Thứ Ba, 19 tháng 5, 2020

Với cái nhìn nào chúng ta sẽ gặp nhau?

Chúng ta sẽ như thế nào sau hậu-dịch khi chúng ta gặp nhau ngoài đường, trên tàu điện ngầm? Chúng ta có thanh thản tạo lại một không gian chung cho các thành phố chúng ta không?
 
Linh mục Federico Lombardi có loạt bài mới về một cái nhìn xa hơn, hướng đến tương lai đang chờ chúng ta. Chúa Giêsu không phải là một biểu hiện ảo của Thiên Chúa, nhưng Ngài Nhập thể, chính xác để chúng ta có thể gặp Ngài. Ngài vẫn hiện diện, như Ngài đã nói với chúng ta và Ngài chờ chúng ta nơi người khác.

Trong những ngày này, tôi đọc câu sau của một tư tưởng gia người Nga: “Mối quan hệ đơn giản giữa con người là mối quan hệ quan trọng nhất trên thế giới!” Điều này nhắc tôi nhớ đến một bài hát hay cách đây mấy chục năm của một phong trào trẻ phát động nhằm đề cao tình bạn, tình anh em giữa các dân tộc: “Viva la gente!” – “Hoan hô người dân!” Chắc chắn có một số người còn nhớ. Bài hát này nói về những người chúng ta gặp mỗi buổi sáng trên đường đi làm; lời bài hát: “Nếu có nhiều người thiện cảm nhìn nhau, thì chúng ta sẽ có nhiều người tốt bụng hơn, ít người khó tính hơn…”, bài hát gợi lên cảm hứng tích cực và khôn ngoan. Trong những năm gần đây, tôi thường hay nghĩ đến bài hát này khi đi bộ ngoài đường, khi tôi thấy những người rất chi bận rộn và khép kín, các bạn trẻ với sợi dây nghe nhạc trên tai, những cặp mắt dán trên màn hình điện thoại, những người nói to qua điện thoại, họ hoàn toàn tách biệt với những người đứng sát mình trên xe buýt. Tôi thấy, sở thích nhìn người khác với lòng nhân hậu và chú tâm ngày càng hiếm, và sự xâm lấn các phương tiện giao tiếp ngày càng mạnh, chúng gần như xa lạ dưới mắt tôi.
Sau vài tuần cách ly, tôi mong mau gặp các khuôn mặt khác nhau ở ngoài đường. Tôi hy vọng một lúc nào đó, sớm hay muộn rồi người dân sẽ không mang khẩu trang, không còn màng chắn mi-ca (plexiglas), và tôi có thể trao đổi vài lời thân tình với họ, hoặc chỉ qua nụ cười chân thành với họ. Trong những tháng gần đây, nhiều người trong chúng ta thích thú ngạc nhiên trước các cách giao tiếp với kỹ thuật số, chúng ta hy vọng sẽ sử dụng chúng trong tương lai, nhưng với việc kéo dài cách ly, chúng ta thấy cách giao tiếp này chưa đủ.
Chúng ta sẽ như thế nào sau hậu-dịch khi chúng ta gặp nhau ngoài đường, trên tàu điện ngầm? Chúng ta có thanh thản tạo lại một không gian chung cho các thành phố chúng ta không? Chúng ta có bị nỗi sợ và nghi ngờ khống chế mình không, hay nhờ vào khôn ngoan của các nhà khoa học và các nhà lãnh đạo, mà chúng ta tìm lại được cân bằng giữa thận trọng và mong ước tìm lại được và xây dựng lại phẩm chất của đời sống hàng ngày –  mối quan hệ đơn giản giữa con người là mối quan hệ quan trọng nhất trên thế giới – nền tảng của thế giới ngày mai không?
Chúng ta sẽ nhận thức (ít nhiều hơn trước không) rằng chúng ta là một gia đình nhân loại ở trong căn nhà chung của một hành tinh duy nhất không?
Bây giờ đại dịch làm cho chúng ta thấy vấn đề toàn cầu hóa mà tất cả chúng ta sẽ phải tính đến trong tương lai, liệu chúng ta có tìm lại được nhiệt tình anh em giữa các dân tộc xuyên qua các biên giới, đón nhận và hiếu kỳ tìm hiểu nét đa dạng, hy vọng cùng sống chung trong một thế giới hòa bình không?
Làm thế nào chúng ta sẽ sống trong chính thể xác mình và làm thế nào chúng ta sẽ nhận thấy thể xác của người khác? Có thể có một lối lây lan, một hiểm nguy phải tránh hay đây là biểu hiện của các tâm hồn tri kỹ tìm đến nhau? Bởi vì về thực chất, mỗi cơ thể con người là biểu hiệu cụ thể của một tâm hồn – duy nhất, xứng đáng, quý giá, tạo vật của Thiên Chúa, hình ảnh của Chúa… Thật lạ lùng trong từng giọng nói, từng bước đi, từng nụ cười của người thân!.. Nhưng còn hơn nữa, có phải điều này đúng với tất cả mọi người chúng ta gặp không? Vậy thì việc chúng ta giải thoát mình khỏi coronavirus sẽ giúp chúng ta giải thoát khỏi các con vi-rút của thể xác và tâm hồn, ngăn chúng ta thấy và tìm thấy kho báu nơi tâm hồn người khác, hay chúng ta sẽ thành người theo chủ nghĩa cá nhân hơn?
Công nghệ kỹ thuật số có thể làm trung gian và đồng hành hữu ích trong giao tiếp, nhưng sự hiện diện thể lý giữa con người với nhau, từ tâm hồn đến thể xác, sự gần gũi, sự gặp gỡ vẫn là điểm khởi đầu và quy chiếu nguyên thủy cho kinh nghiệm sống và con đường của chúng ta. Chúa Giêsu không phải là một biểu hiện ảo của Thiên Chúa, nhưng Nhập thể, chính xác để chúng ta có thể gặp Ngài. Ngài vẫn hiện diện, như Ngài đã nói với chúng ta và Ngài chờ chúng ta nơi người khác, nơi người nghèo (và nơi người không nghèo nhưng một cách nào đó Ngài biểu hiệu, dù chúng ta biết hay không), và trong gương mặt của người nghèo, chúng ta có thể và phải nhận ra gương mặt của Ngài.
Với đôi mắt nào, với quả tim nào, với nụ cười nào sẽ trở lại với chúng ta khi chúng ta đi ngoài đường, gặp những người mà trước đây mình không biết, gặp những người mình mong muốn được gặp trên con đường hàng ngày, trong thế giới chung của chúng ta?
Marta An Nguyễn dịch (phanxico.vn)

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....