Trong số các loài sinh vật dưới lòng biển có loài tôm thỉnh thoảng phải lột vỏ để lớn lên. Thời gian vừa lột vỏ và trong khi chờ đợi làm lại vỏ khác là thời gian đầy những nguy hiểm cho thân xác và cho tính mạng của tôm hơn cả. Nó là những con mồi ngon cho loài cá lớn luôn rình rập đâu đó để tấn công và nuốt chửng những miếng mồi mềm lụn ngon lành. Vì thế trong thời gian thay vỏ đổi lốt ấy loài tôm phải rất cẩn thận đề phòng và xa tránh thù địch luôn rình chực để tấn công cách bất ngờ.
Một hiện tượng tương tự cũng xảy đến cho tuổi trẻ, nhất là trong giai đoạn chuyển tiếp giữa tuổi thơ ấu và tuổi dậy thì, tức là khi các em tạm rời mái gia đình đầm ấm để bước chân tới trường học và khi từ giã sự an bình thanh thỏa của tuổi niên thiếu để bước vào những xáo trộn và bất an của tuổi dậy thì.
Thật vậy, các nhà giáo dục thường gọi tuổi niên thiếu và tuổi dậy thì là những miếng mồi ngon của xã hội, của những người bất lương luôn rình chực với đủ mọi mưu mô xảo quyệt để làm lợi cho mình. Tuy nhiên hai lứa tuổi trên đây cũng là những thách đố lớn đối với các phụ huynh và những nhà giáo dục, là thời điểm tốt đẹp để gieo những hạt giống tốt, để vun trồng những mầm non của chân giá trị và các nhân đức tốt.
Phương pháp giáo dục của Don Bosco cũng bắt đầu từ niềm xác tín nói trên. Và chính vì lý do đó ngài luôn tích cực tạo điều kiện tinh thần cũng như những hoàn cảnh bên ngoài để các bạn trẻ dần dần tự tạo cho mình “áo chiến bào” của một người trưởng thành sau này. Ngoài ra Don Bosco cũng rất quan tâm đến sự hiện diện và vai trò của những người có trách nhiệm đồng hành với tình thương và hướng dẫn các bạn trẻ biết khôn ngoan đồi phó với những “kẻ trộm” đang rình chực trên bước đường khó khăn này.
Bước vào tuổi thành niên tức là biết chấp nhận từ bỏ sự che chở ấp ủ của tuổi thơ để bắt đầu bước đi vững chãi hơn, để bắt đầu thực sự hành động hơn là ở trong thế tự vệ. Các bạn trẻ cần được nhiều dịp tiếp xúc với thế giới và môi trường của người lớn một cách gần gũi hơn. Quả là một điều may mắm cho các bạn trẻ nếu trong bước đường này có thể gặp được những mô phạm tốt lành, những mẫu gương giá trị và những thầy dạy khôn ngoan giàu kinh nghiệm.
Nhưng thử hỏi, tìm đâu ra được những mẫu người trưởng thành như thế trong môi trường xã hội ngày nay, và có dễ không ? Chúng ta nghĩ gì về các chương trình vô tuyến truyền hình và phim ảnh đang ảnh hưởng nơi tâm hồn và trong đời sống của các bạn trẻ ? Nó là như những cánh cửa sổ bày tỏ những bí ẩn và những kinh nghiệm dành riêng cho thế giới của những người trưởng thành. Vô tuyến truyền hình đã tỏ bày cho các trẻ em biết những điều thuộc về thế giới của người trưởng thành quá sớm, và nhiều khi quá liều lĩnh, thiếu khôn ngoan nữa. Nó là như những lưỡi câu nguy hiểm và các bạn trẻ lại khác nào những miếng mồi ngon không thể bỏ lỡ mất được.
Có những người lầm tưởng rằng, làm như thế là tạo cơ hội cho các em được sớm trưởng thành và trưởng thành mau lẹ hơn. Tuy nhiên kinh nghiệm thực tế lại minh chứng hậu quả trái ngược. Nhà tâm lý học Peter Neubauer quả quyết rằng:
Các bạn trẻ được đưa đẩy vào kinh nghiệm sống của những người trưởng thành quá sớm và một cách vội vã, thiếu sự chuẩn bị khôn ngoan, không những không trưởng thành cách mau lẹ mà lại còn thoái lui nữa. Nhiều khi vì quá sợ hãi, các bạn trẻ trở lại bám víu vào vỏ an toàn ninh của tuổi niên thiếu và ở lỳ trong đó luôn, không còn can đảm chỗi dậy, bước ra khỏi đó để đương đầu với những khó khăn, những thách đố của tiến trình trưởng thành nữa. Vì thế không lạ gì có những nguời vì không biết vượt qua bước đường khó khăn này, nên tuy thể xác đã bước vào tuổi trưởng thành, nhưng vẫn còn giữ tâm trạng của thời niên thiếu và những tính cách ấu trĩ. Kết quả là hiện tượng tuổi trẻ kéo dài và những kiểu cách sống thiếu trưởng thành và vô trách nhiệm lan rộng trong môi trường xã hội.
Nhận xét của nhà tâm lý trên đây nói lên tầm quan trọng và vai trò không thể nào thay thế được của phụ huynh và các nhà giáo dục. Đó là trọng trách giúp con em tìm lại được “kháng chất tinh thần” và tự tạo cho mình “áo giáp” để biết đương đầu với những ảnh hưởng tiêu cực của xã hội và cạm bẫy của những thù địch không biết hổ thẹn nuốt chửng những con mồi thơ dại.
Vậy cần phải làm gì? Don Bosco mách bảo cho chúng ta một vài chỉ dẫn sau đây:
1. Cần biết phân biệt sự che chở, bảo vệ đúng đắn với sự tách biệt đến mức độ cô lập hóa đứa trẻ như những cây trong vườn ương. Đứa trẻ quá được bảo vệ che chở khỏi mọi nguy hiểm sẽ dễ trở thành bất an, thiếu tự tin. Vì thế khi phải chạm trán với những khó khăn nguy hiểm của đời sống thực tế, sẽ không biết phải tự xoay xở thế nào. Che chở và dìu dắt đứa trẻ theo đúng nghĩa tức là đồng hành với nó, với sự hiện diện thể xác hoặc tinh thần. Một sự hiện diện như điểm đối chiếu và tham khảo tham chiếu trước những éo le không thể tránh khỏi, không thể ngờ trước được.
2. Tuổi trẻ cần được tiếp xúc với những người trưởng thành có phẩm chất lượng cao. Bởi vì hơn ai hết, các bạn trẻ học hỏi nhiều qua gương sáng đời sống hơn là qua lời nói suông. Một trong những mối nguy hại lớn cho các gia đình ở tỉnh và nhất là tại những quốc gia tân tiến là thời gian tiếp xúc quá ít ỏi và nghèo phẩm chất giữa cha mẹ và con cái trong gia đình, hoặc vì lý do công ăn việc làm, hoặc vì không hiểu rõ tầm quan trọng đó cho nên cũng chẳng tha thiết gì cả.
3. Các bạn trẻ cần được đề phòng khỏi những ảnh ưởng xấu và sức ép của các phương tiện truyền thông xã hội. Vấn đề không phải là cái vô tuyến truyền hình, nhưng đáng lo ngại hơn cả là đứa trẻ bị bỏ rơi ngồi trước vô tuyến truyền hình, hoặc được phó thác cho sự giáo dục của các giá trị được truyền đạt qua các chương trình vô tuyến truyền hình, đã được chỉ huy và điều khiển bởi những bộ óc vô hình.
Các bạn trẻ không cần phải xem hết tất cả mọi chương trình, cũng không cần biết hết mọi sự để được gọi là người có kiến thức hiểu biết. Lầm tưởng như thế tức là chẳng khác gì người khờ dại muốn cho đứa bé sơ sinh ăn những miếng thịt thật ngon, thật to để các em mau lớn. Như thể xác cần đến những lương thực thích hợp với từng lứa tuổi, từng giai đoạn phát triển. Cũng vậy, tâm hồn và lý trí các em cũng cần đến những lương thực tinh thần thích hợp với mỗi giai đoạn và nhu cầu của từng cá nhân.
4. Tuổi trẻ cần được chỉ rõ đâu là đích điểm và cần phải làm gì với sức sống đang vươn lên trong tâm hồn họ, cần được chỉ dẫn cho biết đâu là luật sống của con người trong cộng đoàn xã hội. Cần phải biết rằng có những thứ kinh nghiệm có thể và cần được tái cảm nghiệm lại, nhưng cũng có những kinh nghiệm họa hiếm chỉ xảy đến một lần và không bao giờ trở lại nữa nếu không biết lợi dụng đúng thời, đúng lúc.
5. Sự đoan trang nết na không phải là một nhân đức lỗi thời như một số người vẫn lầm tưởng, nhưng chính là chiến bào hữu hiệu có thể bảo vệ sự nguyên vẹn của tuổi trẻ trước những sự xâm phạm trắng trợn và những lường gạt tinh xảo của xã hội hưởng thụ ngày nay.
6. Trao dồi tư cách đứng đắn thanh lịch, nhất là khả năng biết tự chủ là thành quả tốt đẹp của những chiến thắng trên các đam mê và trên những phản ứng quá tự nhiên đến mức độ lăng loàn. Có thể nói được rằng, xã giao lịch sự là vần a, b, c, của sự an bình và kỷ luật xã hội. Nó đòi hỏi sự khắc phục bản tính tự nhiên để có thể sống, và hành động theo những bậc thang giá trị mà mình đã chọn lựa.
Ferrero Bruno
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét