Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2012

Chúa nhật thứ 5. Năm B. 2012.

40giay

Ông bà anh chị em thân mến. Như chúng ta đã biết cuộc sống con người có sinh có tử.  Nghĩa là chúng ta có ngày sinh vào trần gian này thì cũng có ngày chúng ta phải từ giã.  Nhưng giữa sinh và tử, có một thời gian, ngắn hay dài tùy theo thánh ý Chúa. Và trong thời gian này, tất cả mọi người chúng ta phải trải qua hay đối diện với nhiều hoàn cảnh vui - buồn, sướng - khổ.  Một trong những hoàn cảnh này, mà tôi nghĩ không một người nào trong chúng ta muốn đối diện, đó là bệnh tật.     

Như chúng ta nhận biết, cuộc sống thực tế ở trần gian bị ảnh hưởng của nhiều thứ bệnh tật, và hình như khi con người tìm được loại thuốc trị bệnh này, thì bệnh khác lại sinh ra. Sự tiến bộ của y khoa và khoa học luôn là niềm vui và hy vọng cho con người, nhưng không thể giải quyết được hết mọi thứ bệnh đang tràn lan trên thế giới.   Cho nên dù muốn hay không, bệnh tật là một thực trạng mà chúng ta sớm muộn phải đối diện.  Thật vậy, bệnh tật làm cho chúng ta lo nghĩ, đau khổ, lo âu và bị giới hạn.  Chúng ta cảm thấy bực bội và nhiều khi chán nản, thất vọng.
Bài đọc 1 kể cho chúng ta câu chuyện của ông Gióp, một rất người giàu có, đang trong tình trạng suy thoái, đau buồn vì người thân yêu qua đời, và đau khổ vì bệnh tật.  Ông chỉ mong giấc ngủ kéo dài đến chiều tối để quên đi những phiền muộn của cuộc đời. Như chúng ta vừa nghe ông nhận thấy rằng đờI sống ngắn ngủi và nếu như sống trong tình trạng đau khổ như vậy thì cuộc đời không có giá trị.  Chúng ta hãy nghe những lời ông than thở: “Ngày của tôi qua nhanh hơn thoi đưa, nó tàn lụn đi mà không mang lại một tia hy vọng”.   Chỉ trong một câu ngắn ngủi này, chúng ta có thể nhận ra nỗi thống khổ của ông, có thể nhận ra hoàn cảnh của ông đang đối diện.  Và có lẽ đây cũng có thể là tâm trạng của chúng ta khi chúng ta phải đối diện với hoàn cảnh tương tự.
Trong bài đọc 2, thánh Phaolô cũng cho chúng ta biết ngài đang phải đương đầu với một hoàn cảnh lo âu khó khăn trong cuộc sống vì ngài mang trong người một sứ mệnh trọng đại là rao giảng Tin mừng mà Chúa Kitô đã trao phó. Thánh Phaolô còn cảm thấy ưu tư không biết người ta có nghe lời giảng dạy của ngài không, và ngài cũng cảm thấ lo lắng khi biết rõ khả năng và sức lực của chính mình.
Và trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta nghe câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành bệnh cho bà mẹ vợ ông Simon Phêrô, những người có nhiều chứng bệnh khác nhau và những người bị ma quỉ chiếm giữ. Những người này đều có những đau khổ buồn phiền trong cuộc sống.  Như họ, tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta cũng có không ít thì nhiều những đau khổ, buồn phiền trong cuộc sống.  
Qua ba bài kinh thánh trên chúng ta nhận thấy được lòng nhân từ và quyền năng của Thiên Chúa chúng ta.  Ông Gióp than thở nhưng ông tin tưởng vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa sẽ cứu giúp ông vượt qua khỏi cảnh đau khổ, và đã xảy ra đúng như niềm tin của ông. Thánh Phaolô cũng đã nhận được niềm vui, ân sủng của Chúa và nhiều người đã đón nhận được ân sủng của Chúa qua lời rao giảng của ngài.  Ngài biết rằng đây là kết quả của sự thành tâm và sốt sắng tự biến mình thành nô lệ cho Chúa trong sứ mệnh rao giảng Tin mừng.  Và chúng ta nhận biết quyền năng tối cao của Thiên Chúa trên sự dữ khi  Chúa Giêsu chữa lành bệnh cho bà mẹ vợ của ông Simon Phêrô, và rất nhiều người  mắc đủ chứng bệnh khác, và nhất là chữa cho những người bị quỉ ám.  Bệnh tật và ma quỉ đều là sự dữ, nhưng khi đối diện với Chúa, chúng đều khuất phục.
