Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2018

Chúa Nhật 6 Phục sinh. Năm B_2018

 
Có câu chuyện về một chính trị gia nổi tiếng được mời dự cuộc phong vương tại Anh Quốc.  Ông được chứng kiến tận mắt giây phút đặt vương miện lên đầu nhà vua, được tham dự bữa tiệc trang trọng và cuộc khiêu vũ tối hôm đó, được tiếp xúc với nhiều người trong hoàng tộc và nhiều người nổi tiếng.

Khi chính trị gia này trở về quốc gia mình, một phóng viên đã hỏi ông rằng có sự kiện nào nổi bật mà ông ghi nhớ hay có ấn tượng trong cuộc thăm viếng lịch sử đó không.   Nhà chính trị này trả lời là có, và cho biết sự kiện này xảy ra ngay vào tối hôm đó khi ông trở về khách sạn.  Ngoài trời lạnh buốt và khi đến cửa khách sạn ông thấy 2 em bé đứng ngoài đang ngồi ôm chặt lấy nhau.  Em trai vào khoảng 12 tuổi và bé gái khoảng 6 tuổi, rõ ràng là hai anh em.  Bé trai cởi áo choàng bên ngoài khoác lên vai người em gái, và lấy khăn trên đầu quấn chung quanh hai chân của đứa em. 

Nhà chính trị nổi tiếng này nói rằng hình ảnh hai anh em ôm nhau để truyền hơi ấm cho nhau trong đêm lạnh giá buốt ngoài đường trước cửa khách sạn đã ghi xâu vào tâm trí ông.  Ông cho biết là hình ảnh này nổi bật hơn tất cả các sự kiện ông chứng kiến ngày hôm đó.  Hình ảnh hai anh em này hoàn toàn vượt trên tất cả những nghi lễ như đội vương miện, dự bữa tiệc hay việc tiếp xúc với tất cả mọi người danh tiếng trong hoàng tộc.  Ông nói rằng đây là hình ảnh mà có lẽ ông không bao giờ quên được cả suốt cuộc đời của ông.
Câu truyện hai anh em trên đây phản ảnh một thứ tình yêu được Chúa nhấn mạnh và trăn trối với các môn đệ trong bài Tin mừng hôm nay.  Chúa nói với các môn đệ rằng: “Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con” và Chúa còn cho biết về tình yêu của Ngài dành cho chúng ta: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình.”  Chúng ta thấy 2 câu nói trên của Chúa Giê-su, tuy một câu ở phần đầu và một câu ở phần cuối trong bài Tin mừng nhưng cùng có một ý nghĩa, đó là tình yêu.  Và đây cũng là mệnh lệnh và là những lời trăn trối cuối cùng của Chúa Giê-su với các môn đệ trước khi từ biệt các ông để đi chịu nạn chịu chết trên thập giá, như lời Chúa nói: “Ðây là lệnh truyền của Thầy.”  

Thật vậy đây là giới luật yêu thương Chúa dạy chúng ta.  Và giới luật này không phải chỉ là những lời khuyên, mà là một lệnh truyền và là một sứ mệnh của Ki-tô hữu.   Chúng ta biết Chúa yêu thương chúng ta không bằng môi mép, nhưng bằng hành động cụ thể.  Vì vậy Chúa dạy chúng ta phải sống giới luật yêu thương này một cách cụ thể bằng hành động như Chúa đã yêu thương chúng ta.  Thế thì Chúa yêu thương chúng ta như thế nào. Chúa yêu thương chúng ta, thứ nhất, bằng một thứ tình yêu hy sinh tự hiến mình trên thập giá. Bản chất của tình yêu là hy sinh quảng đại, trao ban và cho đi không ngần ngại. Vì yêu thương nên Chúa đã tự hiến chính mạng sống mình để cứu nhân loại khỏi tội lỗi.  Cao cả hơn nữa, Chúa còn lập Bí tích Thánh Thể để không những ở lại với chúng ta, mà còn ban cho chúng ta chính sự sống của Ngài để chúng ta ở trong Chúa và Chúa ở trong chúng ta, và để chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài.  Thứ hai, Chúa yêu thương chúng ta với một tình yêu tha thứ. Chúa giang tay chịu đóng đinh trên thập giá để chuộc tội hay để gánh tội cho chúng ta. Khi giang tay trên thập giá, Chúa đã xin Chúa Cha tha tội cho những người đóng đinh Ngài vào thập giá. Vì lẽ đó, chúng ta những chi thể trong Thân Thể Chúa Ki-Tô cũng phải tha thứ cho nhau.  Cha mẹ phải tha thứ cho con cái.  Con cái tha thứ cho cha mẹ.  Anh chị em tha thứ cho nhau.  Tha thứ không phải 7 lần mà như Chúa phán “Bảy mươi lần bảy.”  

Trong những Thánh lễ hay khi cầu nguyện, chúng ta thường đọc Kinh Lạy Cha và trong Kinh này chúng ta đọc: “Xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có tội chúng con.”  Nhưng thử hỏi chúng ta có thực hành lời cầu nguyện này không?  Chúa phán: “Vì nếu các con có tha thứ cho người ta những lầm lỗi của họ, thì Cha các con, Ðấng ngự trên trời, mới tha thứ cho các con. Nếu các con không tha thứ cho người ta, thì Cha các con cũng chẳng tha thứ lỗi lầm cho các con.” 

Ngoài tình yêu hy sinh tự hiến và tha thứ, Chúa còn yêu thương chúng ta bằng tình yêu cảm tạ.  Cảm tạ, tri ân là một yếu tố rất quan trọng trong tình yêu của Thiên Chúa.  Chính Chúa Giê-su đã cầu nguyện để cảm tạ Thiên Chúa Cha vì đã dẫn chúng ta đến với Ngài, để được Ngài yêu thương và chuộc tội cho. Chúa Giê-su đã cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha: “Lạy Cha chí thánh, Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ nhờ lời chúng mà tin vào Con, để mọi người nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong Ta.”  

Trong đời sống, chúng ta thường không quan tâm chú ý đến việc cảm tạ và tri ân vì chúng ta chỉ muốn nhận thôi.  Thế nhưng một điều chúng ta phải làm đó là cảm tạ, tri ân Chúa vì đã ban cho chúng ta bao nhiêu ơn lành hồn xác.  Chúng ta phải cảm tạ, tri ân Chúa vì Chúa vì đã thương ban cho chúng ta Thánh Thể để chúng ta ở trong Chúa và Chúa ở trong chúng ta, và kết hợp chúng ta lại trong tình yêu của Ngài, trong Thân Thể của Ngài.    

Chúng ta nhận biết, ngày nay chúng ta không phải hy sinh mạng sống để biểu lộ tình yêu thương cho nhau.  Nhưng chúng ta lại có rất nhiều cơ hội sống yêu thương hiệp nhất với Chúa và với nhau bằng việc cùng tham dự Thánh lễ, và bằng sự hy sinh phục vụ và lòng quảng đại.  Chúa Giêsu đã khiêm nhường tự hạ mình, hy sinh phục vụ, vác và bị đóng đinh trên thập giá để biểu lộ tình yêu của Chúa cho chúng ta. 

Chúng ta cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, là anh chị em trong gia đình Chúa Ki-tô, biết sống yêu thương hiệp nhất, từ bỏ những sự ganh ghét, tranh chấp, chia rẽ, biết hy sinh và quảng đại, để cùng nhau xây dựng giáo xứ và làm sáng danh Chúa, qua đó người khác biết chúng ta là ai, những môn đệ yêu quí của Chúa Ki-tô. 
Lm. Chánh xứ


Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....