Thứ Ba, 13 tháng 8, 2019

Tâm lý giáo dục: Sức nặng của lời trong thời gian

Dòng thời gian gần như là một ẩn dụ của cuộc sống: “điều đến và đi, điều còn thoi thóp, điều xem ra rất xa xôi lại ập về trong tâm trí như sóng biển”. Trong dòng thời gian, ta được nuôi dưỡng bằng lương thực và bằng lời. Khi nghĩ về quá khứ của ta hoặc khi ta ở trong một vài hoàn cảnh nào đó có thể gợi lại quá khứ đã qua, ta vẫn có thể cảm nhận bên trong, nhiều khi còn với chính tông giọng của lời nói đã nuôi dưỡng ta, đã chắp cho ta đôi cánh để vươn tới những chân trời rộng mở của hy vọng tuyệt mỹ, cũng vậy, cả những lời nói làm ta tổn thương, điêu đứng, khó chịu cũng đã được ghi dấu lại trong tâm khảm của ta.

Lời nói là điều làm cho ta khác với những con vật, điều làm cho ta là người. Đứng trước một vài thái độ của loài vật, đặc biệt là loài chó, người ta nói là nó chỉ thiếu có mỗi lời nói thôi. Con người là một hữu thể có lời nói. Lacan chỉ ra rằng: “biết nói là chiều kích đích thực nhất trong mầu nhiệm của hữu thể người”. Con người được sinh ra để ra khỏi chính mình, để diễn tả nhu cầu, ước muốn và nỗi nhớ thương. Trong nhiều cách thức tiếp cận với con người thì ngôn ngữ vẫn là phương tiện được sử dụng nhiều nhất. Ngang qua lời nói ta có thể thiết lập những mối tương quan liên vị tích cực và cũng có thể làm hao mòn hay phá đổ những tương quan đó. Lời nói có một quyền lực lớn lao: có thể xây dựng và cũng có thể phá đổ, có thể an ủi và cũng có thể làm cho lo âu, có thể chữa lành và cũng có thể làm tổn thương. Nó có thể được sử dụng với một phạm vi rộng, không chỉ ngang qua cách thức nhưng thậm chí cả cung giọng.
Lời nói có thể chỉ là một cuộc trò chuyện đơn giản, vô hại giúp ta cảm thấy thoải mái và giải trí cho thời gian mau qua; lời nói cũng có thể chỉ là việc lải nhải cách nhàm chán điều gì đó, phát tán một tin đồn, lẩm bẩm than trách, vu khống, áp đặt một cách cương quyết hay nhằm phá đổ; thế nhưng lời nói cũng có thể là một món quà của sự thấu hiểu, của lòng trìu mến, của sự ủi an, của sự khích lệ hướng đến sự thiện, giúp cho mọi sự nên sáng tỏ, dạy dỗ, sáng tạo niềm vui và hạnh phúc, là lời ngôn sứ rộng mở cho niềm hy vọng, điều mà có khả năng mang lại hương vị và ý nghĩa cho cuộc sống và giúp đảm nhận cuộc sống.
Trong cuộc sống hàng ngày, trong gia đình và trong cộng đoàn, chúng ta có thể trải nghiệm tất cả mọi sắc thái và âm điệu của lời nói. Bên cạnh những lời diễn tả sự nâng đỡ, thoải mái và khích lệ, đôi khi vẫn thấy bao trùm cả những tiếng lải nhải nhàm chán và những lời than vãn thở dài đòi hỏi, những lời ép buộc phải làm điều này và không được làm điều kia, tất cả những điều đó làm nên những chấm đen trong ký sự đời sống hằng ngày. Có thể điều đó xảy ra có một lần trong hoàn cảnh sống cụ thể của tôi, thế mà tôi lại cứ ca đi ca lại điều đó trong mọi bài thuyết giảng của tôi ở mọi nơi mọi chỗ. Khi ta phàn nàn bởi vì những người khác, mặc dù đang ở trong tình trạng tương đối hạnh phúc mà lại cứ phàn nàn, thì ta cũng chẳng ý thức rằng chính ta là người đang làm chuyện đó.
Trong tông huấn Niềm vui yêu thương, khi nói về cộng thể gia đình, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng nếu ta muốn lời nói và việc đối thoại của ta trở thành quà tặng và sự truyền thông và để không rơi vào tình trạng những cuộc tán ngẫu nhàm chán, không có cơ sở thì “cần phải có cái gì đó để nói và điều này đòi hỏi một sự phong phú nội tâm nhờ được nuôi dưỡng từ những bài viết, những suy tư cá nhân, kinh nguyện và sự rộng mở cho xã hội” (AL 141).
Những gợi ý dưới đây được nối kết chặt chẽ với nhau. Mỗi sách đều có thể làm phong phú nội tâm ngay cả khi chính tác giả chẳng hề nghĩ đến điều đó. Đối chiếu cách bình thản và với óc phê phán quân bình, thoát ra khỏi định kiến với “cái khác biệt” để mở trí, đi ra khỏi những cái khung cố hữu về văn hóa, giúp ta cẩn trọng, ý thức rằng mình không sở hữu tất cả chân lý, kính trọng những cái “khác biệt” giúp ta trở nên khôn ngoan hơn khi nói thành lời.
Sách có giá trị ưu biệt là sách giúp nuôi dưỡng đời sống nội tâm và phát huy khả năng thấu hiểu những gì có giá trị, giúp chúng ta có khả năng định hướng giữa bao nhiêu điều hứa hẹn đầy quyến rũ và cám dỗ, với người Kitô hữu thì không gì khác hơn đó chính là Lời Chúa. Sự phong phú nội tâm lệ thuộc vào điều gì chúng ta tiếp cận từ sách. Chúng ta đọc để tìm ánh sáng cho những nghi vấn của chúng ta, để định hướng những chọn lựa, để dưỡng nuôi cuộc sống là điều rất quan trọng. Nó cũng có thể trở nên động lực để suy tư hoặc là những tia sáng ngay cả khi chúng ta chỉ đọc sách nhằm giết thời gian, hoặc để học hay lấy thông tin.
Một số sự kiện như sinh con, tử vong hay một biến động do thiên tai hay do chính trị có thể trở thành cơ hội tốt để suy ngẫm. Sự cởi mở xã hội, các buổi họp, nghiên cứu, tình bạn và cầu nguyện cũng rất hữu ích trong việc làm giàu đời sống nội tâm. Quan trọng biết bao việc trao đổi với những ai đã nghiên cứu trên một chủ đề cụ thể nào đó, với ai đã làm những kinh nghiệm tương tự với ta hoặc những kinh nghiệm khác, với những ai đã tìm ra được giải pháp và với cả những ai đang miệt mài để tìm nó.
Suy tư, nghiền ngẫm, đối chiếu là những phương tiện cần thiết để vượt qua lớp bề mặt bên ngoài, để tìm một vài tia sáng của sự thật trong các biến cố và trong chính bản thân, để chúng ta trở nên thống nhất, biết đưa ra ý nghĩa đích thực của hiện hữu ta nhờ đó tìm ra “một vài điều gì đó để nói” với người khác. Tất cả những điều này đòi thời gian và không gian thinh lặng, với thời buổi hôm nay, đó không phải là điều dễ dàng tìm thấy nhưng nó vẫn là điều có thể làm. Trong lãnh vực tâm lý, người ta có đề cập đến tầm quan trọng của việc tham gia vào các khóa học liên quan đến việc thiền tịnh, nhất là trong lĩnh vực thể thao. Môn thể thao đích thực cũng là một phần cơ bản của cuộc sống.
Với nền văn hoá hiện tại thì ưu tiên cho các hoạt động và hiệu quả của việc làm, tốc độ, không cần suy nghĩ phán đoán, thụ động. Những công nghệ đổi mới, dẫu rất hữu ích và quan trọng, nhưng những tiếng ồn và ánh sáng của sự tiến bộ, ngày càng làm giảm thời gian và không gian của im lặng và của ban đêm. Đêm, biểu tượng của bóng tối, của sự không rõ ràng, đau đớn, lừa dối, cái chết, và nó cũng là sự im lặng, nghỉ ngơi yên tĩnh, thai nghén: nó là sự chuẩn bị cho bình minh, cho ánh sáng và sự sống. Giáng sinh, sự ra đời của Ngôi Lời, của Lời, được cử hành vào tháng Mười Hai, vào một trong những đêm đen tối và dài nhất. Những lời được sinh ra từ sự lao nhọc của những đêm dài đau đớn, đen tối, mà thông thường đêm càng đen thì ánh sáng bình minh càng trở nên rực rỡ.
Những tiếng ồn làm cản trở quá trình làm cho nội tâm trở nên phong phú đó chính là lo âu, ghen tị, thèm muốn, khó khăn trong việc đón nhận và vượt qua đau khổ, cảm xúc nóng giận, mối hận thù bởi những va chạm, xúc phạm và chịu nhục nhã. Nếu những cảm xúc này gây chiến trong tâm hồn ta, gây ra những tiếng ồn ào sôi sục, xâm chiếm mọi thời gian và không gian của ta thì nó sẽ lấy đi khỏi ta sự bình an và làm cho mọi lời nói của ta mang sắc thái cay nghiệt, buồn phiền, oán hận và độc hại.
Từ thời này đến thời kia, tuy có thay đổi về bối cảnh sống, về thời đại, về văn hóa, thì luôn luôn có những vấn đề và nó sẽ luôn tồn tại cho đến khi nào sự sống và lịch sử vẫn còn tiếp diễn. Đó là lẽ đương nhiên và là một phần trong giới hạn của con người. Như tổ tiên của chúng ta, họ không có những điều kiện như chúng ta, họ đã sống với phẩm giá của mình thì chúng ta cũng có thể làm được điều đó.
Các nghiên cứu về khả năng phục hồi (khả năng rút ra năng lực từ những khó khăn gặp phải, thậm chí cả việc tăng cường các nguồn lực cá nhân), ngang qua các dữ liệu, đã cho thấy rằng người ta có nhiều nguồn lực và năng lượng hơn họ nghĩ.
Như đã đề cập trong một số phản ánh trên đây, những tiềm năng mà chúng ta có được trở nên hiệu quả và chất lượng là nhờ việc đào luyện, nó không hệ tại ở việc ép mình tuân theo quy luật này hay tiêu chuẩn kia, nhưng nó là sự lựa chọn cá nhân.
Các nguồn lực cá nhân được huấn luyện, nuôi dưỡng và làm giàu bằng cách đọc, suy ngẫm, thiền và đối chiếu với người khác có thể giúp vượt qua được cám dỗ mặc kệ tất cả và cám dỗ cho rằng mình biết hết mọi sự, nó cũng giúp ta có khả năng vượt qua những khó khăn gặp phải trong cuộc sống, cả những đau khổ và khó khăn không dễ để đón nhận.
Ngang qua suy gẫm sâu sắc, Lời Chúa cư ngụ trong sự tĩnh lặng sâu xa của tâm hồn, sẽ giúp chữa lành, tẩy rửa, và phát huy những năng lực cá nhân. Từ đây, ngôn từ của chúng ta được sinh ra, sẽ trao ban cho những ai gần kề với chúng ta trong đường dài cuộc sống, và ngang qua các phương tiện truyền thông, giúp đến với những ai xa xôi, trở thành lời ngôn sứ sống động làm rạng sáng ý nghĩa của cuộc sống, an ủi, chữa lành và cứu vớt. Người mang chở sức mạnh ngời sáng này thường không phải là những nhà giảng thuyết giáo điều và bó buộc làm những gì “là bổn phận” phải chu toàn, nhưng có thể chỉ đơn giản là những lời nói đơn sơ như lời chào hỏi thân tình, nồng ấm và lời đánh giá người khác cách tích cực.
Maria Rossi
Sr. Maria Nguyễn Thị Quyên, FMA chuyển ngữ

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....