
Có
câu chuyện về một thiếu nữ sống trong tội lỗi lâu năm. Một ngày kia, vì nghĩ rằng cuộc đời của mình quá
tội lội, không còn giá trị gì nữa, nên cô quyết định kết liễu cuộc đời. Cô tới
một bờ biển và dự tính sẽ bơi ra thật xa, sau đó để cho biển cả định đoạt số phận.
Nhưng
trước khi bơi ra, cô đi dọc bờ biển vắng lặng, thầm nói những lời vĩnh biệt với
những người thân thuộc. Bỗng nhiên cô
nghe một giọng nói thật rõ ràng ra lệnh cho cô dừng lại, quay về phía sau và
nhìn xuống dưới đất. Cô quay lại và chỉ
nhìn thấy những dấu chân của chính cô để lại trên cát, sau đó bị những làn sóng
đánh vào bờ xóa đi không còn dấu tích gì nữa. Cô tiếp tục bước đi và một lần nữa, cô nghe cũng
chính giọng đó nói với cô: “Như những
làn sóng biển xóa đi nhưng dấu chân dưới cát, Ta cũng sẽ xóa hết những tội lỗi ở
quá khứ của con. Ta muốn con sống và yêu thương chứ không chết.” Dựa vào linh tính, cô tin chắc giọng nói đó
là của Chúa nói với cô. Sự việc này đã kiến
cô thay đổi quyết định và cũng bắt đầu một cuộc sống mới của cô, trở thành một
người hữu ích cho xã hội.
Câu truyện trên đây là một minh chứng rõ ràng cho sứ điệp lòng thương xót và nhân từ của Chúa trong các bài Kinh thánh hôm nay. Trong các bài đọc, chúng ta nghe những câu truyện tuyệt đẹp về Thiên Chúa và lòng thương xót của Người. Bài đọc một trích sách Xuất hành, cho chúng ta thấy vừa ngay sau khi được Chúa cứu thoát khỏi cuộc sống nô lệ lầm than khổ cực ở Ai cập, và ngay sau khi ký một giao ước với Thiên Chúa, dân Do thái đã quay lưng lại phản bội Chúa, thờ một thần tượng ngoại giáo là con bò vàng. Thiên Chúa đã nổi cơn thịnh nộ định tiêu diệt dân này để lập một dân khác trung thành hơn, nhưng nhờ lời cầu xin của ông Môisen, Thiên Chúa đã nguôi giận và rộng lòng thương xót tha thứ cho họ.
Trong
bài đọc 2, chúng ta nghe câu truyện về cuộc đời của thánh Phao-lô. Ngài minh chứng
cho chúng ta thấy tình yêu và lòng thương xót của Chúa đối với chính ngài. Từ một người tội lỗi sống trong lầm lạc, đi bắt
bớ, hành hạ và bỏ tù những người theo Ki-tô giáo, ngài đã được Chúa Giê-su
Ki-tô Phục sinh thương xót tha thứ, biến đổi ngài trở thành một tông đồ rao giảng
Tin mừng cho dân ngoại. Thánh Phao-lô thật
sự đã cảm nghiệm được tình yêu và lòng thương xót của Chúa, cho nên ngài khẳng
định rằng: “Ðức Giêsu Kitô đã đến trong thế gian này để cứu độ những người tội
lỗi, cha là người thứ nhất.”
Trong
ba dụ ngôn trong bài Tin mừng, chúng ta thấy dụ ngôn đầu xem ra không hợp lý, bởi
vì ai lại bỏ 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc. Dụ ngôn thứ hai cũng chẳng có sức thuyết phục
bao nhiêu, vì một đồng xu có đáng là bao so với công sức mà người đàn bà kia bỏ
ra để tìm lại nó. Nhưng nếu chúng ta lắng
nghe dụ ngôn thứ ba thì chúng ta mới hiểu được chủ ý của Chúa Giêsu là không nhắm
nói tới con chiên, cũng không chú ý tới tiền bạc, mà chú trọng tới con người.
Những
người Pharisêu và kinh sư thấy Chúa Giêsu thường xuyên lui tới với những người
tội lỗi thì họ chỉ trích và phản đối. Đối với họ, việc làm của Chúa Giêsu là
không chính đáng, bởi vì những người tội lỗi là những người đáng loại bỏ đi.
Nhưng đối với Chúa Giêsu, đó là những con người được Chúa tạo dựng và yêu
thương, những con người có những giá trị và cao quí. Thật vậy, nếu chúng ta thành tâm nhìn nhận
thì người con hoang đàng tội lỗi ấy không ở đâu xa, mà có thể là chúng ta, là
người đang ở bên cạnh chúng ta, ở giữa chúng ta.
Một hội từ thiện kia muốn xây một ngôi trường nhằm giúp cho
những thiếu niên hư hỏng hoán cải. Khi bàn đến những chi tiết trong việc xây
như mua vậy liệu, và điều hành trường như mua sắm phương tiện, thuê mướn giáo
viên, một hội viên phát biểu: “Chúng ta đừng ngại tốn kém. Chỉ cần hoán cải được
một thiếu niên thôi thì tốn bao nhiêu cũng đáng”. Một người trong ban hỏi tại
sao, thì ông này đáp: “Bởi vì thiếu niên hư hỏng ấy là con của tôi.”
Một
điểm quan trọng đáng để chúng ta chú ý là: trong 2 dụ ngôn “Chiên lạc” và “Đồng
tiền đánh mất”, người đàn bà và chủ chiên đi tìm đồng bạc và chiên lạc cho đến
khi tìm được. Nhưng trong dụ ngôn “Người
con hoang đàng”, người cha không đi tìm nhưng kiên nhẫn chờ đợi đứa con sớm tỉnh
thức, hồi tâm quay trở về mà thôi. Cũng
vậy Chúa kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi chúng ta những con người tội lỗi tỉnh thức
hồi tâm, thật lòng ăn năn quay trở về với Người.
Qua
những câu truyện dụ ngôn trên, chúng ta khám phá ra rằng: con người dù tội lỗi
đến đâu cũng còn cơ hội để làm lại cuộc đời, sự hư mất chỉ vì sự cứng lòng, từ
chối của chúng ta mà thôi. Thiên Chúa luôn
yêu thương chờ đợi, cho chúng ta nhiều cơ hội để chúng ta tỉnh thức, hồi tâm trở
về với Người lãnh nhận ơn tha thứ. Chúa
là Đấng giàu lòng thương xót và tha thứ.
Lòng nhân từ thương xót của Chúa làm cho chúng ta xác tín, vui mừng và
hy vọng. Do đó chúng ta đừng bao giờ cứng
lòng, thất vọng, cho dù chúng ta có tội lỗi đến đâu. Là những Ki-tô hữu chúng
ta phải tín thác vào tình yêu thương bao la và tha thứ của Chúa. Đây là sứ điệp
mà chúng ta cần phải nghe thường xuyên và lập đi lập lại nhiều lần. Hy vọng rằng
qua sự lập đi lập lại, chúng ta sẽ thấm nhuần tình yêu và lòng thương xót của
Chúa vào trong trí óc, vào trong tâm hồn và cuộc sống chúng ta.
Lm. Chánh xứ

Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét