Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Khi hai nên một: Giáo huấn mục vụ về định nghĩa, mục đích và sự thánh thiện của hôn nhân

TGM John Joseph Myers

Thư mục vụ về Hôn nhân 2012
Hôn nhân cũng lâu đời như nhân loại. Từ khởi thuỷ, Thiên Chúa dựng nên loài người theo hình ảnh của Người và nên giống Người; người nam và người nữ, Người đã dựng nên họ (x. St 1,27). Sự khác biệt và bổ sung giới tính đã hiện diện từ đầu như một phần trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa. Bình đẳng trong phẩm giá, nhưng bổ sung cho nhau trong sự khác biệt giới tính, những người nam và những người nữ được kêu gọi đến hôn nhân, được dự định hình thành những kết hợp nên một xác thịt :” Vì thế người đàn ông rời bỏ cha mẹ mình và gắn bó với vợ và họ trở thành một huyết nhục” (St 2,24).
Vì thế, hôn nhân có thể được coi là “bí tích căn bản”, xảy ra trước khi Sa Ngã và tiếp tục tồn tại sau tội tổ tông. Nó cung cấp bối cảnh lý tưởng cho con cái – những công dân của quốc gia và của Nước Trời – được hình thành, được nuôi dưỡng và được giáo dục. Vì thế đó là khối xây dựng nền tảng của mọi xã hội và của Gíao Hội, một vấn đề quan tâm sống còn của cả hai.

Suy tư mục vụ nầy được Đức TGM giáo phận Newark đưa ra cho các tín hữu nhằm giúp họ hình thành lương tâm mình, phân tích các ơn gọi của họ và, với những người đã kết hôn, thì giúp họ hực hiện trọn vẹn những lời đã đoan thệ. Nó cũng được đưa ra cho những người nam và những người nữ thành tâm thiện chí khác – bất kỳ tôn giáo nào – đến cùng chúng ta trong niềm hy vọng chân thành được nhìn thấy cuộc sống gia đình triển nở [trong vùng Bắc New Jersey, trên toàn bang và toàn quốc]. Vì Thiên Chúa yêu thương và chăm sóc chúng ta, Người đã mạc khải cho chúng ta bản chất, mục đích và ý nghĩa của hôn nhân. Sự mạc khải nầy được ghi lại trong Kinh Thánh và Thánh truyền. Nó được gìn giữ bảo vệ và triển khai bởi Huấn Quyền, nơi ban ra những giảng dạy của Giáo Hội. Điều nầy đem cho tín hữu sự đảm bảo chắc chắn đức tin trong lời giảng dạy của Giáo Hội về bản chất của hôn nhân. Nhưng hôn nhân cũng là một phần trong chương trình tạo dựng của Thiên Chúa và có thể được lĩnh hội qua lý trí, không cần đến mạc khải. Chân lý về hôn nhân, nói cách khác, là một phần của luật tự nhiên. Thư mục vụ nầy vì thế sẽ xem xét hôn nhân từ góc độ lý trí cũng như mạc khải.

1. Hôn nhân là gì?

Hôn nhân là một cơ chế tự nhiên và tiền chính trị. Với tư cách ấy, nó không được tạo thành bởi luật pháp hoặc quốc gia, cho dù các chính quyền công nhận nó một cách đúng đắn trong luật pháp và bảo vệ, ủng hộ nó vì công ích. Hôn nhân là một cơ chế của con người, xin đừng quên và các người phối ngẫu chỉ có thể cam kết hôn nhân khi tự do lựa chọn để làm như thế. Mặc dù vậy, hôn nhân là một cơ chế mà những nét đặc trưng xác định nó và những tiêu chí cấu trúc nó lại không phải là những kết quả thuần tuý do con người lựa chọn. Chúng ta không thể định nghĩa và tái định nghĩa hôn nhân theo sở thích và những mục tiêu cá nhân chúng ta. Chúng ta không thể tạo những hình thức quan hệ hoặc những kiểu đạo đức hôn nhân đơn thuần bằng việc gắn liền hoặc trói vào với chúng từ ngữ “hôn nhân”. Những nét đặc trưng xác định và những tiêu chí cấu trúc của hôn nhân được viết trong ý định của công cuộc tạo dựng và được Thiên Chúa đầy tình thương, – Đấng đã làm cho hôn nhân trở thành một biểu tượng đầy quyền năng của mầu nhiệm Tình Yêu Người dành cho chúng ta – mạc khải cho chúng ta. Vì nó là một phần của chương trình tạo dựng, cho nên nhiều phần chân lý về hôn nhân có thể được lý trí biết mà không cần sự trợ giúp của mạc khải. Nhưng để giúp chúng ta hiểu đầy đủ hơn và chắc chắn hơn mầu nhiệm tình yêu hôn nhân, Thiên Chúa cũng đã mạc khải cho chùng ta kế hoạch của Người đối với hôn nhân.

Cả Giáo Luật và Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đều cung cấp một định nghĩa rõ ràng về hôn nhân :”Giao ước hôn nhân – qua đó một người nam và một người nữ thiết lập giữa họ một quan hệ [đối tác] trọn cuộc đời, - tự bản chất nó được thiết định cho thiện hảo của các phối ngẫu và sự sinh sản và giáo dục của con cái…”. Do vậy, các yếu tố chính của hôn nhân bao gồm sự kết hợp đời sống (sự hoà hợp], sự vĩnh cửu, sự chung thuỷ và sự hướng tới khả năng sinh sản (kết quả tốt đẹp). Từ định nghĩa nầy phải rõ ràng rằng Giáo Hội công nhận tất cả mọi hôn nhân thật sự là có hiệu lực và ràng buộc, không chỉ những hôn nhân giữa các tín hữu Công giáo hoặc các Kitô hữu hoặc những người tin vào Thiên Chúa. Đúng thật là Chúa Kitô đã nâng giáo ước hôn nhân giữa những người đã được rửa tội lên địa vị một bí tích. Nhưng xét theo mặt một điều thiện hảo tự nhiên của con người, thì hôn nhân trong ý nghĩa sâu xa của nó, không chỉ có trước quốc gia, mà cả trước Giáo Hội và trước cả giáo ước Abraham mà người Kitô hữu, Do Thái giáo và Hồi giáo đều công nhận như nhau là nền tảng cho đức tin có tác dụng cứu rỗi.

Ngay cả trong ý nghĩa rộng nhất của nầy, thì sự hoà hợp của giao ước hôn nhân là một sự kết hợp đời sống và tình yêu. Người chồng và người vợ trao hiến cho nhau hết trọn cuộc đời. Giao ước của họ là một cam kết không hạn chế về thời gian – một sự kết hợp mang tính giao ước đến trọn đời (“bất kể ra sao, khi thịnh vượng hay lúc nghèo khổ; khi mạnh khoẻ hay khi ốm đau”), chứ không chỉ là một hợp đồng. Nó không kết hợp các phối ngẫu chỉ để hoàn thành cái kế hoạch nầy hoặc kế hoạch kia (kể cả kế hoạch nuôi dạy con cái hết sức quan trọng), nhưng được dự định sẽ kéo dài cho đến trọn đời (“cho tới khi cái chết làm nhiệm vụ của nó với chúng ta”) trong nhiều chiều kích đa dạng của nó. Các phối ngẫu thề hứa chung thủy với nhau (“anh/em hứa sẽ trung thành với em/anh…”) và chấp nhận con cái Chúa ban một cách yêu thương”.

Định nghĩa nầy chúng ta biết từ đức tin cũng như từ lý trí và là một phần trong giáo huấn đích thực của Giáo Hội. Tất cả mọi tín hữu Công Giáo – như Công Đồng Vatican II dạy – được kêu gọi để tâm đầu ý hợp với giáo huấn nầy. Một số trong giáo huấn nầy – như sự tin tưởng về tính vĩnh cửu của hôn nhân – đã được đề nghị một khách bất khả ngộ bởi Huấn Quyền phổ quát thông thường và được định nghĩa do một Công Đồng Đại Kết và đòi buộc sự đồng ý của đức tin. Bổn phận của tôi với tư cách TGM của anh chị em, là nhắc nhở anh chị em rằng những tín hữu Công giáo nào không chấp nhận giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình (đặc biệt những ai dạy hoặc hành động trong đời sống tư hay công trái ngược với thánh truyền mà Giáo Hội nhận được về hôn nhân và gia đình), qua sự lựa chọn của riêng họ, gây hại nghiêm trọng sự hiệp thông của họ với Chúa Kitô và với Giáo Hội của Người. Tôi thúc giục những người không hiệp thông vói Giáo Hội liên quan đến giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình (hoặc về bất cứ vấn đề đức tin nghiêm trọng nào khác), hãy mau chân thành xem xét lại lương tâm mình, cầu xin Thiên Chúa ban ơn Thánh Linh hằng “dẫn dắt [chúng ta] tới mọi điều chân lý” (Ga 16,13). Nếu họ vẫn tiếp tục không thể tán thành với hoặc sống giáo huấn Giáo Hội trong những vấn đề nầy, thì họ phải hết sức trung thực và khiêm nhường ngưng rước lễ cho tới khi họ có thể làm như thế với sự liêm chính. Tiếp tục rước lễ trong tình trạng bất đồng ý kiến như thế sẽ là không trung thực xét về mặt khách quan.

Mọi Kitô hữu đấu tranh để sống một cuộc sống ngay thẳng. Tất cả đều cần đến lòng xót thương và sự tha thứ của Thiên Chúa. Chính vì thế mà mọi tín hữu Công giáo được khuyến khích năng lui tới với Bí Tích hoà giải nơi không có tội nhân nào là không được Thiên Chúa yêu thương tha thứ cho. Nhưng có một sự khác biệt giữa cố gắng sống trọn vẹn Phúc Âm trong khi thống hối các lầm lỗi trong cuộc đời với chẳng cố gắng chút nào. Tệ hơn nữa là âm mưu do một số người nhằm thay đổi hoặc bóp méo giáo huấn đích thực của Giáo Hội, vốn là giáo huấn thật sự của Chúa Kitô. Như Giáo Lý dạy :” Những lời đầy quan tâm của Chúa Kitô cho các tông đồ của Người : Ai nghe các con, là nghe Thầy” (Lc 10, 16), các tín hữu ngoan ngoãn đón nhận những lời giảng dạy và các chỉ thị mà các chủ chăn của họ ban cho họ dưới các hình thức khác nhau”. Chúa Giêsu đã có những điều rất gay gắt để nói với những kẻ mà những lời giảng dạy sai lầm đã dẫn người khác, đặc biệt giới trẻ, lầm đường lạc lối. Thiên Chúa, khi ấy là Đấng hoàn toàn công chính và hoàn toàn giàu lòng xót thương. Người luôn kêu gọi chúng ta làm cho sự trung thành nên trọn vẹn, nhưng không bao giờ hắt hủi một tâm hồn ăn năn.

2. Chân lý về Hôn nhân có thể được biết qua lý trí mà thôi không?

Câu trả lời vắn gọn cho câu hỏi nầy là “có”, đa phần chân lý về hôn nhân có thể được hiểu thấu qua một mình lý trí. Các triết gia, cả thế tục lẫn tôn giáo, từ thời xa xưa đã công nhận sự hiện hữu của ‘luật tự nhiên” nầy : một bộ tiêu chuẩn luân lý “được viết trên tâm hồn”, như lời Thánh Phaolô, được dùng như tiêu chuẩn lý trí phổ quát cho tư cách đạo đức con người. Những tiêu chí nầy con người có thể tiếp cận qua những năng lực lý trí của chúng ta. Chúng có thể bị lu mờ do những bất công và các tội khác, nhưng chúng không thể bị tẩy sạch phá huỷ hoàn toàn. Chúng vẫn có hiệu lực dù chúng được tôn trọng hay là bị làm ô danh, dược nhìn nhận hoặc bị lờ đi không biết đến. Nói cách khác, luật tự nhiên nầy vẫn luôn đúng thật, có thể tiếp cận được, kể cả nếu cá nhân không (chưa) chấp nhận nó hay không còn chấp nhận nữa”.

Cả luật tự nhiên và truyền thống của suy tư triết học về nó đều không phải là một phát minh Kitô giáo. Quả thật suy tư triết học về luật tự nhiên nầy có từ thời các triết gia Hy lạp tiền Kitô giáo, đặc biệt là Platon và Aristote và các nhà luật học La Mã. Ciceron mô tả sự hiểu biết của mình về luật tự nhiên trong khi làm một thủ lãnh chính trị trong đế quốc La Mã ở thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên.

Luật đúng thật là lý trí đúng phù hợp với tự nhiên. Nó áp dụng phổ biến, không thay đổi và vĩnh viễn….Thật là một tội khi cố gắng thay đổi luật nầy, và cũng không thể cho phép thử huỷ bỏ bất cứ phần nào trong đó và càng không thể huỷ bỏ nó hoàn toàn được. Chúng ta không thể được giải phóng khỏi các nghĩa vụ của nó bằng viện nguyên lão hoặc dân chúng, và chúng ta không cần nhìn ra bên ngoài chính chúng ta để tìm người giải thích hoặc để làm sáng tỏ điều đó…Và sẽ không có những luật khác biệt ở Roma và ở Athen hoặc những luật khác biệt bây giờ hoặc trong tương lai, nhưng một luật duy nhất vĩnh cửu và không thể thay đổi sẽ có hiệu lực cho mọi quốc gia và ở mọi thời và sẽ chỉ có một chủ tể và người cai trị, nghĩa là Thiên Chúa, trên hết mọi người chúng ta, vì Người là tác giả của luật của Người, là Đấng ban hành nó và là Đấng phán xét củng cố nó. Bất cứ ai bất tuân đều lẫn trốn khỏi chính mình và phủ nhận bản tính con người của mình, …

Các nhà tư tưởng Kitô giáo như là Thánh Tôma Aquinô chắc chắn đã góp phần vào việc phát triển tư duy về luật tự nhiên và các nhà chính trị lão thành dựa vào đó trong việc lập ra những quốc gia hiện đại. Ở Hoa Kỳ, các vị khai sáng tin vào những gì Tuyên Ngôn Độc Lập gọi ‘các luật của Tự Nhiên và của Thiên Chúa của Tự Nhiên’. Các nhà lập quốc của chúng ta kêu gọi các nguyên lý phổ quát và các quyền tự nhiên mà các người Mỹ thuộc địa tin là đã bị sự thống trị của nước Anh xâm phạm. Họ hiểu rằng có những nguyên tắc khách quan về phải trai thiện ác, công bằng và bất công đang cai quản cả những quyền bính cao nhất của con người. Như Martin Luther King, Jr. lưu ý về sau, họ hiểu rằng luật con người ở dưới phán quyết của luật tự nhiên và rằng các luật lệ con người không đáp ứng những tiêu chuẩn của công bằng tự nhiên, thì thiếu sức mạnh của những luật đúng đắn để ràng buộc vào lương tâm.

Trong các thời đại chúng ta, chúng ta cần nhận thức và vượt qua những ý thức hệ sai lầm và về cơ bản mang tính phá hoại vốn phủ nhận những gì mà các nhà tư tưởng từ Platon đến Aristote, từ Ciceron đến Aquinô, từ những nhà lập quốc người Mỹ, từ Martin Luther King và Mahatma Gandhi đã khẳng định : rằng chân lý khách quan hiện hữu. Bổn phận chúng ta là khám phá ra nó, được nó đào luyện, và làm cho đời sống chúng ta, với tư cách cá nhân và cộng đồng, hoà hợp với chân lý. Sự thi hành của con người và các tiêu chí luân lý hướng dẫn chúng ta để thúc đẩy và bảo vệ nó trong tất cả mọi chiều kích của nó, không phải là những khái niệm độc đoán hoặc chủ quan, nhưng là những chân lý khách quan. Cuộc sống có ý nghĩa, nhưng ý nghĩa của nó không bị chúng ta chỉ định theo ý. Chúng ta phải muốn những gì là tốt, nhưng một số điều không tốt, đơn thuần bởi vì chúng ta muốn nó. Chúng ta phải làm chủ những dục vọng của chúng ta, chứ không phải để cho dục vọng làm chủ chúng ta.

Các ý thức hệ khác nhau ngày nay đe doạ lòng yêu chân lý – và quả thật, chính ý tưởng về chân lý khách quan – cấu thành, như lời Đức Thánh Cha Biển-Đức XVI, một “chế độ độc tài của thuyết thương đối”. Chúng làm u muội ý thức, đặc biệt là nơi giới trẻ, của bất cứ nguyên tắc và tiêu chí ràng buộc mọi người, [ý thức] những hành vi sai lầm một cách khách quan, ở mọi thời và mọi nơi. Nhưng không có chân lý, nhất là chân lý đạo đức luân lý, có thể không có công bằng và tự do hoặc sự ngay thẳng; chỉ có quyền lực trần trụi, ra lệnh và điều khiển.

Trường hợp hôn nhân cũng như thế. Nhiều người ngày nay cho rằng đó là một điều độc đoán mà ý nghĩa và mục đích của nó bị áp đặt bằng tiếng thưa xin vâng [fiat] mang tính chính trị và pháp lý. Nó có thể nói một điều bây giờ và một điều khác sau nầy. Nhưng điều nầy chưa bao giờ là trường hợp nầy. Như Thánh Bộ Đức Tin Luân Lý đã chỉ ra:

Giáo huấn Giáo Hội về hôn nhân và về sự bổ sung giới tính nhắc lại một chân lý vốn hiển nhiên đối với lẽ phải và được công nhận như thế bởi tất cả mọi nền văn hoá lớn trên thế giới. Hôn nhân không phải là bất cứ quan hệ nào giữa những con người. Nó đã được thiết lập bởi Đấng Tạo Hoá với bản chất, đặc tính và mục đích riêng của nó. Không ý thức hệ nào có thể tẩy xoá khỏi tâm trí con người sự chắc chắn rằng hôn nhân hiện hữu chỉ có giữa một người nam và một người nữ, vốn bằng sự trao ban cho nhau, riêng và độc quyền cho nhau, hướng tới sự hoà hợp con người họ. Bằng cách nầy, họ làm cho nhau nên hoàn thiện để hợp tác với Thiên Chúa trong việc sinh sản và nuôi dạy những sự sống con người mới. Chân lý tự nhiên về hôn nhân được xác nhận bởi Mạc Khải chứa đựng trong các thuật trình Kinh Thánh về công uộc tạo dựng, một diễn tả cũng nói lên sự khôn ngoan nguyên thuỷ của con người, trong đó tiếng nói của chính tự nhiên được lắng nghe. Sự hiểu biết của chúng ta về việc làm thề nào để sống ý nghĩa hôn nhân có thể tiến hoá theo thời gian, nhưng bản chất, những đặc tính chính yếu của hôn nhân không bao giờ là của chúng ta để mà thay đổi.

3. Giáo Hội Công Giáo dạy gì về những người với sức hút đồng tính?

Giao Lý Hội Thánh Công Giáo có 2, 865 đoạn. Chỉ có 3 trong số đó đề cập trực tiếp tới vấn đề sự lôi cuốn đồng tính. Trong hai của những đoạn nầy (2358 – 2359), Giáo Hội tái khẳng định phẩm giá và giá trị của những người với “những khuynh hướng đồng tính ăn sâu”, ra lệnh rằng họ phải “được chấp nhận với sự tôn trọng, cảm thông và sự nhạy cảm”. Giáo Hội cũng lên án bất cứ loại phân biệt đối xử bất công nào chống lại họ và thừa nhận những khổ tâm mà họ có thể trải qua. Giáo Lý kêu gọi những người có khuynh hướng đồng tính – như với tất cả mọi Kitô hữu, sống khiết tịnh và thánh thiện, được hỗ trợ bởi “tình bạn vô vụ lợi”, bởi “lời cầu nguyện và ân sủng bí tích”. Đa số người tìm thấy những đoạn nầy tầm thường, ngoại trừ đối với sự nhạy cảm mục vụ của họ.

Điều nầy để lại một đoạn vốn gây một số hiểu lầm. Đoạn 2357 định nghĩa đồng tính làgì, nhận định rằng nó đã mặc những hình thức khác nhau trong những thời đại và những nền văn hoá khác nhau và ám chỉ đến sự thiếu đồng thuận giữa các nhà tâm lý học và các nhà khoa học xã hội khác trong sự hình thành phát sinh của nó. Đoạn nầy tiếp tục bằng việc khẳng định rằnh Giáo huấn của Giáo Hội được đặt nền tảng trên sách thánh và thánh truyền đã dạy mọi lúc và mọi nơi rằng các hành vi đồng tính không phù hợp với luật tự nhiên. Do vậy, đoạn nầy kết luận bằng việc nhận định: Chúng [các hành vi đồng tính] trái nghịch với luật tự nhiên. Chúng đóng kín hành vi tình dục với quà tặng sự sống. Chúng không phát xuất từ một sự bổ sung tình cảm và tình dục thật sự. Chúng không thể được chấp thuận dưới bất cứ tình huống nào.

Giáo huấn nấy không phải là mới mẻ, nhưng là tái khẳng định tiêu chí luân lý rằng vị trí duy nhất có thể chấp nhận đối với sự diễn tả tình dục sinh dục là trong một hôn nhân vợ chổng dựa trên sự bổ sung tình dục của một cặp vợ chồng và sự kết hợp một nhục thể của một người chồng và một người vợ.

Vì giáo huần nầy, một số người cáo buộc một cách sai lầm rằng Chúa Kitô và Giáo Hội của Người lên án hoặc không yêu mến những con người đang trải nghiệm sự lôi vuốn tình dục hoặc yêu đương với những người cùng giới tính. Ngược lại, trong khi kêu gọi mỗi người trong chúng ta từ bỏ mọi lối sống tội lỗi, Chúa Kitô và Giáo Hội Người yêu thương mọi người ngang bằng nhau, trong mọi điều kiện sống : kẻ chưa sinh ra và người đang hấp hối; người khoẻ mạnh và kẻ yếu đau; người trẻ và người già; nam và nữ, bất kể khuynh hướng của họ như thế nào.

Quả thật, đó một cách chính xác là vì tình yêu thương và lòng tôn trọng nầy đối với phẩm giá của mọi con người mà Chúa Kitô và Giáo Hội của Người kêu gọi chúng ta hãy cố gắng phấn đấu cho sự phát triển đầy đủ như những hữu thể được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa, và từ bỏ mọi hành vi bất xứng với địa vị cao thượng của chúng ta.

Nói cách khác, Chúa Ki-tô và Giáo Hội Người nhìn nhận rằng không người nào đơn thuần bị trói buộc bởi “sự không tự do” với bất cứ hình thức sinh hoạt tình dục nào; đúng hơn, là con người, mỗi người có khả năng thực hiện những khả năng tình dục trên căn bản những phán đoán hợp lý và những giá trị luân lý đạo đức. Vì lý do nầy, Giáo Hội “từ chối coi con người là một người lưỡng tính dục hoặc một ngườ đồng tính. Thay vì thế, Giáo Hội nói về những người có “khuynh hướng” đồng tính và kêu gọi họ, như mọi người, hãy sống chan hoà trong mọi môi trường ở nhà và ở nơi làm việc, trong Giáo Hội và trong xã hội.

(CÒN TIẾP 1 KỲ)

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....