Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Giáo Hội là Cộng Đoàn do Chính Thiên Chúa Quy Tụ và Dẫn Dắt

Giáo Huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô
Sáng nay thứ Tư, ngày 29-5-2013, trời Rô-ma bỗng dưng đổ mưa to ngay trước giờ Tiếp Kiến Chung của ĐTC Phan-xi-cô với đoàn người hơn 90 ngàn người đang đứng dưới Quảng trường Thánh Phê-rô. Dầu trời mưa nhưng ĐTC Phan-xi-cô không ngần ngại đội mưa đầu trần để chào thăm các tín hữu đang nồng nhiệt chào đón ngài. Thật là một cảnh tượng gây xúc động của tình người mục tử với đàn chiên.
Trong phần diễn từ của mình, ĐTC Phan-xi-cô tiếp tục loạt bài Giáo lý về Năm Đức Tin, kỳ thứ 26, với chủ đề “Giáo Hội là Cộng Đoàn do Chính Thiên Chúa Quy Tụ và Dẫn Dắt”. Ngay từ lời giới thiệu ĐTC đã nói rõ là những điểm giáo lý về chủ đề này đã được trình bày rõ trong các văn kiện của Công Đồng Chung Vatican II, và ngài muốn trình bày lại một vài điểm chốt, ngang qua các câu hỏi: “Giáo Hội là gia đình của Thiên Chúa”, phải được hiểu như thế nào? Đâu là kế hoạch của Thiên Chúa? Giáo Hội được hạ sinh ở đâu? Và Giáo Hội hiển lộ mình khi nào? Và sau cùng là một vài câu hỏi phản tỉnh: mỗi người chúng ta hãy tự vấn mình xem tôi đã yêu mến Giáo Hội được bao nhiêu? Tôi có cầu nguyện cho Giáo Hội chưa? Tôi có cảm thấy mình là phần tử trong gia đình Giáo Hội chưa? Tôi đã làm gì để cho Giáo Hội là một cộng đoàn mà nơi đó mỗi người được chào đón và cảm được mình thuộc về, cảm được lòng xót thương của Thiên Chúa, và cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu làm canh tân cuộc sống?
Dưới đây là phiên bản Việt-ngữ toàn bộ bài huấn từ của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi Tiếp Kiến Chung sáng thứ Tư, ngày 29-5-2013, trước hơn 90 ngàn tín hữu và du khách hành hương tại Quảng trường Thánh Phê-rô.
PHẦN A: 

PHẦN B: 
Anh chị em thân mến! “Buon giorno” (Chào buổi Sáng!)
Thứ Tư vừa rồi tôi đã làm nổi bật mối gắn kết sâu xa giữa Chúa Thánh Thần và Giáo Hội. Sáng nay tôi muốn bắt đầu một vài điểm giáo lý nói về mầu nhiệm Giáo Hội, một mầu nhiệm mà hết thẩy chúng ta đang sống, và trong Giáo Hội chúng ta là phần tử. Và tôi cũng muốn trình bày những điểm giáo lý này bằng nhiều cách đã được biểu đạt rõ trong các bản văn của Công Đồng Chung Vatican II.
Điểm thứ nhất: Giáo Hội như là gia đình của Thiên Chúa
Trong những tháng này, đã hơn một lần tôi nói về dụ ngôn người con hoang đàn, hoặc tốt hơn chúng ta gọi nó là “dụ ngôn người cha nhân hậu” (x. Lc 15,11-32). Dụ ngôn này nói về việc người con thứ đã bỏ nhà cha mà ra đi hoang, phung phú hết tài sản thừa kế và quyết định trở về, bởi lẽ anh đã nhận ra mình đã làm sai, tuy nhiên anh ta tự thấy mình không còn xứng đáng là con nữa, và nghĩ mình chỉ đáng được nhận như một đứa ở mà thôi. Người cha thì ngược lại, ngài đón nhận đứa con, ngài ôm chầm lấy nó! Người cha đã phục hưng phẩm giá của đứa con và cho mở tiệc ăn mừng vì anh ta đã hối cải trở về. Dụ ngôn này, cũng như nhiều dụ ngôn khác nữa trong Tin Mừng, chỉ rõ cho chúng ta kế hoạch của Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Đâu là kế hoạch của Thiên Chúa?
Thưa, đó là Thiên Chúa muốn làm cho mọi người trở thành con cái trong một gia đình duy nhất của Ngài, và trong gia đình ấy mỗi người cảm nhận được Ngài gần gũi, cảm nhận được Ngài yêu thương, y như trong dụ ngôn Phúc Âm, mỗi người cảm được sức nồng ấm khi được làm thành viên trong gia đình của Thiên Chúa. Trong kế hoạch vĩ đại ấy, căn rễ của Giáo Hội được tìm thấy, nghĩa là Giáo Hội không phải là một tổ chức được đẻ ra bởi một sự đồng tình của vài con người, nhưng, nói như ĐGH Benedict XVI, Giáo Hội chính là công trình của Thiên Chúa. Giáo Hội được hạ sinh chính bởi kế hoạch yêu thương, một kế hoạch được thực hiện từ từ (tiệm tiến), dọc suốt dòng lịch sử. Giáo Hội được sinh ra bởi ý muốn của Thiên Chúa, để mời gọi hết thẩy mọi người đến thông hiệp với Ngài, đến để làm bạn hữu với Ngài, quan trọng hơn cả là hãy đến để thông dự sự sống thần thiêng của Ngài như con cái.
Cặp từ “Giáo Hội” được biểu thị là “ekklesia”, trong tiếng Hy-lạp, nó có nghĩa là “triệu tập” (“convocazione”): Thiên Chúa triệu tập chúng ta, Ngài thôi thúc chúng ta hãy thoát ra khỏi chủ nghĩa cá nhân, hãy thoát ra khỏi ý hướng muốn con cụm, muốn khép kín trong cái tôi của mình, và Ngài chào mời chúng ta hãy đến mà làm thành viên của gia đình Ngài. Và lời triệu tập này có gốc rễ trong chính công trình tạo dựng. Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta để chúng ta sống trong tình bạn hữu sâu xa với Ngài, và cũng ngay khi tội lỗi phá vỡ tương quan bạn hữu giữa ta với Ngài, giữa ta với người khác, thì Thiên Chúa chẳng hề bỏ mặc chúng ta. Toàn thể dòng lịch sử cứu độ là dòng lịch sử về việc Thiên Chúa tìm lại con người, ngài đã ban tặng cho con người tình yêu của Ngài, Ngài đã chào mời con người. Thiên Chúa đã mời gọi Áp-ra-ham để ông trở thành cha của vô số các dân tộc, Ngài đã chọn dân Ít-ra-en để siết chặt giao ước, một giao ước ôm trọn hết thẩy mọi dân nước, và khi thời gian tới hồi viên mãn Thiên Chúa đã gởi đến cho con người Người Con Yêu của Ngài, để mà kế hoạch yêu thương của Ngài, kế hoạch cứu độ của Ngài được thực hiện trong một giao ước mới và vĩnh cửu với toàn thể nhân loại. Khi chúng ta đọc các Tin Mừng, chúng ta thấy rằng Chúa Giê-su đã triệu tập quanh Ngài một cộng đoàn bé nhỏ, cộng đoàn gồm những người lắng nghe lời của Ngài, bước theo Ngài, cùng sẻ chia với Ngài cuộc hành trình, cộng đoàn ấy đã trở nên gia đình của Ngài, và với cộng đoàn ấy chính Chúa Giê-su chuẩn bị và thiết lập Giáo Hội của Ngài.
Giáo Hội được hạ sinh từ đâu?
Thưa, Giáo Hội được sinh ra bởi hành vi yêu thương cực điểm của Thập Giá, bởi cạnh nương long của Chúa Giê-su, nơi mà từ đó nước và máu chảy ra, ấy cũng là biểu trưng cho Bí tích Thánh Thể và Bí tích Rửa Tội. Vậy là trong gia đình Thiên Chúa, nghĩa là trong Giáo Hội, nhựa sống chính là tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu được cụ thể hóa qua việc yêu thương Ngài và yêu thương người khác, yêu thương tất cả mọi người mà chẳng hề phân biệt một ai, chẳng hề toan tính. Giáo Hội là gia đình Thiên Chúa, trong đó một người biết yêu và được yêu.
