Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013

Sống Tuần Thánh Theo Chúa Giê-su là Phải Học Biết Ra-Khỏi Cái Tôi Của Mình …

 Giáo Huấn của ĐTC Phanxicô, bài 18
Quý vị đọc giả thân mến! 
Thế là sau hơn một tháng không có Yết Kiến Chung, sáng nay, thứ Tư, ngày 27-3, Đức Tân Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã Yết Kiến Chung với hơn 30 ngàn tín hữu và khách hành hương có mặt tại Quảng trường thánh Phê-rô. ĐTC Phan-xi-cô cũng cho biết là ngài đã tiếp nhận từ tay Đức Benedict XVI “Loạt Bài Giáo Lý về Năm Đức Tin”, và ngài sẽ tiếp tục loạt bài ấy vào tuần tới, sau lễ Vượt Qua. Trong bài diễn từ sáng nay, ĐTC đã dừng lại các điểm giáo lý về TUẦN THÁNH. Một vài câu hỏi chủ đạo đã được nêu lên để giúp triển khai chủ đề này: Tuần Thánh muốn nói điều gì với chúng ta? “Chúa Giê-su đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi”, thế thì “vì tôi” có nghĩa là gì? Muốn sống bước theo Chúa Ki-tô trong suốt Tuần Thánh, đâu là việc tôi nên làm?
Dưới đây là toàn bộ diễn từ của ĐTC Phan-xi-cô nói trước các tín hữu trong buổi Yết Kiến Chung sáng nay, ngày 27-3, nhằm thứ Tư Tuần Thánh.

Kính chào anh chị em!
Hôm nay tôi rất hân hạnh đón mừng anh chị em đến với buổi Yết Kiến Chung đầu tiên của tôi. Với lòng tri ân và quý mến, tôi đã nhận lấy “chứng từ” (“loạt bài Giáo Lý về Năm Đức Tin”, nd) từ chính tay vị Tiền Nhiệm yêu dấu của tôi, là Đức Benedict XVI. Sau Lễ Vượt Qua, chúng tôi sẽ tiếp tục loạt bài Giáo Lý về Năm Đức Tin. Thế nên, sáng nay, tôi muốn dừng lại một chút về chủ đề Tuần Thánh.
Bằng việc cử hành Chúa Nhật Lễ Lá, chúng ta đã khởi đầu Tuần Thánh này. Tuần Thánh chính là trung tâm điểm của toàn thể Năm Phụng Vụ, là thời gian mà chúng ta đồng hành cùng Chúa Giê-su trong cuộc Thương Khó, Tử Nạn và Phục Sinh.
Nhưng Tuần Thánh muốn nói điều gì với chúng ta? Đâu là ý nghĩa của việc bước theo Giê-su trong cuộc hành trình lên Đồi Can-vê, ngang qua Thập Giá và Phục Sinh? Trong sứ mạng của mình trên trần gian, Chúa Giê-su đã đi qua khắp các nẻo đường của vùng Đất Thánh. Ngài đã gọi 12 con người đơn sơ để họ cùng ở lại với Ngài, để họ cùng sẻ chia với Ngài trong cuộc hành trình, và để họ tiếp tục sứ mạng của Ngài. Ngài đã chọn họ giữa những người đầy lòng tin vào lời Thiên Chúa hứa.
Chúa Giê-su đã chuyện trò với hết thẩy mọi người mà không có sự phân biệt đối xử: Ngài nói với cả người cao quý lẫn kẻ khiêm nhường; Ngài nói với cả anh thanh niên giàu có lẫn bà góa phụ nghèo túng; Ngài nói với người khỏe mạnh, cũng như người đau yếu; Ngài đã mang đến cho mọi người lòng thương xót và món quà Thiên Chúa. Ngài đã chữa lành, ủi an, ôm ấp hết thẩy mọi người. Ngài đã ban cho hết thẩy chúng ta niềm hy-vọng. Ngài đã mang đến cho mọi người sự hiện diện của Thiên Chúa, một sự hiện diện làm nức lòng mọi người nam cũng như nữ: sự hiện diện của Thiên Chúa như người cha nhân từ, và như người mẹ dịu hiền chăm nom từng người một trong đàn con cái.
Thiên Chúa không hề chờ đợi chúng ta tìm đến Ngài, mà là Chính Ngài đã tự động đến với chúng ta trước mà không tính toán, và chẳng hề do dự. Ấy là Thiên Chúa: Chính Ngài là Đấng luôn đi bước trước, Đấng luôn chuyển động hướng đến chúng ta. Chúa Giê-su đã sống các thực tại hằng ngày của những người dân bình thường nhất: Ngài đã động lòng thương trước một đám dân giống như một đàn chiên không người chăn dắt; Ngài đã khóc trước nỗi thống khổ của hai chị em Mát-ta và Ma-ri-a, vì em của họ là La-da-rô vừa mất; Ngài đã gọi anh thu thế làm môn đệ của mình; và Ngài cũng đã gánh chịu sự phản bội của một người bạn. Chính nơi Đức Giê-su, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự đoan chắc này: Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Thiên Chúa ở giữa chúng ta. Đức Giê-su nói về chính Ngài “con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 20,8). Chúa Giê-su không có nhà cửa, vì nhà của Ngài chính là dân chúng, là chính chúng ta đây. Sứ mạng của Ngài là mở cửa Thiên Chúa cho hết thẩy chúng ta, là trở thành sự hiện diện của tình yêu Thiên Chúa.
Trong Tuần Thánh, chúng ta sống đỉnh điểm của cuộc hành trình này, của kế hoạch yêu thương này, một kế hoạch đã chạy dọc suốt chiều dài lịch sử tương quan giữa Thiên Chúa và nhân loại. Chúa Giê-su tiến vào Giê-ru-sa-lem để thực thi chặng cuối của cuộc hành trình này, và trong chặng cuối ấy nó gồm tóm hết mọi hiện hữu của Ngài, đó là tự trao hiến hoàn toàn, mà không giữ lại gì cho mình, thậm chí mạng sống mình Ngài cũng hiến ban.
Trong Bữa Tối Cuối Cùng, cùng với các môn đệ, Chúa Giê-su đã chia bánh và trao chén “vì chúng ta”. Con Thiên Chúa được trao cho chúng ta. Mình vào Máu của Ngài được trao đến tận tay chúng ta, để Ngài luôn ở cùng chúng ta, để Ngài luôn ở giữa chúng ta. Và trong Vườn Dầu, cũng như trong phiên tòa trước Phi-la-tô, Ngài chẳng hề kháng cự, tự trao hiến; Chúa Giê-su là vị Tôi Trung đau khổ mà ngôn sứ I-sai-a đã tiên báo, vị Tôi Trung lột trần chính mình cho đến khi chịu chết! (x. Isaia 53,12).
Chúa Giê-su không hề sống thứ tình yêu dẫn đến một sự hiến mạng theo cách thụ động hoặc dẫn đến cái chết như một định mệnh. Chắc chắn Ngài đã không che dấu con người sợ hãi thẩm sâu trước cái chết bạo tàn, nhưng Ngài đã phó thác với lòng tin tưởng tuyệt đối vào Chúa Cha. Chúa Giê-su đã tự nguyện giao nộp mình cho sự chết để ứng đáp lại tình yêu của Chúa Cha, trong sự hiệp thông trọn vẹn với thánh ý của Cha, tất cả chỉ để biểu lộ tình yêu của Ngài dành cho chúng ta. Trên Thập Giá, Chúa Giê-su “là Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Ga-lát 2,20). Thế nên mỗi người chúng ta có thể nói: “Chúa Giê-su đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi”. Mỗi người chúng ta có thể nói tất cả điều này là “vì tôi”.  
“Tất cả những điều này là vì tôi”, có nghĩa là gì? Thưa, nó có nghĩa rằng đây cũng chính là con đường của bạn, của tôi, và của chúng ta. Sống Tuần Thánh bước theo Chúa Giê-su không chỉ đơn thuần bằng cảm xúc của tâm hồn. Như tôi đã nói trong Chúa Nhật vừa qua, sống Tuần Thánh bước theo Chúa Giê-su muốn nói đến việc học ra khỏi chính cái tôi của mình, để bước vào cuộc gặp gỡ với những người khác, để bước ra vùng ngoại viên của cuộc đời, để chúng ta tự đẩy mình tiên phong đến với những người anh chị em của chúng ta, trước cả là những người xa xôi nhất, những người bị lãng quên, những người đang cần nhất sự thấu hiểu, niềm ủi an cũng như sự giúp đỡ. Có rất nhiều nhu cầu cần mang đến sự hiện diện sống động của Chúa Giê-su từ bị và giàu lòng yêu thương!
Sống Tuần Thánh là đi vào trong luận lý (lô-gíc) của Thiên Chúa, lô-gíc của Thập Giá, nhưng trên hết không phải là lô-gíc của đau khổ và thập giá nhưng là lô-gíc của tình yêu và lô-gíc của món quà là chính bản thân mình, một món quà trao ban sự sống. Nói cách khác, đó là đi vào trong lô-gíc của Tin Mừng. Bước theo Chúa, đồng hành với Đức Ki-tô và ở lại với Ngài đòi hỏi một sự “đi ra”: ra khỏi. Ra khỏi chính mình, ra khỏi lối sống đức tin mệt mỏi và nhàm chán, ra khỏi cám dỗ khép mình lại trong khuôn khổ của chính mình và rốt cuộc là khép kín với chiều kích hoạt động đầy sáng tạo của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã đi ra khỏi chính mình để đến với và ở giữa chúng ta, Ngài đã cắm lều ở giữa chúng ta để mang chúng ta đến với lòng thương xót của Thiên Chúa vốn cứu độ và trao ban cho chúng ta niềm hy vọng. Cả chúng ta nữa, nếu chúng ta muốn theo Ngài và ở lại với Ngài, chúng ta không được hài lòng với việc ở lại trong chuồng của 99 con chiên, mà chúng ta cần phải “đi ra”, để cùng với Ngài tìm kiếm con chiên lạc, con chiên ở xa nhất. Anh chị em hãy nhớ rằng, hãy ra khỏi mình, như Đức Giê-su, như Thiên Chúa đã đi ra khỏi mình nơi Đức Giê-su, và Đức Giê-su đã ra khỏi mình vì chúng ta. 
Một vài người có thể nói với tôi: “Nhưng thưa cha, con không có thời gian”, “con còn nhiều điều để làm”, “thật là khó khăn”, “con có thể làm được gì với sức mọn hèn của con”, cả với tội của con và biết bao nhiêu điều? Chúng ta thường hài lòng với vài kinh nguyện, tham dự thánh lễ Chúa Nhật lơ đãng và không thường xuyên, vài cử chỉ bác ái,  nhưng không có can đảm để “ra khỏi” mình để mang lấy Chúa Ki-tô. Chúng ta phần nào giống như thánh Phê-rô. Vừa khi Chúa Giê-su nói về cuộc khổ nạn, về cái chết và sống lại, về sự tự hiến mình, về tình yêu dành cho mọi người, Thánh Tông đồ kéo Đức Giê-su ra một nơi và trách cứ Ngài. Điều mà Đức Giê-su nói làm đảo lộn kế hoạch của ông nên dường như không thể chấp nhận được. Điều ngài nói gây khó khăn cho những điều chắc chắn mà ông đã xây đắp, ý niệm của ông về Đấng Mê-si-a. Và Chúa Giê-su nhìn các môn đệ và nói với Phê-rô bằng một lời nghiêm khắc nhất trong Tin Mừng: “Hỡi Satan, hãy lui ra đằng sau Ta! vì con không suy nghĩ theo Thiên Chúa, nhưng theo người phàm” (Mt 8,33), Thiên Chúa luôn suy nghĩ với lòng thương xót: Ngài là Cha đầy lòng thương xót!
Thiên Chúa suy nghĩ như người Cha chờ đợi con trở về và khi đi ra vừa gặp đứa con trở về, ông nhận ra nó khi nó còn ở đàng xa. Điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa là mỗi ngày người cha đều đi xem người con có trở về nhà hay không. Đây chính là Thiên Chúa đầy lòng thương xót của chúng ta. Đó là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa chờ con mỗi ngày từ trên sân thượng của nhà Người; Thiên Chúa suy nghĩ như người Samaritano không chỉ đến gần người bị nạn, cảm thương anh, hoặc bỏ đi sang phía khác, nhưng cứu giúp người ấy mà không mong nhận lại gì, không hỏi xem đó là người Do thái hay dân ngoại, là người Samaritano, người giàu có hay người nghèo: Không hỏi gì cả. Không yêu cầu gì cả. Ông cứu giúp ngay: Thiên Chúa là vậy đó. Thiên Chúa suy nghĩ như người mục tử hiến mạng sống mình để bảo vệ và cứu đoàn chiên”. 
Tuần thánh là một thời điểm ân phúc mà Chúa ban cho chúng ta để mở cửa tâm hồn của chúng ta, mở cửa cuộc sống, mở cửa các giáo xứ, các phong trào, hội đoàn của chúng ta – mà đáng tiếc thay khi có biết bao nhiêu nhà thờ đóng kín. Nơi các giáo xứ, các phong trào và hội đoàn, chúng ta được mời gọi để ra đi để gặp gỡ người khác, đến bên cạnh họ để mang ánh sáng và niềm vui đức tin của chúng ta. Phải “đi ra” luôn luôn! Chúng ta hãy làm điều này với tình yêu thương và sự dịu hiền của Thiên Chúa, trong niềm tôn trọng và kiên nhẫn, biết rằng chúng ta đặt tay, chân, con tim chúng ta, nhưng chính Thiên Chúa hướng dẫn chúng và làm cho mỗi hoạt động của chúng ta được phong phú.
Tôi cầu chúc tất cả anh chị em sống trọn những ngày này bước theo Chúa với lòng can đảm, mang trong mình tia sáng tình thương Chúa cho bao người mà ta gặp gỡ.
Từ RadioVaticana, ngày 27-3-2013
Thái Hiệp và Minh Triệu chuyển ngữ và giới thiệu

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....