xuống và một phần làm thành đòn ngang của cây thập tự để treo người tử tội tại ngọn đồi Gôn-gô-ta.

Ông bà anh chị em thân mến.  Ba cây gỗ quí trên có những mơ ước và hy vọng của chính mình khi còn trẻ, nhưng khi lớn lên được sử dụng vào mục đích khác cho riêng mỗi một cây.  Ý nghĩa của câu truyện là khuyên chúng ta hãy sẵn sàng, hy sinh và vui mừng để cho Thiên Chúa xử dụng cuộc sống Ki-tô hữu của chúng ta để thông phần vào chương trình cứu chuộc, cũng như mở mang và xây dựng Nước Chúa theo dự tính và thánh ý của Người.  Và đó cũng là sứ vụ và ước mơ cao cả của cuộc đời mỗi người Ki-tô hữu chúng ta sống nơi trần thế này.  Nếu cuộc sống Kitô hữu của chúng ta không chứa đựng ý nghĩa đó và không được Chúa xử dụng, hay chúng ta cố tình ngăn cản, giới hạn, thu hẹp khả năng và giá trị của mình hay cố tình tránh né thì cuộc sống của chúng ta trở nên vô nghĩa, vô giá trị và vô phúc.

Trong các bài Kinh thánh hôm nay cho chúng ta biết mỗi một người chúng ta được Chúa gọi và trao cho một sứ vụ riêng, và chúng ta không biết Thiên Chúa gọi chúng ta bằng cách nào, như thế nào và khi nào.  Trong bài đọc 1, Chúa gọi Sa-mu-en lúc nửa đêm nhưng anh không biết và không hiểu, phải nhờ đến tiên tri Ê-li giúp cắt nghĩa và phải đáp trả như thế nào.  Sau khi được chỉ dẫn, Samuen đã khiêm tốn đáp trả lại một cách chân thành, sốt sắng và quảng đại. Cuộc đời của Samuen đã thay đổi và vì vậy cuộc sống dân riêng Chúa cũng thay đổi từ ngày đó cho tới mấy trăm năm sau, vì sau đó Samuen đã thành lập và dẫn dắt dân Do thái, cũng như đã sức dầu tấn phong 2 vị vua đầu tiên của nước Do thái.  

Trong bài Tin mừng, An-rê và một môn đệ khác đã nghe tiếng của Gioan giới thiệu về Chúa Giê-su và sau đó đã đáp trả lại lời mời của Chúa Giê-su “Hãy đến mà xem” đi theo Người.  Hôm sau, Phê-rô cũng nhận lời mời của An-rê đến gặp Chúa Giê-su.  Lời mời gọi và đáp trả của các môn đệ không có tính cách “kịch nghệ” như của Samuen.  Rất hiếm khi chúng ta được Chúa gọi tên lúc nửa đêm như Samuen.  Thông thường Chúa mời gọi chúng ta qua người khác, qua một người thánh thiện như Gioan Tiền hô hay qua một người bạn, một thân nhân.  Nếu chúng ta trả lời khi Chúa gọi thì cuộc sống của chúng ta sẽ không còn như hiện tại mà sẽ thay đổi. Vì vậy nhiều người tránh né cầu nguyện trong thinh lặng, bởi vì họ có thể sẽ nghe lời Chúa nói với họ điều họ không muốn nghe, vì họ đang sống trong sự thoải mái. Họ cảm thấy thoải mái với cuộc sống hiện tại và không muốn thay đổi.

Tôi còn nhớ khi Chúa gọi tôi trở thành linh mục, tôi đã nghĩ và hy vọng đó là điều không phải là sự thật. Tôi mong ước có một cuộc sống như một người bình thường, sẽ có một gia đình và một ngày nào sau đó sẽ có con cái.  Nhưng bằng cách này hay cách khác, Chúa đặt để ý tưởng trở thành linh mục trong trí óc tôi. Có lẽ đó là lý do tại sao tôi rất thích nghe câu truyện ơn gọi của Samuen.  Chúa cứ “dai dẳng” kêu mời tôi cho đến lúc cuối cùng tôi phải thưa với Chúa “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe.”  Tôi vui mừng đáp trả lại hai tiếng “Xin Vâng.”  Tôi biết từ chối cuộc sống hôn nhân gia đình thỉnh thoảng cũng cảm thấy rất khó khăn, nhưng cuộc sống hôn nhân vợ chồng cũng có lúc rất khó khăn.  Tôi phải thú nhận tôi rất vui mừng và bằng lòng với cuộc sống linh mục để cho bạn nào đang suy nghĩ về thiên chức linh mục biết điều đó.

Một điều đáng cho chúng ta chú ý là Samuen đã nhận được sự chỉ bảo của Ê-li để nhận ra tiếng gọi của Chúa.  Các môn đệ cũng đã nhận được sự chỉ dẫn của Gioan Tẩy giả để nhận ra Chúa Giê-su.  Thỉnh thoảng chúng ta nghĩ và cảm thấy Chúa muốn nói với chúng ta điều gì, hay Chúa muốn chúng ta làm điều gì, nhưng chúng ta không hiểu rõ hay không chắc chắn.  Điều đó có thể không phải là điều to lớn như đi tu làm linh mục hay tu sĩ nan nữ, (những người già hiện diện thì không thể đi tu được nữa rồi! Muộn rồi!) mà có thể chỉ là hy sinh tình nguyện giúp đỡ một công việc gì đó; hay hãy siêng năng cầu nguyện hơn; tham dự Thánh lễ thường xuyên và sốt sắng hơn; hay hãy bác ái, quảng đại hơn; hay hãy sống tốt lành, thánh thiện hơn; hay sống ngay thẳng, công bằng hơn.  Chúng ta có thể tự hỏi: “Có phải đó là điều Chúa muốn nói với chúng ta, hay muốn chúng ta làm không?”  Điều tốt nhất là chúng ta hãy đến với người nào chúng ta tin tưởng, người sáng suốt hay một người đạo đức thánh thiện, có cuộc sống Ki-tô hữu chính đáng.  Chúa thực sự liên hệ với chúng ta qua người khác.  Điều này chúng ta nhận thấy thường xảy ra trong Kinh thánh và trong các Bí tích.  Chúa chạm và nói với chúng ta qua người khác.

Chúa hiện diện với chúng ta trong Thánh lễ này như thánh Phao-lô nhắc nhở chúng ta trong bài đọc hai, bởi vì chúng ta là những chi thể trong Thân -Thể -Chúa-Ki-Tô, và là Đền-Thờ-Chúa -Thánh -Thần.  Chúa hiện diện với chúng ta qua câu kinh, lời hát, cũng như qua Lời Chúa và Thánh Thể.  Và Chúa kêu gọi tất cả chúng ta trở nên thánh thiện và sống mật thiết hơn với Chúa, để chúng ta luôn được sống trong vui mừng, an bình, hy vọng và ơn sủng của Chúa. 
Lm. Chánh xứ


Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....