Có
một câu chuyện kể rằng: Một linh mục lúc còn làm việc được các linh mục bạn và
các giáo dân ngưỡng mộ và quý mến. Nhưng
vì mắc một chứng bệnh nên buộc phải về hưu, cả quãng đời còn lại phải ngồi trên
chiếc xe lăn. Ban đầu, một số người đến nhà hưu thăm ngài, nhưng năm tháng trôi
qua, số người đến thăm ngày càng giảm bớt và cuối cùng không còn ai lui tới.
Ngài buồn vô cùng nhưng không nản chí vì tin rằng Chúa không bao giờ quên những
người đã hy sinh vì và cho Chúa.
Quả thực, chúng ta thấy trong xã hội này, người già thường cảm thấy cô đơn, buồn sầu vì bị bỏ quên hay quên lãng. Chúng ta cũng có thể nghĩ như thế về Chúa. Khi một điều gì xấu xảy đến cho chúng ta thì chúng ta thầm trách: “Chúa đã quên tôi rồi.” Hay “Chúa không còn thương, không còn chú ý đến tôi nữa.” Và đó cũng là cảm nghĩ của dân Do Thái lưu đày, sống trong đau khổ và nhục nhã. Bởi thế họ hỏi nhau: “Thiên Chúa ở đâu rồi? Ngài có còn nhớ đến những lời đã hứa chăng?” Và họ kết luận: “Chúa đã quên chúng ta!”
Nhưng
ngôn sứ Ba-rúc trong bài đọc 1 trấn an rằng Thiên Chúa không bao giờ quên dân
Ngài, những đau khổ của họ sẽ sớm chấm dứt, và sẽ đem họ trở về quê hương.
Nhưng họ cần phải dọn đường cho Ngài đến cứu họ. Những lời này làm cho dân chúng
được an ủi và phấn khởi. Quả thực, sau đó những tù nhân lưu đày đã trở về cố
hương. Dù vậy, Lời Chúa hứa vẫn chưa thực
hiện trọn vẹn mà phải chờ tới khi Ðấng Messia, Đấng Cứu Thế đến.
Gioan
Tiền hô mà bài Tin mừng hôm nay nhắc đến là người loan báo Ðấng Messia đã đến.
Chúa Giêsu chính là Ðấng Messia ấy và còn là Con Thiên Chúa. Việc Con Thiên
Chúa đến với loài người là bằng chứng rõ ràng Thiên Chúa không bao giờ quên dân
Ngài. Thật vậy dù khi mọi người quên
chúng ta, nhưng Thiên Chúa sẽ không quên chúng ta. Ngài vẫn nhớ đến chúng ta. Ngài không thể nào
không nhớ đến chúng ta, bởi vì chúng ta là con cái yêu dấu của Ngài.
Mùa
Vọng là thời gian sửa soạn và nhớ đến Chúa vì Chúa đã mang ơn cứu độ đến cho
chúng ta. Trong mùa này, người ta thường
biểu lộ lòng nhớ đến người khác bằng một món quà, hay một tấm thiệp với một lời
chúc tốt đẹp. Chúng ta nhớ đến Chúa bằng
cách chuẩn bị tâm hồn lắng nghe và thực hành Lời Chúa dạy. “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho
ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy
làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn
cứu độ của Thiên Chúa.” Đây là những lời
dạy rất tốt đẹp, mang lại cho chúng ta niềm an ủi và vui mừng vì cho chúng ta
thấy Thiên Chúa rất yêu thương và nhân từ với chúng ta, những người tội lỗi, yếu
đuối và hay sa ngã.
Có
một linh mục tên là Ambrôsiô rất đạo đức và nổi tiếng được nhiều người biết đến.
Ngài được mời đi giảng tĩnh tâm nhiều nơi và được nhiều người ưu thích. Ngài sung sướng vì đã làm chủ được mọi việc
mình làm. Nhưng đột ngột ngài ngã bệnh, không còn làm gì được nữa. Ban đầu ngài
rất tuyệt vọng. Nhưng sau một thời gian, ngài chợt nghĩ phải biết cách dùng cơn
bệnh của mình để hiểu được những khổ đau của người khác. Thế là ngài vui sống với
cơn bệnh của mình. Khi có ai đến với ngài, ngài chia sẻ những suy nghĩ của mình
và an ủi, khuyến khích họ. Kết quả là thời gian nằm bệnh của ngài còn sinh hoa
quả nhiều hơn thời gian ngài còn khoẻ mạnh. Trước khi chết, ngài viết:
"Trước đây tôi đã đi theo một hướng, rồi thình lình tôi bị buộc phải đi
theo một hướng khác. Nhưng nhờ đó tôi đã học biết về bản thân mình và về người
khác nhiều hơn gấp bội so với những gì tôi học biết trong những năm trước khi bệnh."
Nếu
chúng ta chú ý, chúng ta sẽ nhận ra có rất nhiều hoàn cảnh lạ lùng mở tấm lòng
chúng ta ra đón nhận ơn Chúa ban. Khi chúng ta đến với Chúa với thái độ tự mãn,
tự cao là người đạo đức, tốt lành, thì khi đó chúng ta đẩy Chúa ra xa. Còn khi chúng ta đến với Chúa với tấm lòng
chân thành là những con người yếu đuối, tội lỗi và bất xứng thì khi đó chúng ta
mới thật lòng mời Chúa vào tấm lòng mình. Chính những sự bất toàn của tâm hồn mở
rộng lòng chúng ta đón nhận ơn của Chúa, vì đó là những vết thương thu hút lòng
nhân từ của Chúa, làm cho chúng ta đáng được Ngài thương xót và chữa lành. Chúa
Giêsu đã nói: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần."
Mỗi
năm vào Mùa Vọng có một người chỉ cho chúng ta biết những lỗi lầm, tội lỗi, thiếu
xót và khuyên bảo chúng ta ăn năn sám hối, sửa chữa. Ðó chính là Gioan Tẩy Giả:
"Có tiếng kêu trong hoang địa. Hãy dọn
đường cho Chúa sửa lối cho thẳng để Người đi."
Gioan
Tiền hô đã nhắc lại lời ngôn sứ Isaia: “Mọi
thung lũng phải lấp cho đầy, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải
san cho phẳng”. Ông kêu gọi mọi người sửa chữa đường sá. Nhưng con đường
quan trọng chính là con đường dẫn chúng ta tới Chúa, hay con đường dẫn ơn Chúa
đến với chúng ta, và chỉ khi nào chúng ta khiêm nhường và chân thành nhìn vào cuộc
sống, thì chúng ta mới có thể thấy được những chỗ lồi lõm và quanh co để sửa chữa,
để hoán cải và thay đổi. Lấy hành động bác ái, quảng đại, hy sinh, chu
toàn bổn phận đối với Chúa, đối với giáo xứ, với gia đình để lấp những hố
sâu. Bạt núi đồi là từ bỏ tính tự cao, tự
phụ, có lòng khiêm nhường hy sinh phục vụ và giúp đỡ. Uốn nắn những chỗ quanh
co, cong queo là từ bỏ những sự gian dối, giả hình, ăn không nói có, những lời
chỉ trích gây tranh chấp, chia rẽ, lời nói và việc làm không đi đôi với nhau. San phẳng những chỗ gồ ghề lồi lõm là từ bỏ lối
sống ích kỷ, những tính mê nết xấu, những sự nghiện ngập và đam mê, thù hằn,
ghen ghét.
Chúng
ta phải ý thức Thiên Chúa chỉ có thể đến gặp chúng ta trên
những con đường ngay thẳng, phẳng phiu. Và ơn Chúa cũng chỉ đến với những người
thành tâm đón nhận. Xin Chúa ban ơn giúp
sức và chỉ dạy chúng ta biết lắng nghe Lời Chúa dạy.
Lm. Chánh xứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét