Thứ Hai, 18 tháng 1, 2021

Đáp lại lời kêu gọi xuất phát từ tình yêu chỉ bằng tình yêu mà thôi

papaMỗi lời kêu gọi của Chúa là một sáng kiến yêu thương của Ngài. “Hãy đến mà xem”. Trong buổi đọc Kinh Truyền tin tại thư viện Tông tòa, sáng Chúa nhật II Thường niên, Đức Giáo hoàng nhắc lại “lời mời gọi” của Chúa Kitô dành cho các môn đệ của Ngài, những người đã cảm thấy lòng mình ấm lên khi nghe Thầy nói chuyện, cảm nhận được vẻ đẹp của những lời đáp trả đối với niềm hy vọng lớn lao của mình.

Anh chị em thân mến!Tin mừng Chúa nhật II Thường niên (x. Ga 1,35-42) trình bày cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và các môn đệ đầu tiên của mình. Khung cảnh diễn ra gần sông Giordan, một ngày sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa. Chính Gioan Tẩy giả đã chỉ ra Đấng Mêsia cho hai môn đệ bằng những lời sau: “Đây Chiên Thiên Chúa” (c. 36). Và hai môn đệ tin vào lời chứng của Gioan, họ đi theo sau Chúa Giêsu. Ngài nhận ra điều đó và hỏi họ : “Các anh tìm gì thế?”, và họ hỏi Ngài: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” (c 38). 
 
Chúa Giêsu không trả lời : “Tôi sống ở Caphanaum hay Nazareth”, nhưng Ngài nói: “Hãy đến mà xem” (c. 39). Những lời đó không phải là tấm danh thiếp, nhưng là lời mời đến cuộc gặp gỡ. Hai môn đệ đi theo và họ ở lại với Ngài chiều hôm đó. Thật không khó để tưởng tượng các môn đệ ngồi đó để đưa ra cho Chúa những câu hỏi hơn là lắng nghe Ngài. Họ cảm thấy lòng mình được ấm lên khi nghe Thầy nói chuyện. Họ cảm nhận được vẻ đẹp của những lời đáp trả đối với niềm hy vọng lớn lao của mình. Và đột nhiên họ khám phá ra rằng, khi trời dần tối, trong lòng họ bừng lên thứ ánh sáng mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban cho. Một điều thu hút sự chú ý: một trong số họ, 60 năm sau, hoặc hơn nữa, đã viết trong Tin mừng: “Lúc đó vào khoảng 4 giờ chiều” (Ga 1, 39). Và đây là điều khiến chúng ta phải suy nghĩ: mỗi cuộc gặp gỡ đích thực với Chúa Giêsu đều lưu giữ trong ký ức sống động, không bao giờ quên được. Có nhiều cuộc gặp gỡ bạn đã quên, nhưng cuộc gặp gỡ đích thực với Chúa Giêsu vẫn luôn lưu giữ. Và những điều đó, nhiều năm sau, thậm chí cả giờ giấc họ cũng nhớ đến, họ đã không thể nào quên được cuộc gặp gỡ ngập tràn hạnh phúc đó, vốn đã thay đổi cuộc đời họ. Rồi sau khi rời khỏi cuộc gặp gỡ này trở về với anh em của mình, niềm vui này, ánh sáng này chảy tràn từ tâm hồn họ như dòng sông tràn trề. Một trong hai người, Anrê nói với anh mình là Simon, – mà Chúa Giêsu gọi là Phêrô khi gặp ngài – : “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia” (c. 41). Họ chắc chắn rằng Chúa Giêsu là Đấng Mêsia. 
 
Chúng ta hãy dừng lại một chút trên kinh nghiệm của cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, Đấng kêu gọi mọi người ở lại với Ngài. Mỗi lời kêu gọi của Chúa là một sáng kiến của tình yêu Ngài. Ngài luôn là người chủ động, Ngài gọi bạn. Chúa mời gọi bạn vào cuộc sống, đến niềm tin và mời gọi đến một trạng thái cụ thể của cuộc sống: “Ta muốn con ở đây”. Lời kêu gọi đầu tiên của Thiên Chúa là hướng đến sự sống, nơi Ngài đã tạo thành chúng ta như con người; đó là lời kêu gọi riêng tư, vì Thiên Chúa không làm ra mọi thứ hàng loạt. Sau đó Thiên Chúa mời gọi đến niềm tin và làm chúng ta trở nên thành phần của gia đình Ngài, như con cái Thiên Chúa. Cuối cùng, Thiên Chúa kêu gọi đến trạng thái cụ thể của cuộc sống: để chúng ta tự hiến trong đời sống hôn nhân, chức linh mục hay đời sống thánh hiến. Đó là các cách thức khác nhau của việc thực hiện chương trình của Thiên Chúa, một kế hoạch mà Ngài có nơi mỗi người chúng ta, đó là kế hoạch yêu thương. Thiên Chúa luôn luôn mời gọi chúng ta. Và niềm vui lớn lao nhất dành cho mỗi người tín hữu là đáp lại lời kêu gọi này, dâng hiến trọn vẹn để phục vụ Thiên Chúa và anh chị em mình. 
 
