Ông bà anh chị em
thân mến. Hôm nay chúng ta hân hoan mừng lễ Chúa Hiển linh. Hiển linh theo tiếng Do thái có nghĩa là tỏ
ra, tiết lộ cho biết ý nghĩa về một mầu nhiệm hay bí mật gì. Như vậy, lễ Chúa Hiển Linh có nghĩa là Thiên
Chúa, qua sự nhập thể làm người của Ngôi Hai Thiên Chúa, mạc khải và tỏ mình ra
cho con người trần thế biết mầu nhiệm yêu thương cứu độ của Ngài.
Và mầu nhiệm yêu thương cứu độ của Thiên Chúa
được Tin mừng của thánh Mátthêu hôm nay diễn tả qua câu chuyện ba nhà đạo sĩ
Đông Phương được ngôi sao trên bầu trời dẫn lối chỉ đường, từ phương xa vượt
núi đồi, khó khăn, nguy hiểm, tìm đến nơi và thờ lạy Hài Nhi Giêsu nhỏ bé đang
nằm trong máng cỏ, có sự hiện diện của Đức Maria và thánh Giuse ở ngôi làng Belem
thật nghèo hèn. Chúng ta có thể hình
dung được trong những giây phút đầu tiên, có lẽ ba đạo sĩ thật ngạc nhiên và ngỡ ngàng với khung cảnh
khó tin trước mắt, không phải là nơi cung điện nguy nga, hay là một vị hoàng tử
cao sang, quyền quí, có người hầu cận và đủ mọi tiện nghi. Nhưng các ông đã không lầm lạc. Như các mục đồng chăn chiên, các ông nhận ra
và tin thật vì được Thiên Chúa mạc khải cho biết.
Lễ Hiển Linh cũng được gọi là lễ
Ánh Sáng. Chính Hài Nhi Giêsu đang nằm
trong máng cỏ là mầu nhiệm Ánh Sáng, mang hy vọng, tình yêu và bình an của
Thiên Chúa đến chiếu soi vào trần gian đang sống trong bóng tối và tội
lỗi. Thật vậy, Ánh
Sáng Thiên Chúa đã đến chiếu tỏ nơi trần gian như lời tiên tri Isaia đề cập tới
trong bài đọc 1 mà chúng ta vừa nghe, “Hãy đứng lên, hãy toả sáng ra, hỡi
Giêrusalem ! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy
trên mình ngươi.”
Một tu sĩ sống ẩn dật trong sa mạc Sahara để cầu nguyện cho
những người Trung đông biết hoán cải, cho biết rằng, vì sống trong sa mạc cho
nên ông khám phá ra vẻ đẹp của bầu trời ban đêm. Ông đã xin được một cuốn sách về thiên văn
học, và trong suốt những tháng sau đó, ông chăm chú nghiên cứu, học tên và vị
trí của những ngôi sao trên nền trời sa mạc. Quì trên cát ngước mắt nhìn lên
bầu trời, vị ẩn sĩ này cảm thấy bị thu hút bởi mầu sắc, vị trí, to nhỏ và những
tia sáng lập lòe của những ngôi sao. Ông
còn cảm nhận một sự mật thiết với những ngôi sao trên bầu trời. Vị tu sĩ này đã
tâm sự rằng ngoài vẻ đẹp lạ lùng và huyền diệu, các ngôi sao còn có một mục
đích thực tế cho những người sống ở sa mạc để tìm phương hướng về ban đêm. Ông
còn cho biết tìm ra một con đường, phương hướng vào buổi tối thì dễ hơn ban
ngày. Khi bị lạc, ông thường chờ đến tối
nhờ vị trí của những ngôi sao để tìm đường về.
Ông bà anh chị em thân mến.
