Trong khi dịch corona bùng phát, nhiều người Công Giáo chạy đến với Thiên Chúa xin trợ giúp. Số người tham gia cầu nguyện tăng lên, với hy vọng cơn dịch sớm hạ xuống. Ngoài ra, biết bao thánh lễ, buổi lần hạt, lòng thương xót, chầu Thánh Thể, tuần cửu nhật cầu nguyện cho mỗi người trong cơn đại dịch này. Trên mạng Internet, chúng ta cũng bắt gặp biết bao chia sẻ lời kinh van xin Chúa nhậm lời.
Chính Giáo Hội cũng thôi thúc giáo dân chung tay bảo vệ sức khỏe, liên đới với nhau trong hoàn cảnh u ám này. Chúng ta không thất vọng hay hoang mang. Ngược lại, Giáo Hội tin rằng khi bám vào Chúa Giêsu, chạy đến than thở với Ngài, đời sống con người sẽ khang khác, sẽ hy vọng và sẽ tươi sáng hơn mỗi ngày.
Trong Sứ điệp Ngày Thế giới Bệnh nhân thứ 28[1], Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại tầm quan trọng của Thiên Chúa trong nỗi đau bệnh của con người. Chúa tiếp tục mời gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,28). Nhất là trong cơn bệnh dịch, ai ai cũng cần nghỉ ngơi, được chăm sóc và bình an trong tâm hồn. Khi nói câu này, chính Đức Giêsu đã trải nghiệm được nỗi đau của bệnh dịch, tật nguyền. Suốt mấy chục năm trên dương thế, Giêsu chứng kiến biết bao người nghèo khổ, bệnh tật, tội lỗi, bị gạt ra khỏi xã hội do gánh nặng của lề luật và hệ thống xã hội áp bức, v.v. Họ cần được nâng đỡ, chữa lành, và chính Đức Giêsu cũng chữa cho rất rất nhiều người (Lc 6,19).
Chữa lành là sứ mạng của Đức Giêsu. Đó không chỉ là chữa cho khỏi bệnh về mặt thân xác. Đó không chỉ là tác động cho cơn dịch bệnh sớm qua đi. Nhưng trên hết, Ngài chữa lành toàn diện cho con người: thể xác lẫn tâm hồn. Chúng ta thấy có điều gì đó vô lý ở đây! Nếu vậy tại sao mỗi ngày đều có người bệnh, số người chết trong dịch corona tăng lên mỗi giờ. Thiên Chúa ở đâu, Đức Giêsu ở đâu trong cơn đại dịch này? Sao Ngài không ra tay, phán một lời để cơn dịch chấm dứt? Đó là những câu hỏi không dễ trả lời!
Đừng quên chính Đức Giêsu cũng chịu biết bao đau khổ và cái chết. Khi có kinh nghiệm về khổ đau bệnh tật, Ngài “biết cách” nâng đỡ con người, an ủi những bệnh nhân. Bạn nghĩ sao khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho rằng: “Bệnh tật khiến cho anh chị em đặc biệt trở thành những người vất vả gồng gánh nặng nề. Và do đó, họ lôi kéo được cái nhìn và trái tim của Chúa Giêsu.” Chắc chắn Thiên Chúa không làm ngơ trước cơn đau quằn quại của con người. Ngài vẫn có đó. Ngài vẫn lao tác để cứu độ con người. Vấn đề là có khi con người đau khổ quá, hóa oán hờn. Nghĩa là, họ kêu hoài mà Chúa không nhậm lời, nên quay sang trách Chúa.
Đây là thời cơ để chúng ta thấy uy quyền của Thiên Chúa. Thời cơ vì: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.” (Mc 2,17). Thời cơ vì: “Bệnh dịch cũng có thể làm cho con người phân định điều gì là chính yếu trong cuộc sống mà hoán cải, trở về với Thiên Chúa.”[2] Ngài, qua Giáo Hội, thúc giục mỗi người: “Hãy đến với Thiên Chúa”. Khi đó, chúng ta sẽ “tìm thấy sức mạnh để đối mặt với tất cả những lo lắng và vấn nạn đang tấn công anh chị em trong thời khắc đen tối này của thể xác và tâm hồn. Chúa Kitô đã không cho chúng ta những toa thuốc, nhưng nhờ cuộc thương khó, cái chết và sự phục sinh của Ngài, Chúa đã giải thoát chúng ta khỏi sự kìm kẹp của cái ác.”[3] Đó là sức mạnh thiêng liêng, là nguồn sống để người Công Giáo đương đầu với đau khổ và dịch bệnh.
Trong lời cầu xin và tín thác đó, Giáo Hội trở nên ngôi nhà thương để cứu giúp con người. Nhà thương ấy chan chứa lời cầu nguyện, tình người và liên đới với nhau. Nhà thương ấy luôn mời gọi mỗi người tuyệt đối tín thác vào Thiên Chúa. Ở đâu có hai ba người họp lại cầu nguyện nhân danh Chúa, Chúa hứa sẽ nhậm lời. Nhà thương ấy thôi thúc người ta chạy đến với Cha giàu lòng thương xót, nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ và các thánh, ban bình an cho mỗi người, cho người dân trong các thành phố xảy ra dịch corona và cho mọi người trên toàn thế giới.[4] Bầu không khí nguyện cầu và linh thiêng đó sẽ “lay động”[5] Thiên Chúa soi sáng cho các nhà chức trách, nhà nghiên cứu sớm tìm ra giải pháp trong cơn dịch này.
Lời cầu nguyện của người Công Giáo sẽ không thừa. Phong trào mời gọi con người về với Thiên Chúa sẽ không vô ích trong bối cảnh này. Ngược lại, về mặt logic, khi trở về nẻo chính đường ngay, con người sẽ kiến tạo được bình an, hạnh phúc. Nhất là khi con người cảm nhận được, ít là một lần, Thiên Chúa đã an ủi, chữa lành và vực dậy, họ lại được mời gọi trở thành niềm ủi an cho anh chị em đồng loại. Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu trong lời van xin, Thiên Chúa không ngoảnh mặt làm ngơ!
Có Chúa Giêsu ở cùng, chúng ta an lòng. Với Chúa Giêsu, chúng ta hy vọng. Trong Chúa Giêsu, chúng ta được nâng đỡ giữa cơn dịch corona. Dù chưa biết diễn biến tương lai của corona sẽ ra sao, nhưng bám víu vào Chúa trong lúc này là cần thiết! Chúng ta cũng cầu nguyện cho nhiều người, nhất là Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc, cũng biết chạy đến với Thiên Chúa. Một khi đại dịch corona qua đi, chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa quan phòng mọi sự. Vì, “Giữa cảnh gian truân, tôi đã kêu cầu Chúa, Chúa đáp lời và giải thoát tôi. Muôn ngàn đời Ngài vẫn trọn tình thương. (x. Thánh Vịnh 118, Tạ ơn sau cuộc chiến thắng.)
Xin Chúa thấy những đau khổ của chúng con, cảm được nỗi lo lắng của chúng con, và chữa lành những bệnh tật của anh chị em chúng con. Amen.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
dongten.net
—–
[1] Được cử hành vào ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức 11-2-2020
[2] X. GLHTCG 1500 và 1501.
[3] X. Sứ điệp Ngày Thế giới Bệnh nhân thứ 28.
[4] Xem thêm: Thư của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng về dịch bệnh viêm phổi do virus corona.
[5] “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho.” (x. Mt 7,7-12)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét