Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

Khi con cái cư xử đúng

Động vật chỉ có giác hồn nhưng chúng vẫn có thể nhận biết khi nào chúng ta giận hoặc thích chúng. Một cái vuốt ve hay một ánh mắt trìu mến của chúng ta dành cho chúng cũng được chúng nhận biết, huống chi con người là sinh vật cao cấp nhất vì có linh hồn.
Lời khen (đúng chứ không nịnh) có mãnh lực và tầm quan trọng trong việc khuyến khích những cách cư xử tích cực. Lời khen có giá trị đối với loài vật, tất nhiên cũng rất giá trị đối với con người – nhất là con cái. Cha mẹ biết chấp nhận và đánh giá cao việc con cái làm sẽ có thể giúp chúng trở thành người trưởng thành về tâm sinh lý, biết sống có trách nhiệm, tự tin và thành công.

Dùng lời khen để củng cố cách cư xử tốt của con cái một cách hiệu quả nhất là khi thấy chúng làm điều tốt.

Hằng ngày chúng có những động thái tốt, như biết chào hỏi người lớn, biết xin phép đi với bạn bè, biết cảm ơn, biết làm việc nhà, biết dọn dẹp nhà của, biết sắp xếp đồ đạc gọn gàng, biết nhường nhịn nhau, làm bài tốt,… mà cha mẹ “ngó lơ” thì chúng cảm thấy những việc chúng làm không hay hoặc vô giá trị. Nhưng, có thể do “bản năng” hoặc “dễ thực hiện”, chúng ta thường làm ngơ những động thái tích cực mà lại “chú ý” các động thái tiêu cực. Đa số người lớn chúng ta có xu hướng “bình thường hóa” khi trẻ làm điều đúng nhưng lại “xoi mói” khi trẻ sai trái.

Hãy tạo thói quen tìm các động thái tích cực của trẻ chứ đừng “bới bèo ra bọ”. Nếu thấy con cái làm điều gì tốt, đừng tiếc lời khen với chúng. Cha mẹ có thể nói “Cảm ơn con đã làm việc nhà” hoặc “Ba/mẹ thích các con nhường nhịn nhau như vậy”. Chắc chắn chúng sẽ hạnh phúc, hiểu giá trị của việc chúng làm và chúng sẽ cố gắng làm tốt hơn.

Chấp nhận

Khi nhờ con cái làm gì, có thể chúng cằn nhằn. Đang tuổi phát triển, chúng thường muốn chứng tỏ mình và thích làm trái ý người khác, do đó chúng tỏ ra bướng bỉnh. Chúng dễ ghét mà cũng dễ thương. Hãy kiên nhẫn hướng dẫn chúng, nhẹ nhàng nói với chúng chứ không nên bực tức hoặc “ra lệnh”. Chúng còn hiếu động nên đừng bắt chúng phải ngồi im lâu. Đó là lẽ tất nhiên của tuổi đang lớn hoặc mới lớn, vì não chúng đang hoạt động mạnh để cơ thể phát triển toàn diện.

Khi con cái làm việc gì, hãy thật lòng khen chúng làm tốt, nhưng nếu chúng làm chưa tốt thì hãy phân tích và hướng dẫn cụ thể, đừng “bóng gió” hoặc la rầy chúng. Khen hành động tốt của chúng là cho chúng biết cha mẹ chấp nhận chúng, và chúng có thể hiểu thế nào là đúng hay sai. Có nhiều động thái và lời nói có thể dùng để khích lệ con cái con cái, chẳng hạn: Ôm choàng, nựng, cười, vỗ nhẹ vào vai hoặc lưng,… Cũng có thể nói những câu tích cực, đại loại như: “Ba/mẹ hãnh diện về con”, “Con làm tốt lắm!”, hoặc “Con ngoan lắm”.

Khen ngợi

Phần thưởng cụ thể là cách khác để thể hiện sự khen ngợi khi con cái có động thái đúng. Phần thưởng không cần “cao siêu”, có thể là cho chúng thêm thời gian xem ti-vi hoặc chơi game, cho đi chơi, cho mua cuốn sách chúng thích,… Phần thưởng “nhỏ” nhưng hiệu quả “lớn” đối với chúng, khả dĩ động viên chúng làm những việc tốt và hành xử đúng đắn. Việc khen ngợi thường xuyên giúp chúng nhận thức rõ ràng và đánh giá cao những điều tốt, nhờ đó mà chúng có thể trở nên người hữu ích, biết hy sinh và nhẫn nhịn.

Sự khen ngợi không chỉ dành cho những đứa con biết hành động đúng. Nếu con cái sai lầm mà biết sửa sai, đó cũng là động thái đáng khích lệ và cần được khen. Vả lại, con cái “đụng đâu hư đó” là chuyện tất yếu, ai sinh ra cũng “không hề biết gì”, không học và không hành thì làm sao có kinh nghiệm? Thế nên chúng cần được chỉ bảo tận tình cho tới nơi tới chốn, như tiền nhân phân tích: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Chúng cần học thì chúng ta phải dạy. Hãy kịp thời khen con cái để chúng có thể thêm tự tin, chịu trách nhiệm với chính mình và có thể tự lập thân.
Trầm Thiên Thu


Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....