Câu chuyện vị ẩn sĩ trên giúp chúng ta hiểu thêm và sâu xa ý nghĩa về
câu chuyện của các đạo sĩ trong bài Tin mừng hôm nay. Những sử gia cho chúng ta biết đạo sĩ là
những người sống gần hay trong sa mạc và là những người chiêm tinh gia. Như vị ẩn sĩ, các đạo sĩ này cũng nghiên cứu
về những ngôi sao trên trời. Họ biết rõ tên,
vị trí và hình dạng lớn nhỏ của các ngôi sao, và dùng các ngôi sao để tìm đường
đi khi bị lạc. Các sử gia còn cho biết
vào thời đó, có một sự bí ẩn, khó hiểu về tình trạng trông đợi, ngóng chờ sự xuất hiện của một vị lãnh đạo hay vua vĩ
đại. Và trong bối cảnh này, bài Tin mừng
cho chúng ta biết, các đạo sĩ nhận ra một ngôi sao lạ trên bầu trời, báo hiệu
một vị vua mới được sinh ra. Họ đã theo
ngôi sao lạ xuyên qua sa mạc đến thành Giê-ru-sa-lem và cuối cùng đến Be
lem. Bài Tin mừng còn cho chúng ta biết
thêm rằng trong khi các đạo sĩ tìm kiếm vị vua mới sinh ra để thờ lạy, thì
Hê-rô-đê lúc đó đang cai trị Ju-đê-a tìm cách giết vị vua này. Như vậy, hợp với
lời Chúa trong Tin mừng thánh Gioan, “Người đã đến nhà các gia nhân Người, và
các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người.” (Ga. 1,11) Và ám chỉ đến những người như các đạo sĩ, Tin
mừng thánh Gioan nói: “Nhưng phàm bao nhiêu kẻ tiếp nhận Người, thì Người cho
họ được quyền trở nên con cái Thiên Chúa.” (Ga. 1, 12)
Câu chuyện về các đạo sĩ trong Tin mừng của thánh Mátthêu là
một bức tranh tả trước cuộc đời của Chúa Giê-su, Đấng Cứu Thế của chúng
ta. Chúa Giê-su đã bị dân Người, những
người Do thái từ chối tượng trưng cho Hê-rô-đê, nhưng đã được các người ngoại
giáo tiếp nhận tượng trưng cho các đạo sĩ.
Như thế, ông bà anh chị em thân mến.
Ngôi sao trong Tin mừng của thánh Mát thêu hôm nay là biểu tượng của hy
vọng, không những cho dân Do thái mà còn cho dân ngoại. Ngôi sao trong câu chuyện các nhà đạo sĩ hôm
nay là biểu tượng của chính Chúa Giê-su, và cho chúng ta biết Thiên Chúa yêu
thương chúng ta vô ngần nên đã sai Con Một Chúa xuống trần gian u tối để cứu độ
chúng ta.
Ông bà anh chị em thân mến.
Câu chuyện các nhà đạo sĩ trong bài Tin mừng hôm nay cũng dạy chúng ta
một bài hộc thực tế trong đời sống Ki-tô hữu.
Như ngôi sao là gì và đã giúp gì cho các đạo sĩ trong bài Tin mừng và
cho vị ẩn sĩ trong câu truyện trên, là một biểu tượng cho sự hy vọng, tất cả
chúng ta, những Ki-tô hữu, cũng phải trở nên biểu tượng đó cho thế giới và xã
hội hôm nay. Chúng ta phải trở nên những
ngôi sao sáng chiếu vào trong bóng tối.
Ngày hôm nay, Chúa Giê-su sẽ không còn tìm ra hay tìm được ở Belem nữa,
nhưng trong tâm hồn và linh hồn của những tin và theo Chúa. Chúng ta phải là những ngôi sao sáng chỉ
đường và dẫn dắt người khác đến với Chúa Giê-su. Thánh Phao-lô đã dùng hình ảnh này để cổ võ
thúc đẩy những tín hữu vào thời đó, và ngài nói rằng “Giữa những kẻ ấy,” kẻ ấy
ở đây có nghĩa là những người sống trong bóng tối tội lỗi, “anh em hãy chiếu sáng
ra như những vì sao trong vũ trụ.” (Pl. 2,15)
Và chính Chúa Giê-su cũng đã dùng những hình ảnh này trong Phúc Thật Tám
Mối, nói với những môn đệ của Người “Các con là ánh sáng thế gian. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giải ra
trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha
các con trên trời.” (Mt. 5,14,16)
Thật vậy, ông bà anh chị em thân mến, chúng ta đang sống
trong thế giới và xã hội và trong một kỷ nguyên văn minh với những kỹ thuật tối
tân, với những phát minh vượt mức, và với đời sống giàu có về vật chất, nhưng
phải nói rằng con người nhân loại chúng ta còn đang sống trong cảnh tối tăm của
thù hận, tranh chấp, chia rẽ, gian dối và tội lỗi. Tiện nghi, kỹ thuật tối tân,
tự do, tiền bạc giầu có dần dần đưa con người đến bóng tối tội lỗi và lầm lạc.
Nhiều nơi, nhân phẩm và quyền căn bản con người bị chà đạp và khước từ. Chúng
ta thấy sự công bằng với Chúa, với cộng đoàn giáo xứ, và với những người chung
quanh càng ngày càng mất đi. Những sự
ngay thẳng, thành thật, quảng đại và bác ái cũng dần dần giảm đi trong cuộc
sống, kể cả trong cuộc sống của những người Ki-tô hữu. Hơn thế nữa lương tri
con người ngày nay cũng dần dần bị tê liệt hay mù lòa trước những hành động ác
tâm, bất công, tội lỗi và sự dữ. Chúng ta thật sự còn đang sống trong bóng tối
tội lỗi. Vì vậy cho nên, tất cả chúng
ta, những người tin và theo Chúa, phải trở nên ánh sáng của Chúa Ki-tô cho thế
giới và xã hội hôm nay.
Ngày lễ Hiển Linh hôm nay mời gọi chúng ta hãy kiểm điểm lại
đời sống Ki-tô hữu của chúng ta. Chúng
ta còn là những ngôi sao, ánh đèn sáng hay là những ngôi sao đã tắt, hay những
ngọn đèn không còn ánh sáng? Đời sống
của chúng ta còn có những tia sáng chiếu soi vào thế giới, xã hội, cộng đoàn và
gia đình, và chỉ và dẫn đưa người khác đến với Chúa Giê-su không? Đời sống của chúng ta có còn những hành động
để người khác nhìn thấy mà ngợi khen Chúa hay làm sáng danh Chúa không?
Nhưng thưa ông bà anh chị em, trước khi trở thành ánh sáng
cho người khác chúng ta phải có ánh sáng. Nếu chúng ta không có, đã hết hay
sống trong bóng tối, thì làm sao chúng ta có thể chiếu soi cho người khác được,
nhất là cho con cái, cháu chắt trong gia đình.
Cũng như trong Tin mừng, Chúa nói rằng: “người mù dẫn người mù thì sẽ bị
rơi xuống hố. Anh chị em phải là người có ánh sáng.” Và muốn là một cái đèn có ánh sáng chúng ta
phải đổ thêm dầu vào, hay muốn là một ngôi sao sáng, chúng ta phải được tiếp
nối với lời Chúa và giáo huấn của giáo hội, hay nói một cách khác, chúng ta
phải sống lời Chúa và giáo huấn của giáo hội, làm những việc tốt lành, có lòng
quảng đại, bác ái và có đời sống ngay thẳng, hy sinh phục vụ, và nhất là luôn
trung thành với đức tin. Chúng ta nhận biết sống lời Chúa hôm nay có nhiều khó
khăn thử thách, nhưng chúng ta luôn tin tưởng có ánh sáng của Chúa soi dẫn như
những đạo sĩ, giúp chúng ta can đảm và có sức mạnh.
Trong ngày mừng lễ Chúa Hiển Linh hôm nay, chúng ta cầu xin
Ánh Sáng Lời Chúa Ki-tô chiếu soi vào trong đời sống của mỗi người chúng ta, để
chúng ta trở thành ánh sáng của Chúa, làm sáng danh Chúa, chỉ lối và dẫn đưa
người khác đến với, và tin nhận Chúa.
Lm.
Quản Nhiệm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét