
Ông bà
anh chị em thân mến. Năm trăm ba mươi
lăm năm trước Chúa Giê-su sinh ra, người Do thái đang bị lưu đày, nô lệ tại
Ba-bi-lon. Như tôi đã đề cập đến một hai
lần trước đây. Bài đọc 1 hôm nay là lời tuyên bố của ngôn sứ I-sa-i-a báo cho
dân biết, vua của nước Pê-si-a đã chinh phục được nước Ba-bi-lon và hứa sẽ giải
phóng dân Do thái khỏi cảnh nô lệ trở về quê hương.
Trong khi bị xâm lăng và lưu
đày, quê hương, thành phố và nhà cửa của người Do thái đã bị quân Ba-bi-lon tàn
phá, nhưng người Pê-si-a cũng đã hứa sẽ giúp họ xây dựng lại. Ngôn sứ còn cho họ
biết Thiên Chúa cũng hứa sẽ tha thứ những tội lỗi của họ, là hình phạt và lý do
tại sao họ phải bị lưu đày làm nô lệ ở Ba-bi-lon. Thiên Chúa còn nhận
Giê-ru-sa-lem và Giu-đê-a làm hôn thê của Người. Chúng ta biết hình ảnh Thiên Chúa kết hôn với
dân riêng của Người rất quan trọng trong Kinh thánh Cựu ước, và cũng là biểu tượng
cao nhất trong kinh nghiệm của con người, được dùng để diễn tả tình yêu và sự mật
thiết trong sự liên hệ giữa Thiên Chúa và con người. Hình ảnh này cũng rất cần
thiết và sửa soạn cho bữa tiệc hôn nhân trong bài Tin mừng hôm nay.
Ông bà anh
chị em thân mến. Tôi cầu xin và ước muốn
một cách chắc chắn là ông bà anh chị em thật sự mời Chúa Giê-su vào trong gia
đình, nhất là vào trong sự liên hệ hôn nhân vợ chồng, cho dù chỉ mới một ngày, một
tháng, một năm, hay đã mười năm hay năm, bảy chục năm.
Cách đây mấy
năm, một đôi vợ chồng mua một ngôi nhà mới và tiêu nhiều tiền để chưng bày,
trang hoàng ngôi nhà. Người chồng muốn treo một bức hình Trái Tim Chúa Giê-su ở
ngay phòng khách, nhưng người vợ không đồng ý vì không thích hợp với những sự
trưng bày cho một ngôi nhà mới. Nhưng người chồng khăng khăng một mực và nhắc
cho người vợ lời Chúa phán trong Tin mừng thánh Mát-thêu chương 10 câu 32 rằng:
“Vậy ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt
Cha Thầy là Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt người đời, thì Thầy
sẽ chối nó trước mặt Cha Thầy là Đấng ngự trên trời.” Vì cũng là người sốt sắng và đạo đức, cho nên
người vợ đồng ý treo bức hình Trái Tim Chúa Giê-su trong phòng khách như ý chồng
muốn. Sau đó, người vợ kể lại một số những sự kiện đã xảy ra vì bức hình. Một lần
kia, người bạn đến thăm cứ chăm chú nhìn vào bức hình và sau đó đã thú nhận rằng:
“Chúa Giê-su không nhìn vào anh, mà nhìn thông suốt qua anh.” Người bạn khác
cũng cảm nhận rằng: “Tôi luôn luôn cảm thấy một sự bình an trong nhà của chị.” Người vợ còn nhận ra một sự thật rất tốt đẹp,
là trong những câu chuyện của thân nhân và bạn bè khi họ đến thăm, không còn những
tiếng chửi thề và những lời nói hành nói xấu, chê bai, ganh ghét và chỉ trích
ai, mà là những câu chuyện rất lịch sự và thanh nhã hơn. Chị cảm nhận rằng bức tượng đã đưa đến những ấn
tượng thật tốt đẹp cho gia đình và kết luận nói rằng: “Tôi biết được điều này
là khi chúng ta mời Chúa Giê-su vào trong gia đình thì thay đổi không còn như
trước nữa.”
Ông bà
anh chị em thân mến. Tôi tin chắc đôi tân hôn trong bài bài Tin mừng hôm nay
hoàn toàn đồng ý với câu kết luận ở trên. Như chúng ta biết, tiệc tân hôn là một
bữa tiệc vui mừng trong phong tục của người Việt Nam chúng ta, và cũng rất quan
trọng đối với người Do thái thời Chúa Giê-su xưa. Để tổ chức bữa tiệc này, người
ta thường phải tính toán và chuẩn bị chu đáo, do đó việc hết rượi là một sự xấu
hổ cho gia đình và nhất là với đôi tân hôn.
Thật là một ơn sủng, họ đã mời Chúa Giê-su đến dự! Và chính trong lúc khó khăn, Chúa đã ra tay cứu
nguy với sự nhanh nhẹn của Mẹ Ngài là Đức Maria. Chúa đã cứu giúp họ trong lúc đối diện với một
hoàn cảnh khó khăn to lớn.
Ngoài ra
chúng ta còn nghe những câu chuyện khác trong Tin mừng đưa đến những sự thay đổi
tích cực và tốt đẹp vì có Chúa trong nhà, trong gia đình như câu chuyện Phê-rô mời Chúa đến nhà, và
Chúa đã chữa lành bệnh cho bà mẹ vợ. Câu
chuyện con gái của ông trưởng hội đường Gia-rê.
Ông đã thành tâm đi tìm và mời Chúa về nhà. Chúa đã đến và cứu chữa cho đứa con gái của
ông sống lại. Câu chuyện Chúa chữa cho người phong cùi vào một buổi chiều khi dự
tiệc trong nhà của một người trưởng Pha-ri-sêu.
Hay trong câu chuyện Chúa Giê-su thường đến nhà của ba chị em Mát-tha,
Maria và Lazarô. Và khi Lazarô chết,
Chúa đã làm cho ông sống lại. Đó là chưa
kể những câu chuyện thay đổi cuộc sống một cách tốt đẹp của những người khác
trong Tin mừng khi họ thành tâm mở rộng cửa đón Chúa vào trong tâm hồn.
Ông bà anh
chị em thân mến. Một điều thật chắc chắn là nếu chúng ta thật sự thành tâm muốn
mời Chúa vào nhà hay vào trong tâm hồn, thì điều đầu tiên chúng ta phải làm là
mở cửa. Chúa Giê-su hứa với chúng ta
trong sách Khải huyền rằng: “Này Ta đứng ngoài cửa, Ta gõ; nếu ai nghe tiếng Ta
mà mở cửa cho Ta, Ta sẽ vào nhà người ấy và dùng bữa tối với nó, và nó sẽ dùng
bữa với Ta.” (Kh. 3, 22-24). Chúa không
thể nào vào nhà chúng ta được nếu chúng ta không mời và mở cửa cho Chúa
vào. Chúa sẽ không xâm phạm vào khoảng
cách hay chỗ của chúng ta. Chúa muốn
chúng ta thành tâm mời Người vào, và thật sự Chúa không quan tâm nhiều đến bữa
tiệc, nhưng Chúa sẽ mang nhiều ơn lành đến cho những ai thật sự tin, yêu Ngài.
Và trong
bài Tin mừng hôm nay, chúng ta nghe những lời cuối cùng cuộc đời của Đức Maria,
người Mẹ hiền, luôn thương yêu, chăm sóc và cầu khẩn cho chúng ta, nhất là cho
các gia đình vợ chồng luôn yêu thương và hạnh phúc: “Hễ Người bảo gì, thì phải
làm theo.” Chúng ta tin tưởng Đức Maria
muốn chúng ta hãy nghe lời Chúa kêu mời hôm nay, là thành tâm mời Chúa đến và mở
cửa cho Chúa vào nhà, vào gia đình, vào sự liên hệ vợ chồng, để Chúa ban ơn
lành, giúp, cứu chữa những khó khăn và trở ngại, và biến đổi đời sống, xây dựng
lại yêu thương, hòa thuận và hạnh phúc.
Thiên Chúa
đã giải thoát dân Do thái thoát cảnh lưu đày nô lệ, vì họ nhìn nhận hoàn cảnh
hiện tại, và biết chỉ có quyền năng của Chúa mới có thể giải cứu họ, cho nên, họ
đã thành tâm nghe lời ngôn sứ. Họ đã vui
mừng sung sướng được trở về quê hương và xây dựng lại nhà cửa.
Trong Thánh lễ hôm nay, chúng ta cầu xin Chúa
giúp chúng ta biết lắng nghe lời chỉ bảo của Đức Maria. Chúng ta cũng tin rằng Chúa cũng sẽ thực hiện
một phép lạ to lớn: hóa bánh và rượu trở nên Mình và Máu Ngài. Xin Chúa đến và ngự vào tâm hồn, cho chúng ta
được đầy ơn sủng tình yêu của Chúa, và ban cho các gia đình sự trung thành, hòa
thuận, hạnh phúc, nhất là cho giáo xứ, gia đình đức tin, sự hiệp nhất vàđồng
tâm để xây dựng và làm sáng danh Chúa.
Lm. Quản Nhiệm

Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét