
Trong bài Tin mừng Chúa nhật tuần trước,
Chúa Giê-su giảng dạy về bốn điều được chúc phúc, một trong điều được phúc là
tinh thần nghèo khó, và bốn điều bị chúc dữ, mất hạnh phúc, trong đó có sự giàu
có, no nê. Thoáng nhìn, xem ra rất lạ
lùng. Qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su dạy chúng ta về một giáo lý mới xem
ra cũng làm cho chúng ta cảm thấy khó chịu, đó là yêu thương, cầu nguyện và làm
ơn cho người thù ghét chúng ta.
Chúa dạy: “Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho
những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc, cầu nguyện cho những làm hại, vu khống mình.
Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như
vậy.”
Một điều
phải xác định rõ ở đây là: kẻ thù là những người thù ghét, vu khống gian dối và
làm hại chúng ta, chứ không phải là những người chúng ta thù ghét họ, vì các
môn đệ và Ki-tô hữu của Chúa không được thù ghét ai. Thế thì đối với kẻ thù, người làm hại chúng
ta, phải
đối xử với những người ấy như thế nào?
Thứ nhất,
theo thường tình ở đời, đối với những người thù ghét chúng ta, thì theo bản
tính tự nhiên của con người là trả thù. Ai cũng có khuynh hướng và hầu hết đều
cư xử như thế, lý do là vì bản năng sinh tồn đòi hỏi hay vì sự tự ái thúc đẩy.
Nếu không trả thù thì sẽ chịu thiệt thòi, bị thương tổn, hay còn bị cho là tiếp
tay với kẻ dữ, kẻ ác, hay bị cho là hèn nhát hay không công bằng. Vì: mắt thì
phải đền bằng mắt, răng thì phải đền bằng răng thì mới công bằng, sòng phẳng. Thế
nhưng trên thực tế sự trả thù nhiều khi còn đi xa hơn: mắt không chỉ đền bằng
mắt, mà còn đền bằng tính mạng, cho nên chúng ta thường nghe nói: “Hòn
đất ném đi, hòn chì ném lại.” Có những người còn cầu những sự dữ và
thật dữ xảy đến cho người làm hại mình.
Một linh mục đã kể lại câu truyện như sau.
Một lần, sau khi đã giảng bài Tin mừng hôm nay cho một nhóm trẻ, và nhấn mạnh
đến những lời giảng dạy của Chúa, và muốn các em thực tập sống Lời Chúa như thế
nào, linh mục liền bảo em gái 8 tuổi đến thử tát người anh 10 tuổi đang ở nhóm
khác xem coi anh mình phản ứng thế nào.
Người em liền đi đến nhóm của người anh và lấy hết sức tát người anh một
cái như trời giáng. Người anh quay lại và túm lấy em đánh túi bụi ngay khi đang
tham dự Thánh lễ trước sự chứng kiến của cha mẹ và nhiều người. Cha mẹ phải đến can hai anh em. Vị linh mục
không ngờ người em lại tát anh mình một cái tát mạnh như thế, có lẽ là tích tụ
của bao năm bị anh bắt nạt! Sau đó, linh
mục hỏi người anh: “Tại sao cha mới dạy em về cách hành xử theo lời Chúa Kitô
dạy là hễ ai tát má này, hãy đưa má khác cho người ta, mà con đã không đưa má
khác thì chớ lại còn đánh em túi bụi?”
Người anh trả lời: “Tại vì nó tát con đau quá! Nếu nó chỉ tát nhẹ thôi, con sẽ đưa má khác
cho nó!”
Chúa Giê-su
dạy chúng ta hãy tha thứ, yêu thương, cầu nguyện và làm ơn cho người thù ghét,
làm hại mình. Ai cũng biết lấy oán báo
oán chỉ tăng thêm hận thù mà thôi. Chỉ có tình thương tha thứ mới dập tắt, làm
tiêu tan được hận thù. Tuy nhiên vì tự
ái và vì muốn đòi sự công bằng, người ta luôn theo đuổi sự trả thù.
Thái độ
thứ hai phản ứng lại với kẻ thù là tha thứ. Khi bị người khác làm hại mà không
trả thù thì đã là cao thượng, anh hùng và tốt lành lắm rồi. Bài đọc 1 cho chúng ta thấy Đa-vít bị vua
Sao-lê truy nã để giết, nay có cơ hội để trả thù, thế mà Đa-vít đã không dám
giết vua Sao-lê vì sợ Chúa, chỉ để cây gươm và bình nước bên cạnh Sao-lê mà
thôi. Hành động của Đa-vít được dân
chúng ca ngợi là độ lượng, quảng đại. Có
lẽ Đa-vít đã phải chiến đấu một cách mãnh liệt với bản năng muốn trả thù của mình
thì mới có hành động tha thứ như thế. Tuy nhiên, với những người tin theo Chúa
là tất cả chúng ta đây, Chúa muốn và đòi hỏi chúng ta phải vươn cao hơn nữa, đó
là không những không trả thù mà còn yêu thương, cầu nguyện, làm ơn, làm những
điều tốt lành cho những người làm hại chúng ta.
Chúa Giê-su đã nêu ra cho chúng ta một tấm gương của Thiên Chúa để chúng
ta noi theo, và Người nói cho chúng ta biết: “Cha các con ở trên trời, là Đấng
làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như người dữ, cho mưa trên người
công chính cũng như kể bất lương.” (Mt. 5, 45)
Khi Chúa Giê-su bị treo trên thập giá và trước khi hấp hối, Người đã xin
Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đã đánh đập và giết Người. Và qua cuộc khổ nạn và cái chết đau thương
trên Thánh giá, Chúa đã tuôn đổ tình yêu tha thứ và ơn cứu độ xuống trên tất cả
mọi người trần thế.
Chúng ta
biết chắc chắn là việc tha thứ, yêu thương, cầu nguyện và làm ơn cho người làm
hại mình là một điều thật khó nếu không có ơn Chúa giúp. Chúng ta cũng phải luôn xác tín rằng Chúa
không bao giờ dạy chúng ta làm một điều gì mà Chúa biết rõ chúng ta không có
khả năng làm được. Thật ra, tha thứ,
yêu thương, cầu nguyện và làm ơn cho kẻ làm hại mình không phải là một thái độ
có sẵn trong con người, nhưng là ơn sủng bắt nguồn từ Thiên Chúa. Khi chúng ta đối xử bằng tình yêu thương tha
thứ của Chúa, thì Cha trên trời sẽ càng rộng lượng hơn đối với chúng ta: “Hãy
tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta
sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì
các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy.” Khi chúng ta
tha thứ, yêu thương và làm ơn thì chúng ta sẽ trở nên đồng hình đồng dạng với
Chúa hơn như lời Chúa kêu gọi: “Các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng
nhân từ.”
Bài giáo lý về tình yêu thương tha thứ, cầu nguyện và làm ơn cho người làm hại mình của Chúa dạy trong bài Tin mừng hôm nay không phải dành cho những người kiêu căng, tự cao, hay muốn trở thành anh hùng hay siêu nhân, hay những người muốn nổi danh, mà dành cho những ai muốn làm con Thiên Chúa, và muốn được hưởng bình an và hạnh phúc đời này và đời sau trên Thiên đàng.
Lm. Chánh xứ

Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét