Thứ Tư, 11 tháng 4, 2018

Ý nghĩa và Hạnh phúc

Tôi có hạnh phúc không? Đời tôi có hạnh phúc không? Cuộc hôn nhân của tôi có hạnh phúc không? Tôi có hạnh phúc với gia đình tôi không? Tôi có hạnh phúc trong công ăn việc làm hiện nay không? Tôi có hạnh phúc trong giáo hội không? Dưới lớp da của chính mình, tôi có hạnh phúc không?
Đây có phải là những câu hỏi hay đáng để tự hỏi không? Không. Đó là những câu hỏi tra tấn bản thân. Khi đối diện với đời mình, thật tình loại câu hỏi về hạnh phúc này dễ khiến chúng ta rơi nước mắt hơn là an ủi tâm hồn, bởi vì, cho dù cuộc sống chúng ta đang tốt đẹp
đến thế nào đi nữa, chẳng ai trong chúng ta sống được cuộc sống trọn vẹn hoàn hảo. Luôn luôn có những giấc mơ không thành. Luôn luôn có những mảng thất vọng. Luôn luôn có căng thẳng. Luôn luôn có những nỗi khát khao chôn chặt. Và luôn luôn, như Karl Rahner đã nói một cách sầu thảm mà thấm thía: chúng ta đang phải chịu nỗi hành hạ của sự thiếu thốn mọi điều có thể đạt được trong khi chúng ta đi đến chỗ biết rằng trên đời này không có bản giao hưởng nào trọn vẹn. Luôn luôn, chúng ta sống đời mình trong nỗi tuyệt vọng lặng câm. Rất nhiều khi không hề dễ dàng cảm thấy hạnh phúc.

Nhưng chúng ta đang tự đặt những câu hỏi sai lầm. Không nên đặt câu hỏi: Tôi có hạnh phúc không? Mà câu hỏi nên là: Đời tôi có ý nghĩa không? Có ý nghĩa gì trong đời sống của tôi không? Có ý nghĩa gì trong cuộc hôn nhân của tôi không? Có ý nghĩa gì trong gia đình tôi không? Có ý nghĩa gì trong công ăn việc làm của tôi không? Có ý nghĩa gì trong giáo hội của tôi không? Chúng ta cần đặt ra những câu hỏi sâu sắc về đời mình xét về mặt ý nghĩa hơn là về hạnh phúc, bởi vì, đại đa số chúng ta đều có một ý niệm phi thực tế, lý tưởng hóa quá mức và sai lầm về hạnh phúc.

Chúng ta có xu hướng đánh đồng hạnh phúc với hai điều: lạc thú và không căng thẳng. Vì vậy chúng ta mơ mộng viễn vông rằng, với mình, để hạnh phúc, chúng ta cần phải ở trong hoàn cảnh không hề có bất kỳ căng thẳng nào vốn thường tràn ngập đời sống chúng ta, những căng thẳng đến từ áp lực, mệt mỏi, rạn nứt giữa con người với nhau, đau đớn trong cơ thể, lo lắng tài chính, chán nản trong công việc, thất vọng trong giáo hội, thất vọng với những đội thể thao ưa thích của chúng ta, và tất cả các chuyện đau đầu và đau tim khác có thể xảy ra. Như vẫn được hình dung một cách hời hợt, hạnh phúc nghĩa là sức khỏe hoàn hảo, những mối quan hệ đáp ứng hoàn hảo, một công việc hoàn hảo, chẳng hề phải lo lắng hay căng thẳng gì trong cuộc sống, không chán nản, và có thì giờ lẫn tiền bạc để hưởng cuộc đời tốt đẹp.

Nhưng đó không phải là điều tạo nên hạnh phúc. Ý nghĩa mới là điều tạo nên hạnh phúc và ý nghĩa không phụ thuộc vào chuyện không bị đau hay không bị căng thẳng trong cuộc sống: Tưởng tượng có người bước đến cạnh Chúa Giêsu khi người đang chết dần trên thập giá và hỏi người: Trên đó ông có hạnh phúc không? Câu trả lời của người, tôi chắc chắn, hẳn sẽ rất rõ ràng: “Không! Và đặc biệt hôm nay tôi không hạnh phúc gì!” Tuy nhiên, nhãn quan này sẽ rất khác nếu như, khi Chúa Giê-su đang bị đóng đinh trên thập giá, có người nào đó bước đến và đặt ra với người câu hỏi này: “Có ý nghĩa gì trong chuyện ông đang làm trên đó không?” Có thể có ý nghĩa sâu sắc trong một sự việc gì đó ngay cả khi không có vui sướng hạnh phúc gì trong cái cách chúng ta hời hợt hình dung về sự việc đó.

Chúng ta hiểu điều này dễ dàng hơn nếu chúng ta nhìn lại những giai đoạn khác nhau trong đời mình. Từ góc độ của chúng ta ngày nay, quay nhìn lại, đôi khi chúng ta thấy những giai đoạn nào đó đầy vất vả khó khăn của cuộc đời, chúng ta phải xoay xở thiếu thốn thật ra lại là thời gian hạnh phúc. Giờ đây chúng ta nhìn lại với lòng trìu mến và niềm ấm áp. Đó là thời gian đầy ý nghĩa mà cái nhìn hiện nay của chúng ta khi trở ngược về trước đã quét dọn rác rến, xóa đi nỗi đau và nhấn mạnh niềm vui. Ngược lại, chúng ta cũng có thể nhìn vào những giai đoạn nào đó trong đời mình, có thể khi đó đời sống chúng ta có lạc thú nhưng giai đoạn đó giờ đây rõ ràng là một thời kỳ bất hạnh. Chúng ta nhìn lại thời đó với cảm giác nặng nề nào đó và thấy hối hận. Hồi đó chúng ta thấy dường như là ánh sáng mà giờ đây lại có vẻ là thời kỳ đen tối.

C.S. Lewis dạy rằng hạnh phúc và bất hạnh chiếu màu sắc ngược thời gian: Nếu cuối đời chúng ta hạnh phúc, thì chúng ta nhận ra rằng từ trước đến giờ chúng ta vẫn luôn luôn hạnh phúc kể cả lúc gian nan, cũng y như nếu cuối đời chúng ta không hạnh phúc thì chúng ta nhận ra rằng lúc nào chúng ta cũng bất hạnh, kể cả những giai đoạn hoan hỷ của đời mình. Nếu rốt cuộc, cuối đời chúng ta có ý nghĩa thì sẽ quyết định đời mình đã hạnh phúc hay bất hạnh. Nhiều người, trong đó có Chúa Giêsu, đã chịu đựng đau đớn lớn lao nhưng đã sống đời hạnh phúc. Đáng buồn là điều trái lại cũng đúng. Hạnh phúc liên quan nhiều đến ý nghĩa hơn là đến vui thú.

Trong quyển tự truyện của mình, Ngạc nhiên trước Niềm vui, C.S. Lewis đã nói với độc giả rằng hành trình đến với Ki-tô giáo của ông không hề dễ dàng. Ông thú nhận, ông là “người trở lại miễn cưỡng nhất trong lịch sử ki-tô giáo.” Nhưng một trong những điều rốt cuộc đưa ông đến gần với Ki-tô giáo chính là việc nhận ra rằng ý nghĩa vượt cao hơn khái niệm thông thường của chúng ta về hạnh phúc. Ông viết, ông đi đến chỗ hiểu rằng sự khe khắt của Chúa tốt lành hơn sự nhẹ nhàng của con người và sự cưỡng chế của Chúa là sự giải phóng của chúng ta.

Tiền không thể mua hạnh phúc. Nó có thể mua lạc thú, nhưng, như cuộc đời cuối cùng đã dạy chúng ta, lạc thú không hẳn là hạnh phúc.

Ronald Rolheiser

J.B. Thái Hòa dịch

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....