Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2019

Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên. Năm C_2019.

 
Trong Kinh thánh Tân ước, thánh sử Lu-ca viết hai cuốn sách.  Cuốn thứ nhất là Tông đồ công vụ nói về sứ mạng và sinh hoạt của Giáo hội trong thời sơ khai. Và cuốn Tin mừng diễn tả cuộc đời và sứ mạng của Chúa Giê-su. Chúng ta được nghe cả hai cuốn trong Thánh lễ kính Chúa lên trời hôm nay. Chúng ta thấy sách Tin mừng kết thúc với sự kiện Chúa lên trời, còn cuốn Tông đồ công vụ thì lại bắt đầu cũng bằng sự kiện Chúa lên trời.
Khi nghe bài đọc 1, chúng ta thấy thánh Lu-ca cho chúng ta biết cuốn Tin mừng là cuốn thứ nhất ngài viết.  Ngài nói: “Hỡi Thêôphilê, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những điều Đức Giêsu đã bắt đầu làm và giảng dạy, cho đến ngày Người lên trời.”   Nhưng có một điều lạ khác biệt là thánh Lu-ca diễn tả sự kiện Chúa lên trời vào 2 thời điểm khác nhau.  Chúng ta có thể nhận ra là trong sách Tông đồ công vụ, thánh Lu-ca cho chúng ta biết Chúa lên trời 40 ngày sau khi phục sinh sống lại.  Còn trong phần cuối của sách Tin mừng, thánh Lu-ca cho chúng ta biết Chúa sống lại sáng Chúa nhật, chiều hôm đó Người hiện ra với các tông đồ trò chuyện, ăn uống, sau đó dẫn các ông tới Be-tha-ny và lên trời.  Không có sự giải thích tại sao thánh Lu-ca lại diễn tả sự kiện Chúa lên trời vào 2 thời điểm khác nhau. Nhưng một điểm đáng cho chúng ta chú ý là trong khoảng thời gian 40 ngày sau khi sống lại, Chúa hiện ra nhiều lần với nhiều người và với nhiều nhóm, nhưng sau 40 ngày thì chấm dứt.  Từ khi đó, Chúa Giê-su Ki-tô phục sinh hiện diện với các Tông đồ qua quyền năng của Lời Chúa được rao giảng bởi các ngài, qua các phép lạ, qua Chúa Thánh Thần, qua các Bí tích và qua Giáo hội.  Thánh Lu-ca, trong quyển thứ hai là Tông đồ công vụ, cho chúng ta biết Chúa hiện diện một cách vô hình với các môn đệ.

Trong ngày mừng kính Chúa lên trời hôm nay, điều quan trọng không phải là khi nào Chúa lên trời, nhưng cho chúng ta 3 bài học sau đây. Bài học thứ nhất là cho chúng ta biết Chúa Giê-su là ai.  Trong bài đọc 2, thánh Phao-lô cho chúng ta biết Chúa Giê-su được ngự bên hữu Chúa Cha trên trời.  Và trong kinh Tin kính, chúng ta cũng tuyên xưng: “Người lên trời, ngự bên hữu Ðức Chúa Cha.”  Điều đó có nghĩa là Chúa Giê-su ngang hàng với Chúa Cha, bởi vì: “Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Ðức Chúa Cha.” Vì thế Chúa Giê-su là Thiên Chúa thật.

Bài học thứ hai là cùng đích đời sống của chúng ta. Thiên Chúa không đặt chúng ta vào trần thế này vĩnh viễn. Thiên Chúa tạo nên chúng ta để chúng ta cùng được hưởng vinh quang hạnh phúc vĩnh cửu với Người.  Vì thế nơi Chúa Giê-su ngự, chúng ta hy vọng và cầu mong sẽ ở với Người. Chúa Giê-su khẳng định trong Bữa tiệc ly: “Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó.” Do đó, cùng đích cuộc sống của chúng ta là hạnh phúc Nước trời, vì thế chúng ta phải sống và hướng đời sống chúng ta về Nước Trời.  Chúng ta phải bác ái, quảng đại, hy sinh, chịu thiệt thòi, đau khổ để chu toàn sứ mạng Ki-tô hữu.