Anh chị em thân mến, đối diện với lời kêu gọi của Thiên Chúa, có thể xảy ra cho chúng ta qua muôn nghìn cách, – qua những con người, những biến cố vui buồn, –  đôi khi thái độ của chúng ta là cự tuyệt. “Không… tôi sợ…”. Cự tuyệt bởi vì điều đó dường như trái ngược với những khát vọng của chúng ta; thậm chí sợ hãi nữa, vì chúng ta cho rằng nó quá ràng buộc và không thoải mái: “Ôi, tôi không làm được đâu, thực sự không, tốt nhất là để cuộc sống bình yên… Chúa ở đó, còn tôi ở đây”. Nhưng lời kêu mời của Chúa là tình yêu, chúng ta phải cố gắng tìm kiếm tình yêu, nó theo sau mỗi lời mời gọi, và chỉ được đáp lại nó bằng tình yêu. Đây là cách nói: đáp lại lời kêu gọi xuất phát từ tình yêu chỉ bằng tình yêu mà thôi. Khởi đầu có một cuộc gặp gỡ, hay đúng hơn, có một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, Đấng nói về Chúa Cha cho chúng ta, Đấng làm cho chúng ta nhận ra tình yêu của Ngài. Và rồi từ đó cũng nảy sinh trong chúng ta khao khát muốn truyền đạt lại tình yêu đó cho những người mà chúng ta yêu thương: “Tôi đã gặp Đấng Tình Yêu”, “tôi đã gặp Đấng Mêsia”, “tôi đã gặp Thiên Chúa”, tôi đã gặp Chúa Giêsu”, “tôi đã gặp được ý nghĩa cuộc sống”. Tắt một lời: “Tôi đã gặp được Chúa”. 
 
Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta biến cuộc đời mình thành bài ca ngợi khen Thiên Chúa, trong việc đáp lại lời kêu gọi của Chúa, trong việc thực hiện thánh ý Chúa cách khiêm nhường và vui vẻ. Nhưng chúng ta hãy nhớ điều này: đối với mỗi người, trong cuộc sống, có những thời điểm mà Thiên Chúa đã tự làm cho mình hiện diện rất mạnh mẽ, bằng lời kêu gọi. Chúng ta hãy nhớ điều đó. Hãy quay trở lại những khoảnh khắc đó, vì ký ức về giây phút đó luôn đổi mới chúng ta trong cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. 
 
Sau Kinh Truyền tin, Đức Thánh cha nói: 
 
Anh chị em thân mến. 
 
Tôi bày tỏ sự gần gũi của tôi với người dân đảo Sulawesi ở Indonesia, nơi bị trận động đất mạnh tàn phá. Tôi cầu nguyện cho những người đã qua đời, những người bị thương và cho tất cả những người bị mất nhà cửa và công ăn việc làm. Xin Chúa an ủi và nâng đỡ những cố gắng của tất cả những người đang tham gia vào việc cứu trợ. Chúng ta cùng cầu nguyện cho anh chị em của chúng ta ở Sulawesi, và cho các nạn nhân trong vụ tai nạn máy bay xảy ra tuần trước, cũng ở Indonesia. 
 
Ngày mai là một ngày quan trọng: bắt đầu tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. Chủ đề năm nay lặp lại lời nhắc nhở của Chúa Giêsu: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga 15, 5-9). Chúng ta sẽ kết thúc tuần lễ này bằng việc cử hành Kinh chiều tại đền thờ thánh Phaolô ngoại thành, thứ Hai, ngày 25 tháng giêng, cùng với các đại diện của các cộng đoàn Kitô giáo khác hiện diện tại Roma. Trong những ngày này chúng ta cùng cầu nguyện để ước muốn của Chúa Giêsu được thực hiện: “để họ được hoàn toàn nên một” (Ga 17, 21). Hiệp nhất, luôn vượt trên mọi xung đột.

Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....