Qủa thực, những phép lạ mà Chúa Giêsu làm có mục đích củng cố niềm tin và hy vọng cho những ai đang phải đối diện với hoàn cảnh đau khổ và khắc nghiệt.  Là những Kitô hữu, chúng ta tin vào Chúa và lời của Chúa có quyền năng và ơn sủng.  Chúa yêu thương và sẵn sàng cu giúp chúng ta nếu chúng ta thành tâm đến với Chúa.  Trong đời sống, chúng ta cần đến Chúa giúp đỡ chúng ta trong nhiều hoàn cảnh.  Chúng ta cũng tin chắc rằng Chúa biết hết mọi sự nên Chúa cũng quan phòng cho chúng ta trong mọi hoàn cảnh.  Có những khi chúng ta chưa kịp kêu xin Chúa mà Chúa cũng đã tiên liệu cho chúng ta rồi.
Ông bà anh chị em thân mến. Chúng ta phải luôn ý thức rằng cuộc sống Kitô hữu của chúng ta là một cuộc hành trình đi tìm Chúa như đám đông dân chúng trong bài Tin mừng hôm nay, không phải chỉ lúc chúng ta đối diện với những khó khăn, đau buồn hay thử thách, mà suốt cuộc đời. Chúng ta thấy đám đông dân chúng ‘’đi tìm Chúa’’ không phải để nghe lời Chúa hay đi tìm Chúa vì yêu mến tôn kính Chúa.  Nhưng đi tìm Chúa vì những lợi lộc trần gian của.  Nhiều khi chúng ta cũng có thái độ như họ khi đi tìm Chúa, để xin Chúa ban ơn này ơn nọ cho cuộc sống vật chất.  Chúng ta phải tâm niệm rằng Chúa Giêsu đến để dạy dỗ và cứu rỗi chúng ta.  Sứ mệnh tối cao của Chúa Giêsu là thứ nhất dạy cho chúng ta phương cách tạo dựng một sự liên hệ mật thiết với Thiên Chúa Cha như  chính Chúa thường làm, và thứ hai là mang lại cho chúng ta ơn cứu độ và sự sống vĩnh cửu, chứ không phải mang lại cho chúng ta những lợi ích vật chất thế gian nhất thời. 
Bởi thế cho nên, chúng ta phải có một đời sống cầu nguyện sốt sắng và thích hợp.  Cầu nguyện là nhu cầu quan trọng, là lương thực đích thực của chính Chúa Giêsu. Ngài luôn kết hiệp và hiệp thông với  Thiên Chúa Cha qua sự cầu nguyện.  Sự cầu nguyện đã giúp Ngài có sức mạnh chữa được những bệnh tật và loại trừ ma quỉ ra khỏi con người chúng ta. Cho nên, chúng ta cũng phải có một đời sống cầu nguyện như Chúa để có sức mạnh vượt qua khỏi những hoàn cảnh đau khổ và lo âu, và loại trừ được những sự dữ đang xiềng xích trói buộc cuộc sống chúng ta.
Ông bà anh chị em thân mến.  Khi đề cập đến cầu nguyện thì chúng ta có thái độ, khuynh hướng là đã biết rồi, đã cầu nguyện nhiều rồi, đã vào hội nọ nhóm kia rồi.  Ở đây tôi xin được chia sẽ với ông bà anh chị em 3 phương cách cầu nguyện.  Phương cách thứ thứ nhất là suy niệm bằng trí óc,  tiếng Anh gọi là meditation. Suy niệm là cầu nguyện bằng trí óc, là nghĩ về hay hướng về Chúa, hay nói một cách khác, lấy một câu lời Chúa và suy niệm. Phương cách thứ hai là đối thoại với trái tim, chứ không phải độc thoại như nhiều người chúng ta thường làm như đọc hết kinh này tới kinh kia.  Tiếng Anh gọi phương cách cầu nguyện này là conversation. Hay nói một cách khác là chúng ta tâm sự với Chúa bằng con tim, như những người bạn thân tâm sự với nhau.  Phương cách cầu nguyện thứ ba là trầm ngâm bằng linh hồn, tiếng Anh gọi là contemplation.  Trong sự cầu nguyện trầm ngâm, chúng ta không suy niệm hay nói một điều gì, mà chỉ đơn giản trong trạng thái thanh thản, thư thái yên lặng trong sự hiện diện của Chúa.  Hay nói môt cách khác, chúng ta thưởng thức, chiêm ngắm sự hiện diện của Chúa như thưởng thức một điệu nhạc thánh thót hay chiêm ngắm một cảnh hoàng hôn.
Bởi thế cho nên, trong thánh lễ hôm nay, chúng ta hãy tự hỏi đời sống cầu nguyện của chúng ta như thế nào?  Có tạo cho chúng ta sự liên hệ mật thiết với Chúa không?  Sự cầu nguyện của chúng ta có sức mạnh, quyền năng tạo những kết quả tốt cho chúng ta không?  Nhiều người đi đạo đã lâu, đọc kinh rất nhiều và tham dự Thánh lễ thường xuyên, nhưng không biết Chúa trong thâm tâm, cho nên sự cầu nguyện của họ không có kết quả gì.  Do đó chúng ta cầu xin Chúa giúp chúng ta biết hy sinh thời giờ cầu nguyện, cầu nguyện một cách chân thành, và cho chúng ta luôn được kết hợp mật thiết với Chúa qua đời sống cầu nguyện, để chúng ta được Chúa chữa lành những bệnh tật, sự dữ, và ban cho chúng ta sức mạnh vượt qua được những khó khăn, đau khổ và lo âu trong cuộc sống, giúp chúng ta chu toàn sứ mệnh chứng nhân cho Chúa và có cuộc sống trong sự vui mừng và bình an của Chúa.
 Lm. Antôn

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....