Cuối cùng, lễ Chúa Thăng Thiên cũng cho chúng ta biết sứ mạng của chúng ta là làm chứng cho Chúa, rao giảng Tin mừng của Người và xây dựng Nước Chúa. Chúng ta biết ngày nay và trong xã hội này còn rất nhiều người cần biết đến Chúa, nhất là còn cái, cháu chắt và những người sống chung quanh chúng ta. Và như thế, Chúa cần rất nhiều người làm chứng cho Chúa, rao giảng Tin mừng của Người và xây dựng Nước Chúa.  Vậy ai sẽ làm điều đó?  Các Tông đồ đã làm và họ đã chết. Các thánh Tử đạo Việt Nam, cha ông chúng ta đã làm và cũng đã chết.  Ông bà, cha mẹ, thân thuộc chúng ta đã làm và cũng đã chết. Người đã chết không còn làm được việc đó nữa.  Chỉ những người còn sống mới có thể làm được những công việc đó, và sứ mạng đó không phải chỉ của các linh mục và tu sĩ nam nữ, nhưng là sứ mạng của tất cả Ki-tô hữu.  Như chúng ta biết, ngày nay không còn đủ linh mục và tu sĩ để đi khắp nơi, khắp chốn làm chứng và rao giảng Tin mừng.  Kế hoạch loan báo Tin mừng của Chúa là tất cả mọi người Ki-tô hữu cùng rao truyền cho người khác, nhất là những người sống chung quanh chúng ta, vợ chồng, con cái, cháu chắt.  Chúa không có kế hoạch nào khác nữa. Ngày xưa Chúa Giêsu đã trông cậy vào các tông đồ để rao giảng Tin Mừng và ơn cứu độ của Người để mọi người tin, sống Tin mừng và hưởng ơn cứu độ của Người. Ngày nay Chúa Giêsu cũng trông cậy nơi chúng ta như thế.

Có câu truyện kể về một người đàn bà có tên là Maria. Đã từ hơn một năm qua và sau một cơn bạo bệnh, bà Maria đã phải nằm trên giường. Sau mấy lần đi nhà thương rất tốn kém, nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm, vì thế bà đã được đưa về nhà. Trong những ngày cuối cùng nằm trên giường bệnh, bà Maria đã phải chứng kiến một cảnh vô cùng đau lòng, đó là cuộc xích mích giữa những con cái của bà. Nằm trên giường bệnh, bà Maria không biết làm gì hơn là khẩn khoản van xin con cái hãy thương yêu nhau, và bỏ qua những xích mích với nhau để bà ra đi được bằng an. Nhưng sự bất đồng có lẽ đã chồng chất từ lâu, và đã đến lúc bùng nổ, cộng thêm những bất đồng vì phí tổn chôn cất và gia tài của bà để lại. Vì thế cho dù đã có những lời năn nỉ kêu gọi tha thứ cho nhau của mẹ, nhưng tất cả các con vẫn không hưởng ứng.

Sáng hôm ấy, bà Maria trút hơi thở cuối cùng về với Chúa trong bầu không khí ngột ngạt và đau đớn vì nỗi bất bình trong gia đình.  Nhưng lạ lùng thay, sau sự ra đi của bà Maria, tất cả các con đều cảm thấy hối hận. Họ cùng nhau đến gặp cha xứ ở toà giải tội, và rồi sau đó đã làm hoà với nhau trước linh cữu của bà Maria. Chúng ta thấy sự chia ly của bà Maria mang lại sự hòa thuận cho các con, còn sự ra đi về trời của Chúa Giêsu mang lại sự đổi mới, ơn và sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Chúa đã về trời, nhưng chúng ta tin Chúa vẫn hiện diện giữa chúng ta qua lời Chúa và Bí tích Thánh Thể.  Muốn chu toàn sứ mạng, trước hết chúng ta phải có Chúa hiện diện trong cuộc sống của mình, để hành động, việc làm và lời rao giảng của chúng ta mới có sức thu hút, có ảnh hưởng tốt đến người khác. Nếu không có Chúa thay vì chúng ta là chứng nhân lại trở thành người phản chứng, có khi chúng ta là Kitô hữu lại trở thành phản Kitô, lôi kéo người khác đến sự xấu, tội lỗi và xa Chúa. 

Lễ Chúa lên trời hôm nay cho chúng ta 3 bài học: Chúa Giê-su là ai, cùng đích cuộc đời chúng ta ở đâu và sứ mạng của chúng ta là gì. Và mời gọi mỗi người chúng ta phải biết từ bỏ những ích kỷ, ý riêng, tật hư, thói xấu, để được Chúa Thánh Thần biến đổi như các tông đồ, để trở thành những chứng nhân rao giảng Tin mừng cho Chúa.
Lm. Chánh xứ


Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....