Và Giáo Hội hiển lộ mình khi nào?
Thưa, trong 2 Chúa Nhật vừa rồi, chúng ta đã cử hành Lễ Chúa Nhật Chúa Hiện Xuống và Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi. Qua hai Chúa Nhật này chúng ta biết rằng khi mà quà tặng là Chúa Thánh Thần đong đầy con tim của các Tông Đồ và thúc bách họ lên đường và bắt đầu hành trình truyền rao Tin Mừng, thì chúng lúc ấy tình yêu Thiên Chúa tỏa lan, nghĩa là Giáo Hội đang hiển lộ mình.
Ngày nay có người lại nói thế này, “Đức Ki-tô thì được, chứ Giáo Hội thì không!”.
Giống như có những người nói “tôi tin vào Chúa, chứ không tin vào mấy ông linh mục!”
Tuy nhiên, Giáo Hội lại là thực thể mang Đức Ki-tô đến cho chúng ta, và mang Thiên Chúa đến cho chúng ta; Giáo Hội là một gia đình vĩ đại của Thiên Chúa. Hẳn là nơi Giáo Hội hễ còn đó những khía cạnh con người; nơi những người đang sống trong Giáo Hội, là các Mục Tử và các tín hữu, họ vẫn còn những khuy khuyết, những bất toàn, tội lỗi,…
Và ngay cả Đức Giáo Hoàng cũng có những thiếu sót ấy, và còn có nhiều nữa là khác!
Tuy nhiên điều thật đẹp là khi chúng ta nhận ra mình là tội nhân, thì cũng chính là khi chúng ta tìm gặp lòng xót thương của Thiên Chúa chúng ta, Đấng luôn luôn thứ tha không hề dứt!
Có người nói rằng tội là một xúc phạm đến Thiên Chúa, nhưng lại là một cơ hội để khiêm hạ mà chân nhận rằng có một điều khác đẹp đẽ hơn, đó là lòng thương xót của Thiên Chúa.
Anh chị em hãy nghĩ về điều ấy!
Anh chị em đừng có quên điều tuyệt vời này, đó là Thiên Chúa luôn luôn thứ tha, Ngài luôn đón nhận chúng ta bước vào tình thương thứ tha và lòng xót thương.
Dầu ôm ấp những con người yếu đuối và bất toàn, thì Giáo Hội vẫn là Giáo Hội của Thiên Chúa. Giáo Hội làm nên một phần trong kế hoạch yêu thương vĩ đại của Thiên Chúa dành cho toàn thể nhân loại. Giáo Hội là công trình của Thiên Chúa!
Hôm nay chúng ta mỗi người hãy tự vấn mình xem tôi đã yêu mến Giáo Hội được bao nhiêu? Tôi có cầu nguyện cho Giáo Hội chưa? Tôi có cảm thấy mình là phần tử trong gia đình Giáo Hội chưa? Tôi đã làm gì để cho Giáo Hội là một cộng đoàn mà nơi đó mỗi người được chào đón và cảm được mình thuộc về, cảm được lòng xót thương của Thiên Chúa, và cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu làm canh tân cuộc sống? Đức tin mà một món quà và là một hành động, một hành động liên hệ đến chúng ta một cách cá vị, tuy nhiên Thiên Chúa kêu mời chúng ta sống đức tin của chúng ta cùng nhau, giống như một gia đình, giống như Giáo Hội đây.
Chúng ta nài xin Thiên Chúa đặc biệt là trong Năm Đức Tin này, để cộng đoàn chúng ta đây, toàn thể Giáo Hội đây, ngày thêm sống đúng hơn nữa ý nghĩa gia đình gồm những người sống và mang đến sự ấm áp của Thiên Chúa.
Xin cám ơn anh chị em
Thái Hiệp chuyển ngữ và giới thiệu

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....